|
Trả lời:
Trước khi trả lời câu hỏi này, xin được nói lại về điều răn Thứ Năm của Chúa dạy: “ ngươi không được giết người” ( Xh 21: 13) . Không được giết người vì sự sống của con người là linh thánh ( sacred) và hoàn toàn thuộc quyền cai quản của Thiên Chúa. Đây là điều răn Thứ Năm trong Mười Điều Răn Thiên Chúa đã truyền trước tiên cho dân Do Thái, qua ông Môsê, phải tuân giữ để được chúc, hoặc bị luận phạt nếu không thi hành như Chúa truyền dạy.Mườn Điều Răn này vẫn còn nguyên vẹn là giáo huấn quan trọng của Chúa cho người có niềm tin Chúa phải tuân giữ ngày nay để được chúc phúc như Dân Do Thái đã tuân giữ và được chúc phúc ngày xưa.
Nghĩa là Mười Điều Răn này vẫn còn nguyên hiệu lực cho con người nói chung và cho dân Chúa sống trong Giáo Hội nói riêng phải thực hành hôm nay và còn mãi cho đến ngày cánh chung tức là ngày hết thời gian.
hạm tội nghịch điều răn Thứ Năm chớ giết người có nhiều hình thức :
1. Về mặt thể lý: oán thù đưa đến sát hại người khác bằng võ khí , dao, búa, gậy có tác dụng gây trọng thương hay tử thương cho người khác nhằm mục đích trả thù hay được thuê mướn để giết hại ai. Cũng lỗi phạm điều răn này,những ai bỏ thuốc độc hay tạt át-xit để đầu độc hay gây thương tật cho người khác.Hoặc chế biến đồ ăn với độc chất có hại cho sức khỏe của công chúng chỉ vì mục đích kiếm tiên.
Cũng không được phép uống nhiều rượu , nghiền ma túy và thuôc lá có hại cho sức khỏe .Cũng không được phép say mê tốc độ để lái xe quá nhanh, khiến có thể gây thương tích hay tử vong cho mình và cho người khác trên đường phố, hay ngoài xa lộ. Lại nữa, lái xe vượt đền đỏ khiến xẩy ra tai nạn cho mình và cho người khác cũng là vi phạm điều răn thứ năm đòi hỏi phải tôn trọng mạnh sống của mình và của người khác
Ngoài ra, cũng không được phép chặt cắt ( amputation) bất cứ cơ phận nào của thân thể như mắt , tay chân kể cả việc hiến một bộ phận cơ thể nào( thận, mắt) cho người khác vì mục đích nhân đạo hay nghiên cứu y học.. Đặc biệt không được tự sát ( tự tử ) và giết hại ai vì bất cứ lý do nào. Cũng không được phá thai và giúp người khác phá thai. Ai tham dự vào việc này sẽ tức khắc mắc vạ tuyệt thông tiền kết (x. giáo luật số1398.). cũng không được phép dùng thuôc cho chết em dịu ( Euthanasia) vì phải tôn trong sự sống từ lúc được thụ thai cho đến cái chết tự nhiên ( natural death) trên giường bệnh..(x SGLGHCG số 2288- 2296)
Sau hết, cũng trong mục đích tôn trọng sự sống của con người dựa trên điều răn Thứ Năm, Giáo Hội cũng dạy phải tôn trọng những người sắp chết và cả những người đã chết để chăm sóc cho họ cách xứng đáng như chữa chậy về mặt y khoa, và lo cho họ đươc lãnh nhận bí tích sức dầu và phép lành Tòa Thánh trước khi họ lìa đời. Người chết phải được mai táng theo đúng lễ nghi an táng của Giáo Hội cho phù hợp với niềm tin xác con người ngày sau sẽ sống lại.như Giáo Hội dạy sau đây:
“Mai táng người chết là công việc của lòng thương xót đối với thân thể con người , là con cái Thiên Chúa và là đền thờ của Chúa Thánh Thần.” . ( Sđd ,số 2300).
Do đó, không được thiêu xác ( cremation) rồi lấy tro đem rải ra ngoài sông hay biển, như những người không có niềm tin đang làm. Người Công giáo ngày nay được phép thiêu xác, nhưng phải tin xác người chế, dù được hòa tan trong lòngn đất hay ra tro bui khi hỏa thiêu, thì sẽ sống lại nhờ quyền năng của Thiên Chúa, nên sau khi hỏa thiêu , phải cất giữ tro xác hỏa thiêu ở nơi xứng đáng cho con cháu anh em thăm viếng và cầu nguyện cho, như ra thăm viếng các mộ phần ngoài nghĩa trang.
2. Về mặt tinh thần: vu cáo, bôi xấu làm mất thanh danh của người khác và làm cớ cho người khác phạm tội như sản xuất , buôn bán các sách báo phim ảnh khiêu dâm, đồi trụy và bạo động khiến cho người lớn và trẻ em bị lôi kéo vào hố sa đọa vì hậu quả việc làm của mình. Chúa Giê-su đã lên án hành vi làm gương xấu cho người khác vấp phạm như sau:
“Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã. Nhưng khốn cho kẻ làm cho người khác vấp ngã ! thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn này vấp ngã.” ( Lc 17: 1-2)
Làm cớ cho người ta vấp ngã hay phạm tội là mở sòng bài bạc , nhà điếm, tổ chức những chỗ ăn chơi sa đọa cho người lớn và thanh thiếu niên, buôn bán phụ nữ và trẻ em để cung cấp cho bọn bất lương tìm thú vui dâm ô và ấu dâm rất khốn nạn và tội lỗi.Nếu không có những kẻ làm các nghề đốn mạt nói trên thì đã cứu được biết bao người khỏi sa vào hố tội lỗi đưa đến hư mất đời đời.( Sdd, số 2284-2286)
Vì thế, là người có niềm tin Thiên Chúa, tất cả được mời gọi phải tránh xa những dịp tội nói trên cho mình và cho người khác trong tinh thần tôn trọng và thi hành điều răn Thứ Năm để không giết hại ai về thể lý cũng như tinh thần.
Tuy nhiên, Giáo Hội cũng không ngăn cấm quyền tự vệ chính đáng nhằm bảo vệ sinh mạng , danh dự và tài sản của mình chống lại kẻ muốn làm hại mang sống và xâm phạm tài sản của mình.
Cụ thể, mình không được phép giết hại ai thì cũng không ai được phép giết mình vì bất cứ lý do nào.Nhưng nếu có kẻ muốn hại mạng sống mình như cầm súng hay dao để bắn hay đâm chém mình, thì mình có quyền tự vệ để bảo toàn mạng sống của mình, chống lại kẻ muốn giết hại mình cách vô cớ. Giáo Hội dạy như sau về quyền tự vệ chống lại kẻ muốn sát hại mình:
“ Yêu bản thân là nguyên lý nền tảng của luân lý. Vậy ta có quyền bắt kẻ khác tôn trọng quyền sống của ta. Ai bảo vệ sự sống của mình sẽ không mắc tội sát nhân, dù có vì thế mà phải đánh cho kẻ tấn công mình bằng một đòn chí tử.” (Sđd số 2264)
Cụ thể , nếu có kẻ cầm súng hay dao lăm le muốn tấn công mình, thì buộc mình phải chống lại bằng bất cứ phương tiện nào để tự vệ và bảo toàn mạng sống của mình cho dù việc tự vệ này có gây tử thương cho kẻ tấn công.Việc gây tử thương cho kẻ tấn công chỉ là hậu quả tất nhiên của quyền tự vệ chính đáng , chứ không phải là chủ đích muốn sát hại người khác.
Nói khác đi, mình không được phép giết hại ai, nhưng cũng không ai có quyền giết mình hay người thân của mình.Không được tự sát hay tự tử vì bất cưa lý do nào.
Nếu kẻ gian đột nhập gia cư của ai và có súng đe dọa chủ nhà thì chủ nhà có quyền chống lại kẻ gian bằng bất cứ phương tiện nào mình có kể cả hạ sát kẻ muốn tấn công, nếu mình có súng trong nhà. Cũng vậy , một phụ nữ bị tấn công về tình dục, có quyền bảo vệ thân thể của mình bằng bất cứ phương tiện nào cho dù việc chống cự này có gây tử thương cho kẻ tấn công mình.
Trong những trường hợp này, việc giết người không phải là chủ đích mà chủ đích là để tự vệ, nhằm bảo vệ mạng sống và thân thể mình chống lại kẻ muốn làm hại mình cách vô cớ.Và nếu việc tự vệ này có gây tử thương cho kẻ tấn công thì đây không phải là tội cố sát ( murder) xét theo luật pháp và luân lý.Nghĩa là không có tội nghịch điểu răn Thứ Năm.
Cũng vậy, chiến tranh là một sự dữ ( evil) to lớn về mặt luân lý vì hậu quả gây chết chóc cho thường dân vô tội cũng như tàn phá tài sản của quốc gia bị tấn công.Vì thế, chiến tranh là sự dữ phải tránh vì nó hoàn toàn vô nhân đạo và vô luân, và không thể biện minh được vì bất cứ lý do nào.
Nhưng nếu kẻ gây chiến bất chấp công lý và luân lý để đem quân tấn công một quốc gia khác, thì quốc gia này hoàn toàn có quyền tự vệ để chống lại kẻ xâm lăng bằng bất cứ phương tiện nào mình có. Trong trường hợp này, cấm súng chống lại kẻ xâm lăng là bổn phận của mọi người dân và là trách nhiệm của nhà cầm quyền quốc gia bị xâm lăng. Và giết kẻ xâm lăng thì không có tội gì, vì đây là quyền tự vệ chính đáng chống lại kẻ vô cớ muốn giết hại dân mình để cướp đoạt đất đai hay tài sản của quốc gia mình.
Trong hoản cảnh thế giới đầy tội ác hiện nay, quân khủng bố và cuồng tín tôn giáo (ISIS) đang giết hại biết bao người dân vô tội, không có phương tiện chống lại chúng, cho nên cộng đồng thế giới phải mau kíp có biện pháp tích cực để ngăn chặn bọn khủng bố sát nhân này. Nếu cần tiêu diệt chúng bằng vũ lực thì việc này cũng không phải là hành vi sát nhân mà chỉ là biện pháp tích cực để bảo vệ cho những nạn nhân vô tội đang bị chúng bách hại và giết hại cách vô luân vô đạo mà thôi.
3. Có được phép phá thai trong trường hợp nào không?
Phá thai là hành vi giết người dù người đây chỉ là một bào thai trong lòng người mẹ.Bào thai này dù mới được thụ thai (conception) một hai tháng thì cũng là mầm sống của con người nên không được phép hủy diệt vì bất cứ lý do nào.
Người ta đã nại lý do bị hãm hiếp (rape) hay kết quả của hành vi loạn luân ( incest) nghĩa là kết quả của sự giao cấu giữa những phần tử trong cùng huyết tộc như cha mẹ và con cái hay giữa anh chị em ruột trong gia đình. Đây là lý do mà luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới cho phép phá thai để bảo vệ danh dự của phụ nữ mang thai cách không chính đáng. Dầu vậy, Giáo Hội cũng không cho phép phá thai trong những trường hợp này vì lý do phải bảo vệ sự sống con người trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, khi tôn trọng sự sống dù phụ nữ bị hãm hiếp hay vì loan luân, Giáo Hội không khuyến khích hay làm ngơ những hành vi này mà vẫn lên án hành vi hãm hiếp và loạn luân , nhưng không vì thế mà cho phép phá thai vị bị hãm hiếp hay loạn luân Phải tôn trọng sự sống dù chỉ là một phôi sinh ( embryo) hay một bào thai ( fetus) hậu quả của hành vi hiếp dâm hay loạn luân.
Như thế,khi một người nữ biết mình có thai vì bị hãm hiếp hay vì loạn luân, thì vẫn không được phép phá thai vì những lý do này. Do đó, ai phá phai hoặc giúp người khác phá thai có kết quả thì đều bị vạ tuyệt thông tiền kết ( excommunitio Latae Sententiae ( x giáo luật số 1398) Vạ này trước đây chỉ dành cho Đức Thánh Cha quyền tháo gỡ. Nhưng nay Đức Thánh Cha đương kim Phanxicô đã cho phép các linh mục trên toàn thế giới được tha vạ này.
Tóm lại, Điều Răn Thứ Năm cấm giết người bao gồm các trường hợp tự sát, hay tự tử, phá thai, giết người khác vì thù oán hay được thuê mướn để giết hại ai, chiến tranh và khủng bố ( terrorism) là những sự dữ phải tránh vì nó gây thương vong cho người dân vô tội và thiệt hại tài sản cho quốc gia bị xâm lăng, phá hoại.Do đó, cầm súng để chống lại quân xâm lăng, và tiêu diệt quân khủng bố là việc làm chính đáng phải làm và không có tội gì, vì mục đích ở đây là để bảo vệ cho sinh mạng của dân chúng và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia bị xâm lược.Kẻ xâm lăng và khủng bố mới là kẻ phạm tội tội sát nhân, cướp của cách phi pháp và đáng bị trừng phạt thích đáng theo công lý và luân lý.
Ước mong những giải thích trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn