Hỏi: Thưa cha, trong thánh lễ, có thích đáng như thế nào cho một phó tế (một phó tế vĩnh viễn hoặc một phó tế chuyển tiếp) quỳ xuống trước bàn thờ lúc truyền phép, như các tín hữu trong cộng đoàn quỳ? – C. B., Nouan-le-Fuzelier, Pháp.
Đáp: Giáo Hội gán một mức độ quan trọng nhất định đối với vấn đề tư thế trong phụng vụ. Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói trong số 42:
“Cử chỉ và điệu bộ thân thể của vị tư tế, phó tế, các thừa tác viên, cũng như của giáo dân nhằm làm cho toàn bộ cuộc cử hành toát ra vẻ đẹp, sự thanh cao và đơn sơ, làm cho ý nghĩa thật sự và đầy đủ của các phần khác nhau được nhận thức và làm cho sự tham dự của mọi người được khuyến khích. Do đó, phải chú ý đến những gì được qui định bởi luật phụng vụ và thực hành truyền thống của Nghi Lễ Rôma, và những gì mang lại lợi ích thiêng liêng chung cho Dân Chúa hơn là ý thích riêng hay tùy tiện” (Bản dịch tiếng Việt của linh mục Phanxixô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).
Các quy chế riêng về thầy phó tế có thể được tìm thấy trong phần có tiêu đề “Thánh Lễ có thầy phó tế ” trong các số GIRM 171-186.
Tư thế của thầy phó tế trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể được quy định như sau:
“179. Trong phần kinh Tạ Ơn, thầy Phó tế đứng gần vị tư tế, phía sau một chút, để khi cần, giúp ngài mở chén, mở sách.
Từ lúc đọc kinh khẩn xin Chúa Thánh Thần cho đến khi nâng chén thánh, thường thì thầy phó tế quỳ. Nếu có nhiều phó tế, một thầy sẽ bỏ hương và xông hương lúc nâng bánh thánh và chén thánh sau truyền phép.
“180. Ðến vinh tụng ca kết thúc kinh Tạ Ơn, thầy phó tế đứng cạnh vị tư tế, nâng chén thánh lên, đang khi vị tư tế nâng đĩa có Mình Thánh, cho đến khi giáo dân đã tung hô: “A-men” (Bản dịch, như trên).
Như vậy, thầy phó tế phải quỳ xuống khi linh mục truyển phép.
Tại thời điểm này, chỉ có linh mục hay các linh mục dâng hy lễ vẫn đứng. Điểm này được đề nghị, mặc dù không phải một cách rõ ràng, bởi GIRM, số 93:
“Là người trong Hội Thánh có quyền thánh chức để dâng hy lễ nhân danh Ðức Kitô, bởi đó có quyền chủ toạ cộng đoàn được quy tụ, linh mục điều khiển kinh nguyện, công bố Tin Mừng cứu độ, liên kết giáo dân với ngài để dâng hy lễ lên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, trao cho anh em mình bánh hằng sống và cùng hiệp lễ với họ. Vậy khi cử hành Thánh Lễ, ngài phải phục vụ Thiên Chúa và giáo dân cách trang nghiêm và khiêm tốn; trong cách cử hành và đọc Lời Chúa, ngài còn phải cho giáo dân cảm thấy sự hiện diện sống động của Ðức Kitô” (Bản dịch, như trên).
Trong thực tế, quy định của việc quỳ khi linh mục truyền phép cũng áp dụng cho một giám mục hay các linh mục khác, khi các vị tham dự thánh lễ nhưng không đồng tế.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thầy phó tế luôn chọn tư thế của các tín hữu. Ví dụ, ở một số quốc gia, việc thực hành quỳ là khác nhau, như đã đề cập trong GIRM, số 43:
“Tuy nhiên, Hội Ðồng Giám Mục được quyền thích nghi các cử chỉ và điệu bộ ghi trong phần Thường Lễ của Sách Lễ Rôma, sao cho phù hợp với cách cảm nghĩ của mỗi dân tộc. Nhưng cũng phải liệu sao cho phù hợp với ý nghĩa và tính chất của từng phần Thánh Lễ. Ở đâu giáo dân có thói quen quỳ suốt sau câu tung hô Thánh Thánh Thánh cho đến hết Kinh Nguyện Thánh Thể, và quỳ trước phần Rước lễ khi linh mục đọc Ecce Agnus Dei, thì đó là điều đáng khen nên duy trì” (Bản dịch, như trên).
Trong các trường hợp này, thầy phó tế giúp lễ không làm theo tư thế của các tín hữu, và chỉ quỳ trong thời gian được đề cập trong GIRM, số 179. Bởi vì nếu thầy làm như vậy, thầy sẽ không thể thực hiện một số công việc riêng của phó tế, chẳng hạn như giúp linh mục mở trang sách, và sẵn sàng cầm chén thánh vào thời điểm của Vinh tụng ca.
Cuối cùng, nếu cần thiết để lấy cất tấm đậy chén thánh, thầy phó tế làm như vậy ngay trước khi truyền phép, rồi quỳ xuống.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 03.06.2014)