Cơ cấu của hội thánh

“Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khưyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Ðức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đòan chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hòan tòan tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Ðừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đòan chiên. Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.”

Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, 5: 1-5

CHƯƠNG 12 : CƠ CẤU CỦA GIÁO HỘI

NHẬP ÐỀ

Bàn đến cơ cấu của Giáo hội là đề cập tới một vấn đề khá phức tạp và sôi bỏng. Giáo hội phát sinh từ Ðức Giêsu; nhưng thực sự, Ngài đã muốn Giáo hội ấy phải là như thế nào? Tiên thiên, không thể quả quyết là Hội Thánh phải nhất thiết mặc lấy hình thức này hay hình thức nọ, vì có không phải là một, mà là nhiều hình thức và cách thức tốt để tổ chức một xã hội , một cộng đoàn hay một tôn giáo… Tùy văn hóa hay truyền thống riêng, các quốc gia dân tộc trong loài người cũng tổ chức cuộc sống xã hội của mình theo nhiều chế độ khác nhau.

NHIỀU CHẾ ÐỘ

Nếu tầm cứu lịch sử Giáo hội, hay tìm hiểu về thực trạng của Kitô giáo hiện nay, thì sẽ thấy có nhiều “chế độ” khác nhau đã xuất hiện và đang tồn tại. Chẳng hạn như trong Giáo hội Latinh có chế độ giống như “quân chủ” với một vị giáo chủ tối cao là giáo hoàng. Trong các Giáo hội gốc đế quốc Bydănxiô hoặc ở phía đông đế quốc này, các thượng phụ cai quản các Giáo hội riêng, theo một dạng chế độ “liên bang” hay “tự trị.” Còn trong các Giáo hội Tin lành thì thường gặp thấy nhiều dạng khác nhau của chế độ “dân chủ:” có thể chế giám mục hay kỳ mục, hoặc là thể chế hoàn toàn phi giáo sĩ.

Cách quan niện về nguồn gốc của “quyền bính” ở trong Giáo hội cũng khác nhau: có nơi thì coi quyền bính từ trên xuống, nghĩa là Ðức Kitô đã lập chức vụ thừa tác và bằng phương thức “thần khởi,” ban ơn cho những người đảm nhận chức vụ ấy; nơi khác lại để giáo dân chọn những thừa tác viên và ban quyền cho họ; cũng có nơi xác tín rằng chính Thánh Linh ban đặc sủng cho những người Ngài chọn.

Giữa các dạng chế độ ấy, cần phải tìm xem thể chế nào là chính đáng, tức là phù hợp với ý muốn của Ðức Kitô. Phải nói là trong lãnh vực này, không thể đi theo phương pháp duy lý, nghĩa là xét xem chế độ nào hợp lý, hợp thời hơn, hoặc được dân chúng thích hơn. Phương pháp chỉ có một, đó là: xét xem Ðức Giêsu đã muốn điều gì, tức là xét xem chế độ nào thực sự phù hợp, hoặc phù hợp hơn với ý định của Ngài về Giáo hội. Thực ra, không thể nào tiên thiên xác định được rằng Ðức Giêsu đã muốn một chế độ cụ thể nào đó, hoặc một mẫu chế độ duy nhất mà thôi. Có lẽ Ngài đã không xác định về chế độ nào cả, và đã muốn để cho Giáo hội tự tìm ra những cơ cấu thích hợp với hoàn cảnh cụ thể, v.v. Chúng ta tin rằng ý muốn của Ðức Giêsu được hiện thực hóa trong những cơ cấu các tông đã để lại. Dựa vào Tân Ước và Truyền thống, thử tìm cho ra câu giải đáp nghi vấn trên đây.

MỘT THỂ CHẾ VỚI HAI CƠ CẤU CĂN BẢN

Luận Ðề:

Ðức Kitô đã muốn Hội Thánh Ngài có một thể chế với hai cơ cấu căn bản, tức là phẩm trật và đoàn sủng. Cả hai cơ cấu đều phát nguồn từ Ðức Kitô qua Chúa Thánh Thần. Ðể minh chứng luận đề này, thì cần phải nghiên cứu Kinh Thánh và suy tư thần học.

1. Phẩm Trật Trong Giáo Hội

Trong Giáo hội, có một thừa tác vụ phẩm trật , do Ðức Giêsu sáng lập giữa nhóm tông đồ, gồm có quyền thánh chức, quyền giáo huấn và quyền tài thẩm , với mục đích phụng sự hầu giúp cho Dân Thiên Chúa được thống nhất và hữu hiệu trong sứ mạng của mình.

Giáo lý về cơ cấu phẩm trật trong Giáo hội có giá trị thần học gọi là “đức tin công giáo” (de fide catholica). Từ sơ thủy, Giáo hội đã từng tin như vậy. Huấn quyền đã quy định một số điểm cụ thể: (a) Công đồng Trentô định tín là: “Nếu ai chủ trương rằng trong Giáo hội công giáo không có phẩm trâït: một phẩm trật do Thiên Chúa thiết đặt, và gồm có những giám mục, linh mục và thừa tác viên, thì sẽ bị thuyệt thông” (DS 1776). (b) Các cơ cấu của Giáo hội không phải là kết quả của đà biến hóa xã hội, và sẽ không bao giờ biến đổi trong bản chất hay tận căn (DS 3453-4: chống lại thuyết duy tân ). (c) Các quyền năng của giáo phẩm bắt nguồn từ Ðức Kitô, chứ không phải từ cộng đồng các tín hữu (DS 2490: chống lại P. Quesnel ; 2602: chống lại hội đồng Pistoia ), và không cần đến phép chuẩn y của các chính phủ (DS 2893-4).

Trong chương III của Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen gentium, Vaticanô II đã nhắc lại giáo lý cổ truyền về những điểm cơ bản ấy. [1] “Thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập trong Giáo hội, được thi hành bởi những người có chức vụ khác nhau, mà từ xưa đã được gọi là giám mục, linh mục và phó tế” (LG 28a). [2]

Tân Ước

Ðọc Tân Ước, thì sẽ thấy Giáo hội không phải là một tập hợp hỗn tạp những người kitô, song là một xã hội có ngăn nắp kỷ cương, có các tông đồ đứng đầu và một số dịch vụ khác nhau, như trong các phong trào ở thời sơ phát và đang lớn lên; rồi với đà tiến bộ, các cơ cấu hình thành ngày càng rõ ràng hơn cho đến giai đoạn “trưởng thành” với lề lối tổ chức được gọi là “thể chế công giáo sơ khai .” Suốt trong quá trình ấy, Giáo hội ý thức là mình hằng sống trung thực với Ðức Kitô và Thần Khí. Vì vậy, khi quy trình hình thành kết thúc với việc nhận thức rõ ràng về phẩm trật ba bậc (giám mục, linh mục, phó tế), thì Giáo hội xác tín kiên vững rằng cơ cấu này chính là do thần quyền mà có.

a. Công Cuộc Khai Sáng Của Ðức Giêsu

Như đã thấy trước đây, Ðức Giêsu triệu tập nhiều môn đồ, rồi giữa họ Ngài chọn “Nhóm Mười Hai ” và dành cho các ngài một địa vị đặc biệt. Chính Ngài đã đối xử khác nhau với Nhóm Mười Hai và với các môn đồ khác, để cho thấy rằng các ngài được thông phần vào sứ mạng của mình một cách đặc biệt.

Không bao lâu sau khi Chúa Giêsu về trời, lịch sử cho thấy rõ là các sứ đồ hành quyền điều khiển các cộng đoàn kitô và ra những chỉ thị có tính cách đòi buộc cho các tín hữu (x. chẳng hạn: Cv 15: 28-29; 1Cr 5: 3-5; 2Cr 3: 5; 10: 8); hơn nữa, uy thế ấy, các ngài xác tín là bởi trời mà đến.

Phúc âm thứ tư nói rõ là Ðức Giêsu đã sai các tông đồ như Chúa Cha đã sai Ngài (x. Ga 20: 21; 17: 20), và ban cho họ Thần Khí của Ngài (x. Ga 14: 16-7), khiến họ có thể thi hành sứ mạng được trao phó (x. Ga 15: 26-7; 16: 7-14). Cách sinh hoạt của các tông đồ cũng tỏ rõ là các ngài đã ý thức được về điểm này. Các Phúc âm nhất lãm đều đồng ý với Gioan: Ðức Giêsu coi các tông đồ như chính mình vậy (x. Mt 10: 40): “Ai nghe anh em là nghe Thầy…” (Lc 10: 16; x. 9: 48).

Mục đích sứ mạng của các tông đồ và của Ðức Giêsu chỉ là một: rao giảng Nước Trời (x. Mt 10: 7tt). Khi Ðức Giêsu sai phái họ như là apóstoloi (sứ giả), là Ngài tỏ ý cho thấy Ngài chia sẻ quyền bính với họ: Mt 28: 18-20 chứng tỏ các tông đồ xác tín và hiểu rõ về điểm này. Ðức Giêsu chia sẻ với các tông đồ thiên sai tính của sứ mệnh: thời Ðức Giêsu sinh tiền, các vị đã rao giảng, trừ quỷ, chữa bệnh, v.v… (x. Mt 10: 1 và các đoạn song song); khi Ðức Kitô không còn tại thế, sứ mạng của các sứ đồ vẫn là rao giảng Tin mừng với những phép lạ đi kèm theo (x. Mc 16: 15-18).

Trong thái độ và cử chỉ của Ðức Giêsu, thần học nhận ra được phôi mầm của những gì bây giờ được gọi là nhiệm vụ huấn dụ. Rao giảng là nhiệm vụ của các thầy rabbi. Hơn nữa, Ðức Giêsu ban cho các tông đồ “quyền bính” của lời Ngài, vì nếu ai từ chối lời các sứ đồ thì sẽ bị xét xử (x. Mt 10: 14-15; Mc 6: 11; Lc 9: 5). Chúa Kitô phục sinh phái các sứ đồ đi khắp thế giới dạy dỗ muôn dân (x. Mt 28: 19; Mc 16: 15; Lc 24: 47): Mt và Mc nói là Ðức Giêsu sai “nhóm mười một;” còn Lc thì nói cách chung, “các môn đệ.”

Sứ mạng của các tông đồ cũng gồm cả nhiệm vụ thánh hóa: hẳn là Phép rửa khơi nguồn từ Ðức Kitô (x. Mt 28: 18), và thánh Phaolô giải thích cho thấy đó là nghi thức biến đổi tội nhân thành con cái Thiên Chúa (x. Rm 6: 1-11). Thánh Gioan thì gọi đó là sự “tái sinh bởi nước và Thánh Thần” (Ga 3: 5), tức là được thánh hóa. Ðức Giêsu cũng trao cho nhóm tông đồ nhiệm vụ cử hành bí tích Thánh Thể (x. Lc 22: 19; 1Cr 11: 24), hầu cung ứng lương thực cần thiết cho đời sống siêu nhiên (x. Ga 6: 51-58); và ban cho họ “quyền” tha tội (x. Ga 20: 22-23).

Là một cộng đoàn tổ chức có trật tự, ắt Giáo hội cũng phải có một người đứng đầu điều khiển. Ðức Giêsu chọn “Mười Hai” trong số đông các môn đồ, làm một nhóm đặc biệt, và huấn luyện cùng đối xử họ theo một cung cách riêng (x. Mc 9: 31; Mt 13: 11.36). Ngài lại còn dành một ít ưu tiên cho vài ba người trong nhóm (Phêrô, Giacôbê, Gioan). Thấy thế, các tông đồ đã đặt vấn đề và tranh luận về cấp bậc giữa họ (x. Mc 9: 33-35). Ðức Giêsu quở trách họ vì tinh thần ganh tị, nhưng Ngài biết rõ là trong nhóm sẽ có kẻ trên người dưới (x. Mt 23: 11). Thật ra, khi lập “Nhóm Mười Hai” làm tổ phụ của Ítraen mới, Ðức Giêsu hứa là “họ sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Ítraen” (Mt 19: 28; Lc 22: 28-30): “xét xử” có nghĩa là “quản trị, điều khiển.” Văn cảnh cánh chung này ám chỉ đến “giai đoạn chung quyết” của lịch sử cứu độ, nghĩa là thời đại của Giáo hội.

Lời then chốt về chủ đề này là Mt 18:18:

“Thầy bảo thật anh em: dưới đất anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.”

Chương 18 của Phúc âm Mt được gọi là “văn từ về Giáo hội,” vì nội dung đề cập đến cung cách sinh hoạt trong Giáo hội. Câu một nói về các “môn đồ” mà theo câu song song Mc 9: 35 thì đó là “Nhóm Mười Hai.” Các ngài muốn biết “ai là người lớn nhất trong Nước Trời;” Ðức Giêsu không phủ nhận là có “người lớn nhất” (x. Lc 22: 26), nhưng Ngài muốn dạy họ về cách cư xử phải có đối với nhau. Toàn bộ bài huấn từ nhằm thẳng tới những “người lớn” ở trong “Nước Trời” ấy: họ phải cư xử như người chăn chiên lành (x. Lc 12-14). Trong Kinh Thánh những vị lãnh đạo thường được ví như mục tử (x. Ed 34); Ðức Giêsu cũng đã nói rõ mình là mục tử đích thực (x. Ga 10: 1-18), và đã dự tiên lo liệu cho tương lai của “đàn cừu” đặc biệt là qua tác vụ của một sứ đồ được chỉ đích danh (x. Ga 21: 15-17).

Ðoạn Mt 18:15-18 đề nghị cách thức sửa lỗi trong “Nước Trời” tức Giáo hội. Các độc giả của Mt (người Do thái) tất hiểu rõ điều đó, vì họ quen thuộc với phương pháp ấy. Toà chung thẩm là Giáo hội (địa phương) – quan niệm theo mẫu các hội đường Do thái (x. Ga 9: 23.34; 12:42) – tức là những người phụ trách hướng dẫn cộng đoàn. Những vụ thẩm xét quan trọng hơn thì được Hội đồng Giêrusalem phán quyết (x. Cv 22: 30; 25: 9).

Matthêu đã đặt câu 18: 18 vào trong văn mạch vừa nói. Ðức Giêsu bảo: “Quả thật” (amên), có nghĩa: đây là điều quan trọng; rồi Ngài trao cho “anh em” cùng một quyền mà trước đó Ngài đã trao cho Phêrô. “Anh em” là ai: trong câu 17 Ðức Giêsu nói ở số ít, nhưng câu 18 lại mang số nhiều; như thế, nguyên khởi, hai câu đã không đi sát nhau trong cùng một văn bản. Mt muốn áp dụng câu 18 cho các người mình đang nói tới ở chương 18, tức là nhóm sứ đồ. Ðiều đó càng tỏ rõ hơn nữa nếu được đặt cạnh bối cảnh của Mt 16:19, tức là lúc Ðức Giêsu trao quyền ấy cho Phêrô, là sứ đồ đứng đầu Nhóm Mười Hai.

Chúa trao quyền gì? “Cầm buộc – tháo cởi” là một thành ngữ quen thuộc và sáng tỏ đối với người Do thái, có nghĩa là “cấm chỉ và cho phép” trong lãnh vực luật pháp và xã hội. Như khi Ðức Giêsu nói mình không đến để “tháo cởi” hay “bãi bỏ luật” (Mt 5: 17), hoặc khi người Do thái vu cáo Ngài “tháo cởi” hay “phá bỏ luật Sabát” (Ga 5: 18). Quyền Chúa ban, trước hết, là môt quyền thánh, vì là quyền trong Hội thánh và được “trên trời” chuẩn y. Nguồn gốc xuất phát của quyền này không hẳn phải là tài thông thạo về Luật Chúa (Kinh Thánh) hay về Giáo luật, như các thầy rabbi; cũng không phải là sự đồng ý hoặc chấp thuận của dân chúng; song là “ơn trên,” tương tự như là chính Ðức Giêsu (x. Mt 7: 28-29). Ðó là quyền tối cao , vì về mặt tôn giáo không có một quyền nào khác cao hơn, bởi trực tiếp thuộc về Trời; và là quyền tổng quát đối với “mọi điều dưới đất.” Có hai cách giải thích từ “mọi điều:” hoặc là chỉ về toàn quyền lập pháp, hoặc là chỉ về toàn quyền giải thích luật; nhưng trong cả hai trường hợp, từ ấy đều mang ý nghĩa chỉ về quyền điều khiển.

Như thế, các sứ đồ thay mặt Ðức Kitô, vì chính Ngài nói: “Ai nghe anh em là nghe Thầy, ai khước từ anh em tức là khước từ Thầy…” (Lc 10: 16), hoặc: “Ai tiếp đón anh em là tiếp đón Thầy, và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy” (Mt 10: 40; x. Ga 13: 20). Nguyên tắc là lời của sứ giả là lời của Ðấng đã sai sứ giả; vì vậy, lời của các sứ đồ là lời phán xét của Thiên Chúa: “Ai tin và chịu Phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án” (Mc 16:16), hệt như là lời của chính bản thân Ðức Giêsu (x. Ga 12: 47-49).

b. Giáo Hội Sơ Khai Với Việc Công Nhận Quyền Của Các Tông Ðồ

Ðời sống của Giáo hội được Ðức Kitô và Thần Khí hướng dẫn. Do vậy, các tông đồ trong cộng đoàn có được chức năng chuyển thông cho biết ý định của Ðức Kitô về Giáo hội Ngài.

Sách Công vụ Tông đồ cho thấy là nhóm tông đồ đứng đầu và điều khiển cộng đoàn kitô sơ khai. Ðể thay thế Giuđa, Phêrô (đại diện Nhóm Mười Hai) có sáng kiến đề nghị phải chọn một người khác; ngài đưa ra các điều kiện; cộng đoàn đề cử, và Chúa chọn “ai sẽ lãnh episcopê của nó” (Cv 1: 15-26). [3] Thiên Chúa hoạt động qua trung gian nhân loại, như là phong tục và văn hóa. Trong việc tuyển chọn trên đây, Người đã hành động qua việc rút thăm, theo kiểu Do thái (x. Xh 28: 30; 1Sm 14:41; Cn 16: 33).

Khi Thánh Thần hiện xuống để hoàn tất và giới thiệu Giáo hội với thế gian, đứng đầu và chủ động các sinh hoạt là “Nhóm Mười Hai” (x. Cv 2: 14). Những tân tòng đầu tiên thống hối và muốn theo lối sống mới, đều đã đến với các sứ đồ và được các ngài đón nhận (x. Cv 2: 37-41). Sau đó, các sứ đồ dạy đỗ cộng đoàn (x. Cv 2: 42) và quản lý của cải cộng đoàn (x. Cv 4: 35). Các ngài quả là hiện thân của “phong trào kitô” trước mặt thiên hạ (x. Cv 4: 33; 5: 20-21.32.42).

Các tông đồ sáng tạo ra những thừa tác vụ mới: khi hoàn cảnh đòi hỏi, Nhóm Muời Hai cứ theo lề lối sẵn có mà đặt thêm những dịch vụ (diakonia) mới; cộng đoàn đề cử, và các ngài chia sẻ trách nhiệm với bảy “phó tế” qua nghi thức đặt tay trên họ (x. Cv 6: 1-6). Sau này, trong Giáo hội Giêrusalem lại thấy có các “kỳ mục”: có thể hiểu là họ đã được đặt tay theo cùng một nghi thức tương tự; nhất là vì sau này thánh Luca cho biết về việc Barnaba và Phaolô cũng được bổ nhiệm vào phận vụ “kỳ mục” ở Tiểu Á (x. Cv 14: 23). Dù khẳng định rõ mình được trực tiếp kêu gọi “bởi Ðức Kitô và Chúa Cha” vào nhiệm vụ tông đồ (x. Gl 1: 1), thì cả đến Phaolô cũng đã đi trình diện với các tông đồ ở Giêrusalem và lĩnh ý của các ngài (x. Gl 2: 1-9).

Khi giảng viên Philipphê rao truyền Tin mừng tại xứ Samaria và rửa tội cho nhiều tân tòng, các tông đồ còn phải “cầu nguyện cho họ nhận được Thánh Thần” (Cv 8: 15-16). Như thế có nghĩa là các tông đồ có một chức năng mà các thừa tác viên khác không có, nên không hành sử được. Thần Khí soi dẫn Phêrô để đi đến quyết định thu nạp lương dân vào Giáo hội: là điều mà trước đó, cộng đoàn xem ra chưa sẵn sàng để chấp nhận (x. Cv 10-11). Cuối cùng, các tông đồ đã triệu tập và chủ tọa “công đồng” Giêrusalem, nhằm thiết định luật lệ cho toàn thể Giáo hội (x. Cv 15: 23-29).

c. Thánh Phaolô

Phaolô không thuộc Nhóm Mười Hai, nhưng ngài và Barnaba cũng là “tông đồ,” đồng chức đồng quyền như các sứ đồ khác. [4]

Phaolô là tông đồ đích thực vì bản thân Ðức Kitô đã chọn và sai ngài đi với muôn dân, [5] và đã mục kiến Ðức Kitô phục sinh (1Cr 15: 8); vì vậy ngài có thể rao giảng tin mừng và làm chứng cho Ðức Kitô (Cv 26: 16), khiến lời ngài, như lời các tông đồ khác, là lời Chúa (Tx 2: 13). Thiên Chúa đã biến ngài thànhdụng cụ của ơn cứu độ. [6] Vì thế ngài không tùng phục người đời nào (1Cr 4: 3). Ngài tự xưng là tông đồ, [7] và làm việc tông đồ như các sứ đồ khác, thật ra được các sứ đồ khác công nhận như “đồng nghiệp” (Gl 2: 7-10; 2Pr 3: 15). Cuối cùng, Phaolô cũng làm phép lạ (Rm 15: 19; 2Cr 12: 12), nghĩa là Thiên Chúa chuẩn y việc ngài làm.

Phaolô đã sáng lập và điều khiển một số Giáo hội. [8] Ngài dùng quyền mà tuyệt thông (x. 1Cr 5: 3-5), và ra lệnh cho cộng đoàn phải vâng lời. [9] Ngài tổ chức các Giáo hội, cũng như bổ nhiệm các thừa tác viên (x. Cv 14: 13), và biệt phái thừa sai đi làm việc tại các Giáo hội khác [10]. Ngài đặt những người làm thủ lãnh trong các Giáo hội địa phương, chẳng hạn như Titô tại Crêta (x. Tt 1: 5) và Timôtêô tại Êphêsô (x. 1-2Tm). Ngài ra chỉ thị cho cộng đoàn (x. 1Cr 10: 23-11:17), và không ngần ngại ra lệnh nhân danh Chúa (x. 1Cr 7: 10) cùng chính mình (x. 1Cr 7: 12t), bởi ý thức mình có quyền do Thiên Chúa trao ban (x. 2Cr 13: 2-3). Các Giáo hội ấy đều có giới chức điều khiển: Phaolô gọi họ là “người đứng đầu” (x. Rm 12: 8), “người lãnh đạo” (x. 1Tx 5: 12), “kỳ mục” (x. 1Tm 5: 1t; Tt 1: 5-9) hoặc là “giám sự” (Pl 1: 1; 1Tm 3: 1-2; Tt 1: 7). Ngài cũng đã vài lần nhắc đến các “phó tế” (x. Pl 1: 1; 1Tm 3: 8.12), và cả một “nữ phó tế” nữa (x. Rm 16: 1).

Kết luận: các Giáo hội do Phaolô sáng lập đều được tổ chức theo cách xếp đặt của vị tông đồ, với nhiều thừa tác vụ khác nhau. Vậy, tiến trình hình thành cơ cấu của các Giáo hội song hành với những yêu cầu cụ thể của hoàn cảnh địa phương, và thường dựa theo mô mẫu của hội đường Do thái, rồi từng bước biến hóa thành “cơ cấu công giáo ” như thấy được trong các Thư Mục vụ: tức là có những người dùng “quyền bính” hợp pháp đã nhận được, để điều khiển cộng đoàn.

Vấn đề là: phải quan niệm như thế nào về quyền bính ở trong Giáo hội.

QUYỀN BÍNH TRONG GIÁO HỘI

Tân Ước dùng từ exousía hoặc là từ tương tự éxeimi, để chỉ quyền bính. Ý nghĩa chung là quyền được có hoặc được dùng một cái gì đó; tựa như “nhân quyền” thường được nói đến trong thời nay. Vì quyền của một người thường chịu giới hạn do quyền của người khác, nên exousía cũng hàm ngụ ý niệm trách nhiệm. Quyền tối cao là quyền của Thiên Chúa (x. Lc 12: 5; Cv 1: 7), nhưng Người đã thông ban toàn quyền cho Ðức Kitô (x. Mt 28: 18; Ga 13: 3). Vậy nếu Ðức Kitô sai phái các tông đồ “như Cha đã sai phái Ngài,” thì Ngài cũng dùng chính toàn quyền đã nhận được ấy mà sai phái họ đi để, với quyền của Ngài, họ chu toàn sứ mạng mà Ngài đã trao phó. Thế thì quyền đó là “quyền để xây dựng chứ không phải để đánh đổ” (2Cr 10: 8; 13: 10). [11]

Quyền Bính Của Ðức Kitô

Ðức Kitô là nguồn gốc và kiểu mẫu của mọi quyền bính trong Giáo hội. Ngài có quyền vì vốn là Thiên Chúa (x. Ga 13: 13), nhưng Ngài không dùng quyền ấy để giữ cho mình một địa vị ưu đãi trong xã hội. Ngài đã nói rõ: “Tôi đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mc 10: 35) và “Trò thì không hơn thầy…” (Mt 10: 24t): vinh dự của môn đồ là được nên giống thầy mình.

Trong Giáo hội Ðức Kitô, bao giờ cũng có quyền bính, vì Ngài hằng ở với Giáo hội (x. Mt 28: 20). Vì thế, khi sứ đồ thi hành nhiệm vụ, thì luôn có Chúa cùng hoạt động với (x. Mc 16: 20). Trong Giáo hội, một “viên chức” trước hết phải là một môn đồ của Ðức Giêsu, một môn đồ không bao giờ “tốt nghiệp môn đồ” để tự lập tách khỏi thầy mình, tức không được dùng quyền như là “quyền của riêng mình.” Môn đồ trước hết là người biết bỏ mọi sự mà theo Thầy (x. Mc 1: 17-20), là người không coi bất cứ một điều gì quan trọng hơn là việc theo Thầy (x. Lc 9: 57-62), dù có phải vác thập giá mà theo (x. Lc 14: 27). Thứ đến, môn đồ là người tôi tớ, người phục vụ: tôi tớ Ðức Kitô (x. Rm 1: 1) để phục vụ Tin mừng của Ðức Kitô. Và, môn đồ là người được ủy thác một sứ mệnh tựa như của người quản gia trung tín (x. Lc 12: 41-48).

Dùng Quyền Bính Theo Mẫu Gương Ðức Kitô

Ðức Giêsu nhắn nhủ các môn đồ đừng bắt chước các vua chúa trần gian, đừng tìm kiếm ưu thế, danh vọng; trái lại, phải noi theo gương của Ngài để “sống giữa anh em như là người phục vụ” (Lc 22:24-30); vì người trên phải biết sống hạ mình xuống (x. Ga 13: 12-15). Môn đồ Phaolô đã từng rập khuôn, theo sát gương Thầy mình, nên hằng sẵn sàng chịu người đời coi mình như “trò cười, rác rưởi” vì Chúa mình (x. 1Cr 4: 9-13).

Ðức Giêsu đã nói rõ: “Anh em gọi Thầy là ‘Thầy,’ là ‘Chúa,’ phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13: 13-15). Nói tiếp về tôi tớ và sứ giả của Ngài, Ðức Giêsu cho biết: làm như vậy là mưu cầu hạnh phúc cho chính họ. Chuẩn tắc cho các lãnh tụ trong Giáo hội nhắm theo là chính Ðức Giêsu; thánh Phêrô đã nhận định và khuyên nhủ như thế (x. 1Pr 5: 1-4). Công đồng Vaticanô II cũng khuyên các giám mục như vậy (LG 17c).

Phẩm Trật

Mầm giống Ðức Giêsu gieo và các tông đồ tưới, đã nhờ Thánh Thần mà mọc lên thành cơ cấu trưởng thành của Giáo hội. Cơ cấu này được gọi là phẩm trật .

Giáo luật khẳng quyết: “Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo hội có các thừa tác viên chức thánh, được gọi theo luâät, là các Giáo sĩ; còn các người khác thì được gọi là Giáo dân” (điều khoản 207 §1). Các “giáo sĩ” ấy làm thành “phẩm trật” gồm ba bậc: giám mục, linh mục và phó tế. [12]

Từ ghép “Phẩm trật” là từ dịch của chữ Hierarkhía trong Hy ngữ; còn La ngữ thì chuyển âm chữ Hy lạp ấy ra thành Hierarchia . Qua lối ngõ cuốn sách tựa đề Phẩm trật Giáo hội [13] của Ðiônisiô “Nghị sĩ Giả,” từ “Phẩm trật” đã đi vào ngôn ngữ Giáo hội học. Ý nghĩa là: ‘thánh trị,’ ‘thánh quyền’ hoặc ‘thánh nguyên lai,’ và ám chỉ đến vai trò của chức tư tế trong Giáo hội. [14] Truyền thống hiểu “phẩm trật” là toàn bộ những quyền bính (hoặc những thừa tác viên có quyền bính) để hướng dẫn Giáo hội đi về mục đích của mình là ơn cứu độ. Là “trật tự” mà Ðức Kitô đã thiết đặt cho Giáo hội Ngài, phẩm trật đóng giữ chức năng thay mặt Ðức Kitô là Ðầu. Thần học thường phân biệt giữa phẩm trật thánh chức và phậm trật tài phán: phẩm trật thánh chức điều hành tất cả những gì liên quan đến Thánh Thể (và các bí tích); còn phẩm trật tài phán thì điều hành mọi việc liên quan đến Nhiệm Thể (Dân Chúa). Tự gốc, chỉ có một phẩm trật duy nhất phát sinh từ bí tích chức thánh. [15]

Xét theo thần quyền, [16] phẩm trật thánh chức gồm có ba bậc: giám mục, linh mục và phó tế, như công đồng Trêntô đã định tín; xét theo giáo luật, thì ngày trước, đã có những chức: cắt tóc, giữ cửa, đọc sách, trừ quỷ, giúp lễ và phụ phó tế. Còn phẩm trật tài phán xét theo thần quyền thì gồm có giám mục đoàn, giáo hoàng và giám mục. Giám mục lãnh nhận quyền năng tài phán qua chức thánh, nhưng cần phải có việc ủy thác hợp luật (missio canonica ) thì mới được hành sử quyền ấy (x. LG 27, CD 8). Giáo luật ghi rằng:

“Các giám mục, nhờ chính việc thụ phong giám mục, nhận lãnh cùng với nhiệm vụ thánh hóa, cả các nhiệm vụ giảng dạy và quản trị nữa. Tuy nhiên nhiệm vụ giảng dạy và quản trị, theo bản tính, chỉ có thể hành sử trong sự hiệp thông phẩm trật với thủ lãnh và với mọi phần tử tập đoàn” (điều khoản 375 §2).

Vì ấn tích của chức thánh không tẩy xóa được, nên giám mục mãi mãi là giám mục; tuy nhiên, vì việc ủy thác hợp luật có thể bị bãi bỏ, nên các ngài có thể bị cất chức.

Từ quyền chức giáo hoàng phát sinh ra nhiều tác vụ và chức vụ khác, như: các bộ trong giáo triều Rôma, các chức hồng y, thượng phụ (trong Giáo hội công giáo Rôma), tổng giám mục, giáo chủ, đại diện tông tòa, giám quản, viện phụ biệt hạt, giám chức tòng thổ, bề trên tổng quyền miễn trừ, v.v… Từ quyền chức giám mục phát sinh ra các chức vụ như: linh mục tổng đại diện, linh mục quản hạt, linh mục chánh xứ.

Trọng tâm của phẩm trật Giáo hội là bí tích giám mục. Cũng nên lưu ý là các “viên chức” thượng cấp (giáo hoàng, thượng phụ, giáo chủ, giám mục chính tòa), đều là đầu của một Giáo hội địa phương, vì Giáo phận là hiện thân của Hội thánh phổ quát tại một nơi; còn giám mục đoàn thì được cụ thể hóa ở trong công đồng chung.

Mục đích của phẩm trật là thay mặt Ðức Kitô, Ðầu của Giáo hội, và phục vụ Dân Thiên Chúa như Ngài đã từng làm. Vaticanô II dạy rằng: “Nhiệm vụ Chúa đã trao phó cho các chủ chăn của dân Người quả là một công tác phục vụ, mà Kinh Thánh gọi rõ là diakonia , nghĩa là thừa tác vụ” (LG 24a). [17] Vì thế, từ thời thánh Grêgôriô Cả trởû về sau, các giáo hoàng thường dùng danh xưng servus servorum Dei (“tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa”) để chỉ về mình. Vì phẩm trật là hiện thân của hiệp thông, nên dịch vụ đầu tiên là đảm bảo sự hiệp nhất trong Giáo hội; vì phẩm trật gồm các chủ chăn, nên có nhiệm vụ giáo huấn và nuôi dưỡng Dân Chúa bằng giáo lý và các bí tích.

Trong những trang sau, xin bàn chi tiết hơn về các điểm vừa đề phác ra trên đây.

2. CƠ CẤU ÐOÀN SỦNG CỦA HỘI THÁNH

Hội Thánh là thân thể có “linh hồn” và, vì thế, cùng với cơ cấu phẩm trật cũng có cơ cấu thiêng liêng. Nếu so sánh phẩm trật với cốt cách của Dân Thiên Chúa, thì những đoàn sủng giống như bộ xương của Nhiệm thể. Công đồng Vaticanô II nhận định:

“Thánh Linh không chỉ thánh hóa và huớng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí tích và các thừa tác vụ, cùng trang bị họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu ‘phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài’ (1Cr 12: 11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo hội…” (LG 12b).

Ngày nay, Giáo hội học không thể lảng tránh mà không bàn đến các đoàn sủng trong Giáo hội. [18] Thường thì Giáo hội học công giáo ít lưu ý tới khía cạnh này; có lẽ vì dựa quá đáng vào sách Công vụ Tông đồ và các Thư mục vụ, mà lại không quan tâm đủ đến 1Côrintô, cho nên Giáo hội học làm như mắc phải óc duy giáo sĩ và nệ pháp lý. Vaticanô II đã đề cập đến vấn đề. Sau đây xin được bàn rộng thêm về điểm vừa nói. [19]

Ðoàn sủng là gì? Là – theo thần học định nghĩa – gratia gratis data, tức là một ơn Chúa ban nhưng không, cho một cá nhân vì “lợi ích chung” (x 1Cr 12: 7). Nhưng ý nghĩa Tân Ước muốn nói lên qua ý niệm đoàn sủng thì rộng hơn: [20] có thể đi đôi với một tài năng, chức năng hoặc nhiệm vụ, hoặc là được ban cho một người để chu toàn một sứ mạng đặc biệt; cũng có thể là Chúa ban ơn ấy vì một ích lợi riêng mà thôi (x. 1Cr 14: 4). Ðoàn sủng thường được coi như ơn của Thần Khí. Ngày nay, đoàn sủng được quan niệm như một ơn thiêng liêng, thường đi đôi với một kinh nghiệm sâu xa lạ thường, và có ảnh hưởng trên cuộc đời của cá nhân nhận ơn cùng của người khác. Ðoàn sủng có thể là của một cá nhân hay của một nhóm; dù sao, đoàn sủng cũng phải được đức ái hoạt hóa thì mới quả là đích thực.

Dù có được nói đến nhiều tại Côrintô, thì các đoàn sủng cũng đã có mặt khắp nơi trong Giáo hội sơ khai. Tựa như trường hợp của phẩm trật: dù tại Giêrusalem thể chế này hình thành rõ rệt trước,, [21] nhưng đã hiện diện trong tất cả các Giáo hội. Trong Tân Ước, khái niệm “đoàn sủng” chưa kết tinh rõ ràng. Từ khárisma (“ơn, biệt sủng”) xuất hiện 17 lần ở trong Tân Ước: 16 lần trong các văn bản Phaolô, một lần ở trong 1Pr 4: 10, và không bao giờ mang ý nghĩa đối nghịch với chức vụ. Thường thì từ ấy mang ý nghĩa chung (= “ơn”), và chỉ trong ba đoạn là có ý nghĩa gần như “đoàn sủng” (x. Rm 12: 6; 1Cr 12: 4-31; 1Pr 4: 10). Còn thánh Luca thì không dùng từ “đoàn sủng,” nhưng lại nói đến thực tại của các ơn ấy.

Ơn này của Thần Khí xuống trước hết trên “các tông đồ” và những ai đang ở với các ngài trong ngày lễ Ngũ Tuần, khiến nhóm “mầm giống” ấy lớn mạnh lên trở thành Giáo hội. Kinh nghiệm Hiện xuống ấy (x. Cv 2: 1-4) là yếu tố cấu tạo Giáo hội. Như thế, có nghĩa là những lời tiên tri (x. Ed 36: 25-27; Ge 3: 1-4) đã ứng nghiệm, và “Ítraen mới” đã được tràn đầy Thần Khí. Giáo hội là một tạo vật mới, sinh ra bởi nước và Thánh Thần, đã được xức dầu bằng Thần Khí (x. Rm 8; Gl 5; 1Ga 2: 20-7). Giáo hội là một cộng đoàn linh hoạt nhờ Thần Khí hiện diện; vì thế, hoạt động của Giáo hội phải hùng hồn biểu lộ sự hiện diẹân ấy. Ðoàn sủng của Thánh Linh là sinh khí của Giáo hội gốc Do thái (x. Cv 2: 2) cũng như của các Giáo hội gốc dân ngoại (x. Cv 10: 44), để làm cho mọi khác biệt trở thành một tổng thể hiệp thông duy nhất (x. Ep 4: 3-7).

Thần Khí ban phát những đoàn sủng cho các tín hữu tùy ý Ngài, và để mưu ích cho cộng đoàn (x. 1Cr 12: 7). Trong Giáo hội Côrintô, đã có những đặc sủng lạ lùng, như nói tiếng lạ mà thông thường không ai hiểu. Phaolô ca tụng đặc ân này (chính ngài cũng đã nhận được: 1Cr 14: 18), nhưng lại đặt nó dưới “ơn tiên tri,” vì đặc ân ấy cần nhờ đến “ơn giải thích” thì mới xây dựng cho cộng đoàn được. Còn đặc ân “xuất thần” hoặc những hiện tượng lạ (pneumatiká: 1Cr 12: 1; 14: 1) thì nên đề phòng vì dễ bị lừa bịp: dân ngoại cũng có những hiện tượng tương tự. Vì vậy, Phaolô nhấn mạnh đến việc cần phải biết “nhận định thần loại” theo hai tiêu chí: một là đức tin chính thực (x. 1Cr 12: 3), hai là chủ ý mưu ích chung (x. 12: 7; 14: 26). Nguyên tắc chung là phải quý trọng các đoàn sủng: “Ðừng dập tắt Thần Khí; chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều tốt thì giữ, còn điều xấu dù là dưới bất cứ hình thức nào, thì phải lánh cho xa” (1Tx 5: 19-22). Vì thế, cần phải đặt quy tắc cho hoạt động của các đoàn sủng (x. 1Cr 14).

Bên cạnh những đoàn sủng lạ lùng, cũng có những ơn đơn sơ mọi người kitô đều có thể nhận được để sống đạo hằng ngày (x. 1Cr 12: 12-13). Chẳng thế mà thánh Phaolô nói về “ơn khôn ngoan,” “ơn hiểu biết,” “ơn nhận định các thần loại,” tức là khả năng giúp anh em giải quyết những thắc mắc trong cuộc sống; hoặc là “ơn chữa bệnh” cũng có thể đưa đến chỗ làm phép lạ, hay “ơn quản trị” là nền tảng của phận vụ cai quản (x. 1Cr 12: 28). Tương tự như các “ơn gọi” mà thời nay thường nói đến, Phaolô cũng liệt kê những đoàn sủng có tính cách dịch vụ, như là: làm thầy dạy, làm người khuyến khích, chủ tọa, săn sóc, lo việc từ thiện, v.v. (x. Rm 12: 6-9; 1Cr 12: 27-28; Ep 4: 11t). Thật ra, trong ánh sáng đức tin, hết thảy các nhiệm vụ, chức năng, địa vị, v.v. đều là ơn của Chúa, và được ban cho để xây dựng Giáo hội (x. 1Cr 7: 7.17.18-20, v.v.).

Phaolô còn đặc biệt nêu bật và nhấn mạnh đến “một con đường trổi vượt hơn cả” là “đức mến” (x. 1Cr 12: 31tt). Phải chăng Giáo hội có một cơ cấu tình yêu?

Ðoàn Sủng Và Giáo Phẩm

Vì các đoàn sủng được Thần Khí ban xuống cách tự do, không ai kiểm soát được; thế nên, có người cho rằng trong Giáo hội, thể chế “quân chủ ” và đoàn sủng kị nhau. [22] Nếu “quân chủ” được quan niệm như cực quyền quyên chế, thì quả đúng; nhưng đó không phải là thể chế trong Giáo hội. Sự khác nhau giữa các đoàn sủng đòi phải có sự hiệp nhất trong thân thể, và thân thể thì chỉ có một đầu. Dù sao, nếu không ý tứ cho đủ thì có thể xảy ra xung đột giữa đoàn sủng với quyền bính, như thánh Phaolô đã thể nghiệm tại cộng đoàn Côrintô, và như lịch sử của Giáo hội đã tỏ rõ.

Trước hết, nên lưu ý là giữa các đoàn sủng cũng có một loại trật bậc. Thánh Phaolô viết là trong Giáo hội, trước hết có các tông đồ, thứ đến là các tiên tri, sau đó là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, chữa bệnh, v.v. (x. 1Cr 12: 28). Các tiên tri cùng với các tông đồ được đóng giữ vai trò làm nền móng của Giáo hội (x. Ep 2: 20); thâït ra, đoàn sủng này là dấu hiệu của thời đại cánh chung (x. Cv 2: 7t). Tiên tri là người chuyển lời của Thần Khí cho cộng đoàn để biết đường mà đi trong những cảnh ngộ đặc biệt. [23] ]Ơn tiên tri làm cho được thông phần vào chức năng tiên tri của Ðức Kitô để làm chứng cho Tin mừng trước mặt thiên hạ. Ít hay nhiều, mọi kitô hữu đều được thông phần vào ơn này, như Vaticanô II đã dạy (LG 31; AA 10; PO 2a, v.v.). Cựu Ước cho thấy là thường có những vụ xung đột giữa các tiên tri với giới cầm quyền trong dân Do thái; trong Giáo hội cũng có thể xẩy ra như vậy.

Ðặc sủng là ơn Thiên Chúa ban cho để có khả năng mà thi hành một sứ mạng – hay “ơn gọi” – hầu mưu ích cho cộng đoàn; vì thế, Giáo hội công nhận và khuyến khích là những ai được Thiên Chúa ban đặc sủng cho, thì không những có quyền mà còn có bổn phận thực thi ơn ấy cho đầy đủ: Vaticanô II nói rõ rằng vì đã nhận ơn ngôn sứ, nên các giáo hữu có jus et officium (“quyền lợi và bổn phận”) làm việc tông đồ (CD 16e; AA 3a). Tuy nhiên, vì có nhiều ơn và phải giữ dây hiệp nhất, nên cần phải nhận định cùng xếp đặt làm sao để các đoàn sủng sinh hoạt trong trật tự, và phải biết loại trừ những “đoàn sủng giả.” Tân Ước cảnh cáo chống lại “những tiên tri giả.” [24] Những ơn lạ có thể đánh lừa chính kẻ lĩnh chúng, như Ðức Giêsu đã từng nghiêm ngặt cảnh cáo (x. Mt 7: 2-23).

Trong Giáo hội, phẩm trật có trách nhiệm chăm lo cho toàn thể các tín hữu, cách riêng là để gìn giữ hiệp nhất và bảo toàn kho tàng mạc khải. Ðôi lúc có người quên đi rằng phẩm trật cũng có đoàn sủng. Cựu Ước cho thấy là đoàn sủng cũng có thể gắn liền với một nghi thức, như nghi thức đặt tay (trường hợp của Giôsuê: Ðnl 34: 9) hoặc xức dầu (cho Ðavít chẳng hạn: 1Sm 16: 13). Tân Ước cũng thế, chẳng hạn như trường hợp của Timôtêô (x. 1Tm 4: 14; 2Tm 1: 6), mà Giáo hội coi như là nghi thức truyền chức thánh. Là người kế nhiệm các tông đồ, các giám mục thông phần vào điakonía toũ pneúmatos (“dịch vụ của Thần Khí”: 2Cr 3: 6.8), nghĩa là làm trung tâm ban Thần Khí cho cộng đoàn, và như chính thánh Phaolô, các giám mục cũng có nhiệm vụ thiết đặt lề lối cho sinh hoạt của các tín hữu có đoàn sủng [đặc biệt], trong cộng đoàn Giáo hội mình. Vaticanô II dạy rằng: “Các vị thủ lãnh trong Giáo hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và việc sử dụng hợp lý các ơn lạ ấy: đặc biệt, các ngài có nhiệm vụ khảo sát tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để trắc nghiệm và giữ lại những điều thiện hảo (1Tx 5: 12.19-21)” (LG 12b). Vì tất cả những đoàn sủng (cả trong phẩm trật lẫn ngoài) đều phát sinh từ một Thần Khí, nên tất cả đểu phải cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất của thân thể duy nhất là Giáo hội. [25]

iáo hội là một thể chế gồm nhiều loại đoàn sủng thông thường và phi thường. Buổi đầu, thì có nhiều đoàn sủng phi thường; sau đó, các ơn phi thường ngày càng hiếm đi; theo đà ấy, Giáo hội cũng ngày càng cậy dựa nhiều hơn vào các đoàn sủng cơ chế. Thần Khí sẽ luôn luôn tự do ban đoàn sủng cho Giáo hội để sửa chữa những sai lầm và đổi mới những gì cũ kỹ, cũng như để bảo toàn kho tàng mạc khải Thần Khí đã giao phó cho Giáo hội. [26]

Kết Luận

Nhờ Thần Khí, Ðức Kitô đã thiết đặt Giáo hội mình ở giữa lịch sử loài người như một xã hội có trật tự. Bên trong, Thần Khí ban năng lực thiêng liêng, tức là những ơn thông thường và phi thường; bên ngoài, Ngài làm cho xuất hiện những thừa tác vụ để điều khiển dân Thiên Chúa. Lúc sơ khai, các cơ quan còn chưa lộ dạng rõ và còn mang tính chất đa trị, nhưng dần dần đã kết tinh trong những thừa tác vụ như đang thấy ngày nay. Nhìn vào Giáo hội sơ khai, có kẻ phân biệt ra nhiều dạng mẫu Giáo hội, như: “Giáo hội của Phêrô” (ecclesia petrina ), “Giáo hội của Phaolô” (ecclesia paulina ); hoặc là dạng chuyên quyền như Giáo hội Giêrusalem dưới sự lãnh đạo của Giacôbê, hay là dạng “dân chủ” như cộng đồng Côrintô do Phaolô điều khiển.

Chắc hẳn lúc đầu, Giáo hội Giêrusalem đã hoàn tất quá trình hình thành trước hết, và gióng theo thể chế của các hội đường Do thái (chứ không theo kiểu của Ðền thờ). Giáo hội này cũng đã có những đoàn sủng (chẳng hạn như: làm phép lạ: Cv 3: 6; 8: 13, đoàn sủng tiên tri: Cv 11: 27). Các Giáo hội do Phaolô sáng lập, đã tổ chức theo kiểu Hy lạp (dân sự, chứ không theo tổ chức tôn giáo của dân ngoại), và có “giám sự” hoặc “người đứng đầu.” Trong cả hai cách tổ chức, đều thấy có các kỳ lục. Và, không kém gì Giacôbê ở Giêrusalem, Phaolô cũng đã thẳng thắn dùng “quyền bính” tông đồ của mình. Cuối cùng, cả hai dạng thể chế ấy (và có lẽ cả các dạng thể chế khác không được biết đến, như ở Bắc Phi, Tây Âu, Armênia, v.v.) đã phối hợp để thành thể chế “công giáo” duy nhất của Giáo hội kể từ thế kỷ thứ hai trở đi. [27]

[HTTH SỐ 20&21, NĂM THỨ TÁM (1998)]

[1]Những sách vở về chủ đề này vô số. Xem Kung, H. , Structures de l’Église Paris: DDB 1963; Schnackenburg, R. , L’Église dans le Nouveau Testament, Paris: Cerf 1964; Lemaire, A. , Les ministères aux origines de l’Église, Lectio Div. 68, Paris 1971; “The ministries in the New Testament. Recent Research,” Bibl. Theol. Bulletin 3 (1973) 133-176; de Vries, W. , Orient et Occident. Les structures ecclésiales vues dans l’histoire des sept premiers conciles oecuméniques, Paris: Cerf 1974; Delorme, J. , (ed), Le ministère et les ministres selon le Nouveau Testament, Paris: Seuil 1974; Schwartz, H. , The Christian Church: Biblical Origin, Historical Transformation and Potential for the Future, Augsburg 1982; Cazelles, H. , Naissance de l’Église, Paris 1983; Hoffmann, J. , L’Église et son origine. initiation à la pratique de la théologie, III, 2, Paris,Cerf 1983; Brown R.E. , The Churches the Apostles left behind, New York 1984; Guillet, J. , Entre Jésus et l’Église, Paris: Seuil 1985; Lohfink, G. , L’Église que voulait Jésus, Paris: Cerf 1985; Descamps, A. , Jésus et l’Église. Études d’exégèse et de théologie, Leuven, Univ.Press 1987; Bartlett, D.L. , Ministry in the New Testament, Minneapolis: Fortress 1993.

[2] Nên chú ý Vaticanô II tế nhị hơn Trêntô: không nói Thiên Chúa đã sáng lập phẩm trật ba bậc, nhưng nói Thiên Chúa sáng lập thừa tác vụ nói chung; các chức vụ ấy không là “giám mục, linh mục và phó tế” song được gọi như thế; những danh hiệu ấy đã có “từ thuở xưa” chú không nói “từ ban đầu.”

[3]Xem Brown R. , “Episcopê and epískopos : The New Testament Evidence,” Theol. Stud. 1980, 322-338.

[4]Xem Cerfaux, L. , La théologie de l’Église suivant Saint Paul, Paris 1965 (2e éd)

[5]Xem Cv 9: 15; 26: 14-20; Gl 1: 1.11.15; Rm 1: 1.5… vv.

[6]Cv 9: 15; 1Cr 15: 10; 2Cr 10: 8; 13: 10, vv.

[7]Câu đầu của các thư, trừ 1-1 Ts, Pl, Plm.

[8]Xem 1Cr 6: 1-11; 7: 17; 11: 34; 2Cr 10: 13-16; 13: 10; 2Ts 3: 3.

[9]1Cr 14: 34-8; 2Cr 10: 18 ; 2Ts 3: 12.

[10]Ngài sai Timôtêo đi Têsalonika (Ts 3: 1-6) và Corinthô (1Cr 4: 17; 16:10), sai Tykhicô đi Êphêsô (Ep 6: 21), Êpaphra và onêsimô đi Côlôsê (Cl 4: 7-9), etc..

[11]Xem Concilium số 10, 1973: “Power, Domination, Service;” Downey, M. (ed), That They Might Live: Power, Empowerment and Leadership in the Church, New York: Crossroad, 1991.

[12]Những tu sĩ không thuộc về phẩm trật; Giáo lý viết: “Bậc sống tạo thành bởi sự tuyên khấn các lời khuyên của Phúc âm, tuy không liên quan đến cấu trúc phẩm trật của Giáo hội, nhưng nhất định thuộc về sinh hoạt và sự thánh thiện của Giáo hội” (số 914)

[13]Ðionisiô Areopagita là một tác giả thế kỷ 5, nhưng suốt nhiều thế kỷ người ta tưởng ông là Ðionisiô hội viên Arêôpagô, môn đồ của th. Phaolô (Cv 17: 34); ông đã viết hai cuốn Phẩm trật Nước Trời và Phẩm trật Giáo hội,xem Patrologia Graeca (Migne) 3. 119tt, và 370tt. Heathaway, R. , Hierarchy and the Definition of Order in the Letters of Ps.-Dionysius, The Hague 1969; Faivre, A. , Naissance d’une hiérarchie. Les premières étapes du cursus clérical, Paris 1977.

[14]Hierarkhes có nghĩa là Thượng tế, xem Dolhagaray, B. , “Hiérarchie” trong Diction. de Théol. Cathol. 6 (1920) 2362-2382.

[15]Antón, A. , “Base sacramental de la estructura jerárquica de la Iglesia,” Estudios Eclesiásticos 42 (1967) 355-386.

[16]Về vấn đề thần quyền đây, xin xem Rahner, K. , và Ratzinger, J. , The Episcopate and The Primacy, Herder & Heder 1962.

[17]Giáo lý viết: “Thừa tác vụ của Hội Thánh có tính phục vụ gắn liền với bản tính bí tích. Vì các thừa tác viên hoàn toàn tùy thuộc Ðức Kitô là người giao sứ mạng và quyền hạn, nên họ thực sự là ‘nô lệ của Ðức Kitô’ (x. Rm 1: 1), theo gương Ðức Kitô, Ðấng tự nguyện vì chúng ta ‘mặc lấy thân nô lệ’ (x. Ph 2: 7). Vì lời và ân sủng mà họ phục vụ, không phải là của họ nhưng của Ðức Kitô, được ủy thác cho họ để trao lại cho người khác, nên họ tự nguyện trở thành nô lệ cho mọi người (x. 1Cr 9: 19)” (số 876).

[18]Xem Rahner, K. , The Dynamic Element in the Church (Quaestiones disputatae 12) 1964; Kung, H., “The Charismatic Structure of the Church,” Concilium 4 (1965) 23-33; idem, L’Église, I, Desclé de Brouwer 1968, trg 248tt; Dockx, S. (ed), L’Esprit Saint et l’Église, Paris 1966; Grasso, D. , I carismi nella Chiesa, Brescia 1982; Sullivan, F.A. , Charisms and Charismatic Renewal, Ann Arbor MI, 1982.

[19]XemShuermann, H. “Les charismes spirituels,” trongBarauna, G. (ed), L’Église de Vatican II, Paris, Cerf 1966, trg. 541-573.

[20]Hemphill, K.S. , The Pauline Concept of Charisma, Cambridge 1977.

[21]Xem Campenhausen, H. von , Ecclesiastical Authority and Spiritual power in the Church of the First Three Centuries, 1967.

[22]Hans Kung viết: “Cơ cấu đoàn sủng loại trừ hệ thống quân chủ” trong L’Église, I, trg. 258.

[23]Xem Cv 11: 27-8; 13: 1; 21: 10-11; 1Tm 4: 14, vv.

[24]Các truyền thống khác nhau đều cảnh cáo: Mt 7: 15; 24: 11.24; Mc 13: 22; Lc 6: 26; Cv 3: 6; 2Pr2: 1; 1Ga 4: 1; Kh 16: 13. Phaolô nói về “tông đồ giả:” 2Cr 11: 13, và Phêrô về”thầy giả:” 2Pr 2: 1; va còn có những“kitô giả:” Mt 24: 24; Mc 13: 22, hoặc “phản kitô” 1Ga 2: 18.22; 4: 3; 2Ga 7.

[25]Vela, Luis , “Biện chứng trong Giáo hội: Ðoàn sủng và Giáo luật,” Hợp Tuyển Thần Học số 3(1992) 13-57.

[26]Xem Howell, P.J. và Chamberlain, G. , Empowering Authority: The Charisms of Episcopacy and Primacy in the Church Today, Kansas: Sheed and Ward 1990.

[27]Wagner, W.H. , After the Apostles: Christianity in the Second Century, Westminster: Fortress 1994

Exit mobile version