Buồn thay, thời nay vẫn còn nhiều người chết vì tự tử. Rất ít người không bị tác động sâu sắc do cái chết tự vẫn của người thân yêu. Chỉ riêng ở Mỹ, hàng năm có hơn ba mươi ba ngàn vụ tự tử. Tính trung bình có chín mươi tự tử mỗi ngày, ba đến bốn người mỗi giờ.
Dù vậy, phần lớn vẫn còn hiểu lầm về việc tự vẫn, người thân, người bị bỏ lại thường rơi vào tình trạng đau buồn, đặc biệt có tính cách hủy hoại. Trong các cái chết, có lẽ tự vẫn để lại tác hại nặng nề nhất cho người còn sống. Tại sao vậy?
Tự vẫn tác động mạnh đến chúng ta vì bao chung quanh nó là một điều cấm kỵ tuyệt đối. Dù ý thức hay vô thức, trong suy nghĩ chung, người ta vẫn cho tự vẫn là hành động tuyệt vọng tột cùng, một điều xấu xa tột cùng mà một người có thể làm. Chúng ta không ngạc nhiên về để này, vì tự vẫn là chống lại bản chất thâm sâu nhất trong chúng ta, là ý chí sống. Do đó, dù được thông hiểu và thương cảm, tự vẫn vẫn để lại một nỗi hổ thẹn và mơ hồ nào đó nơi người ở lại. Cũng vậy, thường thường hơn, nó hủy hoại ký ức về người đã chết. Những bức ảnh của người đó dần dần biến mất khỏi bức tường phòng, và chúng ta dè dặt hoặc bưng bít khi nói về cái chết đó. Không có gì ngạc nhiên ở đây: Tự vẫn là một cấm kỵ tuyệt đối.
Vậy chúng ta nói được gì về tự vẫn? Làm sao chúng ta có thể hiểu được tự vẫn một cách cảm thông hơn?
Hiểu được tự vẫn để cảm thông hơn nhưng cũng không loại bỏ được nỗi nhức nhối, vì không có gì có thể làm được điều này ngoại trừ thời gian nhưng, có một số điều để về lâu dài có thể chữa lành và giữ ký ức về người đã chết.
– Trong hầu hết trường hợp, tự tử là một chứng bệnh, không phải là một hành vi cố ý. Người chết theo kiểu này, là chết ngược lại với ý muốn của họ, giống như những người nhảy ra khỏi tòa Tháp đôi ngày 11/9/2001, sau khi chiếc máy bay khủng bố đâm vào và làm cho tòa nhà bốc lửa. Họ nhảy ra chỉ để chết, chắc chắn sẽ chết, nhưng họ làm thế vì họ đang bị thiêu sống. Chết do tự vẫn, cũng gần giống với chết do ung thư, đột quỵ, đau tim, đặc biệt trong trường hợp tự vẫn, đó là ung thư về xúc cảm, đột quỵ về xúc cảm, hay đau tim về xúc cảm.
Một điều nữa cần được khám phá đầy đủ hơn, đó là tiềm năng vai trò cơ chế sinh hóa trong việc tự vẫn. Từ khi có nhiều vụ trầm cảm có khuynh hướng tự tử được chữa trị bằng thuốc, nên rõ ràng các vụ tự gây ra do sự mất cân bằng sinh hóa, giống như các chứng bệnh khác đã giết chết chúng ta.
– Những người chết theo cách này hầu hết là những người nhạy cảm. Hiếm khi do ngang ngược, một hành vi khinh dễ. Có những trường hợp, như Hitler chẳng hạn, quá kiêu ngạo để chấp nhận sự bất ngờ của số phận con người, đã tự giết mình vì sự kiêu căng đó, nhưng đó là một dạng rất khác của tự vẫn, không phải là dạng nơi phần lớn người thân yêu chúng ta. Thường thì cảm nghiệm của chúng ta về họ chẳng có khác gì hơn là họ kiêu ngạo. Nhưng chính xác hơn, họ đã quá bầm dập đến mức không chạm vào được nữa, họ đã mang một vết thương quá sâu đến mức chúng ta không thể hiểu được hay thực sự giúp gì được. Thật vậy, thường thì qua một thời gian đủ sau cái chết của họ, khi nhìn lại, chúng ta sẽ thấy được vài điều về vết thương của họ, một điều mà chúng ta không nhìn rõ khi họ còn sống. Như thế việc họ tự vẫn không còn gây ngạc nhiên nữa.
– Cuối cùng, chúng ta không cần phải quá lo về ơn cứu độ đời đời của người chết do tự vẫn. Sự thông hiểu và lòng thương xót của Thiên Chúa đổ tràn vô hạn trên chúng ta. Những người thân yêu đã chết của chúng ta đang ở trong một bàn tay an toàn hơn bàn tay chúng ta. Nếu chúng ta, với sự giới hạn của mình, có thể chạm đến nỗi bi kịch này với sự thông hiểu và thương yêu, thì chúng ta sẽ thấy nhẹ lòng với sự thật rằng, với tình yêu bao la và sâu thẳm của Thiên Chúa, người đã chết vì tự vẫn, ngược lại, sẽ tìm thấy một lòng thương xót còn sâu sắc hơn của chúng ta, và phán quyết của Ngài sẽ chạm đến những động cơ sâu sắc nhất trong quả tim những người đó.
Hơn nữa, dù có yêu thương, chúng ta chẳng làm được gì thêm cho người đã mất, trong khi đó, tình yêu Thiên Chúa, như Kinh thánh đảm bảo và đã được bày tỏ qua việc Chúa Giêsu sống lại, thì lại không như thế. Với người thân yêu của mình, đôi khi chúng ta thấy mình thật vô dụng không làm được gì, không có kế hoạch hay sức lực để làm gì, chỉ biết đứng ngoài cánh cửa lớn bị khóa kín bởi nỗi sợ hãi, thương tích, bệnh hoạn, hay cô đơn. Hầu hết những người chết vì tự tử bị khóa trong căn phòng riêng biệt do vết thương dai dẳng của họ mà chúng ta không chạm đến và bản thân họ cũng bất lực không làm được. Dù có nỗ lực đến đâu chúng ta vẫn không thể xuyên thấu được vào cái địa ngục tách biệt đó. Nhưng, như đã thấy trong những lần hiện ra sau phục sinh của Chúa Giêsu, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa không bất lực vô vọng trước những cánh cửa đóng kín. Tình yêu Thiên Chúa không đứng ngoài, gõ cửa trong vô vọng, mà lại đi thẳng qua cánh cửa khóa kín, đứng bên trong giữa đám hỗn độn sợ hãi và cô đơn, và truyền đi khí an bình. Với những người thân yêu đã chết vì tự vẫn của chúng ta cũng như thế. Chúng ta thấy mình bất lực, nhưng Thiên Chúa thì lại có thể, và làm được, Ngài đi qua cánh cửa lòng khóa kín, rồi khi vào đó, Ngài sẽ thổi sự an bình vào trong con tim rối bời đau đớn.
Cha Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch