Một trăm năm mươi năm có thể chưa phải là một quá trình lâu dài nếu được so sánh với những công trình mang dấu ấn ngàn năm trong lịch sử nhân loại. Nhưng với một trăm năm mươi năm hiện diện, tồn tại và phát triển, Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn đã góp một dòng chảy thiết thực trong kho tàng đức tin của Giáo hội Việt Nam; trong cánh đồng truyền giáo Á Châu đang trổ sinh nhiều bông hạt, nơi bước chân các vị thừa sai luôn hướng về. Nhân dịp hướng đến kỷ niệm 150 năm thành lập Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (1863-2013), bài viết xin được góp một cái nhìn về ý nghĩa của danh từ Chủng viện. Chủng viện là gì? – Đó hẳn là câu hỏi cho những ai đã từng đi qua, đã từng sống và cho đi cả cuộc đời mình trong sứ vụ đào tạo ơn gọi Linh mục.
Chủng viện là gì? – Là trường đào tạo Linh mục, tu sĩ. Câu hỏi và lời giải đáp này dễ dàng nảy sinh trong lòng những ai đã một lần ngang qua cánh cổng Chủng viện hay lật tìm những định nghĩa về Chủng viện trong các từ điển Tiếng Việt hiện nay. Có thể nói từ khi việc mời gọi tái lập các Chủng viện nơi Công Đồng Trentô nhằm đào tạo các Linh mục; từ khi sự du nhập của Công giáo vào thế kỷ XVI, danh từ Chủng viện được chuyển dịch từ một từ Latinh là Seminarium và bắt đầu đi vào đời sống ngôn ngữ của người Việt Nam.
Tên gọi của một sự vật, sự việc hay một hiện tượng phát xuất từ một thực tế cần được định danh trong quá trình giao tiếp ngôn ngữ của con người. Và từ thực tế của việc sử dụng ngôn ngữ, các nhà ngữ học đã đưa ra những định nghĩa, những giải thích về các từ, ngữ được sử dụng trong cuộc sống. Danh từ Chủng viện cũng được các nhà ngữ học lưu tâm để đưa ra những cách giải thích khá hoàn chỉnh trong kho tàng tiếng Việt.
Theo tác giả Nguyễn Như Ý, Chủng viện là “trường của đạo Thiên Chúa, nơi đào tạo linh mục, tu sĩ”. Cách giải thích này dựa trên chức năng của sự vật để định danh sự vật nhưng cách định danh này chưa nói lên được sự vật là gì do sự lẫn lộn nhận thức các yếu tố liên quan đến sự vật cần được định danh. Trước hết, sự lẫn lộn trong nhận thức của tác giả thể hiện ở khía cạnh tôn giáo. Trong thực tế, Chủng viện là hạn từ chỉ liên quan đến Công giáo. Do Thái giáo, Anh giáo,… cùng thờ Thiên Chúa nhưng không dùng đến hạn từ này trong các trường đạo tạo của mình. Kế đến, Nguyễn Như Ý lẫn lộn về đối tượng được đào tạo nơi Chủng viện. Tác giả không có ý niệm về sự khác biệt giữa Linh mục và tu sĩ. Trong thực tế, Chủng viện không phải là nơi đào tạo tu sĩ.
Trong cái nhìn phân biệt giữa các tôn giáo cùng thờ Thiên Chúa, Viện Ngôn ngữ học đã đưa ra cách giải thích khá hoàn chỉnh về Chủng viện. Trong đó, Chủng viện là “Trường của Công giáo đào tạo linh mục, tu sĩ”. Tuy nhiên, cách giải thích của Viện ngôn ngữ cũng vấp phải sự lẫn lộn trong nhận thức về Linh mục và tu sĩ như cách giải thích của Nguyễn Như Ý.
Với cách giải thích dựa trên chiết tự và căn cứ theo nghĩa Hán Việt, tác giả Nguyễn Lân đã đưa ra một cách hiểu khác về Chủng viện. Theo tác giả, “Chủng: giống; viện: cơ quan, trường lớn; Chủng viện: Trường đạo tạo tu sĩ, Linh mục của đạo Kitô” . Việc chiết tự và giải thích theo nghĩa Hán Việt là điều cần thiết để hiểu đúng từ Chủng viện. Thế nhưng, tác giả Nguyễn Lân chưa hiểu đúng yếu tố chủng trong Chủng viện. Theo tác giả Trần Văn Chánh, chủng ( 種 ) là hạt giống và cũng có nghĩa là gieo, trồng. Và nếu xét theo nghĩa chủng là hạt giống thì việc chiết tự và cách hiểu của Gs. Nguyễn Lân không có sự liên hệ về mặt ngữ nghĩa.
Tổng hợp những ưu và nhược điểm từ các giải thích nêu trên, chúng ta có thể đưa ra một cách hiểu đơn giản về Chủng viện: Chủng viện là nơi đào tạo ơn gọi Linh mục giáo phận. Thế nhưng, đây chỉ là cách hiểu về nghĩa chức năng của từ loại. Vẫn còn đó những lý do để danh từ Chủng viện ra đời, và còn đó những vấn đề tồn tại về mặt ý nghĩa khi danh từ này đi vào đời sống ngôn ngữ… thiết nghĩ đó là những yếu tố cần thiết mà chúng ta cần phải xét đến để có thể đưa ra một cách giải thích đúng đắn và đầy đủ về những hạn từ có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài.
Chủng viện là một từ Hán Việt, được chuyển dịch từ một từ Latinh là Seminarium. Đây là sự chuyển dịch khá đặc biệt thể hiện sự sáng tạo độc đáo trong việc sử dụng và hội nhập văn hóa ngôn ngữ. Việc chuyển dịch này dựa trên sự giống nhau về đặc điểm, chức năng, ý nghĩa của cùng một đối tượng; được thể hiện qua âm đọc, ngữ nghĩa của những yếu tố Hán Việt; và được ghi lại bằng hệ thống chữ cái Latinh.
Một khó khăn cho việc giải thích nghĩa của từ Chủng viện chính là sự không thống nhất trong cách hiểu về nghĩa Hán Việt của yếu tố chủng ( 種 ) nơi các nhà ngữ học. Chúng tôi tạm chia sự không thống nhất này theo hai nhóm ý kiến sau:
Nhóm ý kiến cho rằng yếu tố chủng ( 種 ) có hai ý nghĩa. Trong chức năng danh từ, chủng là giống. Trong chức năng động từ, chủng là cấy, trồng: Như ý kiến của Lm.Anthony Trần Văn Kiệm trong Giúp đọc Hán Nôm, của tác giả Trần Văn Chánh trong Từ điển Hán Việt và tác giả Nguyễn Văn Khôn trong Hán Việt Từ điển.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của tác giả Thiều Chửu trong Hán Việt Từ điển và tác giả Lạc Thiện trong Từ điển Hán Việt thông dụng, ngoài lớp nghĩa danh từ là giống, yếu tố chủng ( 種 ) chỉ mang nghĩa động từ là cấy, gieo, trồng khi nó tồn tại trong một âm đọc khác là chúng ( 種 ).
Với những kiến giải đó, chúng tôi đi vào sự thống nhất về mặt ý nghĩa của danh từ Chủng viện dựa trên những cơ sở hiểu biết sau.
Chủng ( 種 ) được hiểu theo lớp nghĩa động từ là gieo, trồng; viện ( 院 ) là một danh từ có nghĩa: nơi, chỗ. Và Chủng viện ( 種院 ) được hiểu là một nơi để gieo, trồng.
Cách hiểu yếu tố chủng theo nghĩa động từ mà không nại đến hình thức phát âm là chúng là một thực tế đã tồn tại trong đời sống ngôn ngữ. Chúng ta thường hay nhắc đến bệnh đậu mùa với từ chủng đậu ( 種痘 ) có nghĩa lấy giống đậu ở trâu trồng vào tay người cho khỏi lên đậu, hay ta vẫn quen gọi việc làm này với một từ thuần Việt là trồng trái.
Xét về mặt cấu tạo từ, Chủng viện là từ ghép chính phụ. Yếu tố chủng được thêm vào để định danh cho yếu tố viện. Căn cứ vào điều này, Linh mục Trần Văn Kiệm cho rằng yếu tố chủng mang lớp nghĩa danh từ là giống vì trong từ ghép chính phụ, yếu tố định danh cho yếu tố chính phần lớn là một danh từ như: viện âm nhạc, viện công nghệ thông tin,…; ít tồn tại yếu tố ghép là động từ định danh cho yếu tố danh từ. Thế nhưng, trong cấu tạo từ Hán Việt, chúng ta vẫn gặp thấy yếu tố động từ góp phần định danh cho danh từ trong một từ ghép chính phụ. Và danh từ Chủng viện được cấu tạo dựa trên phương thức này.
Xét về mặt ý nghĩa trong sự liên hệ giữa việc cấu tạo từ và chức năng được định danh của sự vật, ta không thể hiểu Chủng viện là nơi chứa những hạt giống vì ý nghĩa về mặt từ loại này và chức năng đào tạo Linh mục của Chủng viện không có sự liên hệ với nhau. Nhưng Chủng viện là nơi gieo và ươm trồng, cụ thể hơn là nơi gieo và ươm trồng những con người sẽ trở thành những Linh mục đáp ứng những đòi hỏi sâu xa và thiết thực nhất của những nhu cầu mục vụ nơi các xứ đạo. Như vậy, Chủng viện là một ẩn dụ mang tính biểu tượng, đã được chuyển hóa về mặt ý nghĩa và chức năng từ loại.
Chủng viện là một hình ảnh mang tính so sánh nhân hóa giữa việc gieo và ươm trồng những cây non với việc đào tạo ơn gọi Linh mục. Chúng ta hãy hình dung về ý nghĩa và giá trị thiết thực của việc ươm trồng và chăm sóc những cây con. Với cách chăm sóc đặc biệt; mục đích của việc làm này là để những cây con được trưởng thành, cứng cáp; đáp ứng được những điều kiện về khí hậu, đất đai của những nơi mà chúng được đưa đến gieo trồng. Trong cái nhìn ấy, Chủng viện là nơi để gieo và ươm trồng những ơn gọi Linh mục. Với một thời lượng đào tạo nhất định; một chế độ nuôi dưỡng đặc biệt về đời sống thiêng liêng, nhân bản và tri thức; những chủng sinh sẽ đủ trưởng thành để rời mái trường Chủng viện; đáp ứng những đòi hỏi mục vụ nơi các xứ đạo. Hình ảnh so sánh mang tính nhân hóa này đã nói lên được sự dày công trong nhiều mặt mới có được một kết quả đào tạo như mong muốn.
Việc gieo và ươm trồng những cây non chỉ diễn ra với một giai đoạn ngắn trong quãng đời sinh trưởng của cây. Sau thời gian này, những cây non sẽ trưởng thành và được chuyển đến một nơi khác để sinh trưởng. Mượn ý nghĩa đó, Chủng viện được hiểu là nơi gieo và ươm trồng những ơn gọi Linh mục để đáp ứng cho những lời mời gọi ra đi dấn thân và phục vụ. Người chủng sinh không sống mãi trong Chủng viện để được đào tạo và tự đào tạo. Kết quả cho việc gieo và ươm trồng ấy là một hành trang mục vụ vững chắc để người chủng sinh tiếp tục lớn lên trong đời sống ơn gọi Linh mục của mình. Chính yếu tố này cho chúng ta hiểu rằng Chủng viện không là nơi để đào tạo tu sĩ.
Mượn hình ảnh ươm trồng và chăm sóc những cây non, danh từ Chủng viện còn được hiểu với ý nghĩa trong sự vận động của các đối tượng. Với một chế độ chăm sóc đặc biệt, nếu các cây non không đâm rễ, không biết bám sâu vào đất thì sẽ không phát triển và sẽ chết. Và nơi Chủng viện, chúng ta không thể hiểu chỉ tồn tại với những chương trình đào tạo, những hình thức đào tạo, những nội quy; mà còn đó là những con người được đào tạo. Nếu những con người trong môi trường ấy không biết bám chặt vào những giá trị thiết thực để trưởng thành, không thể hòa điệu với những thực tại quanh mình, và không có một trái tim biết lay động vì tha nhân thì mãi mãi vẫn không thể lớn lên được.
Xuân Hải