Trả lời : Đúng. Chúa Giêsu- Kitô đã đến trần gian để đền tội thay cho con người qua khổ hình thập giá, chết và sống lại. Đây là công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa, nhờ đó mà con người được tha tội và có hy vọng sống đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau.
Nhưng công nghiệp cứu chuộc ấy không tự động áp dụng cho hết mọi người mà không cần đòi hỏi ai phải làm gì để cộng tác với ơn cứu độ của Chúa.Lai nữa, công nghiêp cứu chuộc ấy cũng không giữ gìn cho con người khỏi phạm tội để luôn sống đẹp lòng Chúa cho đến ngày gặp Chúa nhãn tiền tại ngưỡng cửa Thiên Đàng. Sở dĩ thế là vì con người còn có ý muốn tự do ( free will) mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người sử dụng để hoặc chọn Chúa và sống đường lối của Người để được cứu rỗi , hay chọn sống theo ý muốn của riêng mình để buông theo thế gian và quay lưng lại với Chúa, là Đấng trọn tốt trọn lành.
Nói rõ hơn, Chúa Kitô chết một lần trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại, nhưng Chúa không bảo đảm là con người sẽ không bao giờ phạm tội nữa.Ngược lại, vì con người còn có tự do bao lâu còn sống trên trần gian này, nên người ta vẫn có thể phạm tội nhiều lần nữa, vì có ý muốn tự do như đã nói trên. Vì thế mà, nếu con người dùng tự do của mình để làm những sự dữ như oán thù, giết hại nhau, giết thai nhi, trộm cướp, chiến tranh, khủng bố và dâm ô thác loạn như thực trạng sống của con người ở khắp mọi nơi trên thế gian tục hóa ngày nay, thì công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô sẽ trở thành vô ích hoàn toàn cho những ai cứ làm những sự dữ đó, dù miệng có nói tin Chúa cả ngàn vạn lần đi nữa thì cũng vô ích mà thôi..
Nghĩa là, không thể lấy cớ Chúa đã chết thay cho người rồi, nên ai muốn làm gì thì cứ làm , không phải thắc mắc gì về vấn đề tội nữa. Đây là sự tin tưởng mù quáng hay dạy dỗ sai lầm của những ai đã và đang vô tình hay cố ý lợi dụng lòng thương xót của Chúa để không cố gắng về phần mình mà xa lánh tội lỗi, hầu xứng đáng được hưởng công nhiệp cứu chuộc của Chúa Kitô,
Đấng đã đến “để hy sinh mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho muôn người.” ( Mt 20:28)
Tội lỗi là một thực thể có trong trần gian và ở trong bản tính con người đã bị băng họại vì tội nguyên tổ. Đây là sự thật không ai có thể phủ nhận được. Vì thế, không ai có thể nói là mình không bao giờ có tội hay phạm tội. Chỉ có Đức Mẹ, các Thánh, các Thiên Thần – và nhất là Chúa- mới không có tội mà thôi.Còn là con người sống trên trần gian này thì:
“Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội
Chúng ta đã tự lừa dối mình
Và sự thật không ở trong chúng ta.” ( 1 Ga 1:8)
Chúa Kitô đến để đền tội cho con người một lần qua cái chết của Người trên thập giá năm xưa.Nhưng được tha một lần rồi thì phải cố gắng chiến đấu mà từ bỏ mọi tội xuất phát từ bản năng yếu đuối, đặc biệt là đến từ ma quỉ và thế gian với quá nhiều gương xấu dịp tội cho con người vấp ngã. Chúa tha thứ nhưng con người phải cố gắng nương nhờ vào ơn Chúa mà xa tránh tội lỗi để sống theo đường lối của Chúa và mưu ích cho phần rỗi của mình.
Chúa thương xót và tha thứ nhưng chưa bao giờ Chúa nói ở đâu là các con cứ tự do sống và phạm tội, Cha lúc nào cũng săn lòng thứ tha ! Ngược lại, Chúa nghiêm khắc cảnh cáo những ai cứ đi hàng hai là vẫn nói tin yêu Chúa, nhưng lại không cố gắng xa tránh tội. Những ai có não trạng này cần nghe lời cảnh cáo sau đây của Chúa Kitô ghi trong Sách Khải Huyền:
“Ta biết việc ngươi làm. Người chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng vì người cứ hâm hâm chẳng nóng, chẳng lạnh nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.”( Kh 3: 13-16)
Trong khi đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa Giê su cũng đã hai lần nói về sự cần thiết phải chừa bỏ tội lỗi. Một là dịp bọn biết phái dẫn đến cho Chúa một phụ nữ bị bắt vì phạm tội ngoại tình để xin Chúa cho ném đá theo luật Mô-sê. Chúa đã hỏi những người dẫn chị kia đến xem ai là người không có tội thì hãy ném đá chị này trước. Nghe thế, họ lần lượt rút lui, vì không ai trong bọn họ dám nói là mình vô tội để có thể lên án chị kia. Cuối cùng, Chúa cũng nói với phụ nữ này như sau: “ Tôi cũng vậy, Tôi không lên án chị đâu ! thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” ( Ga 8 : 11)
Dịp khác, sau khi chữa lành cho một anh tàng tật, Chúa lại gặp anh này sau đó trong Đền Thờ, và đã nói với anh như sau:
: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa kẻo lại phải khốn hơn trước.” ( Ga 5: 14)
Như thế đủ cho thấy là Chúa không tha thứ đến mức để mặc cho con người cứ tự do phạm tội, vì nghĩ rằng Chúa là tình tương và giầu lòng tha thứ. Chúa yêu thương và giầu lòng tha thứ : đúng, nhưng con người không được lợi dụng tình thương của Chúa để không cố gắng xa tránh tội lỗi, vì tội là điều Chúa gớm ghét hơn hết. Dĩ nhiên, với sức riêng mình, không ai có thể tránh khỏi bị sa ngã trong suốt cuộc đời nơi trần gian này. Dễ sa ngã tức dễ phạm tội vì yếu đuối con người – và nhất là vì ma quỉ, ví như “ sư tử đói rảo quanh tìm mồi cắn xé.”, cám dỗ cho ta phạm tội, như Thánh Phê rô đã cảnh báo.( 1Pr 5: 8).
Lại nữa, sống giữa thế gian với bao dịp tội và gương xấu đầy rẫy ở khắp nơi, khiến cho con người khó đứng vững trước mọi lôi cuốn của thế gian vô luân vô đạo. Vì thế, muốn đứng vững , phải cần ơn Chúa nâng đỡ, vì “ không có Thầy anh em chẳng làm gì được.” ( Ga 15: 5), như Chúa đã nói với các môn đệ xưa. kia. Không có Thầy nghĩa là nếu không có ơn Chúa nâng đỡ, thì không ai có thể chiến thắng được bản năng, ma quỉ và thế gian để không phạm tội gì mất lòng Chúa và làm hư công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô.
Chính vì Chúa biết con người sẽ còn phạm tội nhiều lần nữa nên, sau khi Người sống lại từ cỗi chết, Chúa Giêsu đã hiện ra với các Tông Đồ và truyền cho họ:
“ Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha
Anh em cần giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.” ( Ga 20: 23).
Trên đây là nguồn gốc Kinh Thánh của bí tích hòa giải mà Chúa đã thiết lập và trao cho các Tông Đồ trước tiên , và truyền lại cho Giáo Hội ngày nay thi hành, để tha thứ mọi tội cho con người, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức tội hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và tình thương của Người thì không thể tha được nữa.
Như thế, chúng ta cần năng chạy đến với bí tích hòa giải- nhất là trong Năm Thánh Lòng Thương xót này- để được tha thứ mọi tội lớn nhỏ đã mắc phạm vì yếu đuối con người. Không ai dám nới là mình vô tội, nên đến với bí tích hòa giải cũng để nói lên lòng khiêm nhường, hạ mình xuống trước mặt Chúa để thành tâm thú nhận những lỗi phạm để dón nhận lòng thương xót của Chúa rộng rãi ban cho những ai biết sám hối để xin Chúa thứ tha.
Như vậy, nếu nói Chúa đã tha thứ hết rồi, nên không cần xưng tội nữa thì hoàn toàn sai lầm. Chúa tha một lần qua hy sinh thập giá, nhưng con người vẫn còn yếu đuối , nên còn sa phạm nhiều lần nữa chứ ? Đây là kinh nghiệm bản thân của mỗi người tín hữu chúng ta, và là thực tế của con người ở khắp nơi trên trần gian này.
Chúa tha tội nhưng Người không tiêu diệt hết mọi mầm mống của tội lỗi trong trần gian và trong con người . Nên nguy cơ phạm tội vẫn là một thực tế mà con người phải đối phó bao lâu còn sống trên trần gian và trong thân xác có ngày phải chết đi này. Vì thế, là người tín hữu, ai cũng cần phải chạy đến với bí tích hòa giải để được tha thứ mọi tội lớn nhỏ, nhờ lòng thương xót vô biên của Chúa là Đấng chê ghét mọi tội lỗi nhưng lại yêu thương kẻ có tội biết sám hối ăn năn.
Nói rõ hơn xưng tội là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống đức tin của mọi tín hữu. Nhưng cũng cần nói thêm là xưng tội rồi thì phải cố gắng mà chừa bỏ chứ không được lợi dụng phép tha tội để cứ phạm tội rồi lại đi xưng tội.
Cũng đừng nghĩ và dạy sai lầm là Chúa đã tha hết rồi, nên cứ tự do sống và làm những gì mình muốn.Trái lại, phải khép mình và “ chiến đấu để qua của hẹp mà vào, vì Tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào nhưng không thể được” như Chúa đã khuyên dạy các môn đệ xưa.( Lc 1: 23)
Đi vào của hẹp có nghĩa là khép mình vào khuôn khổ của luân lý và đạo đức để không làm những sự xấu, sự dữ như gian tham, oán thù, đánh đập và giết hại ai, phá thai, ly dị ,thay chồng bỏ vợ, cờ bạc, gian dâm. Nhất là buôn bán phụ nữ và trẻ nữ để bán cho bọn lưu manh ma cô tú bà hành nghề mãi dâm và ấu dâm ( child prostitution) rất khốn nạn và tội lỗi, như thực trạng sống của biết bao con người ở khắp mọi nơi ngày nay. Đặc biệt là ở các xã hội độc tài cai trị, bóc lột và bất công, khiến tạo ra những con người mất hết lương tri, mất hết mọi ý thức về nhân đạo, công bằng và bác ái, nên mới vô cảm hay dửng dưng trước cảnh ba bốn người lớn, hoặc bốn năm thanh niên hay thiếu nữ túm đánh một người, một thiếu nữ cho đến sống giở chết giở ở nơi công cộng mà không có ai muốn gia tay can ngăn để cứu nạn nhân xấu số ! Đây là bằng chứng cụ thể tố cáo xã hội vô luân vô đạo, vô cảm, vô lương tâm khiến con người đối xử với nhau còn tệ hại hơn cả thú vật nơi hoang dã !
Thử hỏi: nếu con người cứ sống và hành dộng như vậy, thì làm sao có thể được cứu rỗi để vào Nước Trời ? Làm sao Chúa có thể làm ngơ để con người cứ làm những sự dữ đó mà không biết sám hối để xin tha thứ ?
Trong một xã hội quá đồi trụy như vậy, người tín hữu Chúa Kitô phải có can đảm làm chứng cho Chúa để đi ngược lại dòng thác lũ của vô luân vô đạo và tội lỗi , để “ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa , giữa một thế hệ gian tà, sa đọa .Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.” ( Pl 2:15) như Thánh Phaolô đã khuyên dạy tín hữu Phi-lip-phê xưa.
Tóm lại, Chúa là tình thương và hay tha thứ.Chúa Kitô đã chết thay một lần cho kẻ tội lỗi và cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết đời đời vì tội.Nhưng công nhiệp ấy vẫn hoàn toàn vô ích cho những ai lợi dụng tình thương của Chúa và công nghiệp này để buông thả sống với tội lỗi và không quyết tâm bước đi theo Chúa Kitô là “ Con Đường là sự Thật và là sự Sống.” ( Ga 14: 6) để vào Nước Chúa sau khi chấm dứt hành trình con người trên trần thế này. Amen.
Ước mong những giải đáp trên đây thỏa mãn câu hỏi đặt ra
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn