Chủng viện là trường dạy sự thật cho chủng sinh

Thật quan trọng khi biết mình muốn đi đâu! Nguyên tắc cứu-cánh là nền tảng trong mọi nền giáo dục. Giữa các đích điểm khác nhau xin nêu cao giá trị của việc đạt đến sự hiểu biết chân thật và không giả tạo về chính mình. Sự thật về con người của mình đúng là viên đá nền tảng cho mọi tiến trình trưởng thành nhân bản. Người ta chỉ có thể đạt đến mức độ trưởng thành nhân bản và tình cảm nếu trước đó người ta biết rõ về mình.

Có vài người nghĩ rằng sự trưởng thành nhân bản và việc biết rõ mình phải đạt được trước khi bước chân vào Chủng Viện. Người ta cũng thường nghe nói rằng chỉ nhận vào Chủng Viện những ai đã trưởng thành. Nói thế thì có nghĩa là chỉ ở trong thế gian – bên ngoài Chủng Viện – con người mới có thể trưởng thành!

Tuy nhiên, kinh nghiệm của các chủng sinh chứng minh ngược lại nguyên tắc trên đây. Thật vậy, ngay trong năm đầu tiên, các chủng sinh – thuộc bất cứ tuổi tác và có kinh nghiệm nào trong cuộc sống – đều làm cuộc khám phá duy nhất về con người thật của mình. Các mặt nạ rơi xuống.

Khi nhìn thấy khía cạnh tích cực, các chủng sinh tự khám phá ra các khả năng không ngờ hoặc không bao giờ dám nghĩ tới. Cùng lúc họ cũng chấp nhận các vết thương, các giới hạn, các nét mờ tối trong nhân cách của họ. Những ai trước đó từng có lúc mang mặt nạ để tự bảo vệ hoặc tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội, thường làm rơi nhanh các mặt nạ này. Và họ cảm nhận niềm vui lớn lao khi chân thành thú nhận:
– Giờ đây tôi biết rõ hơn tôi đích thật là ai!

Nếu chủng sinh có thể đạt đến sự hiểu biết mình, chính là nhờ sống thật sự dưới cái nhìn của THIÊN CHÚA, được nhập thể trong cái nhìn của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ loài người. Trong Chủng Viện có việc xưng tội hàng tuần, có các buổi gặp gỡ đều đặn với Cha Bề Trên và tiếp nhận sự chỉ đạo thiêng liêng thường xuyên của Cha Linh Hướng. Nhờ vậy mà chủng sinh biết rõ mình là ai và tiến đến mức độ trưởng thành nhân bản. Ngoài ra cần nhấn mạnh đến những giờ thinh lặng suy gẫm, những cuộc chuyện trò lòng bên lòng với Đức Chúa GIÊSU KITÔ, giúp đưa chủng sinh từ miền bóng tối tiến vào vùng ánh sáng. Lời Đức Chúa GIÊSU phán: ”Chính Thầy là Con Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến với CHÚA CHA mà không qua Thầy” (Gioan 14,6), nhắc chủng sinh luôn ghi nhớ rằng phải sống trong sự thật, thật với chính mình và thật với người khác. Như thánh Phêrô và thánh Phaolô, chủng sinh học cách thức xây dựng cuộc đời mình trong niềm tin nơi Con THIÊN CHÚA.

Ngoài tiến trình thiêng liêng, còn có đời sống chung và tình huynh đệ góp phần vào việc thao luyện nhân cách của chủng sinh. Thật vậy, chủng sinh phải học sống với người anh em mình không chọn cũng không thể trốn tránh. Nói một cách khôi hài thì, chúng ta bị ”kết án” sống chung! Tuy nhiên, người anh em lại là tấm gương phản chiếu hình ảnh chúng ta. Vì thế phải học nhìn thẳng vào mặt người anh em. Đặc tính của nền huấn luyện nhân bản nằm ở chỗ đó! Vượt lên trên các tình cảm tự nhiên, chịu đựng người anh em có tính tình khác xa mình, vui vẻ chấp nhận các câu nói đùa, và nhất là biết tha thứ và biết xin lỗi, là những yếu tố cần thiết dệt nên cuộc sống thường nhật của chủng sinh.

Xuyên qua các kinh nghiệm giao tế, sự thật về chính mình dần dần được tỏ lộ. Các mặt nạ rơi xuống. Từ đó chủng sinh có thể phân định con đường ơn gọi của mình. Khi yêu thương bằng hành động và bằng sự thật thì chủng sinh mới tận hưởng được niềm vui: sống hài hòa với chính mình và với anh em. Nụ cười thẳng thắn của một chủng sinh là dấu hiệu chứng tỏ chủng sinh ấy đang ở trên con đường của sự thật. Chủng sinh có thể an tâm tiến bước!

Chứng từ của Cha Louis-Hervé Guinay, Linh Mục người Pháp thuộc Cộng Đoàn Saint-Martin.

… Vậy, Đức Chúa GIÊSU nói với những ngưi Do Thái đã tin Người: ”Nếu các ông ở lại trong Lời của Tôi, thì các ông thật là môn đệ Tôi; các ông sẽ biết Sự Thật, và Sự Thật sẽ giải phóng các ông”. Họ đáp: ”Chúng tôi là dòng dõi ông Abraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao Ông lại nói: ”Các ông sẽ được tự do?” Đức Chúa GIÊSU trả lời: ”Thật, Tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu Người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do”(Gioan 8,31-36).

(”Sub Signo Martini”, Sous la protection de Saint Martin, La revue de la Communauté Saint Martin, Trimestriel – N.32 – Septembre 2011, trang 22-23).


Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Exit mobile version