Có được sử dụng thánh ca mà không cần phê duyệt không?

Hỏi : Tôi hơi thắc mắc về việc sử dụng thánh ca được chấp thuận trong phụng vụ khi cử hành Thánh lễ. Trong giáo xứ của chúng tôi, ca trưởng thường dùng các bài sáng tác riêng của ông cho Kinh Vinh Danh, Thánh Thánh Thánh, Tung hô sau truyền phép và Tung hô Amen trước kinh Lạy Cha. Ông thích sử dụng đàn piano hơn, do đó, đàn organ ít được dùng trong Thánh lễ. Ông cũng cho chơi đàn trong các thinh lặng thánh trong Thánh Lễ, mà tôi thấy là làm chia trí cho giây phút cầu nguyện riêng. Khi linh mục tiến đến bàn thờ ở đầu Thánh Lễ, ca trưởng tiếp tục cho hát bài ca nhập lễ, đôi khi kéo dài đến hai phiên khúc, ngay cả khi rõ ràng là vị linh mục phải chờ đợi cho ca đoàn hát xong. Theo tôi hiểu, mọi thánh ca phụng vụ phải được Giám mục phê duyệt, và đó là lý do tại sao có một imprimatur (được phép in) trong các sách thánh ca và sách lễ của chúng ta. Tôi nói có sai không, thưa cha, và tôi nên học để chấp nhận thánh ca riêng của ca trưởng ấy không? – P. B., Winter Garden, bang Florida, Mỹ.

Đáp: Câu hỏi này đã được giải quyết ở nhiều cấp độ tại Mỹ rồi.

Tài liệu có thẩm quyền nhất là bản dịch cuốn Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma được chấp thuận cho nước Mỹ. Số 393 của tài liệu này nói:

“Phải chú ý đến vai trò cao cả của hát ca trong cử hành, như là thành phần cần thiết hay trọn vẹn của phụng vụ. Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Ðồng Giám Mục Mỹ có quyền phê chuẩn, trước khi ấn hành, các giai điệu thích hợp, nhất là cho các bản văn phần Thường Lễ, cho các lời đáp và tung hô của giáo dân, và cho các nghi thức đặc biệt xảy ra trong năm phụng vụ”.

Các bản dịch qua các ngôn ngữ khác có các qui định tương tự cho các Ủy ban phù hợp của mỗi Hội đồng Giám mục. Điều này là bởi vì sự chấp thuận các qui định ấy là thẩm quyền của Hội đồng Giám mục Quốc gia, và một số Hội đồng có các chính sách riêng của mình.

Các Giám mục Mỹ đưa ra qui định trong văn kiện năm 2007 “Sing to the Lord, Hãy hát mừng Chúa”, gồm các hướng dẫn cho các nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, nhạc công, ca viên. Văn kiện này nói:

“107. Hội Đồng Giám Mục Mỹ đã ủy quyền cho Ủy ban Phụng tự trách nhiệm giám sát việc xuất bản các sách phụng vụ, vốn trình bày và hướng dẫn các nghi thức cải cách, được triển khai trong các năm kể từ Công đồng chung Vatican II. Trong ánh sáng của trách nhiệm này, “Các Hướng dẫn cho việc xuất bản các công cụ giúp tham dự Thánh lễ” đã được triển khai cho các nhà xuất bản để in các tài liệu cho việc tham gia cộng đoàn.

“108 Các bài thánh thi, thánh ca, và lời tung hô được viết cho cộng đoàn phụng vụ được phê duyệt để sử dụng trong phụng vụ bởi vị Giám mục giáo phận, mà trong đó chúng được xuất bản, để đảm bảo rằng các văn bản này thực sự thể hiện đức tin của Giáo Hội, với độ chính xác thần học, và thích hợp với bối cảnh phụng vụ.

“109. Nhà soạn nhạc, là người đặt nhạc cho bản văn phụng vụ, phải tôn trọng sự toàn vẹn của văn bản đã được phê duyệt. Chỉ khi có sự chấp thuận của Ban Thư ký Hội Ðồng Giám Mục Mỹ về Phụng Tự, các sự sửa đổi nhỏ mới được thực hiện cho bản văn phụng vụ đã được phê duyệt”.

Trong số các “sự sửa đổi nhỏ” này, vốn có thể được cho phép, văn kiện đã tiên liệu khả năng đưa thêm lời vào (lời đưa thêm hoặc lời khẩn nguyện không có trong sách lễ) trong bài ca “Lạy Chiên Thiên Chúa” khi linh mục bẻ bánh. Đề xuất này được coi là trái với qui tắc phụng vụ phổ quát, và Thánh bộ Phụng Tự đã yêu cầu sửa lại bản văn để loại trừ khả năng này.

Vì vậy, vào tháng 9-2012, số 188 của văn kiện “Sing to the Lord” đã được sửa đổi thành như sau:

“188. Bài ca Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa) đi kèm với các nghi thức Bẻ bánh. ‘Như là một quy định, ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh “Lạy Chiên Thiên Chúa”, và giáo dân đáp lại. Lời khẩn cầu này đi kèm với nghi thức Bẻ bánh, và vì lý do này, bài ca có thể được lặp đi lặp lại, bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: “dona nobis pacem, Xin ban bình an cho chúng con” (QCTQSLR, số 83). Bài ca Agnus Dei không nên được kéo dài không cần thiết (xem QCTQSLR, số 83 ), và cũng không được thêm lời nào vào bài ca này”.

Một tuyên bố giải thích sự thay đổi đã làm sáng tỏ một điểm khác, với một tầm nhìn về việc soạn nhạc cho sự thực hiện bản dịch mới của Sách Lễ Rôma:

“Các nhạc sĩ đặt nhạc mới cho các phần của Lễ Quy từ Sách Lễ Rôm bị cấm đưa thêm bản văn cho bài ca “Lạy Chiên Thiên Chúa”. Do đó, mọi phần nhạc mới cho Lễ Quy phải tuân theo và thích hợp với sự thay đổi này”.

Tương tự như vậy, điều này nói rằng sự thay đổi của điều 188 “có hiệu quả ngay tức thì, và ảnh hưởng đến tất cả phần nhạc hiện nay và tương lai của bài ca “Lạy Chiên Thiên Chúa”.

Do đó, nếu ca trưởng của giáo xứ của bạn đã đệ trình các bài do ông sáng tác cho giáo quyền xem xét và đã được phê duyệt, các bài thánh ca ấy được phép sử dụng. Nếu không, ông không được tiếp tục sử dụng chúng trong phụng vụ, cho đến khi ông có giấy phép hợp pháp.

Điều này không có nghĩa là không có bài sáng tác nào được duyệt nữa. Thật vậy, văn kiện “Sing to the Lord” có lời khuyên cho các nhà soạn nhạc :

“81. Giáo Hội cần các nghệ sĩ, và các nghệ sĩ cần Giáo Hội. Trong mọi thời đại, Giáo Hội đã kêu gọi các nghệ sĩ sáng tạo để mang lại tiếng nói mới cho việc chúc tụng Chúa và cầu nguyện. Trong dòng lịch sử, Thiên Chúa vẫn tiếp tục thở hơi Thần Khí sáng tạo của Ngài, làm cho trở nên cao quý việc làm của trái tim và bàn tay của các nhạc sĩ. Các hình thức thể hiện thì thật là nhiều và đa dạng.

“82. Giáo Hội đã bảo vệ và cử hành các lối diễn tả ấy trong nhiều thế kỷ. Trong thời đại chúng ta, Giáo Hội vẫn tiếp tục mong muốn đưa thêm cái mới vào cái cũ. Giáo Hội hân hoan kêu gọi các nhà soạn nhạc và người viết văn hãy sáng tác với tài năng đặc biệt của mình, để cho Giáo Hội có thể tiếp tục gia tăng kho báu về thánh nhạc”.

Cuối cùng, liên quan đến các yếu tố khác như việc sử dụng đàn piano và lựa chọn chơi đàn trong phút thinh lặng suy niệm, điều này là tốt nhất được giải quyết bởi cha xứ trong một tinh thần phục vụ việc phụng tự thánh và sự tôn kính phải lẽ.

(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 12-11-2013)

Exit mobile version