Chúng ta nghĩ rằng mình mến Chúa yêu người, nhưng có thật hay không?

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN – NĂM B

Bài đọc 1: 1V 17,10-16; Bài đọc 2: Dt 9,24-28; Phúc Âm: Mc 12,38-44

1.

Người đời thường đánh giá theo bề ngoài, còn Thiên Chúa thì đánh giá theo tấm lòng. Khi tham dự thánh lễ, Chúa không để ý tới quần áo, vẻ mặt hay phong cách của chúng ta, mà Ngài nhìn thấu tâm can của từng người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy có hai mẫu người:

Mẫu thứ nhất là các luật sĩ: bề ngoài họ đạo đức, giữ luật chín chắn, đọc kinh nhiều và đọc thật dài. Vì thế, họ được người ta kính trọng, ra ngoài đường ai gặp cũng kính chào, khi dự một buổi hội họp thì ai cũng nhường cho họ những chỗ danh dự nhất. Tuy nhiên, thực ra bên trong họ chẳng đạo đức chút nào. Họ chỉ làm ra bộ đạo đức như vậy để được người khác kính trọng và dâng cúng tiền bạc.

Chúa đã gọi các môn đệ đến chỉ cho họ thấy thái độ và việc làm của bà góa, rồi nhận xét: “Thầy nói thật với các con: trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa. Còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống” (Mc 12,44). Tâm tình của bà quý giá hơn nhiều so cái dáng vẻ bề ngoài.Mẫu người thứ hai là người đàn bà góa: bà rất nghèo nàn, không ai để ý tới sự hiện diện của bà nhưng tâm hồn bà lại cao quý.

Chúa Giêsu mặc dù coi trọng tâm tình hơn hình thức, nhưng cũng không chủ trương bất cần hình thức. Vì thế, bà góa không phải chỉ có lòng đạo đức, bà còn biểu lộ lòng đạo đức ấy qua cử chỉ dâng cúng đồng tiền nhỏ mọn của bà trong hòm tiền. Việc sống đạo cũng vậy: đọc kinh, dự lễ… phải đi đôi với tâm tình mến Chúa yêu người. Nhưng từ nhận định rất căn bản trên, có nhiều người đi đến chủ trương bất cần hình thức. Họ cho rằng “Đạo Tại Tâm”. Sống đạo cốt là ở tâm hồn, chẳng cần đọc kinh, dự lễ, xưng tội. Ngày nay không ít người chủ trương coi thường những việc đạo đức như đọc kinh cầu nguyện dự lễ. Suy nghĩ thế là một cách ngụy biện của những kẻ ghét đạo và muốn phá đạo; ngụy biện của những người có đạo nhưng lười biếng thi hành những bổn phận đạo đức.


2. Chúng ta nói rằng mình thương Chúa, nhưng có thương thật hay không? Hãy xét mình xem ta có cho Chúa gì không? Mỗi ngày vài phút buổi tối trước khi đi ngủ mà có khi ta cũng không cho. Mỗi tuần chừng một tiếng đồng hồ ngày Chúa nhật mà có khi ta cũng không cho, hay có cho thì cũng cắt đầu cắt giữa cắt đuôi, nghĩa là đi lễ trễ, chia trí lo ra, về sớm. Thỉnh thoảng Chúa xin ta một chút hy sinh, một chút cố gắng, chúng ta có cho Chúa hay không? Hay là chúng ta cho Chúa thì ít nhưng xin Chúa thì nhiều, cầu nguyện thì chỉ toàn là xin, xin cho con… xin cho con… Có người xin ơn mà không được Chúa ban như ý thì giận, họ kể lể thế này thế nọ, vậy mà Chúa không nhậm lời. Họ dựa vào một ít việc lành mình đã cho Chúa để làm áp lực với Chúa, bắt Chúa phải ban ơn trả lại. Như vậy cũng chưa phải là thương Chúa thật.2.

Chúng ta nghĩ rằng mình thương người, nhưng có thương thật hay không? Thì cũng hãy xét mình xem ta có cho người khác cái gì không? Đừng vội biện minh rằng tại vì tôi không có nhiều tiền. Một khi đã thương ai thật thì người ta không thiếu gì cái để cho và cũng không thiếu gì cách để cho. Đâu nhất thiết là phải cho tiền mới là thương. Thí dụ như cho cảm nghĩ tốt, vì thương ai ta sẽ không nghĩ xấu về người đó. Thí dụ như cho sự quan tâm, bởi lẽ thương ai ta không thể nào lơ là dửng dưng với người đó được nhất là khi họ gặp đau khổ, hay như cho sự chăm sóc, giúp đỡ, cho những lời an ủi chân thành, lời cầu nguyện… Người không thương thì chỉ biết nhận mà không biết cho.

Cha Mark Link viết: “Những điều duy nhất ta còn giữ lại được là những gì ta đã cho đi”. Bàn tay tặng hoa hồng vẫn còn vương lại hương thơm. Lạy Chúa, Chúa thấu suốt tận đáy lòng mỗi người chân thực hay giả dối. Xin dạy chúng con biết âm thầm dâng hiến cho tha nhân đang cần sự trợ giúp quảng đại của chúng con.

Lm Carôlô HỒ BẶC XÁI, TÐD Giáo phận Cần Thơ

Exit mobile version