Hỏi: Con đã quan sát một số giáo xứ thực hiện Thánh lễ chữa lành. Hình như có nhiều cách khác nhau để thực hiện Thánh lễ này. Xin cha cho biết phải cử hành Thánh lễ này như thế nào? Có nghi thức tiêng cho lễ này không? Cảm ơn cha nhiều. – A. E. P., Leyte, Philippines.
Đáp: Chúng tôi đã trả lời một câu hỏi tương tự trong năm 2009, và sẽ sử dụng lại một phần câu trả lời này, mặc dù sẽ thêm một số dữ liệu mới.
Tài liệu gần nhất cho các quy định phổ quát về “Thánh lễ chữa lành” là huần thị năm 2000 về “Cầu nguyện xin chữa lành bệnh, Prayers for Healing”, do Thánh bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành. Trong huấn thị ngắn gọn nhưng đầy đủ này, trước tiên Thánh bộ giải thích các lý do cho tài liệu:
“Do đó, cầu nguyện cho việc phục hồi sức khỏe là một phần của kinh nghiệm của Hội Thánh ở mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta. Trong cách nào đó, điều mới là sự gia tăng các cuộc họp cầu nguyện, đôi khi được kết hợp với các cử hành phụng vụ, với mục đích là được Chúa chữa lành. Trong nhiều trường hợp, sự xuất hiện của chữa lành đã được công bố, làm nảy sinh sự hy vọng của hiện tượng tương tự trong các cuộc tụ họp như vậy. Trong cùng một bối cảnh, thỉnh thoảng người ta cho đó là nhờ đoàn sủng chữa lành.
“Các cuộc tụ họp cầu nguyện này để có sự chữa lành đưa ra câu hỏi về sự phân định đúng đắn của chúng từ một quan điểm phụng vụ; đây là trách nhiệm riêng của Thẩm quyền Hội Thánh, tức là những người phải theo dõi và đưa ra các quy định thích hợp cho việc thực hiện đúng các cử hành phụng vụ.
“Do đó, dường như là thích hợp để công bố một Huấn thị, phù hợp với Điều 34 của Bộ Giáo luật, trước hết như một trợ giúp cho các Đấng Bản quyền địa phương, để cho các tín hữu có thể được hướng dẫn tốt hơn trong lĩnh vực này, qua việc cổ vũ những gì là tốt lành và sửa chữa những gì cần phải tránh”.
Để cho các quy định có nền tảng thần học tốt, trước tiên tài liệu trình bày tổng quan giáo lý về việc cầu nguyện chữa lành theo truyền thống Công Giáo.
Tài liệu làm như vậy trong năm phần, như sau: 1) Bệnh tật và chữa lành: ý nghĩa và giá trị của chúng trong chương trình cứu độ; 2) Mong được chữa lành và cầu xin để được ơn ấy; 3) Đoàn sủng chữa lành bệnh trong Tân Ước; 4) Các kinh nguyện để xin Chúa chữa lành bệnh tật; 5) ‘Đoàn sủng chữa lành bệnh’ trong bối cảnh ngày nay.
Chỉ một khi nền tảng đã được đặt ra thì huấn thị cố gắng đưa ra các quy định chính xác. Các quy định này bao trùm mọi hình thức cầu nguyện chữa lành. Các quy định này là:
“Điều 1– Mọi tín hữu được tự do cầu xin Chúa để được chữa lành. Khi những việc cầu xin như thế thực hiện tại nhà thờ hoặc ở một nơi thánh khác, thì nên được một thừa tác viên có chức thánh hướng dẫn.
“Điều 2– Những kinh cầu xin chữa lành được xem như có tính cách phụng vụ, nếu nằm trong các sách phụng vụ được Thẩm quyền Hội Thánh chấp nhận; nếu không thì không có tính cách phụng vụ.
“Điều 3- §1. Những kinh nguyện phụng vụ chữa lành bệnh được cử hành theo nghi lễ quy định và với những phẩm phục thánh theo hướng dẫn của Ordo benedictionis infirmorum trong Nghi Lễ Rôma.
“§2. Dựa vào những gì đã được thiết lập trong các Praenotanda, V., De aptationibus quae Conferentiae Episcoporum competunt trong cuốn Nghi Lễ Rôma này, về nghi thức ban phép lành bệnh nhân, các Hội đồng Giám mục có thể làm những kinh nguyện thích ứng với địa phương, hoặc có thể vì nhu cầu mục vụ đòi hỏi, với điều kiện trước đó phải cho Tòa Thánh xem lại.
“Điều 4- §1. Giám mục địa phận có quyền đưa ra những phép tắc cho Giáo hội riêng của mình về những việc cử hành phụng vụ xin chữa lành bệnh, theo giáo luật 838 §4.
“§2. Những ai chuẩn bị các cuộc cử hành phụng vụ loại này phải tuân hành những phép tắc ấy trước cuộc lễ.
“§3. Việc cho phép phải minh nhiên, dẫu các cuộc cử hành được các Giám mục hoặc Hồng Y của Toà Thánh Công Giáo tổ chức hoặc tham dự. Giám mục địa phận có quyền từ chối việc này đối với một Giám mục khác, nếu có lý do chính đáng và cân xứng.
“Điều 5- §1. Các kinh nguyện chữa lành không có tính cách phụng vụ phải được thực hiện theo những phương cách khác với các cuộc cử hành có tính cách phụng vụ, chẳng hạn các cuộc gặp gỡ cầu nguyện hoặc đọc Lời Chúa. Thẩm quyển sở tại cần lưu tâm, theo đúng nội dung Giáo luật 839 § 2.
“§2. Cần tránh lẫn lộn các lối cầu nguyện tự do không có tính cách phụng vụ này với những cử hành thực sự có tính cách phụng vụ.
“§3. Ngoài ra trong lúc tiến hành việc cầu xin, đừng sử dụng những lối như điên loạn, giả tạo, làm kịch làm trò hoặc gây kích động, nhất là về phía người điều hành.
“Điều 6- Việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là truyền hình, khi có tổ chức cử hành các cuộc cầu nguyện chữa lành bệnh có tính cách phụng vụ và không có tính cách phụng vụ, phải được Giám mục địa phận xem xét, theo giáo luật 823, và các phép tắc được Thánh Bộ Giáo Lý Đức tin qui định trong Huấn thị ngày 30-3-1992.
“Điều 7- §1. Ngoài những gì đã qui định ở điều 3 nói trên và những việc cử hành cho người bệnh được sách phụng vụ qui định, các việc cầu nguyện xin chữa lành bệnh có tính cách phụng vụ cũng như không có tính cách phụng vụ không được đưa vào, hoặc ghép vào việc cử hành Thánh Thể, các Bí tích hoặc Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
“§2. Trong các cuộc cử hành ở §1 trên đây, có thể xen vào các ý chỉ cầu nguyện riêng để xin chữa lành các bệnh nhân trong lời nguyện chung hoặc lời nguyện ‘của các tín hữu’, vào lúc mà lời nguyện chung này đã tiên liệu.
“Điều 8- §1. Thừa tác trừ quỉ phải được thực thi do lệnh của Giám mục điạ phận, và tuân theo giáo luật 1172, thư của Thánh bộ Giáo Lý Đức tin ngày 29-9-1985, và Nghi lễ Rôma.
“§2. Những kinh trừ quỉ trong Nghi lễ Rôma phải tách biệt với những cuộc cử hành xin chữa lành bệnh có tính cách phụng vụ, cũng như không có tính cách phụng vụ.
“§3. Tuyệt đối cấm xen những lối cầu nguyện này vào trong việc cử hành Thánh Lễ, các Bí tích và Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
“Điều 9- Những người điều hành các việc cử hành xin chữa lành bệnh, có tính cách phụng vụ hay không có tính cách phụng vụ, phải giữ cho cộng đoàn tham dự một bầu khí đạo đức thanh thản, và phải thận trọng cần thiết nếu có những người tham dự được chữa lành; vào cuối phần cử hành cầu nguyện, họ có thể ghi nhận một cách kỹ lưỡng và đơn sơ những chứng nhân khả dĩ và trình sự việc lên giáo quyền có năng cách.
“Điều 10- Giám mục địa phận cần phải lấy quyền mình mà can thiệp khi có những lạm dụng trong các việc cử hành xin chữa lành bệnh, có tính cách phụng vụ hay không có tính cách phụng vụ, khi có trường hợp gây tai tiếng rõ ràng cho cộng đoàn tín hữu, hoặc khi có những thiếu sót gia trọng về phép tắc phụng vụ và kỷ luật” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Điều 7 cấm đưa việc cầu nguyện xin chữa lành bệnh vào trong Thánh Lễ rõ ràng; không loại trừ việc cử hành Thánh lễ cho Bệnh nhân, vốn được tìm thấy trong Sách Lễ Rôma, hoặc các Thánh lễ ngoại lịch tương tự khác. Điều này có nghĩa rằng Thánh Lễ không được sử dụng như một phương tiện cho các mục đích khác, cho dù là mục đích đáng khen ngợi.
Một thí dụ gần đây về các quy định do các Giám mục ban hành là các quy định được ban hành bởi Hội đồng Giám mục khu vực miền Bắc nước Ý vào tháng 10-2018: “Các quy định kỷ luật liên quan đến cái gọi là “Thánh lễ chữa lành” (Messe di Guarigione)”.
Mặc dù các quy định của Giám mục này lặp lại phần lớn các điều đã được nói trên đây, chúng cũng bày tỏ kinh nghiệm và suy tư của các Giám mục về các thực hành ấy trong gần 20 năm, và giải quyết một số hành vi lạm dụng vốn có thể đã lấn át. Bằng cách này, việc biết các quy định ấy sẽ giúp các Giám mục khác, tức là các vị mong muốn xây dựng các quy định riêng cho mình, và cũng hướng dẫn các linh mục và các thừa tác viên mục vụ khác để có các thực hành tốt nhất.
Cha McNamara nêu ra các yếu tố chính của các quy định này như sau:
“1. Bất cứ ai mong muốn lập chương trình các cử hành phụng vụ với mục đích xin sự chữa lành từ Thiên Chúa (đặc biệt cái gọi là ‘Thánh lễ chữa lành’) phải xin và có sự cho phép viết tay rõ ràng từ Giám mục giáo phận, ngay cả khi nó được đề xuất bởi hoặc có sự tham gia của các bề trên Dòng tu, Giám mục hoặc Hồng Y. Các lời xin như thế, vốn sẽ được gia hạn hàng năm, phải bao gồm thời gian và địa điểm của việc cử hành.
“2. Sự cử hành hàng tháng được loại trừ; sự cử hành như vậy không được phép vào các ngày Chúa Nhật và các Lễ Trọng.
“3. Các linh mục không được phép chủ trì hoặc đồng tế ngoài giáo xứ hoặc giáo phận của họ.
“4. Trong cử hành Thánh lễ, các bí tích, hoặc Các Giờ Kinh Phụng Vụ, việc đưa các lời nguyện chữa lành, cho dù là phụng vụ hoặc không phụng vụ, là không được phép. Tuy nhiên, trong các cử hành trên, có thể đưa ý cầu nguyện đặc biệt cho việc chữa lành người bệnh trong Lởi nguyện tín hữu, khi tiên liệu có Lời nguyện tín hữu.
“5. Trong trường hợp cho phép Cử hành Thánh lễ, phải tuân giữ các điều sau:
“a) Về kinh nguyện: liên quan đến các quy định về việc sử dụng “Thánh lễ ngoại lịch” hoặc “Thánh lễ cho các nhu cầu khác nhau”, chỉ có thể sử dụng các công thức có sẵn trong Sách Lễ Rôma;
“b) Về Nghi thức Thánh lễ, chỉ được dùng Sách Lễ Rôma, tránh tất cả sự lạm dụng hoặc tính sáng tạo không cần có;
“c) Sau khi Thánh Lễ kết thúc, có thể Chầu Thánh Thể và kết thúc bằng Phép lành Thánh Thể, với Mình Thánh được lấy từ nhà tạm. Tuy nhiên cần nhớ rằng việc đặt Mình Thành chỉ để ban Phép lành là bị cấm (Giới thiệu Nghi thức Rước Lễ và chầu Mình Thánh ngoài Thánh Lễ, số 97);
“d) Về việc có thể đặt tay kèm theo lời nguyện chúc lành, những gì được tiên liệu trong Sách Các Phép phải được tuân giữ, bằng cách sử dụng chương về chúc lành bệnh nhân và cầu nguyện với việc đặt tay. [Văn bản tiếng Ý là Chương VI, lời nguyện 244. Các số là khác nhau tùy theo bản dịch. Trong ‘Sách các Phép, Shorter Book of Blessings’ của Hội Đồng Giám mục Anh và xứ Wales, đó là kinh nguyện số 358. Trong ‘Sách các Phép, Book of Blessings’ của Hoa Kỳ, đó là kinh nguyện số 392].
“Các lời nguyện trừ quỷ trong ”Nghi thức trừ quỷ và lời Kinh cho các hoàn cảnh đặc biệt’ phải là khác biệt với các kinh được sử dụng trong các cử hành chữa lành, dù là thuộc phụng vụ hay không phụng vụ.
“Tuyệt đối cấm đưa các kinh này vào Cử hành Thánh Lễ, các bí tích, hoặc Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
“Ngoài các điều trên, cũng phải nhớ rằng:
“Việc trừ quỷ phải được thực hiện một cách tùy thuộc chặt chẽ vào Giám mục Giáo phận, và phù hợp với điều 1172 của Bộ Giáo luật, Thư của Thánh bộ Giáo lý Đức tin ngày 29-9-1985, và ‘Nghi thức trừ quỷ và lời Kinh cho các hoàn cảnh đặc biệt’, có hiệu lực kể từ ngày 31-3-2002.
“Cuối cùng phải nhớ rằng “Giám mục địa phận cần phải lấy quyền mình mà can thiệp khi có những lạm dụng trong các việc cử hành xin chữa lành bệnh, có tính cách phụng vụ hay không có tính cách phụng vụ, khi có trường hợp gây tai tiếng rõ ràng cho cộng đoàn tín hữu, hoặc khi có những thiếu sót gia trọng về phép tắc phụng vụ và kỷ luật” (Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị, Bản dịch Việt ngữ, như trên).
“Các quy định trên được nhất trí chấp thuận bởi các Giám mục Vùng Piedmont và Val d’Aosta, trong hội nghị tại Susa vào ngày 18-9-2018, và có hiệu lực từ ngày 1-10-2018”.
Các quy định giáo phận ở các quốc gia khác là tương tự về căn bản với các quy định nói trên, nhưng đôi khi cũng giải quyết các khó khăn có nguồn gốc địa phương.
Thí dụ, một số giáo phận ở Nam Mỹ nêu ra rằng họ được phép kiệu mặt nhật Mình Thánh trong nhà thờ khi chầu Phép lành, nhưng duy trì một ý nghĩa tôn kính.
Một quy định khác nhắc nhở các linh mục rằng chỉ được chạm vào cái đầu người khác khi chúc lành, và rằng các tín hữu không được thực hành việc đặt tay để chúc lành bệnh nhân. Các quy định khác nhắc nhở linh mục rằng các loại dầu thánh chỉ được dùng để xức dầu người bệnh, và không bao giờ được dùng cho việc chữa lành.
Một số quy định cấm sự kiếm tiền trong các cử hành chữa lành, và cấm các linh mục và giáo dân không đòi thù lao cho công việc của họ. Thật vậy, một Giám mục Colombia đã nói đến vấn đề này bằng từ ngữ nghiêm khắc, vốn bao gồm cả việc sử dụng từ ngữ “Thánh lễ chữa lành”, như sau đây:
“Nhân danh Chúa Kitô và nhân danh Hội Thánh, tôi tuyệt đối cấm gọi Thánh Lễ là “Thánh Lễ Chữa Lành”. Một cách gọi như vậy là một sự lạm dụng, vốn hòa nhập vào ly giáo và dị giáo. Sự mô tả này có ý hướng và ngụ ý lợi ích tiền bạc.
“Trong tất cả các giáo xứ, buộc phải công khai các tiền lễ giáo phận…. Không linh mục nào có thể vượt quá số tiền lễ này”.
Trong khi một số Giám mục khác cũng chỉ trích thuật ngữ “Thánh lễ chữa lành”, trong thực tế tất cả đều xem đó là một cụm từ ngữ không thích hợp. Thật vậy, một số quy định giáo phận nhấn mạnh rằng chỉ có một Thánh Lễ duy nhất, và đều khuyên loại bỏ cụm từ ngữ không thích hợp ấy.
Nguyễn Trọng Đa
(Zenit.org 27-11-2018)