Ngay vào đầu thế kỷ II, Kitô giáo đã tràn lan khắp vùng Tiểu Á, khiến từ miền Pontus và Bithynia, khâm sai đại thần Plinius-trẻ phải báo cáo về hoàng đế La-Mã Trajanus, rằng tại đấy có rất nhiều thầy tế đệ đơn kiện Kitô-phái (Kitô giáo) làm cho đền miếu họ vắng hoe và thịt cúng bán ế.
Một cách rất khách quan và chân thành, chúng tôi đã trình bày hết những điểm khó khăn và thuận lợi cho đối thoại. Bây giờ đến lúc xem phải dựa vào đâu để xích lại gần nhau đây.Quả thật vào thời ấy, KTG đã vững mạnh ở vùng này, để từ đó bành trướng về hướng Trung Đông và Bắc Phi; để rồi khi đức tin đã rất sâu, cũng chính tại các vùng này mà đời sống tu hành KTG xuất hiện và phát triển mạnh, như ở Syri và Sinai, như ở các hoang mạc Thébaide của Ai Cập và vùng núi Athos của Hi Lạp. Thế nhưng vào thế kỷ VII, từ bán đảo Ả Rập Hồi giáo đã ra đời, và hầu hết những vùng nói trên lần lượt rơi vào tay các đoàn quân đạo Hồi và bị Hồi hóa gần hết.
Kitô giáo-Hồi giáo, sự đối đầu trực diện giữa hai bên rồi sẽ diễn ra kể từ thế kỷ XI khi đế quốc (Hồi) Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman mở rộng bờ cõi về phía Châu Âu và Tây Á, nhất là khi thành thánh Giêrusalem rơi vào tay họ. Để chiếm lại Giêrusalem, các cuộc thập tự chinh của Tây Âu kéo dài suốt hai trăm năm, từ 1096 đến 1291. Sau đó, để bảo vệ phần đất còn lại của Châu Âu khỏi rơi vào tay đế quốc Ottoman hùng mạnh, thánh Giáo chủ Piô V dòng Đa Minh, phần thì kêu gọi đoàn kết kháng chiến, phần ra lệnh cho giáo hữu sốt sắng lần hạt Mân côi, để rồi chiến thắng Lepanta năm 1571 đã khiến lễ Rôsariô mùng bảy tháng mười hằng năm được thiết lập.
Gần đây, ác cảm đối với Hồi giáo được khơi lại khi một người Thổ bắn trọng thương Đức cố Giáo chủ Gioan-Phaolô II, nhất là từ mấy năm nay khi phong trào khủng bố Hồi giáo diễn ra khắp nơi, nhắm trước hết vào các nước Âu Mỹ được họ coi là quốc gia Kitô giáo, dù từ lâu chính quyền các nước này đã thế tục hóa hết rồi. Quả thật trong tâm trí người Kitô hữu bình thường, Hồi giáo luôn là kẻ địch đáng sợ, trong khi trước mắt khối Hồi giáo, KTG lại thành đáng ghét vì được đồng hóa với các đế quốc Âu Mỹ từ mấy trăm năm nay đè đầu cỡi cổ họ.
Với một quá khứ lịch sử như thế và thái độ thù nghịch đến vậy, làm sao để đối thoại đây, và liệu có cơ sở gì dựa vào để đối thoại hay không?
Thật ra, từ sau Vatican II, Công giáo đã mở cửa với thế giới, và cố xích gần lại các tôn giáo khác nay được coi là tôn giáo bạn thay vì bị gồm trong tiếng Dân ngoại lạnh lùng. Riêng với Hồi giáo, Đức cố Gioan-Phaolô II đã có nhiều cố gắng. Hồi giáo không những có mặt trong cuộc họp liên tôn Assisi 1986 để cùng các tôn giáo khác nguyện cầu cho hòa bình thế giới, mà còn được mời liên minh tại hội nghị Cairô Liên hiệp quốc năm 1994 để bảo vệ sự sống và gia đình. Có điều như vậy mới chỉ là “hợp tác làm ăn” trong những vấn đề luân lý-xã hội mà cả hai bên cùng quan tâm, chứ chưa phải đối thoại trên căn bản tôn giáo thực sự. Đối thoại bề sâu và đối thoại đúng tôn giáo phải diễn ra trên mặt phẳng niềm tin và sống đạo cơ. Vậy thử tìm xem trong những lãnh vực đó, hai bên có gì giống nhau để làm cơ sở cho sự trao đổi hay không. Để được thế, cần phải đi sâu vào Hồi giáo.
Thật ra, Hồi giáo còn quá xa lạ đối với giáo hữu Việt Nam, dù trong nước ta có nhiều chục ngàn anh em đạo Hồi nơi người Chăm Châu Đốc và mấy đền thờ Hồi ở thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta càng cần tìm hiểu Hồi giáo hơn nữa, khi mà Hồi giáo đang nổi lên như một sức mạnh lớn đe dọa thế giới và xem ra cái bóng Hồi giáo có thể trùm lên thế kỷ này. Mà để hiểu Hồi giáo, thì trước hết phải hiểu hoàn cảnh phát sinh đạo Hồi, cũng là tìm hiểu con người và hành động của giáo tổ Muhammad mà Hồi hữu tôn kính gần như Đức Kitô đối với chúng ta.
Con người và cuộc đời của Tiên tri Muhammad[1]
Theo học giả M. Rodinson, thì Hồi giáo “phái sinh (dérive) về mặt lịch sử từ tôn giáo cổ thời của dân Israen…, như được trình bày trong bộ kinh thư được thần thánh hóa cao độ nhất, gọi là Cựu Ước”[2]. Hồi giáo do một người Ả Rập sáng lập, Ngài Muhammad ibn (tức con của) Abdallâh (570-632), với Abdallâh thuộc thị tộc Hâshim, một nhánh của bộ lạc Qoraysh khi ấy làm chủ thành phố Mekka nay thuộc Ả Rập Xê út. Tại Mekka nói trên có một ngôi đền thờ đủ mọi thần, đền Ka’ba, nay đã trở nên đền thờ trung tâm của Hồi giáo thế giới, giống như đền Giêrusalem đối với Do Thái giáo vậy.
Muhammad xuất thân hàn vi. Chẳng những cậu nhà nghèo, mà còn mồ cối cả cha lẫn mẹ. Vì thế, cậu vừa phải dựa vào họ hàng, vừa phải đi làm thuê kiếm sống. Đến tuổi trưởng thành, Muhammad may mắn cưới được chính bà chủ của mình làm vợ. Thế nhưng dù giàu sang, chàng trai vẫn bị người xung quanh khinh rẻ. Thông minh, lắm tài, nhiều tham vọng, thế mà lại bị đời đối xử như thế, nên Muhammad bất mãn và tinh thần cách mạng hẳn nhen nhúm trong anh.
Hoàn cảnh dẫn lối khi mà giữa vùng tín ngưỡng đa thần ấy có những người Do Thái giáo, Ki Tô giáo và Ba Tư giáo cư trú. Đám người này theo những thứ tôn giáo phổ cập, không khép lại trong một bộ lạc hay dân tộc nào. Họ lại chủ trương độc thần (hay gần như độc thần: Ba Tư) nữa, và điều này rất hợp xu hướng chàng trai Muhammad. Anh bèn rời bỏ các thần của bộ lạc và đến tìm hiểu với người Do Thái về tôn giáo của họ. Có điều vốn liếng về Do Thái giáo (cả Ki Tô giáo nữa) mà anh thu thập được thì rất phức tạp, chính thống cũng có mà pha trộn cũng có, bác học cũng có mà bình dân (thuộc ngụy kinh, như Khải huyền thư Abraham) cũng có luôn.
Với lòng sùng đạo sẵn trong tim, bắt chước ẩn sỹ KTG, chàng trai nay đã thành ông ấy, thường lui tới một hang động gần đó để suy tư và cầu nguyện. Tại đây, ông cho rằng mình được thiên thần Gabrien tuyên sấm từ Đấng tạo thành trời đất. Sấm được tuyên rất nhiều lần, nhất là vào dịp những biến cố xảy đến cho ông suốt trong thời kỳ lập đạo. Sau này, khi đã có thư ký, thì nội dung sấm sẽ được ghi lại, với mỗi sấm ngôn thành một chương (surata), tất cả rồi sẽ được tập hợp trong bộ kinh Qu’rân (Koran) nổi tiếng.
Với những mạc khải ấy, Muhammad nay thành Tiên tri bắt đầu thuyết đạo cho người khác, dần dà tập họp được một nhóm gồm phần lớn những người trong thân tộc, những người bất mãn và những thanh niên hăng say, mà ông gọi là “Những kẻ buông mình theo Đấng Allâh”, hay Moslimoun. Moslimoun là số nhiều của Moslim, và đây là danh từ phát xuất từ động từ Islam, tức “Buông mình theo (ý muốn) Allâh”, được chính thức dùng trong Qu’rân 3.79[3]. Moslim hay Islam, đó là tên gọi chính thức của Hồi giáo vậy.
Còn Allâh?
Theo các học giả Phương Tây, tiếng Ả Rập Allâh (hay Ilâh) có nghĩa thần tính, thần linh nói chung, cũng là tên gọi vị thần cao nhất của tín ngưỡng đa thần vùng ấy. Tiên tri Muhammad đã dùng tiếng Allâh để chỉ vị Thần duy nhất[4], đấng tạo thành trời đất, đấng công minh và từ bi, đấng thưởng phạt hết thảy bằng hỏa ngục, thiên đường. Ông cũng tin vào chung thẩm và sự phục sinh luôn.
Ngoài bộ kinh nền tảng Qu’rân, Hồi giáo còn bộ kinh thứ hai, rất đồ sộ, sưu tầm các lời nói và cách ứng xử của Tiên tri Muhammad trong những tình huống khác nhau. Bộ kinh này có tên Hadith, tức “Lời thiên quốc”, với những thành phần được phái này nhận, mà phái kia lại không. Hadith quen được dịch là “Truyền thống Tiên tri”. Theo A.L. De Prémaré, thì hồi đầu có lẽ Qu’rân và Hadith trộn lẫn, để sau này vì người ta lọc riêng phần mạc khải chính thức để đọc, nên phần này được gọi bằng tên Qu’rân, có nghĩa là “Sự đọc”.[5]
Qu’rân là lời sấm được tuyên xướng thành thơ. Mạc khải này chống lại kẻ giàu sang hống hách, kẻ cường quyền bạo ngược, nhất là kẻ không tin theo vị Thần duy nhất Allâh và bất phục Tiên tri Muhammad của Ngài. Qu’rân cũng đề ra những luật lệ về luân lý và thờ tự, cũng như cách đối xử anh em trong nội bộ Hồi giáo. Một cách cụ thể, Qu’rân thiết định việc cầu nguyện đúng giờ, đúng cách, cùng với việc bố thí và tịnh trai.
Việc tuyên truyền cho một tôn giáo mới với một vị thần duy nhất, việc ấy gây nên lo lắng cho các lãnh tụ tôn giáo và chính trị trong bộ lạc. Theo M. Rodinson, thì để lấy lòng người đồng hương, Muhammad “dành cho mấy thần địa phương một chỗ đứng nào đó bên cạnh Đấng Allâh”, và việc này sau đó được gán cho “mưu chước của Satan”[6], và ông rút lại sự nhượng bộ ấy, khiến cho chống đối mạnh thêm, nhất là sau khi tù trưởng cũ vốn nưng đỡ ông bỗng dưng chết, mà ông cậu khác lên thay lại có ác cảm với ông. Cho nên ông và nhóm phải chạy đến ẩn thân ở Al-Madina (Madina, Madine), 350km về phía Tây Bắc của Mekka. Tại đây, có hai bộ lạc đa thần đang giao chiến với nhau. Nhờ tài khéo léo của mình và với sự trợ giúp của ba bộ lạc Do Thái trong xứ, Muhammad giảng hòa được đôi bên, nhờ đó thế đứng của ông trong vùng thành vững chắc.
*
Bắt đầu, nhóm Moslim chơi thân với người Do Thái vốn cùng chủ trương độc thần, do đó cũng hướng về Giêrusalem để cầu nguyện và trai tịnh vào ngày lễ Đền tội (Expiation) Do Thái giáo. Thế nhưng vì sau đó, người Do Thái tách ra khỏi Moslim và chỉ trích Muhammad bóp méo Luật Maisen (Thorah), nên Moslim cũng nghỉ chơi với họ liền. Kể từ đó, trong cầu nguyện họ không hướng về Giêrusalem nữa, mà hướng về Mekka; và thay vì tịnh trai lễ Đền tội, họ sẽ đổi sang tháng Ramadân để kỷ niệm ngày thắng trận đối với đạo quân Mekka năm 624.
Muhammad cũng kiến thiết lại Moslim trên nền tảng của một cái gốc, mà ông cho là có trước cả Do Thái giáo đương thời. Vâng, ông cho rằng Do Thái giáo đã giải thích sai và đi sai mạc khải tinh ròng lúc ban đầu, khiến kinh thánh của họ cũng viết sai luôn. Theo ông, thì người Ả Rập chính là dòng dõi Ismaen được Thiên Chúa chúc phúc (Sáng thế thư, 16.10-12), do đó cũng là con cháu Abraham. Lại cũng chính Abraham, được Thiên Chúa mạc khải (về Ngài), đã cùng với Ismaen xây nên đền thờ Ka’ba của Mekka để thờ Thiên Chúa duy nhất, mà sau này người ta đưa thêm các thần khác vào[7]. Cũng để chống lại Do Thái giáo, ông đề cao Đức Giêsu, dựa vào những dụ ngôn của Ngài mà chứng minh rằng Moslim chính là đám người được dụ ngôn ám chỉ sẽ đến thế chân các thợ vườn nho cũ, các khách mời ăn tiệc đã kiếu từ… Vâng, ông coi Giêsu là tiên tri và sứ giả lớn nhất, chỉ sau có Muhammad thôi.
Chẳng những là một thủ lãnh tôn giáo sáng suốt, ông còn là một chiến lược gia quân sự tài ba, một nhà chính trị mưu lược. Để trả thù những kẻ bách hại ông xưa ở Mekka, ông sai quân đi cướp các đoàn khách thương của họ, và khi Mekka kéo quân đến đánh lần thứ nhất, ông đã thắng trận lớn, còn lần thứ hai, thì ông khiến địch phải tự mình rút lui. Sau đó, ông dùng nhiều mánh lới ngoại giao và quân sự kết hợp, khiến cho Mekka bị cô lập hoàn toàn và phải giải hòa với ông. Để rồi khi ông khải hoàn tiến vào Mekka năm 630, sau gần mười năm ly hương, đã không còn một lực lượng nào cản ngăn nữa.
Moslim với KTG: điểm dị trong chính những điểm đồng
Tìm hiểu cuộc đời, hành động và suy nghĩ của Muhammad, ta thấy ông vừa gần lại với Do Thái giáo vừa xa đi với họ luôn. Còn với Chúa Giêsu, mà người Ả Rập gọi là ‘Isâ, thì xem ra ông rất có cảm tình.
Chẳng những ông chủ trương độc thần cùng với hai tôn giáo nói trên, ông còn nhìn nhận vai trò tiên tri và sứ giả của cả Maisen lẫn Giêsu, đồng thời gọi DTG và KTG là “Dân của Sách (Kinh Thánh)”. Lại trong Qu’rân, ông rất hay kể lại những câu truyện CƯ và mô phỏng một số luật lệ Maisen[8]. Theo Muhammad, từ Ađam đến Muhammad, tất cả có 6.124.000 tiên tri,mà tiên tri đặc biệt chỉ có Abraham, Maisen, Đavit, Giêsu, Muhammad. Lớn nhất và cuối hết, đó là Muhammad. Mạc khải Muhammad vừa lấy lại sự tinh ròng cho các mạc khải trước, vừa bổ túc lần chót cho những mạc khải này.
Riêng về Đức Giêsu, ông gọi Ngài là Lời, là Kitô, là Thần khí của Thiên Chúa (theo ông, Thần khí là của Thiên Chúa, nhưng Thần khí ấy ngự thường hằng trên tiên tri Giêsu). Giêsu ấy lại làm nhiều phép lạ, kể cả phép lạ đi trên nước và cho người chết sống lại. Ông cũng nhìn nhận Ngài sinh ra từ Trinh nữ Maria, và nói dài dòng về việc sinh Giêsu (luôn cả việc sinh Maria), nhưng ông dựa nhiều vào ngụy kinh hơn là Phúc âm chính thức, như khi kể việc Đức Maria đau đẻ mà bay lên cây[9].
Tuy coi Đức Giêsu là sứ giả lớn của Thiên Chúa, nhưng ông không nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa, với lý do Thiên Chúa chỉ có một; cũng không coi ngài là Con Thiên Chúa, với lý do Thiên Chúa không thể sinh con: vì thế cũng không có Ba Ngôi nốt[10].
Ông cũng phủ nhận Giêsu bị giết:
– “Chúng (người Do Thái) đã không giết Ngài (Giêsu), không đóng đinh Ngài, mà một người khác giống Ngài thế chỗ Ngài… Thật ra, chúng không giết được Ngài, mà Thiên Chúa đã mang Giêsu lên với Thiên Chúa…”(4.156)
Tại sao Muhammad lại không chấp nhận Đức Giêsu bị đóng đinh? Theo giải thích của ông, thì sống chết là do Thiên Chúa quyết định chứ không phải con người, thế mà Thiên Chúa lại khôn ngoan và toàn năng, luôn bảo vệ tiên tri của mình. Theo tôi, lý do sâu xa là ông cũng giống như mọi người hết thảy, kể cả những đồ đệ của Chúa xưa, tất cả đều không hiểu nổi cách cứu nhân độ thế bằng phương cách thụ động và xem như yếu đuối ấy. Cứ nhìn vào cách làm của ông thì thấy rõ. Thay vì bó tay chịu trói như Chúa, ông đã trốn đi rồi tập hợp quân đội để chiến đấu, dùng cả những mánh lới ngoại giao và chính trị để đạt tham vọng tôn giáo của mình.
Đối với Chúa, khi đồ đệ muốn xin lửa trời xuống thiêu rụi làng mạc kẻ không đón nhận mình, thì Chúa đã trách:”Anh em không biết anh em thuộc thần khí nào!” (Luc.9.55). Quả thật, con đường “Hầu, chứ không để được hầu”, cũng như chủ trương “Phúc cho kẻ nghèo,…kẻ bị bách hại” và làm “Hạt lúa thối” , tất cả đi ngược lại với cách suy nghĩ của trần gian. Ấy chỉ vì “Nước tôi không thuộc thế gian”. Do đó, chúng ta không nên trách Hồi giáo không hiểu Chúa. Chính Dân Chúa cũ là Israen cũng đã không hiểu như vậy rồi. Còn các tông đồ thì chỉ hiểu ra sau khi Thần khí giáng lâm.
Nếu tôi nhớ không lầm, cách đây mấy năm, trên nguyệt san CGDT từng đã có bạn lên tiếng bênh Hồi giáo, cho rằng chính kinh thánh KTG của chúng ta cũng có những chủ trương tàn bạo không kém, như được tiết lộ qua một số thánh vịnh. Đúng là lắm thánh vịnh có luận điệu dữ dằn như thế đấy. Có điều thánh vịnh thuộc Cựu Ước, kinh thánh chính thức của Do Thái giáo. Vì DTG là tôn giáo dọn đường cho KTG, nên chúng ta cũng nhận lấy kinh thánh DTG làm kinh thánh của mình, nhưng xếp vào hàng Cựu Ước, nghĩa là kinh thánh của Giao Ước cũ, nó thiết lập Dân Chúa cũ, tức dân Israen. Trong niềm tin KTG của chúng ta, Dân Chúa cũ không còn lý do tồn tại nữa, vì Đức Kitô đã đến thiết lập Dân mới, và Dân mới được quy tụ xung quanh Giao Ước mới, tức Tân Ước, với kinh thánh chính thức là bộ Tân Ước cơ. Kinh CƯ còn được chúng ta sử dụng một cách chọn lọc để giúp hiểu thêm về TƯ; vả chính CƯ cũng phải quy chiếu về TƯ để được hiểu cho đúng.
Chính vì tính cách dọn đường ấy, nên mạc khải CƯ rất khiếm khuyết, với tiến hóa lâu dài và chậm chạp. Như niềm tin bắt đầu chỉ hướng về thần của cha ông, tức thần của bộ lạc (giữa những thần khác), kế đó là thần lớn nhất[11], và sau cùng mới là thần duy nhất. Còn luân lý thì có gốc chính là luân lý tự nhiên[12], dù Thần khí Thiên Chúa đã tinh lọc cho cao thêm, với bác ái càng cao hơn nữa, nhưng bác ái ấy gần như chỉ hạn chế giữa những người thân cận (plêsion), tức người anh em trong đạo thôi.
Vào thời tông đồ, chúng ta chưa hiểu được ranh giới CƯ-TƯ như thế đâu. Bằt đầu, các tông đố và tín hữu còn đến đền Giêrusalem vào ngày sabbath và dành riêng ngày hôm sau họp nhau khánh niệm Chúa phục sinh, sau này gọi là Ngày của Chúa, Dies dominica, Dimanche, Chủ nhật. Còn luật lệ tôn giáo Do Thái, kể cả việc Cắt bì để gia nhập Do Thái giáo cũng vẫn giữ, dù đã có Phép Rửa (Dìm) riêng rồi. Việc truyền giáo cho người ngoài Do Thái giáo rồi sẽ gặp ngăn trở do những thứ luật lệ nhiêu khê ấy, khiến sự tranh chấp diễn ra giữa phe duy trì luật DTG của Giacobê và phe gạt bỏ luật ấy của Phaolô-Barnabê. Cuối cùng, nhóm sau đã thắng để kẻ theo đạo chỉ còn phải kiêng ăn máu và thịt súc vật chết ngạt. Chúng ta còn thói quen đọc thánh vịnh đấy, nhưng những thánh vịnh không phù hợp đã dần được loại bỏ sau Vatican II. Dù sao, còn phải loại thêm khi mà lắm chỗ vẫn đi ngược bác ái Tin mừng, như:
Tv.3: “Chúa là Đấng đập bễ hàm kẻ thù tôi,
Và đập gẫy răng kẻ ngoại đạo.”
Tv.17(18): “Ngài trao vào tay tôi kẻ thù thua chạy
Và tôi tru diệt kẻ địch của tôi.” (câu 41) .
Tv.62(63): “Còn những kẻ muốn hại tôi, chúng hãy cút xéo vào lòng đất,
Người ta dùng gươm cắt cổ chúng mà ném cho sói ăn..” (câu 10-11)
Tv.67(68): “Nhưng với kẻ thù Chúa, thì Ngài đập vỡ đầu chúng ra.” (câu 22)
Thật ra DTG của thời Giosuê còn khủng khiếp hơn thế nhiều. Theo sách Giosuê, “thành phố (Giêricô), thành phố ấy và hết thảy những gì trong đó phải bị tru diệt (voué à l’interdit) cho Chúa… Bấy giờ dân chúng hò reo xung trận…Họ tuốt gươm mà giết hết trong thành, từ nam đến nữ, từ trẻ đến già, cả chiên cừu và bò lừa luôn” (6.17-21). Riêng với thành Ai và các thành khác, thì súc vật được giữ lại, còn người thì giết hết (8.22,24-28). Luật Tru di ấy còn được ghi trong sách Nhị luật, đối với những thành phố kẻ thù và kẻ ngoại (13.16-19; 20.16tt.). Thật ra, cách làm dã man đó là thói tục chung thời ấy của cả vùng, chứ không của riêng gì Do Thái đâu, như bi ký vua Mesha của dân Moab thế kỷ IX TCN cho thấy rõ.
Sở dĩ Hồi giáo ghét dân ngoại và dùng gươm để giải quyết tranh chấp tôn giáo, sở dĩ họ áp dụng luật trả thù Talion (2.190), v.v., đó chỉ vì họ chịu ảnh hưởng của DTG đó thôi. Vả lại, vào thời lập giáo, họ đã bị chống phá rất nhiều, nên bị dồn vào thế phải tự vệ. Vâng, chiến tranh của họ bắt đầu chỉ là kháng chiến.
Từ Thánh chiến hay Jihad được sử dụng một lần trong Qu’rân, ở câu 60.1 lúc phải đối đầu với Mekka:
– “Khi các ngươi ra khỏi nhà đi Thánh chiến, để chiến đấu trong con đường của Ta (Đấng Allâh) và để làm vui lòng Ta, thì chả lẽ các ngươi còn tỏ ra thân thiện với chúng?”
Về lý do và cách thánh chiến, thì hãy nghe tiếp thêm mấy đoạn:
– “Hãy tin vào Đấng Allâh và Sứ giả của Ngài, hãy chiến đấu trên con đường của Ngài, hãy hi sinh mạng sống và của cải…” (61.11)
– “Hãy chiến đấu trên con đường Allâh chống lại hết thảy những ai đánh các ngươi, nhưng đừng làm việc bất công là đánh chúng trước…” (2.186)
– “Các ngươi sẽ đánh nhau với những kẻ đó, kỳ cho đến khi chúng trở thành Hồi giáo.” (48.16)
– “Khi các ngươi gặp kẻ ngoại, thì này, hãy giết chúng cho máu chảy thành sông, và trói thật chặt những kẻ bị bắt.” (47.4)
– “Hãy giết chúng bất cứ đâu gặp chúng…Sự cám dỗ thờ ngẫu tượng thì còn tệ hơn là chiến tranh và máu chảy thành sông (carnage).” (2.187)
– “Những tháng thánh thiêng hết rồi [Hồi giáo có bốn tháng thánh thiêng], hãy giết kẻ thờ ngẫu tượng bất cứ đâu các ngươi gặp, hãy bắt giam chúng, hãy bao vây chúng, hãy mai phục mà rình rập chúng; thế nhưng nếu chúng tòng giáo, nếu chúng cầu nguyện và bố thí, thì hãy để chúng yên, bởi lẽ Allâh thương xót và khoan dung.” (9.5)
Xem như thế, nếu hồi đầu thánh chiến chỉ có mục đích tự vệ, thì sau này nó còn nhắm mở rộng đạo Hồi: tấn công và giết chóc kỳ cho đến khi họ tòng giáo mới thôi.
Trong lịch sử, để ép dân vùng bị chiếm phải tòng giáo, người ta có thể khảo tra, và khi đã thuận theo rồi, người ta cho Hồi hữu đến ở chung để giám sát[13]. Nơi nào ôn hòa hơn, người ta chỉ phân biệt đối xử thôi: kẻ không tòng giáo thì chịu nhiều thiệt thòi, trong khi người tòng giáo được coi như anh em để nhận sự trợ giúp và rất nhiều ưu đãi khác. Riêng đế quốc Ottoman còn bắt người KTG cung cấp các con trai nhỏ của mình để nhà nước huấn luyện thành chiến binh. Ngoài ra, những dấu vết tín ngưỡng cũ, thậm chí các dấu vết văn hóa của vùng bị chiếm đóng, theo Abu Bakr Muhammad b. Ja’far al-Narshaki, cũng bị xóa luôn[14], hầu đám dân bị trị tiếp nhận một nguồn gốc Ả Rập khi phải học một thứ lịch sử được viết lại[15].
Vậy thì, hỏi đâu là cơ sở cho đối thoại?
Về đối thoại liên tôn nói chung, sau đây là bốn lãnh vực quen thuộc:
– A/ lãnh vực lý thuyết, thường liên quan đến tín lý, tức điều mỗi bên phải tin
– B/ lãnh vực lưân lý
– C/ lãnh vực hành động và giao tế: hành động tôn giáo như truyền giáo và vệ giáo, hành động xã hội như cứu tế, rồi tiếp xúc giữa cá nhân với cá nhân
– D/ lãnh vực sống đạo như cầu nguyện và tu luyện
Về mặt lý thuyết
Xem ra Hồi giáo không khác DTG là bao, do đó cũng gần gũi KTG chúng ta. Quả thế, cả ba đều thờ Thần duy nhất, đấng tạo thành trời đất, muôn vật; cả ba không kỳ thị chủng tộc, mà chỉ kỳ thị tôn giáo thôi. Vâng, KTG xưa, do ảnh hưởng Do Thái hóa (Judaisme), cũng không ưa dân ngoại đấy, dú nay đổi khác rồi.
Xem ra Islam coi trọng chúng ta hơn, khi mà họ coi Đức Giêsu là Tiên tri lớn nhất, chỉ sau có Muhammad thôi, nhất là khi Giáo tổ này dựa vào Đức Giêsu để lên án ngưới Do Thái. Nói chung, Hồi giáo phân chia thế giới thành ba khối: khối Islam là cộng đồng thần thánh trong đó mọi người là anh em với nhau, khối (kẻ thù) chiến tranh nhắm kẻ thờ ngẫu tượng, khối hòa giải dành cho các tôn giáo độc thần ngoài Islam.[16] Vâng, với DTG và KTG, Islam có thể ký kết hòa ước và giử chữ tín được, chứ với kẻ thờ ngẫu tượng thì không.
Bởi lẽ, như M. Rodinson nói, “Hồi giáo phái sinh từ DTG xét về mặt lịch sử”, nên cách nào đó, chúng ta có thể xếp họ cùng loại “dọn đường” với DTG, ít là trên bình diện tin tưởng và luân lý, do đó dễ chấp nhận họ. Tuy Hồi giáo không tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, không chấp nhận cứu độ bằng thụ nạn, lại chủ trương “dĩ oán báo oán” (luật talion), nhưng thử hỏi người Do Thái có hơn gì họ đâu.
Điều khó khăn còn lại, là ý đồ nuốt chửng (englobant) của Qu’rân khi kinh này quả quyết “(Thiên Chúa) không chấp nhận một thờ phượng nào bên ngoài Islam” (3.79) dù Islam vẫn “tin vào mạc khải từ Trời của Maisen và Giêsu cùng các tiên tri khác” (3.78). Nhưng thật ra, về phía mình, chúng ta cũng tin rằng “không có cứu độ ngoài Chúa Giêsu”, “không có cứu độ ngoài Giáo hội”. Có điều ngày nay, chúng ta cũng tin vào sự cứu độ của bất cứ người nào sống theo lương tri của mình, do định mệnh siêu nhiên ai nấy đều sẵn có khi sinh ra.
Sống theo lương tri ư? Con người rất nặng về xã hội tính và cảm thức thần thiêng, nên không lương tri nào mà lại không cần được tôi luyện tốt trong một niềm tin, một tôn giáo, bởi những gì là tích cực của tôn giáo này. Anh em Hồi giáo ngày nay không có trách nhiệm về quá khứ đạo Hồi, cũng không đáng tội gì nếu họ chưa thấy đủ lý do để chấp nhận Phúc âm, do đó họ có thể được cứu do Chúa Kitô mà họ không biết, nhờ thế cách nào đó, các Hồi hữu thiện chí đã là anh em trong Chúa của chúng ta rồi. Và đây là cơ sở siêu nhiên để chúng ta thân thiện với họ.
Có điều đấy là vấn đề thuộc niềm tin bên trong, của riêng chúng ta. Còn về đối thoại bên ngoài, ở mặt lý thuyết của nó, hai bên chỉ nên tập trung vào mấy điểm cả hai cùng rất coi trọng, như niềm tin độc thần, ngoài ra không thể đi xa hơn nữa. Cùng tin có thần linh và và cuộc sống mai sau, cả ba tôn giáo Hồi, Do Thái và Kitô có thể đoàn kết thành một mặt trận để chống lại sự suy thoái cảm thức thiêng liêng và đạo đức trong thế giới hôm nay.
Về mặt luân lý
Luân lý Hồi giáo khá giống với DTG: cũng luật Talion[17], cũng hình phạt treo cổ, cũng trọng nam khinh nữ, cũng bác ái với người thân cận (tức trong cùng tôn giáo). Hãy coi những điểm tốt trong đó như cơ sở cho đối thoại.
Công đồng Vatican II, trong bản “Tuyên ngôn về tương quan của Giáo hội với các tôn giáo không Kitô”, hướng về đạo Hồi (số 3), đã nêu bật những điểm tốt của họ, như niềm tin độc thần, lòng kính trọng Đức Giêsu như một tiên tri, sự tôn kính Nữ trinh Maria, đời sống luân lý tốt của Hồi hữu; do đó kêu gọi hai bên quên đi quá khứ, thông cảm với nhau cách chân thành và hợp tác để “thăng tiến công bình xã hội, thăng tiến các giá trị luân lý cũng như hòa bình và tự do”.
Sự cảm thông ấy không phải là không xảy ra đôi khi trong quá khứ. Năm 1076 chả hạn, một ông hoàng Hồi giáo đã liên lạc với Đức Grêgoriô VII để kiếm một giám mục mới cho giám mục vừa qua đời ở xứ sở của ngài (nằm trong nước Angiêri bây giờ), và chính vị Giáo hoàng thánh ấy đã phúc đáp bằng một bức thư rất cảm động.[18]
Về mặt hành động và giao tế
Các tôn giáo đều chủ trương công bình và bác ái, và đây là lãnh vực rộng lớn cho hợp tác liên tôn, nhằm thoa dịu những nỗi đau, bù vào những mất mát. Vâng, cùng với anh em Hồi giáo, chúng ta có thể đấu tranh cho công bình xã hội, có thể cứu trợ các nạn nhân thiên tai, xóa bỏ đói khát và tật bệnh, đồng thời bảo vệ cô nhi, quả phụ và những người không tiếng nói. Tôn giáo có một sức mạnh lớn, nên nếu đoàn kết lại, chúng ta có thể tập trung rất nhiều của cải và nhân lực cho những công việc nhân đạo kể trên.
Điều khó là nay có nhiều nhóm Hồi giáo xu hướng nguyên toàn (intégriste) và nguyên bản (fondamentaliste), chống lại mọi thay đổi, mọi chú giải phóng khoáng về kinh Qu’rân, đồng thời chủ trương thánh chiến để mở rộng Hồi giáo, hoặc ép mọi người trong vùng đa số Hồi giáo phải giữ chặt chẽ luật Shari’a. Thật ra, phần đông Hồi hữu vốn ôn hòa, và nhiều chính quyền Hồi giáo nay nghiêng về dân chủ; thế nhưng Hồi giáo thiếu thống nhất, và các nhóm quá khích ngày càng đông và mạnh thêm, thường hoạt động độc lập đối với giáo quyền.
Như ai nấy đều biết, hai phái chính của Hồi giáo là Sunni và Shi’âi. Sunni do từ Sunna có nghĩa là đường mòn (trong sa mạc} hay đường nói chung, và đây là Đường Allâh, Truyền thống Tiên tri Muhammad. Nếu Sunni dựa vào Con đường mà các học giả uyên thâm (cho rằng nối tiếp nhau kể từ thời Tiên tri) truyền tới, thì Shi’âi (do từ Shi‘a hay đảng (nhóm) viên) lại dựa vào thân tộc của Tiên tri (cho rằng liên tiếp đã nắm quyền lãnh đạo). Ngoài Sunni và Shi’âi ra, còn những môn phái khác nữa. Vả lại, chính hai phái lớn nói trên cũng chia năm xẻ bảy, và không thể bảo được nhau. Bộ Hadith hay Sách Truyền thống tiên tri của họ cũng có những thành phần mà nhóm này nhận, nhóm kia không nhận.
Vì Hồi giáo không thống nhất, nên chúng ta chỉ có thể đối thoại với từng quốc gia Hồi giáo (ở đó quyền đạo phủ lên quyền đời) hay từng nhóm phái, chọn những nhóm phái ôn hòa mà nói chuyện, mà hợp tác trong những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Riêng với các nhóm cực đoan, vừa chủ trương nguyên bản [19], vừa muốn mở đạo hay vệ đạo bằng bạo lực, thì chúng ta chỉ còn cách tự bảo vệ mình và nhờ các Hồi hữu ôn hòa khuyên giải họ.
Theo báo chí đưa tin, thì các trường Hồi giáo quá khích thường thúc đẩy bạn trẻ Hồi đánh bom tự sát, hứa hẹn rằng tử đạo như thế sẽ về thiên đường ngay và được mỹ nữ hầu hạ. Nhiều người do đó thắc mắc, tại sao giết cả ngườI vô tội mà được coi là tử đạo, và tại sao thiên đường ấy có mùi vị thế tục của Vườn địa đường hay thiên đường tại thế, nhất là khi ở đó có cả mỹ nữ để vui vầy?
Theo giải thích của học giả Christoph Luxenberg[20], thì đây là do những hình ảnh tượng trưng nói về thiên đường trong ca vịnh thánh Ephrem (người Syri), mà Hồi giáo sau này đọc sai đi. Quả thật, Ephrem đã diễn tả thiên đường ấy như một khu vườn xanh tươi, có suối róc rách và những “chùm nho trắng” ngon để giải khát. Vì những tiếng như Syri(aque) chỉ có chữ cái, nên chỉ cần thêm vào trên hay dưới những dấu, là “chùm nho trắng” có thể đọc trại ra thành “phụ nữ mắt đen”. Kinh Qu’rân nhắc đến những trinh nữ thiên cung ấy nhiều lần (55.56,70,72,76; 78.33). Theo Luxenberg, rất có thể trước kia trong Qu’rân, đây cũng chỉ là những chùm nho trắng, nhưng rồi Truyền thống tiên tri ngày càng đi xa cách viết, đọc và giải thích ấy để tin vào sự có thật của những Huri hay thiếu nữ mắt đen.. Theo tôi nghĩ, không chỉ vì các thiếu nữ mắt đen ấy mà các chàng trai Hồi dễ dàng liều chết đến thế, mà còn vì hận thù và những lý do thiêng liêng khác.
Dù Hồi giáo hay KTG, chúng ta hết thảy là những con người. Mà đã là người thì ai cũng muốn an thân và có nhiều bè bạn. Mà khi giao du bè bạn, người ta không mấy quan tâm đến nhãn hiệu tôn giáo của nhau. Và đây là khe hở để các cá nhân KThữu đi vào làm quen với đạo Hồi thông qua các bạn bè Hồi giáo, cũng như để các bạn này làm quen với KTG thông qua họ. Quả thật, xa nhau thì dễ ngờ vực, đố kỵ nhau. Chứ quen nhau rồi, chúng ta sẽ phát hiện giữa hai bên có rất nhiều cái chung đấy.
Về mặt sống đạo
Đối thoại nói trên tuy đã tốt rồi, nhưng chưa có bề sâu đúng tôn giáo. Đúng bề sâu tôn giáo phải tìm trong sống đạo, đặc biệt trong cầu nguyện, tu luyện, suy chiêm. Trên bình diện này, chúng ta có thể bắt tay dễ dàng với các sufi Hồi giáo. Được mời viết trong tạp chí thần học Theological Studies, số đặc biệt về đối thoại liên tôn, một học giả Hồi giáo cũng giới thiệu các sufi như thế[21].
Vậy Sufi là gì?
Sufi do từ Suf là len hay áo len (trắng hay sọc) mà huyền sỹ hay thánh nhân quen mặc. Trong Islam, sufi có thể là người uyên thâm về tôn giáo hay nghiêng về chiêm niệm, huyền nhiệm (mystic). Thật ra, các sufi chưa làm nên một truyền thống tu luyện và huyền nhiệm như trong KTG, Ấn giáo và Phật giáo, nhưng trong số họ cũng có người đi tu ẩn như những ẩn sỹ KTG thuở xưa. Bắt đầu, cách sống và suy nghĩ của họ bị coi là lập dị và có mùi KTG, nên hàng lãnh đạo không chấp nhận họ. Nhưng rồi có lẽ do đạo hạnh mà họ được Hồi hữu bình thường kính ngưỡng, nên có một thế đứng, và thế đứng ấy ngày thêm vững chắc, nhất là khi họ đã tự lập thành những huynh đệ đoàn.
Điều đáng nói hơn nữa là họ thích Đức Giêsu và hướng về con đường nên thánh KTG, thậm chí chấp nhận việc tu hành trong khi mà Qu’rân lại coi tu hành là sáng tạo của con người, chứ không phải mạc khải của Thiên Chúa (57.27). Sufi cũng hay nói đến tình yêu, và có lẽ nhờ đó một vài người trong họ, như Daglami, đã xích gần mầu nhiệm Ba Ngôi:
– “Tình yêu vốn là sự giãi sáng thứ nhất của phẩm tính (Thiên Chúa), khi xuống tới bình diện hiện sinh, đã thành ba: Yêu-Được yêu-Tình yêu, tất cả do cùng một nguyên lý.”
Còn Ibu’Arabi thì:
–“Phương trình Yêu-Được yêu-Tình yêu là mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa: cái Một mà Ba ấy chính là Thiên Chúa vậy.”[22]
Cố nhiên, trung thành với niềm tin Hồi giáo, sufi không thể không đặt Đức Giêsu của chúng ta bên dưới Tiên tri của họ là Muhammad. Nên theo họ, nếu Giêsu là gương mẫu của thánh thiện, thì Ngài cũng chỉ là dấu ấn của thứ thánh thiện tổng quát; chính Muhammad mới mở đầu cho thứ thánh thiện cuối nó hoàn toàn đặc biệt[23].
Thích huyền nhiệm, các sufi đi vào huyền tri (gnôsis) qua học thuyết các giáo phụ KTG Origène và Evagre miền Pont. Ảnh hưởng bởi Platon-thuyết, hai giáo phụ này chủ trương tinh thần có trước thể xác, đồng thời chia đôi hai thứ tri khiếu: trí tuệ (nous, intellect) đi với tinh thần, và lý trí đi với con người thường phàm. Hồi đầu, Thiên Chúa chỉ sáng tạo những tinh thần thôi và đưa họ vào chiêm ngưỡng, để rồi tùy theo sự rời xa ít hay nhiều chiêm ngưỡng mà tạo cho họ những thân xác từ tinh diệu cho đến thô thiển, cũng là tạo từ quỷ đến thiên thần. Một sufi, ông Timidhi, thêm vào giai đoạn chiêm ngưỡng ấy một giai đoạn tiếp theo, giai đoạn tiền định: tùy theo sự trung thành với chiêm ngưỡng này mà Thiên Chúa ban (tiền định) cho kẻ sau này thành người sẽ được trí tuệ để tiến tới nghiệm tri, kẻ khác chỉ được lý trí để biết những gì thuộc hạ giới thôi.[24]
Vì các sufi ngày càng gần huyền nhiệm và sự lành thánh KTG, nên tu đức va chiêm niệm là đường vào để chúng ta gặp gỡ anh em Hồi giáo và đối thoại liên tôn bề sâu với họ. Nhưng cũng vì chỉ đây mới là đường vào, nên nó là công việc của đan sỹ trước tiên. Từ lâu, một số đan sỹ và tu sỹ KTG khác đã quen họp với sư phụ Ấn giáo hay thiền sư Phật giáo để cùng nhập định hay ngồi thiền, rồi sau đó trao đổi kinh nghiệm với nhau. Chúng ta cũng có thể làm như vậy với sufi Hồi giáo. Vâng, chúng ta có thể phủ phục với họ để cầu với Đấng Tối cao, Đấng sáng tạo trời đất, mà ta kêu bằng tên Thiên Chúa trong khi họ kêu bằng tên Allâh. Rồi cùng ngồi xuống để nhập định hay suy chiêm rheo cách riêng mỗi bên. Cuối cùng hết thảy trao đổi kinh nghiệm với nhau. Vâng, chia sẻ kinh nghiệm thôi, chứ không nên tranh luận, dù tranh luận về nghiệm tri hay các học thuyết khác về huyền nhiệm.
Việc đối thoại ấy rất cần để làm dịu bớt tình hình. Và như thế có lợi cho chính anh em đạo Hồi nữa. Vâng, quả là Hồi giáo đang làm cho thế giới sợ họ. Thế giới mà sợ thì rồi thế giới sẽ lánh xa Hồi giáo. Và nếu các bạn Hồi bảo thủ quá, các bạn sẽ đánh mất luôn hàng ngũ trí thức trẻ của mình. Y như những gì chính KTG chúng tôi đã trải qua từ thế kỷ XIII đến giữa thế kỷ XX với những tòa án “Inquisition” và vụ án Galilei.[25]
Riêng tại Việt Nam chúng ta, Công gíao hãy bắt tay ngay vào việc đối thoại với các bạn Hồi khi chưa quá muộn. Muộn, đó là khi các nhóm quá khích đã len lỏi vào được như ở miền nam Thái Lan để lôi cuốn Hồi hữu vào một cơn lốc xoáy không có đường ra!
Lm. Giuse Hoàng Sỹ Quý S.J.