Còn Thánh Phaolô?
Một vài tín phái cho rằng vì Tân Ước không ghi nhận bất cứ việc làm nào của Matthia nên việc tuyển chọn này vô hiệu và người thay thế thực sự là Phaolô để làm trọn vẹn số mười hai tông đồ. Đây là một lý luận tồi.
Vì sai tồi?
Trước hết, Tân Ước không trình bày cuộc tuyển chọn Matthia là vô hiệu. Kinh Thánh kết luận thẳng thừng là Matthia “được kể vào số mười một tông đồ” (Cv 1,26).
Thứ đến, không phải Tân Ước ghi nhận “làm gì đó” thì mới được nhận là tông đồ. Tân Ước không ghi lại gì về việc làm của một vài tông đồ tuy vẫn nêu danh họ là tông đồ.
Ba là, nếu Tân Ước không ghi lại việc làm của Matthia thì các giáo phụ đã làm. Chẳng hạn, Eusebius ghi lại rằng Matthia đã giảng dạy về sự tiết chế để tránh sự vô luân tính dục. Theo Eusebius:
Họ nói Matthia cũng dạy chúng ta phải chiến đấu chống lại hay lạm dụng xác thịt và đừng chìu theo nó vì vui thích nhưng hãy củng cố tâm hồn với niềm tin và kiến thức [Ecclesiastical History III:29].
Sau cùng, dường như không có chổ nào trong Kinh Thánh nói rằng chỉ có 12 tông đồ. Thay vào đó, Tân Ước xem cả Matthia và Phaolô là những tông đồ hợp pháp.
Không thuộc Nhóm Mười Hai
Vì vậy, cách hợp lý nhất là xem Thánh Phaolô là tông đồ hợp pháp nhưng không thuộc nhóm Mười Hai. Tân Ước không bao giờ kể Phaolô là một trong nhóm Mười Hai.
Trong sách Tông Đồ Công Vụ chương 13[2], Phaolô được truyền chức tại Antiokhia để thi hành sứ vụ, nhưng không phải do các tông đồ ở Giêrusalem như trường hợp của Matthia.
Ngài không là chứng nhân trực tiếp nhìn thấy Chúa Giêsu thi hành sứ vụ như Matthia. Thánh Phêrô minh định đây là một đòi hỏi để làm thành viên của nhóm Mười hai:
Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh.” [Cv 1,21-22].
Như vậy chúng ta thấy rằng nhóm Mười Hai là một nhóm riêng biệt đã tháp tùng Chúa Giêsu khi Ngài thi hành sứ vụ ở trần gian và họ sẽ phải làm chứng cho Ngài về điều đó cũng như về sự phục sinh của Ngài.
Thánh Phaolô không đi theo Chúa Giêsu cho đến ngày Thăng Thiên nên Phaolô cũng không thể thuộc nhóm Mười Hai.
Tuy nhiên, Phaolô được Chúa Giêsu hiện ra (mà ngài gọi là thị kiến trong Cv 26,19), nên ngài được gọi là tông đồ, chính vì thế mà ngài đã đặt những câu hỏi có tính hùng biện: “Tôi không tự do ư? Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giêsu, Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao? Nếu đối với những người khác tôi không phải là tông đồ, thì ít ra đối với anh em tôi là tông đồ, vì ấn tín chứng thực chức vụ tông đồ của tôi trong Chúa chính là anh em. (1 Cr 9,1-2).
Như vậy có vẻ như Phaolô đã dựa ơn gọi làm tông đồ của mình trên sự kiện là mình được Chúa Giêsu hiện ra hơn là làm người đi theo Chúa Giêsu trong khi Ngài còn thi hành sứ vụ trên trần gian.
Điều này cho thấy rằng có nhiều tông đồ khác ngoài nhóm Mười Hai, và họ là những người không chứng kiến sứ vụ của Chúa Giêsu khi Ngài còn ở trần gian.
[1] Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sabát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu. Trong những ngày ấy, ông Phêrô đứng lên giữa các anh em – có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt – Ông nói: “Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đavít để nói trước về Giuđa, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Đức Giêsu. Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. Vậy, con người ấy đã dùng tiền công của tội ác mà tậu một thửa đất; y đã ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra. Điều đó, mọi người ở Giêrusalem đều biết, khiến họ đặt tên cho thửa đất ấy là Khakenđơma, theo tiếng của họ nghĩa là Đất Máu. Thật thế, trong sách Thánh vịnh có chép rằng: Ước gì lều trại nó phải tan hoang, không còn ai trú ngụ. và ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó. “Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh.” Họ đề cử hai người: ông Giôxếp, biệt danh là Basaba, cũng gọi là Giúttô, và ông Mátthia. Họ cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giuđa đã bỏ để đi về nơi dành cho y.” Họ rút thăm, thăm trúng ông Mátthia: ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ.
[2] Trong Hội Thánh tại Antiôkhia, có những ngôn sứ và thầy dạy, đó là các ông Banaba, Simôn biệt hiệu là Đen, Lukiô người Kyrênê, Manaen, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Hêrôđê, và Saolô. Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Banaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm.” Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi.
Jimmy Akin
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ