Chuẩn bị Giáo hội trong Cựu Ước

“Từ nguyên thủy, Giáo hội đã được tiên báo bằng hình bóng, được chuẩn bị cách kỳ diệu trong lịch sử dân Ítraen và trong giao ước cũ, và đã được thành lập trong thời cuối cùng” (LG 2).

Ðã được tiền định trong mầu nhiệm vĩnh cửu của Thiên Chúa, Giáo hội sẽ dần dần hình thành ra trong lịch sử, qua nhiều giai đoạn, cho tới khi hoàn tất trong vương quốc cánh chung. Cựu Ước nêu ra nhiều mẫu “tiên trưng” (typos), tức là những biểu tượng cho biến cố xuất hiện của Ðức Kitô; vậy, các nhà chú giải cũng nhận ra những “sự việc” (biến cố, thể chế, v.v.) tiên trưng hay báo trước về Giáo hội. Mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải từng bước, cùng được Ítraen và Giáo hội dần dần thấu hiểu thêm. Dù Ðức Kitô đã nói trước “tất cả” cho những tông đồ biết (x. Ga 15: 15), thì Thần Khí cũng phải từ từ dẫn họ (Giáo hội) đi đến chỗ lĩnh hội chân lý toàn vẹn (x. Ga 16: 13). Thiên Chúa nói với dân Người “nhiều lần nhiều cách” (Dt 1: 1), nhất là qua các biến cố (x. DV 2). Xưa kia Thiên Chúa dùng lịch sử để dạy dỗ dân Ítraen (x. 1Cr 10: 6), thì ngày nay Người cũng dùng những biến cố hiện đại để “nói” với Giáo hội. Thần Khí soi sáng cho Giáo hội biết cách giải thích dạng “ngôn ngữ” đó, dạng ngôn ngữ mà Vaticanô II gọi là “dấu chỉ thời đại” (GS 4).

Là tác giả của thiên nhiên, tất Thiên Chúa không phá hủy những định luật Người đã đặt ở trong đó. Người cũng để lịch sử đi theo dòng lưu chuyển tự nhiên; và chính ở giữa “thiên nhiên-lịch sử” hoặc “lịch sử tự nhiên,” con người nhận ra hay nghe được lời Chúa, qua một quá trình suy tư tự nhiên, theo mức độ cố gắng và cách sử dụng tự do của mình. Tuy nhiên, thỉnh thoảng Thiên Chúa cũng can thiệp qua các sứ ngôn và các đặc sủng. Vì thế, thần học hằng đọc thấy một ý nghĩa tôn giáo sâu đậm nơi các tiến bộ trong hết mọi lãnh vực cuộc sống loài người, từ xã hội, chính trị cho đến văn hóa, kinh tế, v.v. Ðức Giêsu Nadarét là chìa khóa để giải thích quá trình lịch sử ấy. Tuy nhiên loài người không hiểu được cho hết mọi bí mật trước khi Ngài dẫn đưa lịch sử và thiên nhiên về tới cùng đích đã được Chúa Cha sắp đặt sẵn: đó là ngày quang lâm. Trong khi chờ đợi, công tác của các tín hữu là xây dựng vương quốc Thiên Chúa trong và qua Giáo hội. Thần học cố gắng tìm hiểu được bao nhiêu có thể, chương trình của Thiên Chúa qua những gì đã xẩy ra, bởi vì “những sự việc ấy đã xẩy ra để làm bài học răn dạy chúng ta” (1Cr 10: 6). [1]

Những Truyền Thống Miền Nam Ítraen Và Lời hứa

Miền Bắc và miền Nam nước Do thái đã từng có những truyền thống khác nhau, không dễ hòa hợp với nhau được trên bình diện chính trị. Dù Ðavít đã tạm thống nhất được các bộ lạc, nhưng sau thời Salômon cảnh chia rẽ lại xảy ra. Truyền thống miền Nam (Giuđêa) còn tồn tại trong các tài liệu gọi là Yavít (viết tắt J, thế kỷ -10), đọc thấy nơi phần thứ nhất của sách Isaia, và trong Mikha (thế kỷ -8). Các truyền thống miền Bắc được thu tập ở trong các văn bản Êlôhít (viết tắt E, thế kỷ -8), trong Ðệ nhị luật và Hôsê (t.k. -8).

Truyền thống Yavít lạc quan khi nhìn về tương lai. Con người phạm tội vì đã muốn chiếm lấy đặc quyền của Thiên Chúa, tức là quyền quy định sự thiện sự ác. Nhưng không vì thế mà bị mất hẳn hết: Thiên Chúa hứa rằng hậu duệ người nữ sẽ đánh thắng con rắn (x. St 3). Thiên Chúa chọn một người là Abraham, và hứa chúc lành cho mọi dân tộc nhờ dòng dõi ông (x. St 12: 1-3). Nhưng dòng dõi này không phải là kết quả của xác thịt, song là “con của lời hứa,” vì đó là con của một bà già son sẻ, và người cha lại phải dâng con mình làm tế vật. Abraham tin tưởng vào Thiên Chúa và luôn sống trung thành với lời Người. Vì lòng tin này Thiên Chúa làm cho ông trở nên cha của một “dân tộc được tuyển chọn.” Thiên Chúa chọn những ai thuộc về Người, nhưng không chọn theo tiêu chuẩn loài người; chẳûng hạn như Abel được quý chuộng hơn anh mình là Cain; Thiên Chúa yêu chuộng Isaac hơn Ismael, Giuđa hơn các anh em khác, Ðavít – con út – hơn các anh ông, Salomon hơn Ađônias là trưởng tử, v.v. Thiên Chúa làm cho chúng ta hiểu ơn cứu độ là ơn hoàn toàn nhưng không, Người ban ra với tất cả tự do của mình.


Một trong những dụng cụ Thiên Chúa dùng để hoàn tất lời hứa là việc lập thể chế quân chủ cho dân Người chọn. Balaam , một thày bói dân ngoại (x. Ds 24: 17) tiên báo rằng một vị vua hùng mạnh sẽ xuất hiện trong Ítraen, và tiên tri Samuen đã chứng kiến sự việc ứng nghiệm khi được phái đi xức dầu cho Ðavít (x. 1Sm 16: 13).

Một đặc nét của tác giả Yavít là chỗ đứng đặc biệt dành riêng cho các phụ nữ trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Dù đã phạm tội, Evà vẫn là “mẹ các sinh linh hết thảy” (x. St 3: 20). Dòng dõi được hứa cho Abraham là con trai của Sara, người đàn bà son sẻ. Rebecca thay đổi số phận của hai con bà, khi làm cho Giacóp nên người thừa tự của cha cậu. Bethsabeth làm cho vương miện của Ðavít rơi hẳn vào tay Salomon, ngược với mọi dự đoán (x. 1V 2: 15). Ðộc giả Kinh Thánh làm như văng vẳng nghe vọng lại trong trí óc tiếng của Phaolô: Thiên Chúa chọn kẻ yếu đuối để hạ nhục hạng hùng mạnh… (x. 1Cr 1: 25-7).

Niềm tin vào lời hứa cũng là chủ đề của tiên tri Isaia. Năm 734, trong khi Giêrusalem bị các đạo quân Syria và Ítraen (Bắc) công hãm, thì ngôn sứ loan bố những lời sấm cổ lệ về Emmanuel: “Ðây, một thiếu nữ sẽ sinh hạ một con trai và sẽ đặt tên con trẻ là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7: 14), rồi Ngài sẽ là “vua bình an, quyền bính bao la, bình an vô tận trên ngai Ðavít…” (Is 9: 6). Cũng vào chính thời ấy, tiên tri Mikha tiên báo sự suy tàn của Giêrusalem, tuy nhiên, triều đại Ðavít sẽ được tái lập và sẽ đạt tới tột đỉnh nơi một con trẻ sẽ sinh ra ở Bêlem; trong Ngài, mọi dân tộc sẽ được chúc phúc (x. Mk 5: 1tt). Chính giữa cảnh thảm họa ấy, lại thấy xuất hiện những lời hứa đầy khích lệ nhất về viễn ảnh tương lai, vì lòng trung thực của Thiên Chúa luôn luôn thắng vượt sự độc ác của loài người.

Thiên Chúa thực hiện chương trình đó cách cụ thể và qua nhiều giai đoạn:

1. Sáng Tạo

Trước tiên, cuộc tạo dựng vạn vật là một bước chuẩn bị Giáo hội: quả thế, Thiên Chúa đã dựng nên con người mang tính chất xã hội để sống hợp đoàn với những người khác ở trong cộng đồng nhân loại, cũng như có khả năng sống hiệp thông với chính Người, và có một cứu cánh siêu nhiên. Tình trạng ban sơ của tổ tiên là hình bóng của Giáo hội: họ sống trong ân nghĩa của Chúa (công chính nguyên thủy), giao tiếp thân mật với Người (x. St 3: 8); họ hiệp thông với thiên nhiên và sống hoà hợp với nhau (x. St 2: 25). Trạng huống ấy là kết quả của lòng vâng phục: Ađam và Evà giữ lời Chúa (x. St 2: 15-16). Ðịa đàng là hình ảnh lý tưởng của lối sống mà Thiên Chúa muốn nhân loại sống rập khuôn theo, và mời gọi Giáo hội thực hiện sau này. Thực ra, là một tạo vật mới, Giáo hội sẽ được đưa vào một tình trạng còn cao siêu hơn nữa, sẽ được hưởng những ân huệ còn trổi vượt hơn nữa, khi mầu nhiệm Giáo hội đạt đến mức hoàn tất trên Thiên Ðàng (x. Kh 21-22). [2]

2. LờiHứa

Sau khi con người sa ngã, Thiên Chúa liền hứa sẽ giúp loài người chỗi dậy. [3] Vì phạm tội, con người đã làm cho mối hiệp thông với Ðấng Tạo Hóa và với thiên nhiên bị cắt đứt đi, lại còn gây nên sự bất hòa giữa gia đình nhân loại, và rốt cuộc chuốc lấy thân phận phải chết (x. St 3: 7tt). “Con rắn” đã gây ra thảm họa; để chống lại nó, lòng thương xót của Thiên Chúa đứng vững bên cạnh con người; Người hứa: “hậu duệ của phụ nữ” sẽ thắng cuộc (x. St 3: 15); đó là Tin Mừng đầu tiên trong toàn bộ Kinh Thánh. Cuộc chiến này đang tiếp diễn ở trong lịch sử, và nhờ Hội thánh, nhân loại sẽ chiến thắng (x. Kh 12). Mầu nhiệm nguyên tội làm sáng tỏ tình trạng liên đới của loài người trong sự ác; mầu nhiệm chuộc tội thì lại tỏ cho thấy rõ mối liên đới trong sự thiện. “Hậu duệ của phụ nữ” là Ðức Kitô. Như Ađam thứ nhất là cha của nhân loại tội lỗi, thì tựa như thế, Ađam thứ hai (Ðức Kitô) là cha của con người mới đem lại một mối liên đới mật thiết hơn: Ngài kết liên “loài người mới” lại thành một thân thể – Nhiệm thể – có Ngài là Ðầu. Như vậy, lời hứa về “hậu duệ phụ nữ” là lời hứa về Ðấng Cứu chuộc, tức là về Ðầu của Giáo hội.

3. Abraham

Biến cố khởi động “lịch sử thánh” là việc Thiên Chúa kêu gọi Abraham : Người dấn bước vào trong lịch sử loài người. [4]Tôn giáo không phải là một “nền khôn ngoan,” nhưng là một mầu nhiệm: Thiên Chúa tự do, bằng một cách nhưng không, Người dùng con người để cứu độ con người. Có thể nói là toàn bộ Kinh Thánh biểu thị rõ “phương pháp” làm việc của Thiên Chúa: Người kêu gọi và tuyển chọn những ai Người muốn; thí dụ như Giacóp (x. Rm 9: 10-13), Môsê (x. Xh 7: 1tt), Ðức Maria (x. Lc 1: 48) và cả đến Ðức Kitô (x. Lc 9: 35), rồi cuối cùng là mọi kitô hữu (x. Rm 8: 28-9). Tương tự như thế, Ðức Kitô chọn các tông đồ (x. Mc 3: 13). Toàn bộ kế hoạch cứu độ quả là một ân sủng.

Lời hứa nói với Abraham (làm nên một dân tộc để cứu vớt tất cả) là có tính cách phổ quát (x. Gl 3: 8), và qua đó Thiên Chúa ban ý nghĩa mới cho toàn bộ lịch sử loài người (x. St 17: 3-8). Lời hứa ấy được chuẩn y bằng một giao ước “đơn phương,” vì chỉ một mình Thiên Chúa đi qua giữa các tế vật (x. St 15). Chúa Yahwê chỉ đòi hỏi Abraham (và dòng dõi) tin tưởng vào Người, và cho họ một dấu chỉ để nói lên lòng trung thành đối với giao ước là phép cắt bì (x. St 15: 6; 17; Gl 3: 6).

4. Vương Quốc

Thiên Chúa ban cho Ítraen một nhà vua – vua lý tưởng – là Ðavít . Bằng một giao ước, Chúa hứa ban cho ông một “nhà” (gia tộc/dòng dõi) vĩnh cửu (x. 2Sm 7: 11-16; 23: 5; Is 55: 3; Tv 89: 4.35). Thật ra, Yahwê mới là vua duy nhất của Ítraen, nhưng Người cai trị qua “vị đại diện” là vua, như Ða-vít nói với dân chúng khi giới thiệu Salômon cho họ: Thiên Chúa “đã chọn Salômon con trai ta để ngự trên ngai vương quyền của Yahvê mà cai trị dân Ítraen” (1Sb 28: 5). Giêru-salem trở thành “thành đô Ðavít ” (2Sm 5: 9), với Ðền thờ là nơi Thiên Chúa cư ngụ giữa dân Người với vinh quang rạng tỏ của Người (x. 1V 8). Một ngày kia muôn dân sẽ được quy tụ lại tại nơi này (x. Is 56: 1-8; 60: 1-18).

Những Truyền Thống Miền Bắc Và Giao Ứơc

Trái với tác giả Yavít, tác giả Êlohít (miền Bắc) quan niệm thể chế quân chủ là một hình thức phản loạn chống lại Thiên Chúa (x. 1Sm 8: 7). Văn kiện Êlohít không kính trọng vị vua cho mấy, nhưng lại nêu bật vai trò của dân chúng, và coi trọng giao ước hơn là lời hứa. Ngành xã hội học nghiên cứu về miền Bắc cho thấy xã hội vùng này là một mạng lưới dệt bằng những khế ước giữa các bộ lạc, được bảo đảm do một vị thần [5] (thí dụ ở Sikhêm có đền thờ Baal-Bêrith: bêrith có nghĩa là “giao ước ”). Vì thế, Thiên Chúa đã thích nghi sứ điệp của Người với hoàn cảnh xã hội của các chi tộc miền Bắc, và nối kết họ với Người bằng một “giao ước.” [6]

Theo tâm thức ấy, những điều kiện cần thiết để thuộc về dân Thiên Chúa là thi hành trọn vẹn lề luật và tích cực cộng tác với Chúa. Tại miền Bắc ấy lại có nhiều dân ngoại, với những tôn giáo rất hấp dẫn; vì thế phải đề phòng chống lại sự quyến rũ của việc thờ ngẫu tượng, bằng cách cổ vũ việc sống đạo trung thành với Chúa Yahvê. Sở dĩ Thiên Chúa đòi hỏi phải sống trung thực đối với Người là vì chính Người trung thành yêu thương họ như người chồng yêu thương vợ mình (xem tiên tri Hôsê). Những khi dân chúng liên tiếp chồng chất và tăng số những hành vi bất trung, thì Thiên Chúa cho nảy lên niềm mong chờ một “giao ước mới,” thiêng liêng hơn, và cho phát sinh một “dân mới” với một tâm hồn mới, biết sống trung thành thực sự với Người.

Tiên tri Giêrêmia sẽ khai triển đặc biệt sâu rộng về niềm hy vọng nầy. Ông loan báo một “mầm” của Ðavít sẽ sinh ra để thống trị một Ítraen mới, nhân danh “Yahvê, sự công chính của chúng ta” (Gr 23: 5-6). Ông nói lên lời sấm hứa là các chi tộc miền Bắc đang bị lưu đày sẽ được phục hưng (Gr 30-31) và cuối cùng, tiên báo rằng giao ước cũ sẽ được thay thế bằng một giao ước mới mà Thiên Chúa sẽ ghi khắc vào tận trong tâm hồn. “Chúa phán: Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân Ta” (Gr 31: 31-4). Lời tiên tri này ứng nghiệm khi Ðức Kitô thiết lập Giao ước mới trong máu của Ngài, và mỗi khi “Dân Chúa” cử hành Thánh Lễ, tức là hằng ngày.

Theo lược đồ này, thì có thể phân biệt được ba giai đoạn như sau:

1. Giao Ước Với Noê

Lụt hồng thủy trừng phạt tội lỗi: Thiên Chúa đã cứu vớt một nhóm nhỏ những người “đức nghĩa” làm tượng trưng cho nhân loại trung thành; tàu Noê là biểu tượng chỉ về Giáo hội (x. 1Pr 3: 20-21). Thiên Chúa đoái nhận lễ tế của Noê và lập một giao ước với ông và với chư sinh (x. St 9: 9-17). Thiên Chúa sẽ luôn luôn thương xót loài người, ban cho họ quyền quản lý trái đất, chỉ đòi hỏi là phải giữ trật tự Ðấng Tạo hóa đã an bài thiết định (x. St 9: 1-7).

2. Xuất Hành Và Giao Uớc Sinai

Thiên Chúa trung thành với lời hứa cho các tổ phụ giải phóng dân Ítraen khỏi ách nô lệ Ai cập. Thiên Chúa chọn một người là Môsê làm trung gian, và dùng máu của một con chiên để “đánh dấu” nhằm tách biệt con dân Ítraen ra khỏi số những kẻ phải bị giết chết (chiên vượt qua: x. Xh 12: 1-14; 1Cr 5: 5; Lc 22: 15t.). Trên núi Sinai , Thiên Chúa long trọng ký kết một giao ước với toàn dân, nhưng đồng thời Người cũng trao ban cho họ những “thánh chỉ” – gọi là Luật – vừa để làm dấu chỉ của lòng trung thành đối với giao ước, vừa để làm dụng cụ cho họ cộng tác vào trong chương trình cứu độ của Chúa (x. Xh 19-31). Mười điều răn (x. Xh 20: 1-21) không phải là “điều kiện” để “buộc” Thiên Chúa trung thành, song là phương cách qua đó, dân sống và nói lên lòng trung thành của mình đối với giao ước. Dù vì thái độ cứng lòng và bất tuân, dân ấy phải lưu lạc suốt 40 năm trong sa mạc, Thiên Chúa vẫn đoái thương ban cho họ một tâm hồn hối cải, một tinh thần kết đoàn, và một nền phụng tự. Từ đó phát xuất “quahal Yahvê ” hoặc ekklêsia theoũ, là cộng đồng được triệu tập để phụng tự và nghe lời Chúa (x. Ðnl 4: 10; 9: 10; 2Sb 1: 1-6; 6: 3; vv). Tình thân mật Thiên Chúa dành cho dân Người sâu đậm đến nỗi sau này, tiên tri Giêrêmia sẽ so sánh tình yêu ấy với tình yêu giữa vợ chồng (x. Gr 31: 2-3).

3. Lưu đày

Ítraen không trung thành; tai họa đổ ập xuống trên họ, như Sách Thánh đã cảnh cáo trước (x. Lv 26: 14-38). Ðầu tiên, đã xảy ra biến cố ly khai Nam-Bắc (n. –931); tiếp đến là cuộc lưu đày của miền Bắc (n. –721); và cuối cùng, miền Nam bị sụp đổ (n. –587). Vậy các lời Thiên Chúa hứa thì sao? Thiên Chúa vẫn trung thành: “Ý định của Ta sẽ thành…” (Is 46: 10). “Trong ngày ấy, chồi lộc Yahvê cho mọc sẽ là ánh huy vinh dự, hoa trái trong miền sẽ là oai phong sán lạn nguồn hào hoa kiêu mịn cho những người thoát nạn của Ít-raen. Sẽ xẩy ra là ai còn sót lại ở Sion, kẻ được chừa lại ở Giêrusalem, sẽ được gọi là thánh…” (Is 4: 2-3). Trong “nhóm còn lại ” này lời Chúa vẫn tồn tại, biến họ trở thành “mầm” cứu rỗi cho muôn dân. Phải thanh tẩy Ítraen bằng việc “cắt bì con tim” (Gr 4: 4; 9: 24-5), như là dấu hiệu chỉ về một giao ước mới. Giao ước này:

a) mang tính cách nội tâm hơn, vì Thần Khí Yahvê sẽ tác dụng, và Thiên Chúa sẽ tha thứ tội lỗi cách nhưng không (x. Gr 31: 34; Ed 36: 25.29);

b) mang tính cách ngôi vị hơn (x. Ed 14: 12tt; 18: 1tt);

c) ở trong nội tâm những người Thiên Chúa chọn và sẽ ghi luật trên lòng họ (Ed 36: 27; Gr 31: 31-33);

d) “Các ngươi sẽ là dân Ta, còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi” (Ed 36: 28).

Qua cơn thử thách này, các danh hiệu dùng để chỉ về Ít-raen tăng nhiều hẳn thêm: họ sẽ là “dân thánh” (Is 60: 14; 62: 12), đoàn chiên của Yahvê (x. Ed 34), “vườn nho” (Is 5: 1t), con cái của Chúa (x. Hs 11: 1). Các danh xưng tiên biểu này sẽ được ứng nghiệm khi Ðức Giêsu thiết lập Giáo hội Ngài.

Abraham và Môsê

a)Abraham là người của lời hứa. Thiên Chúa cụ thể hóa kế hoạch cứu độ của Người ở nơi ông: khế ước giao kết với Noê trở nên biến cố lịch sử trong Abraham và dòng dõi ông. Theo thánh sử, Abraham là hiện thân của dân Thiên Chúa. Yahvê đổi tên ông (hệt như trong trường hợp của Gacóp và Simon) là Abram thành Abraham, vì “Ta định cho ngươi trở nên cha của hằng hà sa số dân tộc” (St 17: 5).


Khởi đầu, Abraham chẳng có công đức gì; nhưng Thiên Chúa đã kêu gọi ông một cách nhưng không và hoàn toàn tự do, và ông đã lập tức tuân phục lời của Chúa. Trước tiên, ông phải từ bỏ quê hương: “Hãy ra khỏi xứ sở ngươi…” Kế đó, ông phải hoàn toàn phó thác vào tay Thiên Chúa: “Hãy đi đến miền Ta sẽ chỉ cho ngươi…” (St 12: 1). Rồi ông phải sống qua một đời du mục, không có một nơi nương tựa nào khác ngoài lòng tin tưởng vào Thiên Chúa. Thư Do thái cắt nghĩa: “vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng” (Dt 11: 10). Nhờ đón nhận ơn gọi, ông trở thành một người mới để được làm tổ phụ của một dân mới. Vì vậy, trong phụng vụ Thánh Thể, chúng ta gọi ông là “tổ phụ chúng tôi.”

b)Môseâ là người của giao ước. Từ sơ sinh, Môsê đã được cứu vớt “qua nước,” rồi phải rời bỏ quê hương mà đi lưu dày, và sau đó được gọi cách bất ngờ để làm thủ lãnh của dân tộc mình. Chính nhờ ông mà Ítraen đã noi theo gương của tổ phụ Abraham: phải rời khỏi Ai cập, phải nếm cuộc sống du mục đắng cay trong sa mạc và phải gặp nhiều thử thách. Ông đã sẵn sàng vâng theo ơn gọi: “Hãy đến. Ta muốn sai ngươi đi…” (Xh 3: 10). Sứ mệnh của ông là hướng dẫn đồng bào của mình thực hiện cuộc giải phóng cho dân tộc và đi vào quê hương mới mà Chúa dành để cho họ, như Người đã hứa với các tổ phụï. Môsê thanh luyện tôn giáo của dân mình thành một tôn giáo độc thần và biệt chủng; bởi thời ấy các liên hệ chung lộn ngoại lai gây nguy hại lớn đến tính chất tinh tuyền của niềm tin tôn giáo. Trong quá trình ấy, Thiên Chúa dẫn dắt Môsê và dân Người như cha dắt dìu con. Nếu loại trừ sự việc Thiên Chúa can thiệp vào trong lịch sử, thì không thể nào hiểu được, cắt nghĩa được “sự kiện Ítraen.” Chỉ vì yêu thương mà Thiên Chúa can thiệp (x. Ðnl 7: 7-8). Môsê là khí cụ của Thiên Chúa, tức là người bạn và là người trung gian. Nhờ ơn Chúa và qua ông, Ítraen cũng trở nên một dân trung gian đối với các dân khác: “Các ngươi sẽ đặc biệt thuộc về Ta giữa mọi dân tộc, vì toàn thể trái đất thuộc về Ta, và các ngươi sẽ trở thành một quốc gia tư tế và một dân thánh của Ta” (Xh 19: 5-6).

Như vậy, Ítraen là dân làm chứng cho và về Yahvê: nhưThiên Chúa là thánh, thì họ cũng phải nên thánh theo mẫu gương của Người (x. Lv 11: 45), nghĩa là họ phải thuộc riêng về Yahvê mà thôi, và phải tuân giữ những diều đã cam kết (x. Ðnl 27-28). Thật ra, lịch sử của Ítraen là một chuỗi dài những sa ngã và hối cải; nhưng họ đã gìn giữ những cơ cấu của Lề luật và phụng tự, nghĩa là đã sẵn sàng nghe Lời Chúa và biết ghi ơn Người. Thiên Chúa cư ngụ giữa họ (x. Xh 25: 8). Trong các nghi thức phụng tự, qua máu tế vật và những bữa tiệc hiến tế, họ có bổn phận phải không ngừng nhắc nhở lại cho chính mình, giao ước đoan kết với Thiên Chúa (x. Xh 24: 8-11; 12: 21-27).

Giáo hội cũng được “trang bị” với những hành lý tương tự; thánh Cyrillô Alexanđria nói: “Môsê đã xây dựng Giáo hội của Ðức Kitô, vì ông đã cho thấy mầu nhiệm Giáo hội, tuy còn ở trong bóng tối.” [8]

Trông Chờ Ðấng Thiên Sai

Từ những thời rất xa xưa, Ítraen đã từng ấp ủ một niềm hy vọng về một Ðấng Xức Dầu (Massiah) đặc biệt, là Ðấng Thiên sai . Lời sấm của Nathan (x. 1Sm 7) hứa rằng Thiên Chúa sẽ xây cho Ðavít một “nhà” nắm giữ vương trượng tại Giêrusalem cho đến muôn đời. Nhiều sứ ngôn sau này cũng đã củng cố niềm hy vọng ấy. Trước cuộc lưu đày qua Babylonia, Isaia đã loan báo một vai trò phổ quát sẽ được trao cho Ítraen: “Vào những ngày mai sau sẽ xẩy ra là: Núi Nhà Yahvê sẽ kiên vững trên đỉnh các núi non… Hết thảy mọi nước sẽ tuốn đến và đông đảo các dân sẽ đổ về. Chúng nói: Nào! Ta hãy lên núi Yahvê, đến Nhà của Thiên Chúa Gia-cóp, để Người dạy ta đường lối của Người, để theo nẻo đi của Người, ta tiến bước. Vì từ Sion Thánh chỉ ban ra, và lời Yahvê phán tự Giêrusalem” (Is 2: 2-3). Yahvê sẽ lập một vị vua hoàn hảo cầm đầu dân chúng. “Vương quyền phủ trên vai, danh Ngài kêu rất oai: Ðấng Mưu Sư sự lạ, Thần anh dũng, Cha đời đời, Vua bình an, quyền bính bao la, bình an vô tận trên ngai Ðavít, trên nước của ông… cho đến muôn đời” (Is 9: 5-6). Con người nào có thể có những đặc tính như vậy?


Ítraen không quan niệm thời gian lối chu kỳ, song hướng về một tương lai mới. Các tiên tri nhắc lại: “Trong ngày đó sẽ…” “Chúa phán: này sẽ đến những ngày Ta làm chỗi dậy cho Ðavít một chồi lộc đức hậu, ngài sẽ làm vua xứng vị vua, một cách khôn khéo; trong xứ ngài sẽ thi hành công minh” (Gr 23: 5). Êdêkiêl mô tả Vị Massiah như là một Ðấng chăn chiên: “Ta sẽ gầy dựng cho chúng một chủ chăn để dẫn dắt chúng; người đó là Ðavít tôi tớ Ta. Chính ngài sẽ chăn dắt chúng; ngài sẽ là mục tử của chúng. Phần Ta, Yahvê, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và Ðavít tôi tớ của Ta, sẽ lãnh đạo chúng” (Ed 34: 23-24).

Hình ảnh của vị thủ lãnh tương lai càng ngày càng lộ rõ với những đặc nét phức tạp hơn: Ngài sẽ là “con của Ðavít ” (Is 9: 5-7; Gr 23: 5-6; Ed 34: 23, v.v.), và sẽ sinh ra tại Bêlem (x. Mk 5: 1-3). Vương quốc lý tưởng ấy sẽ tồn tại mãi mãi (x. Is 45: 14-17; Tv 110, v.v.). Nhưng trái lại, Ngài sẽ phải đau khổ nhiều (x. Is 42,1-4; 49, 1-6; 50,4-9…).

Hơn nữa, Ðấng Thiên Sai ấy là một vị vua vừa khiêm tốn mà vừa vĩ đại, vì Ngài “sẽ nói lên thái bình chư quốc, quyền Ngài thống trị sẽ từ biển này đến biển nọ” (Dcr 9: 9-10). Viễn cảnh ấy được mường tượng như một thời đại lý tưởng về cả mặt chính trị, lẫn xã hội và tôn giáo (x. Ed 40tt). Vì thế, loan báo biến cố ấy là một “tin mừng” (Is 52: 7): Ðấng Thiên Sai sẽ là “Hoàng tử bình an” (Is 9: 6), và sẽ giải hòa con người với con người và với Thiên Chúa như trong một địa đàng mới (x. Is 35: 1-10; Hs 2: 20t); mọi xác phàm sẽ thấy vinh quang Yahvê (x. Is 40: 1-5).

Cộng đoàn mới ấy cũng được trang bị bằng một giao ước mới: giao ước chính Thiên Chúa ghi chép vào tận trong tim con người (x. Gr 31: 33). Dân mới ấy của Chúa không còn thu hẹp ở trong giới hạn của dòng dõi Abraham theo xác thịt, nhưng được mở rộng cho tất cả những ai thành tâm trung tín. “Trong ngày ấy, Ta sẽ kết giao ước với dã thú, với chim trời… Ta sẽ đính hôn với ngươi mãi mãi… bằng đức trung tín… Ta sẽ nhạâm lời của trời và trời sẽ nhậm lời của đất… Ta sẽ nói với Không-là-dân-Ta: ‘Ngươi là dân Ta,’ và nó sẽ thưa: ‘Lạy Thiên Chúa của tôi’ ” (Hs 2: 23-25).

Vậy, Ðấng ấy là ai? Cộng đoàn đó là gì?

Trong thời bách hại dưới triệu đại Antiochus Epiphanes (175-164), sách Ðaniel lại mang một yếu tố mới cho niềm hy vọng thiên sai. Sách này giới thiệu một nhân vật mới là “Con Người” và loan báo vương quốc trường cửu của Con Người, bao gồm hết mọi quốc gia và dân tộc (x. Ðn 7: 13-14). Dù khó giải thích, thì hình ảnh miêu tả về “Con Người” này cũng phác trình cho thấy tính chất siêu việt tiềm ẩn trong đó, vượt quá ra ngoài biến giới quốc gia Ítraen. Sau này, Ðức Giêsu sẽ tự giới thiệu mình là Con Người, và loan báo sứ điệp về vương quốc ấy của Con Người: “Ðã đến giờ…” (x. Mc 1: 15).

* * *

Trong Tân Ước, những chủ đề về Giáo hội đều bắt rễ từ Cựu Ước. Danh xưng “Giáo hội” có nghĩa là “qahal Yahvê” với những cơ cấu đặc thù là Lời Chúa, phụng tự, tổ chức tư tế, các lãnh tụ, các vị trung gian môi giới… Còn các biểu tượng như là Ðấng Xức dầu, Chiên vượt qua, máu của giao ước, v.v… thì sẽ giúp Giáo hội hiểu rõ hơn về chính mình và mô tả bản chất của mình với các phạm trù dùng trong Cựu Ước. Quá trình hình thành tiếp liên giữa Ítraen và Giáo hội đã đưa thần học công giáo đến chỗ xác tín rằng cả hai cũng chỉ là một dân chọn duy nhất của Chúa, dù có tiến bước và thừa hành sứ mạng trong hai giai đoạn khác nhau.

[HTTH SỐ 18&19, NĂM THỨ BẢY (1997)]



[1] Ít tác phẩm: Antón, A., La Iglesia de Cristo. El Israel de la Vieja y de la Nueva Alianza, Madrid, BAC 1977; Fueglister, N., “Estructuras de la eclesiología veterotestamentaria,” trong Mysterium Salutis IV/1, ch.1, Madrid Ed. Cristiandad 1973; Galbiani, E., “La funzione d’Israele nella “economia” della salvezza,” Bibbia e Oriente 20(1978) 5-16; Thomas, C., Teologia cristiana dell’ebraismo, Marietti, Torino, 1983; Garrigues, J.M., L’unique Israel de Dieu, Limoges 1987.

[2] Schoonenberg, P., Covenant and Creation, 1968.

[3] Westernann, C., “The Way of Promise through the Old Testament,” trong B. W. Anderson, The Old Testament and Christian Faith, 1964, trg. 200-224.

[4] Martin-Achard, R., Actualité d’Abraham, 1969.

[5] Chế độ ấy có tên chuyên môn là amphictyony: liên minh bộ lạc chung quanh một linh miếu. Gottwald, N.K., The Tribes of Yahweh, Maryknoll, N.Y. 1979; Frick, F.S., The Formation of the State in Ancien Israel, Shefiel 1985.

[6] Nicholson, E.W., God and His People: Covenant Theology in the Old Testament, Oxford 1986.

[7] McCarthy, D.J., Treaty and Covenant, Rome 19782.

[8] De adoratione in Spiritu et veritate, 1.10.

[9]Cazelles, H., Le messie de la Bible: christologie de l’Ancient Testament, Paris 1978; Grelot, P., L’Espérance juive à l’heure de Jésus, Paris 1978; Charlesworth, J.H. (ed), The Messiah. Developments in Earliest Judaism and Christianity, Minneapolis: Fortress Press 1992.

Exit mobile version