Chúng ta là ai, chúng ta sẽ dạy như thế

thay co giao - Chúng ta là ai, chúng ta sẽ dạy như thế

Thế nhưng, có những lúc, lớp học quá yếu nhược hoặc bị tổn thương hoặc đầy nghi ngờ, và tôi bất lực không biết phải làm gì. Khi ấy, việc tôi khẳng định mình là một giáo viên, dường như là một sự ‘giả bộ trong sáng’ một sự ‘ngây thơ vô số tội’. Khi ấy, kẻ thù ở khắp mọi nơi: nơi các học sinh như từ hành tinh xa lạ nào đó, nơi môn học mà tôi nghĩ là mình biết, nơi những biểu hiện có tính cá nhân trong lối sống của tôi. Thật là tệ hại khi tôi phải hình dung về việc tôi có thể làm chủ được tình thế khó hiểu này.

Sự phức tạp của việc dạy học có ba nguồn quan trọng. Hai nguồn đầu tiên thì quen thuộc, nguồn thứ ba là căn bản nhất nhưng hiếm khi được thực hiện.

Thứ nhất, các môn học mà chúng ta dạy là những lĩnh vực rộng lớn và phức tạp như chính đời sống; tri thức của chúng ta luôn bất toàn và mảnh phần. Việc đọc, nghiên cứu và giảng dạy là cần để chúng ta nắm bắt được nội dung. Thứ hai, các học viên mà chúng ta dạy, thì lớn hơn cuộc sống, và những con người này cũng phức tạp hơn cuộc sống.

Nếu các học viên và các môn học được kể tới trong sự phức tạp của việc dạy học, thì những cách thức chuẩn mực của chúng ta chỉ là sự sao chép. Điều này giữ chân chúng ta trong những lãnh vực tốt nhất chúng ta có thể, và học đủ những kỹ thuật để đứng đầu trong bảng xếp hạng. Thế nhưng, có một lý do khác phức tạp hơn hai lý do này. Đó là: chúng ta là ai, chúng ta sẽ dạy như thế.

Việc dạy, cũng như bất cứ hành vi nào của con người, đều khơi lên từ nội tâm con người, để tốt hơn hoặc tệ hơn. Khi tôi dạy, tôi dự phóng về ảnh hưởng của tâm hồn tôi trên các học viên tôi dạy, trên các môn học tôi dạy, và trên cung cách của chính tôi. Tình huống phức tạp mà tôi kinh nghiệm trong lớp học, thường không hơn kém nhiều so với những biến chuyển trong đời sống nội tâm của tôi. Nhìn từ góc cạnh khác, việc dạy tựa như tấm gương soi của tâm hồn. Nếu tôi sẵn lòng nhìn vào gương soi và không chạy trốn những gì tôi thấy, thì tôi có cơ hội để đạt được tri thức; và hiểu biết về chính mình là điều tuyệt vời cho việc dạy hiệu quả cũng như hiểu biết học viên và hiểu biết môn học.

Thực tế cho thấy, việc hiểu biết học viên và hiểu biết môn học, phụ thuộc rất lớn vào việc hiểu biết chính mình. Khi tôi chưa biết tôi là ai, làm thế nào tôi có thể biết được học viên của tôi là ai. Tôi sẽ thấy các học viên qua một tấm kính đen tối, qua những cái bóng của đời sống thiếu suy xét. Khi tôi không thể thấy họ cách rõ ràng, tôi không thể dạy họ tốt được. Khi tôi không biết chính mình, tôi không thể biết môn học ở mức độ sâu xa nhất của nó, ở ý nghĩa có tính con người. Có thể nói, khi ấy, chính tôi chưa ‘tiêu hóa’ được môn học mình dạy. Điều tôi biết không phải chỉ có tính trừu tượng, có tính lý thuyết xa rời cuộc sống, mà là sự thật ngay trong cuộc sống của tôi.

Chúng ta cần mở ra biên cương mới trong sự khám phá của việc dạy: lãnh vực nội tâm của đời sống người giáo viên. Để phác họa lãnh vực này cách đầy đủ, ba con đường chính được đề xuất: trí thức (intellectual – trí), cảm xúc (emotional – tâm), và tâm linh (spititual – linh); và một trong ba không thể bị loại bỏ. Sự giảm nhẹ việc dạy chỉ là trí thức, sẽ dẫn tới sự trừu tượng lạnh lẽo. Sự giảm nhẹ việc dạy chỉ là cảm xúc, sẽ dẫn tới sự tự yêu thích bản thân quá đáng. Sự giảm nhẹ việc dạy chỉ là tâm linh, sẽ dẫn tới việc quên mất rằng mình đang sống trong thế giới. Trí, tâm, linh ở trong chiều sâu của mỗi con người như một toàn thể. Ba yếu tố này đan kết nhau trong con người và trong giáo dục. Do đó, khi thảo luận về phương pháp giáo dục, chúng ta cần quan tâm đan kết cả ba yếu tố ấy.

Bằng con đường trí thức, tôi có ý nói về cách thức chúng ta nghĩ về việc dạy và học. Đó là mô hình và nội dung mà chúng ta nghĩ về cách người ta học, về bản chất của học viên và môn học. Bằng con đường cảm xúc, tôi có ý nói về cách thức chúng ta và học viên cảm nhận khi dạy và học. Các cảm nhận này có thể mở rộng hoặc thu hẹp tương quan giữa chúng ta. Bằng con đường tâm linh, tôi có ý nói về những cách thức đa dạng mà chúng ta trả lời cho khát vọng của con tim mình; khao khát được nối kết với sự bao la của cuộc sống của sự sống. Niềm khao khát này sẽ kích hoạt tình yêu và công việc, đặc biệt là công việc mang tên dạy học.

Chuyển ngữ từ bài luận ‘We Teach Who We Are’ của tác giả Parker J. Palmer trong cuốn sách: A Jesuit Education Reader, Edited by George W. Traub, S.J., (Chicago: Loyola Press, 2008), p. 311-313.)


Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
, dongten.net 20.08.2015

Exit mobile version