Có thai trước khi làm lễ cưới thì cha mẹ phải xin lỗi cộng đoàn giáo xứ?

Cha xứ kia, sau khi rao hôn phối cho hai người muốn lấy nhau, đã “bổ túc ” thêm như thế này: Cặp này đã có “bầu”, rồi nhưng vì ông bố là người siêng năng đi lễ mỗi ngày nên cha tha không buộc ông ấy phải xin lỗi Cộng Đoàn. Cha xin thay mặt gia đình để xin lỗi !!! Một cặp hôn nhân khác cũng trong trường hợp tương tự, cha cũng nói: đáng lẽ cha mẹ của cô gái phải xin lỗi Công Đoàn nhưng vì có hai người chị gái siêng năng quét dọn nhà thờ và người anh trai cũng giúp sửa đèn điện ở nhà thờ nên cha không buộc cha mẹ phải xin lỗi vì con đã có “bầu” trước khi làm đám cưới !!!


Tôi thật kinh ngạc sau khi đọc email trên đây của một độc giả.

Nhưng nếu câu chuyện kể trên là đúng sự thật, thì đây lại là một điều rất quan trọng nữa cần lưu ý các vị có trách nhiệm đào tạo linh mục cho Giáo Hội để các linh mục tương lai này được bảo đảm tối thiểu về kiến thức thần học và mục vụ để khi ra thi hành sứ vụ rao giảng, dạy dỗ, cử hành các bí tích và phục vụ cách hữu hiệu cho dân Chúa được trao phó cho các ngài.coi sóc về mục vụ

Vì nếu được đào tạo đúng mức, thì linh mục kia không thể làm chuyện hoàn toàn sai trái về giáo lý, giáo luật và nhất là lỗi đức bác ái Kitô Giáo như độc giả nói trên đã tố cáo. Tôi cũng không hiểu tại sao Giáo quyền địa phương, cho đến giờ này, lại không biết việc sai trái này để ngăn chặn cũng như chỉ giáo cho linh mục kia về sự sai trái nặng nề đó.

Sai trái nặng nề vì trước hết linh mục kia đã phạm tội công khai bêu xấu người khác (lỗi đức bác ái, đòi buộc tôn trọng danh dự và đời tư của người khác). Ở Mỹ tội này (public defamation) có thể bị truy tố ra tòa vì đã công khai làm thương tổn danh dự, đời tư của người khác trước công chúng là Công Đoàn Giáo xứ.


Sai trái nặng nề hơn nữa là trong Giáo Hội, tuyệt đối không có giáo lý, giáo luật nào cho phép cha xứ tiết lộ “sự kín” của ai và đòi cha mẹ phải xin lỗi Cộng Đoàn vì con mình đã “có bầu” trước khi cử hành hôn phối..


Ở Mỹ, khi chuẩn bị cho đôi hôn phối nào, có câu hỏi được đặt ra cho đôi hôn nhân là người nữ có thai hay không. Nếu họ nhìn nhận là đang có thai, thì linh mục phụ trách thường khuyên họ hoãn ngày cưới cho đến sau khi đứa bé được sinh ra. Lý do là có sự e ngại “cái bào thai” kia có thể là áp lực khiến đôi bạn trẻ phải lấy nhau vội vàng để bảo vệ danh dự của người nữ trong khi cũng có thể họ chưa tin chắc là đã yêu nhau đủ và thành tâm muốn tiến đến hôn nhân. Nhưng việc này chỉ diễn ra giữa linh mục phụ trách và đôi hôn phối mà thôi. Tuyệt đối linh mục không được loan báo cho ai biết bất cứ điều gì về lý lịch, đời tư của đôi hôn phối.

Vậy xin hỏi : linh mục Quản Xứ kia căn cứ vào giáo lý, giáo luật nào mà hành xử như vậy ?


Việc làm trên của linh mục này đã gợi cho người ta nhớ lại một hủ tục xưa kia trong một số xã thôn ở Miền Bắc Việt Nam, nơi có hủ tục “phạt vạ và ăn khoán” áp dụng cách độc đoán và vô nhân đạo cho những cô gái chẳng may “chửa hoang”. Khi việc này xảy ra, thì cha mẹ phải nộp phạt cho dân làng và xấu hổ vì có con “hư” khiến cả làng vừa được ăn khoán vừa cười chê, dù cho gia đình nạn nhân nghèo túng không có đủ tiền để nộp phạt.!

Đó là tệ nạn xã hội xa xưa ở Miền Bắc Việt Nam.


Nay trong giáo xứ Công giáo mà cha xứ lại công khai rao cho Công Đoàn biết việc cô gái có thai trước khi cử hành hôn lễ và buộc cha mẹ phải xin lỗi Cộng Đoàn thì cũng tương tự như hủ tục vô nhân đạo nói trên mà thôi. Chắc chắn như vậy.


Như thế, phải chăng cha xứ muốn làm sống lại hủ tục vô nhân đạo nói trên của xã thôn Việt Nam thời phong kiến lạc hậu, thay vì phải thi hành đúng trách nhiệm mục vụ của mình trong việc chuẩn bị và cử hành hôn phối cho ai ?

Trách nhiệm này chỉ đòi linh mục điểu tra và dạy giáo lý hôn nhân cho đôi hôn phối – và sau đó – chứng hôn chọ họ (làm lễ cưới) nếu không có ngăn trở gì chánh đáng theo giáo luật. Tuyệt đối không có luật nào cho phép cha xứ loan báo “chuyện không hay” của người nữ và đòi cha mẹ cô phải xin lỗi Công Đoàn như linh mục Quản xứ kia đã làm, theo lời tố cáo của một nhân chứng.

Như vậy còn gì giáo lý, là bác ái Kitô Giáo đòi buộc không những phải yêu thương mà còn phải tôn trọng đời tư, danh dự của người khác như giáo lý của Giáo Hội dạy ( x SGLGHCG, số II-2284-85..)


Cũng liên quan đến việc bảo vệ danh dự và đời tư của người khác, Giáo luật số 220 của Giáo Hội đòi buộc như sau :


” Không ai được phép làm thiệt hại cách bất hợp pháp đến thanh danh mà mỗi người được hưởng, hoặc vi phạm quyền của mỗi người được bảo vệ bí mật riêng tư của mình.”


Như thế, rõ ràng linh mục Quản xứ kia đã vi phạm giáo luật nêu trên khi công khai rao trong nhà thờ việc có gái nào đã có thai trước khi cử hành hôn lễ. Lại càng sai trái hơn nữa khi buộc cha mẹ cô gái phải xin lỗi Cộng Đoàn. Xin hỏi: căn cứ vào đâu mà buộc người ta như vậy ???


Làm việc này, Linh mục áp dụng luật của Giáo Hội hay luật phong kiến vô nhân đạo của xã thôn ViệtNam thời xa xưa ?


Thật là kinh khủng khi một linh mục đang sống và thi hành sứ vụ trong thế kỷ 21 này mà lại có não trạng và kiến thức của thời cách nay mấy trăm năm, khi Đạo Công Giáo mới được khai sinh ở Việt Nam, thời mà có những cha xứ công khai mắng chửi giáo dân trên Tòa giảng và giáo dân còn phải ” xin phép lậy cha” mỗi khi gặp một linh mục già hay trẻ.


Nếu thi hành đúng giáo lý, giáo luật và đường hướng mục vụ của Giáo Hội thì linh mục kia không thể tự ý làm điều sai trái mà hậu quả tai hại là gây hoang mang và hiểu lầm cho giáo dân về đường lối phục vụ cho dân Chúa theo gương Chúa Kitô, Đấng đến ” không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28 )..


Phục vụ theo gương Chúa thì không thể bêu xấu ai, làm mất danh dự của ai vì bất cứ lý do nào. Ai làm như vậy thì chắc chắn sẽ đẩy giáo dân ra khỏi Giáo Hội, vì chủ chăn đã coi giáo xứ như của riêng mình nên muốn làm gì, nói gì tùy ý, không cần áp dụng đúng giáo lý, giáo luật của Giáo Hội và nhất là tinh thần phục vụ theo gương Chúa Kitô.


Nói khác đi, không linh mục nào trong Giáo Hội được phép tự ý “chế” ra luật và giáo lý riêng của mình, thay vì phải dạy đúng theo ý Giáo Hội trong mọi lãnh vực giáo lý, tín lý, luân lý, bí tích, phụng vụ và đường lối mục vụ để phục vụ hữu hiệu cho dân Chúa được trao phó cho mình coi sóc và dạy dỗ. Nếu ai cũng tự ý “phăng ra” luật, giáo lý riêng riêng của mình thì còn gì là kỷ luật vâng phục, hiệp nhất (unity) và hiệp thông trọn vẹn (full communion) với Giáo Hội trong sứ mạng rao giảng, dạy dỗ chân lý, cử hành phụng vụ thánh và phục vụ cho Dân Chúa theo đường lối và gương sáng của Chúa Kitô. ?


Sau hết, giáo dân ở nơi nào có linh mục tự ý thi hành “luật riêng” như trường hợp nói trên thì xin mạnh bạo trình cho Đấng Bản quyền địa phương (Giám mục Giáo Phận) biết để ngăn ngừa và sửa sai. Đây chính là trách nhiệm và bổn phận của giáo dân góp phần xây dựng Giáo Hội của Chúa Kitô cùng với hàng Giáo Phẩm, giáo sĩ và tu sĩ theo giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II.


Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Exit mobile version