Có phải hễ được lãnh ơn Toàn Xá là được lên Thiên Đàng ngay?

1-Ân xá là gì và có hiệu quả ra sao ?

2- Một người khi sống thì bê bối, bỏ Đạo lâu năm, lấy 2, 3 vợ… nhưng khi gần chết kịp ăn năn, xưng tội và được lãnh ơn toàn xá trong giờ sau hết. Như vậy chắc chắn được lên Thiên Đàng ?


Xin cha cho biết điều này có đúng hay không?

Đáp: Căn cứ theo giáo lý của Giáo hội, thì xin được nói rõ lại như sau:

1- Trước hết, theo giáo lý và giáo luật, thì ân xá hay ơn xá giải (Indulgences) “là ơn sủng mà Giáo Hội lấy ra từ kho tàng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô và công nghiệp của Đức Mẹ và các thánh để tha các hình phạt hữu hạn ( temporal punishment) cho tín hữu còn sống hay cho các linh hồn còn đang ở nơi gọi là “Luyện tội” (x. SGLGHCG, số 1471; Giáo luật số 992- 994). Nói rõ hơn, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần tức tội chối bỏ Thiên Chúa hoàn toàn thì không thể tha được (x. Mt 12:32; Mc 13:28-29) – còn các tội nặng nhẹ khác đều có thể được tha qua bí tích hòa giải, như Chúa Giêsu đã bảo đảm với các Tông Đồ xưa:


Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha

Anh em cầm giữ ai, thí người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20:23)


Được tha tội qua bí tích hòa giải rồi nhưng hối nhân vẫn phải làm một việc gọi là việc “đền tội” (penance) do cha giải tội giao để tẩy xóa đi mọi hậu quả do tội để lại trong tâm hồn mình. Đây là hình phạt hữu hạn (temporal punishment) khác xa với hình phạt đời đời (eternal punishment) trong nơi gọi là hỏa ngục dành cho những ngượi chết “trong khi đang mắc tội trọng và không kịp sám hối để xin Chúa thứ tha”. (x. SGLGHCG, số 1033-1035).

Nghĩa là, khi ta nhận biết mình có tội nặng hay nhẹ và muốn xin Chúa tha thứ qua bí tích hòa giải thì phải tin rằng Chúa sẵn lòng tha, nếu ta thật lòng sám hối và còn tin tưởng nơi lòng thương xót vô biên của Chúa.Sau đó, phải đi xưng tội với một linh mục đang có năng quyền tha tội. (Linh mục nào đang bị Giám mục tạm rút năng quyền – hay nôm na gọi là “bi treo chén”(Suspension) thì thông thường không được giải tội hay cử hành bất cứ bí tích nào trong thời gian còn bị tạm rút năng quyền ).Nếu ai thành tâm và thành thực xưng ra các tội đã phạm vì yếu đuốii con người và vì ma quỷ cắm dỗ, thì chắc chắn sẽ được Chúa thương tha thứ qua tác vụ của linh mục như Chúa Giêsu đã phán hứa trên đây.


Cũng cần nói rõ thêm là linh mục hay Giám mục thì cũng chỉ là thừa tác viên mà Chúa Kitô dùng để ban ơn thánh của Người cho chúng ta trong Giáo Hội. Do đó, đừng ai đặt vấn đề linh mục có xứng đáng hay không khi cử hành các bí tích. Mọi linh mục đang có năng quyền ( Priestly Faculties) nhận lãnh từ Giám mục trực thuộc thì đều có thể cử hành thành sự ( validly) các bí tích, đặc biệt là bí tích hòa giải, vì linh mục nghe và giải tội cho ai thì đều phải làm nhân danh Chúa Kitô ( in Persona Christi) chứ không nhân danh chính mình. Như thế, , chính Chúa Kitô nghe và tha tội cho mọi hối nhân thành thật xưng tội qua trung gian của một linh mục, dù linh mục đó là người bất xứng đến đâu dưới mặt của người đời. Phải nhấn mạnh thêm về sự thành thật khi xưng tội, vì nếu hối nhân dấu tội không muốn xưng hết với linh mục thì việc xưng tội sẽ không thành, mà còn phạm thêm tội cố ý nói dối Chúa nữa. Chính vì người ta cứ nghĩ lầm là xưng tội với cá nhân linh mục, chứ không phài thú nhận tội lỗi với chính Chúa Kitô, nên nhiều người không dám xưng hết các tội đã phạm – cách riêng các tội phạm điều răn thứ sáu và chin- với linh mục vì mắc cở hay sợ bị tiết lộ ra ngoài. Lo ngại như vậy là không đúng vì mọi linh mục đều bị buộc phải giữ kín mọi điều nghe được từ hối nhân trong Tòa giải tội . Đây là “ấn tòa giải tội=seal of confessions) buộc mọi linh mục phải triệt để tuân giữ. Ai vi phạm sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết. ( x Giáo luật sớ 1388, triệt 1) Vạ này chỉ có Tòa Thánh giải mà thôi.


Ân xá – toàn phần hay bán phần – chỉ có mục đích tha từng phần hay toàn phần các hình phạt hữu hạn ( temporal punishment) sau khi các tội nặng nhẹ đã được tha qua bí tích hòa giải, để tẩy xóa đi những hậu quả do tội còn để lại trong tâm hồn hối nhân như đã nói ở trên. Nghĩa là ân xá không có hiệu năng tha các tội lớn nhỏ cho ai mà chỉ tha hay tẩy xóa hình phạt hữu hạn của các tội đã được tha qua bí tích hòa giải mà thôi. Do đó, ai đang có tội trọng thì không thể lãnh ân xá hữu hiệu được mà phải đi xưng tội trước rồi mới lãnh ân xá sau để xin tha hình phạt hữu hạn, theo giáo lý Giáo Hội dạy.


Vể thẩm quyền ban phát ân xá, thì giáo luật chỉ qui định một mình Đức Thánh Cha có quyền ban ân xá hay cho phép Bản quyền địa phương nào ban ân xá vì lý do chính đáng được Tòa Thánh chấp thuận. Thí dụ mừng kỷ niệm thành lập Giáo phận hay Nhà Dòng. (x Giáo luật số 995, triệt 1 & 2)

2- Liên quan đến câu hỏi thứ hai, xin được trả lời như sau:

Giáo lý của Giáo Hội chỉ nói đến hiệu quả của bí tích hòa giải là cho chúng ta được giao hòa hay hiệp thông lại với Thiên Chúa trong thân tình Cha-con từng bị gián đọan vì tội, nhất là tội trọng, cũng như chỉ nói đến hiệu quả của ân xá là tha hình phạt hữu hạn sau khi tội được tha qua bí tích hòa giải.


Nhưng Giáo Hội không hề đưa ra tiêu chuẩn cụ thể nào về số phận đời đời của một ai sau khi chết. Nghĩa là Giáo Hội chưa hề dạy nếu ai sống thế nào, hoặc làm điều gì, ngay cả tự tử thì chắc chắn sẽ xuống hỏa ngục hoặc sẽ lên thẳng Thiên Đàng sau khi chết… Giáo lý chỉ nói đến những trường hợp gia trọng để lưu ý giáo dân phải tránh mà thôi. Thí dụ Giáo Lý của Giáo Hội dạy rằng: “ những ai đang có tội trọng thì không được rước Mình Thánh Chúa và không được cử hành Thánh lễ ( nếu là linh mục) ( x Giáo luật số 916, SGLGHCG số 1415) hoặc “nếu ai đang mắc tội trọng mà chết không kịp sám hối để được hòa giải với Chúa thì sẽ phải hình phạt hỏa ngục”. (x. SGLGHCG, số1033-1035)


Nhưng ai đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng nói trên để đáng phải xuống hỏa ngục, thì chỉ một mình Chúa biết và phán đoán mà thôi. Giáo Hội không biết được nên vẫn dạy phải cầu nguyện cho mọi kẻ chết, kể cả cho những người đã tự tử, hay tự sát sau khi giết một hay nhiều người khác, mặc dù Giáo Hội nghiêm khắc lên án hành vi sát nhân hay tự tử này.


Mặt khác, Giáo Hội cũng chưa hề phong thánh cho ai ngay sau khi người đó chết. Cụ thể, ai sống thánh thiện, đạo đức hơn các Đức Giáo Hoàng. Trước khi chết các ngài cũng được xức dầu và lãnh ơn toàn xá trong giờ sau hết, (trừ Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô I chết bất ngờ trong nhà nguyện riêng sau 33 ngày lên ngôi). Nhưng Giáo Hội vẫn cử hành lễ an táng để cầu nguyện cho, chứ chưa hề tức khắc tuyên bố vị nào đã lên Thiên Đàng rồi, nên khỏi cầu nguyện nữa. Ai được phong thánh (canonization) thì cũng phải chờ một thời gian và hội đủ một số tiêu chuẩn theo luật định.Nghĩa là cho đến nay, Giáo Hội chưa hề phong thánh cho ai ngay sau khi người đó chết, mặc dù nhiều người biết đời sống thánh thiện của người đó.


Tóm lại, chúng ta phải tin và trông cậy lòng thương xót tha thứ vô biên của Thiên Chúa, cũng như tin giá trị và hiệu quả của bí tích hòa giải và ơn toàn xá. Nhưng không thể căn cứ vào đây để phán đoán ngay ai được lên Thiên Đàng hay phải sa hỏa ngục để khỏi cầu nguyện cho những người đó nữa. Có chăng chỉ nên tin rằng những ai đã thực tâm yêu mến và sống theo đường lối của Chúa thì chắc chắn Chúa sẽ không bỏ qua mà không tiếp nhận vào Nước Người nơi dành cho các Thánh và các Thiên Thần.Nhưng ai đã được lên Thiên Đàng và ai phải xuống hỏa ngục thì chỉ có một mình Chúa biết mà thôi.


Vậy chúng ta không nên vội đưa ra những phán đoán về số phận đời đời của ai cho dù người đó sống chết ra sao, mà chỉ nên cầu nguyện cho họ mà thôi.


Ước mong những giải đáp trên đây thỏa mãn các câu hỏi đặt ra.


Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Exit mobile version