Chút thao thức về loan báo Tin Mừng trên đất Vinh hôm nay

Vinh 2 - Chút thao thức về loan báo Tin Mừng trên đất Vinh hôm nay

Chàng Saolô trai trẻ đã trải qua giây phút căng thẳng, kịch tính nhất để làm nên cuộc cách mạng lạ lùng: Từ một kẻ hung hăng, bắt bớ trở nên người tông đồ nhiệt thành, từ một kẻ hận thù trở nên người chan hòa yêu thương, từ một kẻ chuyên rắp tâm làm hại Kitô hữu trở nên người chân thành phục vụ. Chúa đã mở lòng giúp thánh nhân cảm nhận một thứ tình yêu diệu vợi để trở nên người chiến sỹ tích cực trong công cuộc truyền bá Phúc âm đến mọi nẻo đường trên khắp đế quốc Rôma và thôi thúc mình phải cố gắng liên tục mỗi ngày: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng…” (1Cr 9, 16).

Trên cánh đồng truyền giáo bao la, rộng lớn tại Á châu hôm nay, người tín hữu Công giáo vẫn chỉ là thiểu số. Cách riêng, tại Việt Nam, tỷ lệ đó cũng không khá hơn, mặc dù lúc cực thịnh được nhiều người nhìn nhận là “Trưởng nữ Giáo hội bên Viễn Đông”. Tính đến ngày 31-12-2010, Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện có trên 4.050 linh mục, 3.946 chủng sinh, 2.281 tu sĩ nam, 15.352 tu sĩ nữ, 57.000 giáo lý viên, gần 1 triệu thành viên các hội đoàn Công giáo Tiến hành, khoảng 6.400.567 tín hữu giáo dân trên tổng dân số là 89.029.559 (theo thống kê của Văn phòng Tổng Thư ký HĐGM), trong khi số dân thật sự theo Thống kê Nhà nước là 86.930.000 người Việt. Số giáo dân này không chính xác do việc khai báo trùng lắp vì theo số liệu thống kê của Tổng Điều tra dân số ngày 1/4/2009, số dân Công giáo là 5.677.086 trên tổng số dân là 85.846.997 người, chiếm tỷ lệ 6,61% . Số người lớn được rửa tội hằng năm khoảng 30.000 đến 40.000 người, nhưng hầu hết là để lập gia đình với người có đạo[1]. Trong bối cảnh đó, phải chăng loan báo Tin mừng là lời mời gọi cấp thiết, giục giã mỗi tín hữu cất bước đăng trình? Nhưng, để đến với muôn dân, người ra đi có lẽ cần phải chuẩn bị một vài tư trang cần thiết…

Chuyện xưa Hi Lạp kể lại rằng: Sau thắng lợi tại trận Marathon (năm 490 TCN) chống lại đạo quân Ba Tư thiện chiến; chiến binh Pheidippides quên mình chạy liền một mạch trên quãng đường dài 42 km, vượt qua núi non hiểm trở để tới thành đô Athens loan tin. Khi vừa hoàn thành nhiệm vụ thì cũng là lúc chàng kiệt sức và trút hơi thở cuối. Pheidippides gục ngã, dân thành tiếc thương vô hạn. Sau đó, họ đã tưởng nhớ công lao của chàng bằng việc tổ chức môn chạy Marathon. Quãng đường dài bộ môn thể thao này bằng chiều dài người chiến binh dũng cảm đã thực hiện.

Trong câu chuyện kể trên, nội dung Pheidippides đưa đến là một “Tin mừng”. Người Hi Lạp gọi đây là “Euangelion”[2], thường được dùng để chỉ việc loan báo một tin vui, tin tốt lành như tin thắng trận, thái bình trong đế quốc hoặc là những biến cố lớn trong cuộc đời của hoàng đế, quan lại cao cấp. Đối với chúng ta, theo cách hiểu thông thường hiện nay, Tin mừng hay Phúc âm, nghĩa là bản văn kể lại cuộc đời Chúa Giêsu cũng như giáo huấn của Ngài. Chỉ có một Tin mừng nhưng được bốn tác giả thuật lại theo phong cách của từng vị. Do đó, chúng ta có Tin mừng theo thánh Matthêu, Tin mừng Marcô, Tin mừng Luca, và Tin mừng Gioan. Cách hiểu này bắt nguồn trong Hội Thánh từ thế kỷ II nhưng trước đó, trong Tân Ước, chữ Tin mừng được để chỉ lời Chúa Giêsu rao giảng hoặc là lời chứng của các môn đệ về sự kiện Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại. Tin mừng này vượt qua giới hạn thời gian và liên hệ đến từng sắc dân, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, lãnh thổ địa lý.

Nhìn xa hơn chút nữa về lịch sử dân tộc Do Thái, trong Cựu Ước, khi dùng cụm từ “loan báo Tin mừng” nghĩa là báo tin Thiên Chúa ban ơn giải thoát hay là tin tức cái chết của kẻ thù, tin thắng trận, “sự giải cứu Giuđa” v.v… Ngoài ra, trong sách ngôn sứ Isaia, nó còn mang những ý nghĩa đặc biệt: loan báo về nước Thiên Chúa sắp đến với một thông điệp mang tính chất an ủi, đỡ nâng. Qua sự liên hệ tìm về nguồn Cựu Ước, cách hiểu mới kèm theo hình ảnh Đức Kitô không đánh mất ý nghĩa nguyên thủy của Tin mừng. Nó tiếp tục mang chuyển tải thông điệp cứu rỗi và triều đại của Thiên Chúa hiển trị trong Người Con chí thánh. Diễn giải cụ thể hơn, đó là những lời rao giảng của Đức Kitô theo nghĩa là tin vui, tin tốt đẹp về ơn giải thoát được loan báo khi Ngôi Hai giáng thế. Tin mừng ấy đặc biệt hướng đến cái chết, sự sống lại của Đức Kitô và trông chờ ngày Ngài trở lại. Tin mừng này là sức mạnh của Thiên Chúa nhằm cứu rỗi, trổ sinh hoa quả và phát triển trong thế giới.

Mỗi Kitô hữu chúng ta khi đã may mắn đón nhận Tin mừng, phải có trách nhiệm và bổn phận làm nó triển nở như ánh sáng trong đêm đen, trở nên men dậy lên trong thúng bột lớn. Tin mừng Chúa Kitô phải được rao giảng mọi nơi, mọi lúc tới mọi người. Tuy nhiên, cách thức rao giảng vẫn là câu hỏi gợi lên nhiều thắc mắc với những lời đáp khác nhau trong suốt lịch sử hai ngàn năm phát triển của Hội Thánh. Quay ngược lại cộng đoàn Kitô nguyên thủy, nhìn lại thành công của các tông đồ, chúng ta học thêm nhiều bài học hữu ích với sứ vụ loan báo Tin mừng thời đại hôm nay.

Sau biến cố Phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu Kitô và nhất là sau khi tràn đầy Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đã được ơn biến đổi sâu sắc, trở nên hăng hái, nhiệt thành, và bắt đầu “đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Tin mừng được rao truyền kèm theo những dấu chỉ mà Đức Giêsu hứa ban. Đâu đâu Tin mừng cũng gặp được những tâm hồn nhiệt huyết sẵn sàng lắng nghe, đón nhận để được cứu rỗi. Nó được truyền bá trong bầu khí khó nghèo, đơn sơ và tương trợ cộng đoàn. Không phải vô lý khi những nhà kinh điển Xã hội Chủ nghĩa như Marx, Engel coi đó như một trong những mô thức lý tưởng đầu tiên của chủ nghĩa Cộng sản. Nói như thế để khẳng định rằng, các tông đồ làm được như vậy là vì các ngài đã mạnh mẽ tin tưởng Chúa Phục sinh. Cách riêng chúng ta, những người kế thừa sự nghiệp đó cũng phải noi gương, nghĩa là cần xác tín Tin mừng trước rồi mới lãnh sứ vụ loan truyền, bởi một lẽ người ta không thể cho ai cái gì mà mình không có.

Không chỉ xác tín suông, lời Chúa đòi buộc ta thực hành như lời thánh Giacôbê từng quả quyết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc, 2,17). Điều này nhắc tín hữu luôn đồng hành với Chúa, dấn thân sống thật với Tin mừng mình đã rao giảng. Có ai đó từng đùa vui rằng: “Nói thì dễ, làm lễ thì khó”. Lý thuyết trên bàn giấy thì đơn giản nhưng khi thực hiện nảy sinh biết bao vấn đề. Vả lại, môi trường hôm nay là môi trường đòi hỏi người thực, việc thực: “Con người thời đại thích nghe các chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy thì cũng bởi vì những thầy dạy cũng là các chứng nhân”[3]. Nhiệm vụ đặc biệt này đòi hỏi người được sai đi phải trở nên người Kitô hữu gương mẫu bằng cuộc sống rèn luyện; thường xuyên lắng nghe Lời Chúa và trở nên mẫu chứng từ đặc biệt cho tình yêu Thiên Chúa trong thế giới: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).


Một tấm gương không thể bỏ qua trong sứ vụ loan báo Tin mừng là thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại. Để rao giảng Tin mừng cho các dân tộc, Ngài đã cố gắng trở nên mọi sự cho mọi người: “Trở nên người Do Thái để chinh phục người Do Thái, trở nên người sống theo lề luật để chinh phục những người sống lề luật…, tôi đã trở nên yếu với những người yếu để chinh phục người yếu….” (1Cr 9, 19-23). Rao giảng trên tinh thần mềm dẻo, tôn trọng, đối thoại và khiêm nhường là chìa khoá của thánh Phaolô để mở lòng, gây thiện cảm với “bách dân, bách tính”.

Ngoài ra, rao giảng Tin mừng là công việc vất vả, cần phải gắng công mỗi ngày như linh mục Giuse Trần Thanh Hương – một linh mục có thâm niên mục vụ ở các xứ đạo vùng cao phía tây Nghệ An – từng tâm sự. Ngài kể lại rằng hầu như tháng nào ngài đều cố gắng trèo đèo, vượt suối đến các bản làng ở Khe Da, Mạc Đồng Tân, Đồng Trấm, Con Cuông bốn, năm lần, để nói chuyện, dâng lễ, tặng quà cho anh chị em dân tộc.v.v. Ngoài ra, khi làm việc với những người dân tộc cần hiểu biết ngôn ngữ, phong tục tập quán, đặc trưng tộc người, những hiểu biết này tích tụ không chỉ trong một vài ba tháng mà cả thời gian dài. Nhờ những công lao khó nhọc của Ngài, một lượng lớn đồng bào Mường, Thái, Thổ đã nhận biết Chúa. Tuy nhiên, như thế chưa phải là đã xong, việc duy trì đời sống đạo mới là điều khó khăn. Vì vậy, sự nghiệp Tin mừng đòi hỏi nơi người loan báo đức tính kiên trì, nhẫn nại và lòng cậy trông vào Chúa.


Năm 2015 đã gần đi hết chặng đường. Cha chung Hội Thánh đặc biệt nhấn mạnh đến việc Tái Phúc âm hóa cho thế giới đang ngày càng bước đi lạc lõng, vô định trên con đường “văn minh sự chết”. Trên bình diện giáo phận Vinh, có một số ý kiến đánh giá rằng dải đất Nghệ-Tĩnh-Bình trong những năm gần đây đã có những thay đổi theo hướng tích cực. Người giáo dân không chỉ tự vệ, co cụm “giữ đạo” nơi các làng mạc Công giáo mà đã bắt đầu chuyển hướng mạnh mẽ nhằm giới thiệu Chúa với thế giới bên ngoài. Những thao thức của các vị chủ chăn đã mở ra một trang mới trong lịch sử loan báo Tin mừng. Đó là sự thành lập những cụm giáo điểm loan báo Tin mừng Tây Bắc xứ Nghệ, Con Cuông, Phong Nha – Kẻ Bàng, cực Nam Quảng Bình; đó là những thánh lễ rửa tội từ hàng chục tới hàng trăm người tại các giáo điểm Cây Lim (30/5/2011), Trung Quán (9/1/2011), giáo điểm Phủ Quỳ, giáo điểm 32; việc khôi phục giáo xứ Tam Tòa (8/1/2012), chính quyền trả lại đất nhà thờ giáo xứ Trung Quán (20/9/2011) v.v…

Đi kèm với những hành động thiết thực đó, trên bình diện lý thuyết, đã có những bài viết, tác phẩm bộc lộ nhiều thao thức đến vấn đề truyền giáo trong xã hội ngày nay. Cách riêng, độc giả có thể tìm thấy những phương thế rao truyền hữu hiệu phù hợp hoàn cảnh Giáo hội địa phương với cái nhìn của tác giả Phaolô Phạm Trọng Phương qua bài viết: “Phác họa một giáo xứ truyền giáo cho linh mục quản xứ tại giáo phận Vinh”[4] hoặc là nhiều luận văn ra trường khác của chủng sinh hai giáo phận Vinh – Thanh.

Tiếp bước tiền nhân, những kết quả gặt hái bước đầu hết sức ấn tượng đó mang theo những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, không phải tất cả đều dễ dàng, thuận lợi mà sứ vụ đó cũng trải qua nhiều cấm cách, cản trở. Quãng thời gian vừa qua cũng xảy ra nhiều sự kiện biến động liên quan đến công tác loan báo Tin mừng. Biến cố Tam Tòa (2009) rồi Con Cuông (1/7/2012) nhìn dưới góc nhìn chính trị – xã hội không nằm ngoài đường hướng chung của chính quyền được triển khai từ trước đến nay. Chủ trương thống nhất của nhà nước khi công khai, lúc ngấm ngầm đều nhằm hạn chế sự phát triển của các tôn giáo, đặc biệt Công giáo, Tin lành; nhất là tìm cách ngăn chặn sự gia tăng tín đồ do công tác truyền giáo.

Điều này làm người viết liên tưởng đến câu chuyện xảy ra ở Tiền Chủng viện Xã Đoài hôm khánh nhật truyền giáo 21/10. Anh em chúng tôi chuẩn bị “xuống núi” để gặp gỡ những người bạn không Công giáo thì gặp thầy Nguyễn Khắc Dương. Biết mục đích của chuyến đi, thầy ân cần nhắc nhở: “Mấy đứa bây cố gắng đừng nói là đi truyền giáo, chính quyền hấn kị lắm, phải nói là đi loan báo tin vui, loan báo tin mừng”. Quả thật, chính quyền các cấp dường như dị ứng với những gì liên quan đến những cụm từ kiểu như là “truyền đạo”, “truyền giáo”, “khôi phục”, “hiệp thông”, “thắp nến”, “đòi đất”, “trả lại” v.v…

Nhiều năm trước, tại Đại học Vinh, công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành lệnh trục xuất hai tình nguyện viên dạy ngoại ngữ người Mỹ. Sau một thời gian điều tra, chính quyền phát hiện hai cô giáo theo đạo Tin Lành. Hai cô tích cực giới thiệu Kinh Thánh và đạo của mình với sinh viên. Công việc hiệu quả đến nỗi đã có một sinh viên nữ theo đạo và nhiều sinh viên khác có cảm tình với đạo.

Nói sơ qua câu chuyện để ý thức được rằng đạo Tin Lành có rất nhiều cách thức loan báo Phúc âm rất hiệu quả và chính quyền cũng quyết liệt theo dõi và ngăn chặn sự phát triển tôn giáo, ngoại trừ Phật giáo. Phật giáo với sự hỗ trợ của chính quyền đang đạt được những kết quả nhất định trong sự nghiệp “xiển dương hoằng pháp”, nghĩa là tích cực truyền đạo, mở rộng tầm ảnh hưởng nhất định trong xã hội Việt Nam.

Nhìn về quá khứ lịch sử, trước thời điểm 1945, một miền biên viễn giáp Lào từ Bàn Tạng, Phú Phương (huyện Quế Phong) đến Canh Tráp (huyện Tương Dương) đã ghi dấu chân các vị thừa sai Pháp. Thế nhưng, biến động lịch sử đã hoàn toàn xóa sổ những giáo điểm vùng thượng du nói trên khỏi bản đồ giáo phận. Vị trí biệt lập cộng với những khó khăn thời cuộc đã khiến hai giáo điểm không sót lại giáo dân nào… Mặc dù thời đại ngày nay, việc giới thiệu đạo Chúa đến với mọi giai cấp, tầng lớp xem ra khó khăn nhưng không phải là không có những cơ hội thực hiện. Phương thức nào để giúp anh chị em lương dân nhận biết đạo Chúa vẫn sẽ là vấn đề nhức nhồi thường nhật. Trọng trách loan báo Tin mừng một lần nữa đặt nặng lên đôi vai những mục tử và cả tín hữu. Sẽ là có tội với cha ông nếu như không xây dựng lại được những giáo điểm sầm uất như xưa. Điều đó tùy thuộc hành động của bạn và tôi, của tất cả chúng ta trong ý thức và việc làm.

Đức Hà

(ĐCV Vinh Thanh)

[1] X. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Xuất phát lại từ Đức Kitô, Bài chia sẻ nhân dịp Đại Hội truyền giáo Á Châu, 18-22/10-2006 tại Chang Mai, Thái Lan, đăng trên website: http://ghxhcg.com/article.aspx?id=461
[2] HĐGM Việt Nam – Ủy ban Giáo lý Đức tin, Từ điển Công giáo 500 mục từ, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2011, tr 343.
[3] Đức Thánh Cha Phaolô VI, Thông điệp Loan báo Tin mừng, AAS (1975), số 41.
[4] ĐCV Vinh Thanh, Tập san Đức tin & Văn hóa, số 3, xuất bản tháng 5 năm 2014, tr 126.

Exit mobile version