Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, người ta thường đối chiếu hai giai đoạn: giai đoạn ẩn dật (kéo dài cho đến lúc 30 tuổi) và giai đoạn hoạt động công khai (chỉ vỏn vẹn có 3 năm). Từ đó, không thiếu các nhà tu đức đã rút ra một bài học về việc quý trọng sự thinh lặng chuẩn bị lâu dài nếu muốn thâu lượm kết quả trong hoạt động tông đồ. Đến khi đi vào giai đoạn ẩn dật, người ta lại còn tách ra hai chặng với tuổi 12 làm mốc phân chia. Từ khi sinh ra đến lúc lên 12, – được gọi là tuổi thơ ấu -, Phúc âm có cho ta biết vài chi tiết về việc sinh ra tại Bêlem, tị nạn sang Ai cập rồi trở về Nadarét, mà ta gọi là “Phúc âm thời thơ ấu”; còn từ sau 12 tuổi trở đi thì hoàn toàn im bặt. Dĩ nhiên, các nhà tu đức lại có dịp thêm bài học nữa (chẳng hạn như sách Giáo lý Hội thánh công giáo số 533). Tuy nhiên, đang khi mà các nhà tu đức chấp nhận sự thinh lặng như là một bài học thì các nhà sử học lại coi đó như là một vấn đề. Tại sao Phúc âm lại quá vắn tắt về tuổi thiếu thời của đức Giêsu? Phải chăng đối với các thánh sử, tuổi thiếu thời không có gì đáng nói? Hơn thế nữa, phải chăng thuở thiếu thời của đức Giêsu không thuộc về Phúc âm?
Tại sao lại đặt câu hỏi kỳ lạ vậy? Đức Giêsu đâu phải trời nhảy dù xuống đất đâu? Người đã được sinh ra, đã lớn lên. Có ai vừa lọt lòng mẹ đã lập tức trưởng thành mà không qua thời thơ ấu?
Đúng thế, ai ai cũng phải trải qua thời thơ ấu rồi mới đến tuổi trưởng thành. Hơn thế nữa, những kỷ niệm buổi ấu thời in rất sâu đậm và ảnh hưởng đến suốt cuộc đời. Tục ngữ Việt Nam có câu “uốn cây từ thuở còn non, dạy con từ thuở con còn thơ ngây”: sự giáo dục uốn nắn lúc măng non sẽ để lại dấu vết cho đến khi xuống mồ. Tuy nhiên, các học giả Kinh thánh thì đặt vấn đề cách khác. Khi nói rằng thời thơ ấu của đức Giêsu không thuộc về Phúc âm, thì họ muốn ghi nhận rằng các bài giảng tiên khởi của các thánh tông đồ không bao gồm cuộc đời ẩn dật của Người. Bằng cớ là Phúc âm theo thánh Marcô (được coi là bản văn cổ nhất) bắt đầu ngay với sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Phúc âm thánh Gioan (được coi là bản văn cuối cùng trong bốn thánh sử) cũng không đả động gì đến cuộc đời ẩn dật của Đức Giêsu. Như vậy, nếu trong bốn quyển Phúc âm, chỉ có hai thánh sử Matthêu và Luca viết về thời thơ ấu, và hai người kia không nói gì, thì hiểu là thời thơ ấu không quan trọng cho lắm, hay cùng lắm thì chỉ quan trọng tới 50%.
Vì lý do gì mà thời thơ ấu của Đức Giêsu không mấy quan trọng?
Nói là “không quan trọng” thì có lẽ không được chỉnh cho lắm. Muốn chính xác hơn thì phải nói rằng tuổi thơ ấu của đức Giêsu không thuộc về trọng tâm của Tin mừng. Để hiểu rõ điều này, cần phải trở lại với ý nghĩa nguyên khởi của Tin mừng. Theo ngôn ngữ thông thường, bất cứ tin vui (hỉ tín) nào cũng có thể là Tin mừng. Nhưng các thánh tông đồ (cách riêng là thánh Phaolô) đã dùng từ Tin mừng theo một nghĩa đặc biệt, đó là: Tin mừng cứu độ. Thiên Chúa đã cứu loài người khỏi tội lỗi và sự chết nhờ cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Tư tưởng này có thể nhận thấy ở những câu đầu tiên của thư gửi Rôma và ở đầu chương 15 thư thứ nhất gửi Côrintô. Nói khác đi, trọng tâm của Tin mừng (hay Phúc âm) là cuộc Tử nạn và Phục sinh của đức Giêsu Nadarét. Chúng ta cũng nhận thấy nội dung tương tự nơi các bài giảng tục gọi là kerygma của các thánh tông đồ được thuật lại ở sách Tông đồ công vụ. Chúng ta tạm gọi đó là Tin mừng tiên khởi, hoặc Tin mừng giai đoạn một. Thế nhưng, một câu hỏi sớm được gợi lên trong đầu các thính giả: vì lý do gì mà đức Giêsu bị xử tử trên thập giá như vậy? Để trả lời cho câu hỏi này, các thánh tông đồ đã giải thích lý do cuộc kết án bằng việc thuật lại những hoạt động của đức Giêsu, những lời giảng và việc làm của Người, mà ta gọi là “cuộc đời công khai”. Đến đây chúng ta có thể coi như đã tới giai đoạn hai của Tin mừng, điển hình nơi Phúc âm thánh Marcô.
Dĩ nhiên, óc tò mò còn muốn đi lùi lại tí nữa, và người ta xen thêm tông tích họ hàng của đức Giêsu, kể từ khi sinh ra, phải không?
Đúng như vậy. Nhưng tiếc rằng óc tò mò hợp lý đó không được thỏa mãn hoàn toàn. Như vừa nói, thánh Marcô và thánh Gioan không đả động gì đến thời thơ ấu của Đức Giêsu, nhưng thậm chí thánh Matthêu và thánh Luca cũng chẳng hoài công đi truy lục các chi tiết chung quanh thời thơ ấu của Đức Giêsu. Thực vậy, tuy được đặt tên là “Phúc âm thời thơ ấu” nhưng hai thánh sử không kể lại tất cả các biến cố của thời thơ ấu mà chỉ giới hạn vào lúc sinh ra. Và chủ đích của hai vị có lẽ chỉ muốn đào sâu thêm chiều kích của mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh trong cuộc đời của Đức Giêsu: thập giá đã lảng vảng ngay từ khi Người mới ra đời. Chúng ta hãy phân tích cơ cấu của mỗi thánh sử thì sẽ thấy điều đó.
Thánh Matthêu, trong suốt tác phẩm của mình, muốn chứng tỏ cho dân Do thái rằng: đức Giêsu là vị cứu tinh, là ông Môsê mới, nhà giải phóng dân tộc. Cũng như xưa kia ông Môsê, vừa sinh ra đã phải bỏ rơi xuống sông Nilô và được đem vào triều đình vua Ai cập, rồi từ đó ông đã đưa dân tộc ra khỏi cảnh nô lệ và dẫn vào đất hứa, thì đức Giêsu cũng vậy. Vừa sinh ra, Người phải lánh nạn sang Ai cập, và rồi từ đó trở về quê hương để thực hiện cuộc giải phóng nhân loại. Hơn thế nữa, cuộc giải phóng của Đức Giêsu còn mang tính cách bi thảm bởi vì sẽ kết thúc bằng cái chết trên thập giá. Điều này đã phảng phất ngay từ khi mới sinh: hài nhi Giêsu bị vua Hêrôđê truy nã vì sợ dành mất ngôi báu. Một ngày kia, đức Giêsu sẽ bị dân tộc mình gạt bỏ và bị kết án về tội xưng mình là vua dân Do thái. Mặt khác, tuy bị dân tộc phủ nhận nhưng Tin mừng lại được dân ngoại đón nhận; điều này đã được tiên báo qua cảnh các đạo sĩ đến thờ lạy Hài nhi. Nhà cầm quyền chính trị và tôn giáo Israel không muốn nhọc xác đi Belem để thờ lạy đấng Cứu thế; đang khi mà các đạo sĩ (bị coi như là ngoại đạo vì không biết gì Kinh thánh) thì lại đến bái yết Người.
Nhưng mà ngoài chuyện đó ra, thánh Matthêu còn nói đến việc Đức Mẹ thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần nữa chứ?
Đúng thế, cả thánh Matthêu lẫn thánh Luca đều nói đến việc Đức Maria thụ thai do quyền năng Thánh thần. Chắc hẳn đây cũng là một trong những đề tài chính của các chương đầu của hai quyển Phúc âm thơ ấu, với điều khác biệt là thánh Matthêu ra như nhận được tài liệu từ thánh Giuse, còn thánh Luca thì nhận được từ Đức Maria. Đức Maria chiếm chỗ đứng đặc biệt trong Phúc âm thánh Luca. Những chi tiết liên quan đến việc Truyền tin, thăm viếng, giáng sinh, dâng tiến đều đến tai chúng ta nhờ thánh Luca. Một chi tiết đáng lưu ý là 2 lần Luca nói đến việc Đức Maria suy niệm (nguyên bản Hy-lạp có nghĩa là đối chiếu, nghiền ngẫm) các biến cố xảy ra cho Đức Giêsu. Nhận xét này rất quan trọng, bởi vì cho ta biết rằng Đức Maria đã lưu giữ các biến cố đó trong lòng, và sau này đã đọc lại chúng dưới ánh sáng của cuộc Tử nạn và Phục sinh. Khi vừa sinh hạ đức Giêsu, Đức Mẹ đã vấn khăn và đặt hài nhi trong máng ăn. Cử chỉ này xem ra khá tự nhiên đối với bà mẹ. Nhưng người tinh ý có thể đối chiếu với cảnh tượng mà Luca thuật lại ở chương 23, câu 53, nói về cuộc Tử nạn của đức Giêsu: ông Giuse Arimatêa cũng quấn khăn liệm quanh thi hài và đặt trong mồ. Nói cách khác, cử chỉ của Đức Mẹ vào lúc Chúa Cứu thế ra đời tiên báo cái chết cứu độ của Người. Đó là nói đến sự hạ mình tột độ của Đức Kitô. Bước sang khía cạnh vinh hiển của công trình cứu độ, nghĩa là sự Phục sinh, người ta cũng thấy sự tiên báo từ khi mới ra đời. Thực vậy, ta thấy vào lúc Chúa sinh ra cũng như vào lúc Chúa phục sinh đều có cảnh thiên sứ hiện ra. Vai trò của thiên sứ là giải thích ý nghĩa một mầu nhiệm mà giác quan tự nhiên không thể khám phá được. Trong đêm giáng sinh, thiên sứ hiện ra với các mục đồng và loan báo cho họ biết trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ là Đấng Cứu thế, là Đấng Kitô, là Chủ tể. Đây là những tước hiệu mà các Kitô hữu tuyên xưng về bản tính đức Giêsu sau cuộc Phục sinh, như đọc thấy ở sách Tông đồ công vụ chương 2,31; 5,31. Vào buổi sáng Phục sinh, chúng ta lại thấy thiên sứ hiện ra để giải thích cho các phụ nữ lý do vì sao ngôi mộ trống; đó là tại vì Người đã sống lại (Lc 24,5), và dĩ nhiên là Người đã trút bỏ tấm khăn liệm (chương 24,12), tấm khăn liệm tượng trưng nơi tấm khăn tã mà bà mẹ bọc lúc ra đời.
Nhưng mà ngoài việc thuật lại việc Chúa giáng sinh, thánh Luca còn thêm một biến cố khác vào lúc Người lên 12 tuổi nữa. Biến cố này có ý nghĩa gì không?
Việc Đức Mẹ lạc mất và tìm gặp Con mình trong đền thờ khi lên 12 tuổi đã phá tan sự im lặng từ khi sinh ra tới lúc hoạt động công khai. Nhưng mà một lần nữa trình thuật này được ghi lại như là kết quả của sự đối chiếu suy niệm của Đức Maria. Đức Mẹ đã phải xa cách Con mình 3 ngày trước khi tìm lại được. Tại sao 3 ngày, mà không phải 2 hoặc 4? Ắt là hàm ngụ thời gian Đức Giêsu được mai táng trước khi sống lại. Ngoài ra chúng ta cũng biết rằng biến cố Tử nạn và Phục sinh diễn ra tại Giêrusalem, nơi Người hoàn tất công việc mà Chúa Cha đã ấn định.
Ngoài trình thuật của thánh Matthêu và thánh Luca, có chỗ nào trong Tân ước nói đến cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu hay không?
Trong các tác phẩm được Hội thánh nhìn nhận vào số quy điển thì không còn chỗ nào khác. Nhưng trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, nhiều quyển Phúc âm lưu hành nói đến cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu, nổi tiếng hơn cả là “Tiền Phúc âm của thánh Giacôbê”, kể lại gốc tích lai lịch của đức Maria (con ông Gioakim và bà Anna, được dâng tiến vào đền thờ khi lên 3 tuổi), và lý lịch của thánh Giuse (góa vợ). Một tác phẩm khác mang tên là “Phúc âm thánh Tôma” thuật lại đời thơ ấu của đức Giêsu, một hài nhi phi thường chuyên làm phép lạ để trả thù những bạn đồng tuổi chơi xấu. Dĩ nhiên, các tác phẩm này được viết để thỏa mãn tính hiếu kỳ, hơn là loan báo Tin mừng cứu độ nhờ thập giá và cuộc Phục sinh.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành