Chức vụ Thày Cả, Đan Sĩ là gì?

Trả Lời:

Bạn Tinhxanh thân mến,

1. “Thầy Cả” là cách gọi ngày xưa rất thịnh hành tại Việt Nam. Cho đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, người Việt bắt đầu thấy xuất hiện danh xưng “cha,” được lấy từ chữ père (tiếng Pháp). Sau đó, xuất hiện từ “linh mục” dịch từ chữ prêtre (tiếng Pháp). Sau này, từ “linh mục” lại được dịch từ hai từ sacerdos và presbyter trong tiếng Latin.

Sacerdos (sacer: thánh; dare: dâng hiến): có nghĩa là tư tế (người dâng hy tế thánh, người tế lễ) thánh. Vào thời Chúa Giêsu, giới tư tế bao gồm vị thượng tế, các tư tế và nhiều chức sắc khác (con cái cháu chắt của chi tộc Lêvi). Chức năng chung của các tư tế là trung gian, là nhịp cầu kết nối giữa Trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người, và giữa người với người. Còn chữ presbyter lấy từ tiếng Hy Lạp là presbyteros, có nghĩa là trưởng lão, là người lớn tuổi, người lãnh đạo một cộng đoàn (như già làng của dân tộc thiểu số tại Việt Nam). Trong Cựu Ước, trưởng lão là người lãnh đạo và chăm sóc một cộng đoàn.

Tuy nhiên, thật cần thiết để biết rằng, tư tế tối cao nhất mà mọi tư tế đều phải quy hướng về, đó là Chúa Kitô. Các linh mục, vì thế, chính là những người họa lại chức năng Linh Mục tối cao ấy trong Giáo Hội ngày nay (xin xem tông huấn Pastores Dabo Vobis), đây cũng là lý do mà ngày xưa ở Việt Nam gọi linh mục làthầy cả, tiếng Hán Việt dịch là thượng tế (Cả là tính từ của tiếng Việt, ám chỉ đến bậc cao nhất, tiếng Anh dùng là highly, tiếng Hán Việt dịch là thượng).

“Mặc dù linh mục không có quyền thượng tế và phải tùy thuộc Giám mục khi thi hành quyền bính, nhưng cũng hiệp nhất với Giám mục trong tước vị tư tế. Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, Thầy Cả Thượng Phẩm vỉnh viễn (Dt 5, 1-10; 7, 24; 9, 11-28) để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc phụng tự Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước” (Lumen Gentium, số 28).

Khi linh mục thi hành chức năng và sứ vụ trong chức vị tư tế, thì linh mục ấy chính là thầy cả, là một Kitô khác (họa lại, theo sát, trở thành), là alter Christus, có nghĩa là Đức Kitô thứ hai qua Thánh Chức Linh Mục (hay Đức Kitô khác). Vì thế, thầy cả phải là người thực sự giúp cho người khác nhận biết và tin yêu Chúa Kitô mà mình là bí tích, là hình ảnh đích thực của Chúa trước mặt đoàn chiên.

Vì họa lại con người của Đức Kitô, linh mục cũng là mục tử (người chăn chiên), tức là người chăn dắt các linh hồn. Nên chúng ta có từ pastor (tiếng Latin), tiếng Hy Lạp gọi là “poimēn”, nghĩa đen là người chăm sóc chăn dắt thú vật.

Ngày xưa, linh mục được gọi là thầy cả, vì được chia sẻ chức Linh Mục đời đời của Chúa Kitô, Thầy Cả Thượng Phẩm hay “Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” ( Dt 5,6). Linh mục, hay Thầy Cả, được chia sẻ một phần chức Linh Mục (của Chúa Kitô) cùng với Giám Mục, là người được chia sẻ trọn vẹn Chức Linh Mục đó.

Ngày xưa, trước khi chịu chức linh mục, người ta gọi là thầy. Nhưng khi đã chịu chức, thì người ta gọi là thầy cả, vì rằng,chữ thầy cả lớn hơn chữ thầy. Trước kia, tại Miền Bắc và Miền Trung, người ta còn gọi linh mục là “cụ”; Ở vùng Nam Bộ, thì gọi là cố hoặc cố đạo. Đây là danh xưng để nói lên sự kính trọng trong xã hội Việt Nam xưa kia (ảnh hưởng bởi chế độ quân chủ, tâm thức thời vua chúa quan thần).

Chúng ta biết rằng, ngôn ngữ con người thì rất khiếm toàn, không thể dùng một từ để lột tả trọn vẹn ý nghĩa điều mình muốn chuyển tải. Vì thế, thầy cả, linh mục, mục tử, mỗi chữ có ý nghĩa và điểm hay của nó, và khó mà tìm một chữ duy nhất nào đó để nói lên trọn vẹn ý nghĩa của vị vừa giảng dạy, hướng dẫn, mà cũng vừa chăm sóc, vừa đứng đầu nhưng lại phải đứng cuối, vừa là thầy mà cũng vừa là đầy tớ phục vụ…

Dẫu dùng chữ nào đi chăng nữa, chúng ta cần luôn ghi nhớ lời cảnh báo của Chúa Giêsu. Ngài không muốn chúng ta sống và giữ y như nghĩa đen của mặt chữ, nhưng Ngài muốn chúng ta hiểu đằng sau mặt chữ, có gì đó cao hơn và đẹp hơn nhiều: “Phần anh em, anh em đừng để ai gọi mình là “thầy” hay “người lãnh đạo”, vì chỉ có một vị thầy, một vị lãnh đạo là Đức Kitô (Mt23,8.10; Ga 13,13-14). “Vị thầy” và “vị lãnh đạo” được thực hiện theo tinh thần của Ngài, đó là phục vụ mọi người cách tận tình và khiêm tốn như Ngài đã nêu gương khi rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,3-17). Chính Ngài đã khẳng định vai trò của Ngài: “Tôi đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).

Ngài cũng cảnh giác chúng ta: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm đầy tớ phục vụ mọi người” (Mc 9, 35; Mt 20,27).

2. Đan sĩ, trong tiếng Hy Lạp, là monochos, có nghĩa là duy nhất, đơn độc. Theo ngôn từ của Công giáo, đan sĩ là những người nam hay nữ đi tu (thánh hiến) quy tụ lại để sống thành cộng đoàn, gọi là đan viện (Ðan Viện, tiếng Hy Lạp gọi là Abbaye, tiếng Latin gọi là Abbatia, tiếng Anh là Abbey). Đan sĩ không được hiểu như những người cô đơn, cô độc, lẻ loi trong buồn chán, nhưng đúng hơn họ là những con người dâng đời mình để tìm kiếm một sự quan trọng và cần thiết duy nhất: “Nhiệm vụ chính yếu của các đan sĩ là phục vụ Thiên Chúa uy quyền trong nội vi đan viện, với sự khiêm tốn, nhưng cao quí, hoặc hoàn toàn hiến thân phụng thờ Thiên Chúa trọn đời sống ẩn dật, hoặc phụ trách cách hợp pháp một vài công việc tông đồ hay bác ái Kitô giáo” (Canh tân và thích nghi đời tu của Công đồng Vaticanô II, số 9).

Theo quy định thánh Biển Ðức (st. Benedict), nếu suốt cuộc đời đan sĩ ở nơi môi “trường phục vụ Chúa” được diễn ra trong tuân phục và khiêm nhu, thì việc phục vụ đó chính là công trình Thiên Chúa, Opus Dei, ở mức độ tuyệt hảo nhất, và phải được đặt lên trên tất cả” (chương 43). Cuộc đời đan sĩ chủ yếu là chuyên chăm cầu nguyện, say mê sự thinh lặng (chúng ta thường gọi là tu kín), có người định nghĩa đan sĩ là người luôn luôn kết hợp với Chúa trong mọi sự, như cha tổ phụ Henris Denis, Đấng sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, đã định nghĩa: “Đan sĩ là con người liên lỷ cầu nguyện.” Các đan sĩ là tu sĩ luôn được mời gọi phải gắn bó với Chúa mỗi ngày thêm mật thiết với Chúa, và hằng tâm niệm: “Hãy vào phòng đóng cửa cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy, để chỉ một mình Cha trên Trời biết, và Ngài sẽ thương nhận lời chúng ta tha thiết khẩn nguyện” (xem Mt 6,6).

Kết luận: Thầy cả là danh xưng tiếng Việt xưa kia ở Việt Nam, để nói đến chức vị linh mục (chữ thầy cả nghe có vẻ trịnh thượng và quê mùa, nhưng danh xưng này cũng có cái hay của nó để hướng chúng ta về vị Thầy Thượng Phẩm, Thầy Cả Chí Thánh là Chúa Kitô). Đan sĩ, trước hết, chính là tu sĩ sống đời chiêm niệm cách đặc biệt hơn trong đan viện tĩnh lặng (dòng kín), và đan sĩ cũng có thể là linh mục nữa, vì còn tùy thuộc vào nhu cầu của đan viện, hay ý muốn của đức viện phụ, ý muốn của Chúa (viện phụ đóng vai trò như bề trên tu viện, nhưng được gọi là cha, là Abbot, chăm sóc và cai quản mọi đan sĩ trong đan viện. Viện phụ cũng có mũ, gậy, huy hiệu như giám mục, nhưng không phải là giám mục, viện phụ không có thánh chức như giám mục, nhưng lại có chức vị lãnh đạo và được Hội Thánh công nhận).

Lm. Khất Tuệ

Exit mobile version