Chúng ta có thể thực hiện việc ngừa thai là ”sự dữ ít hơn” việc phá thai không?

baby - Chúng ta có thể thực hiện việc ngừa thai là ''sự dữ ít hơn'' việc phá thai không?

Trả lời:

Trước tiên, chúng ta hãy nói về vấn đề “sự dữ ít hơn”. Nhà thần học Germain Grisez cho rằng chỉ có thể được phép khuyên một người thực hiện một “điều dữ ít hơn” khi người đưa ra lời khuyên cố gắng thuyết phục người kia làm điều ít thiệt hại hơn, chứ không phải khuyên một người làm một điều xấu, vì khuyên một người làm một điều xấu, dù là xấu nhiều hay xấu ít, đều sai cả.

Cha Ludovico Bender, OP, nói rằng một sự dữ không thể trở thành tốt bởi vì nó ít xấu hơn một điều xấu lớn hơn. Do đó, Bender cho rằng việc khuyên một người phạm một tội ít nặng hơn một tội khác là điều không được. Tuy nhiên, khuyên một người từ bỏ một phần trong toàn bộ điều xấu mà người đó đã hoạch định thì là một điều tốt. Ví dụ, một tên trộm muốn giết chủ nhà và cướp tài sản, sẽ là điều tốt nếu khuyên người này chỉ lấy tài sản thôi chứ đừng giết người. Đây là việc khuyên chống việc-giết-người, chứ không phải, khuyên tên trộm. Như vậy, có một sự khác biệt giữa khuyên làm một điều xấu ít hơn với can ngăn chống lại một phần của một kế hoạch xấu đã có.

Giáo lý cũng dạy rằng các tội có tính nặng nhẹ khác nhau: giết người thì nặng hơn ăn trộm, bạo lực chống lại cha mẹ thì tự bản thân nó nặng hơn chống lại người lạ. Quả thực là giết người thì nặng hơn ăn trộm. Nhưng ăn trộm, dù là nặng hay nhẹ, thì không bao giờ là “tốt”. Nó chỉ là “điều xấu ít hơn” khi so sánh với điều xấu hơn mà thôi. Nhưng đây là một kiểu so sánh không đúng về mặt luân lý.

Một sự so sánh đúng đắn về mặt luân lý phải có liên hệ với nhau trong cùng một loại và phải dựa trên nền tảng tự do của điều trái ngược: được làm hay không được làm trong cùng một điều trong cùng một hoàn cảnh. Ví dụ: có được ăn cắp 1000 USD từ một người cụ thể này không. So sánh điều này với loại khác thì không đúng. Ví dụ, không thể so sánh việc ăn cắp 1000 USD của người này với ăn cắp 1000 USD của một ông chủ giàu có, hay một công ty lớn hay so sánh giữa việc ăn cắp với việc giết người là một những kiểu so sánh khập khiễng, vì nó không cùng nằm trên một bình diện.

Như vậy, thay vì để dẫn đến hậu quả phá thai hay gia đình tan vỡ, mình có nên cho phép ngừa thai như là một “sự dữ ít hơn” không?

Đức Gioan Phaolo II đã nói đến vấn đề này trong thông điệp Evangelium Vitae rằng nhiều người cố gắng biện minh cho việc ngừa thai, xem nó như một việc phương pháp chống phá thai, nhưng đây chỉ là 1 sự ảo tưởng. Việc ngừa thai chẳng những không làm giảm tỷ lệ phá thai, nhưng thực tế cho thấy xã hội nào cho phép ngừa thai thì tỷ lệ phá thai càng cao.

Dù việc ngừa thai và phá thai khác nhau về bản chất và tính nặng nhẹ luân lý (phá thai là tiêu hủy một sự sống – vi phạm điều răn thứ 5, ngừa thai chống lại nhân đức khiết tịnh trong hôn nhân – vi phạm điều răn thứ 6,) nhưng cả hai đều có mối liên hệ gần gũi với nhau. Chúng cho thấy một não trạng chống lại sự sống, từ chối đón nhận trách nhiệm trong vấn đề tính dục, và một quan niệm ích kỷ, xem sự sống con người như rào cản cho sự kiện toàn cá nhân. Những hành vi tự bản chất là xấu như ngừa thai và phá thai thì không thể trở thành “tốt” nên không bao giờ được phép làm với ý hướng mang đến điều tốt hay ít xấu hơn. Tự bản chất, những hành vi xấu, xét cho cùng, là đối tượng của chọn lựa con người, vốn tự bản chất “không thể giúp hướng về Chúa vì chúng mâu thuẫn hoàn toàn với điều tốt của con người là loài được dựng nên giống hình ảnh của Người” (Veritatis Splendor, số 79, 80)

(trích trong SMITH, Msgr. WILLIAM B,. Modern Moral Problems: Trustworthy Answers to Your Tough Questions, edited by Donald Haggerty, Ignatius Press, San Francisco, 2012, tr 142)

Lược dịch: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Dongten.net 13.12.2014

Exit mobile version