Trả lời: Trường hợp mà bạn nói đến là em Amy và Angela Lakeberg, sinh vào ngày 29.6.1993, tại Trung Tâm Y Tế Đại Học Loyola, gần Chicago. Hai em dính với nhau từ ngực đến rốn, trái tim chung sáu ngăn cũng bị biến dạng. Sự sống của hai em được cho là không thể kéo dài, khoảng 6 hay 7 tuần tuổi thôi.
Các bác sĩ ở Loyola đề nghị ngừng cung cấp các trợ giúp y tế để hai em được chết một cách tự nhiên. Các bác sĩ thuộc bệnh viện nhi đồng ở Philadelphia thì khuyên nên phẫu thuật, nhưng trong tiến trình phân tách hai em, một em chắc chắn sẽ chết, em còn lại có 1% (hay ít hơn) cơ may sống sót. (Trong năm trường hợp phẫu thuật tách hai bé có một trái tim trước đây, không bé nào sống quá ba tháng rưỡi).
Như bạn đã nói, các nhà thần học đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, đôi khi còn trái ngược nhau. Hầu hết các giả định, trong đó có một số đã tuyên bố rõ, rằng việc phẫu thuật tách đôi này là một ví dụ của việc áp dụng nguyên tắc song hiệu bình thường. Số khác xem cuộc phẫu thuật này là không thể được chỉ vì chi phí quá mắc – bằng hoặc hơn 1 triệu đô. Những người khác thì nói nhiều đến lợi ích của cha mẹ khi cứu mạng sống của ít là một trong hai em.
Trước hết, chúng ta cũng nên suy xét đến điều mà tất cả mọi người cùng đồng ý. Ai cũng đồng ý là việc phẫu thuật là một phương tiện khác thường xét về mặt luân lý nên là điều không buộc phải làm. Bên cạnh chuyện chi phí quá lớn, người ta cũng cần phải đặt vấn đề về việc, xét về lý, ai là người có đủ khả năng để, một cách tích cực, cho biết là cuộc phẫu thuật này có thể có một hy vọng khả lý dẫn đến thành công. Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào không thể đảm bảo tỉ lệ thành công là 1% thì nên được gọi là một cuộc thí nghiệm, hơn là một cuộc giải phẫu.
Như bạn có nói, một vài nhà thần học cho rằng cuộc phẫu thuật phân tách này áp dụng nguyên tắc song hiệu. Bản thân tôi thấy điều này không được thuyết phục cho lắm. Chắc chắn, ý hướng là nhằm cứu một em; kết quả tốt không hoàn toàn đến từ kết quả xấu (cái chết của bé kia); vấn đề tỷ lệ dường như cũng thỏa đáp. Tuy nhiên, tôi thấy thật khó diễn tả hành vi chính (hành vi chủ đạo gây ra hai hệ quả) là “tốt” hay “trung lập”. Theo như tôi hiểu, việc phẫu thuật sẽ tách hai em ra về mặt thể lý, rồi chuyển trái tim và các mạch máu qua cho bé nào có khả năng sống sót cao hơn. Tuy nhiên, trái tim bị biến dạng ấy là trái tim cung cấp sự sống cho cả hai. Hành vi này đã tước đoạt khỏi một em quyền được thừa hưởng trái tim kia và chính hành vi này đã khiến em chết.
Cái chết của em chắc chắn là đã được nhìn thấy trước và hẳn nhiên là vì mục đích tốt muốn đem lại lợi ích cho người chị em song sinh của mình. Cái chết ấy có lẽ không được dự định một cách trực tiếp như là một “cái kết”, nhưng chắc chắn người ta có thể biết trước điều đó và có ý xem nó như một “phương tiện”, như một điều kiện cần và phải có để có được một kết quả mà người ta mong chờ.
Xét về tình, người ta chắc chắn hiểu được tình ảnh éo le và áp lực mà bố mẹ em phải chịu, nhưng người ta cũng có thể đặt vấn đề rằng y khoa đang đưa ra một kiểu hy vọng khả lý nào đây. Hầu chắc là em bé sống sót không thể rời bệnh viện nếu không có những phương tiện trợ giúp sự sống cho em, thậm chí, em cũng không thể rời khỏi bệnh viện mà vẫn còn sống.
Dựa trên những gì vừa nói, tôi đồng ý với ý kiến hợp lý của Albert Moraczweski: “Về mặt luân lý, dù là không được thuận tình cho lắm, nhưng trong trường hợp này, tốt hơn nên để cho cả hai em được chết bởi những nguyên do tự nhiên, do một con tim khiếm khuyết không đủ cung cấp sự sống cho cả hai, hơn là chết do có sự can thiệp của con người, quyết định lấy trái tim khỏi em này (và khiến em chết) để chuyển cho em còn lại.”
(trích trong SMITH, WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 54)
Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ, dongten.net 30.10.2014