Khi sinh xuống làm người, Chúa Giêsu nên giống con người mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Vì thế, Ngài cũng chọn cho mình được sinh ra trong một gia đình có gia phả, có anh em bà con với Ngài. Đức Giêsu có khác với chúng ta là Ngài tự chọn cho mình dân tộc Ngài sinh ra, gia đình Ngài sinh ra . . . Nhưng chúng ta thầy gì trong chọn lựa của Đức Giêsu: Ngài chọn sinh ra trong một gia đình Do thái quê mùa, nghèo khó, âm thầm với người mẹ người cha không chức phận danh giá gì. Mầu nhiệm Giáng sinh trở nên mầu nhiệm của tình yêu nằm chính ở nơi đây, ở chính sự chọn lựa của Đức Giêsu.
Khởi đi từ lịch sử đức tin của một dân tộc, một dòng dõi qua bản gia phả của Chúa Giêsu; cho đến “lịch sử đức tin” của một gia đình qua trình thuật truyền tin cho ông Giuse; cho đến lịch sử đức tin qua các biến cố của những người xung quanh qua biến cố truyền tin cho ông Giacaria, và việc bà Elisabet sinh con; và cuối cùng là các biến cố của chính bản thân Mẹ Maria qua trình thuật truyền tin và việc Mẹ sinh Chúa Giêsu.
Qua lịch sử đức tin của “dân Thiên Chúa”, chúng ta nhận biết “Thiên Chúa đã nhập thể trong Đức Kitô” bất chấp những khiếm khuyết, những tội lỗi của nhân loại. Đồng thời, cũng chính tại đây một lần nữa chúng ta xác tín cách mạnh mẽ rằng: Thiên Chúa có thể nhìn đến và sử dụng chúng ta, mà không gì có thể cưỡng lại được ý định của Ngài, dù đó là quá khứ đen tối hay sự bất toàn của chúng ta. Bởi vì trong Đức Kitô, Thiên Chúa sẽ biến đổi những gì hèn hạ để trở nên cao trọng, những gì xấu xa được thanh tẩy, những gì vô nghĩa mặc lấy một giá trị, và những gì trần tục sẽ được thần linh hóa.
Thánh Matthêu đã kể lại gia phả của Chúa Giêsu để gợi lên cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa đã chuẩn bị chương trình cứu rỗi của Ngài trải qua dòng thời gian rất lâu dài, chu đáo và kỹ lưỡng. Bản gia phả muốn nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu là một người thực sự Nhập Thể, nhập khẩu giữa loài người, có tổ có tông, Chúa Giêsu là một con người nhân loại, “đầu đội trời chân đạp đất” như trăm nghìn chúng sinh.
Trong số tổ tiên của Chúa có rất nhiều bậc anh hùng như Abraham, Maisen… Nhưng số những vị vua tội lỗi như Đavít, Salômôn, có vua thờ ngẫu tượng; trong số phụ nữ có Rahab, Ruth, Uria, Besabeth tiếng tăm không tốt gì. Nhưng Thiên Chúa đã nhập thế giữa họ bất chấp khuyết điểm lầm lỗi của nhân loại. Ngài là bông sen. Không gì chống lại được ý định Thiên Chúa. Mọi sự được thay đổi, tội lỗi được tẩy sạch, những gì trần thế được thần linh hết.
Thời kỳ thứ nhất, từ tổ phụ Abraham đến vua David, đánh dấu thời hưng thịnh của số phận dân tộc Israel. Thời kỳ thứ hai từ vua David đến cuộc lưu đày Babylon ghi lại sụp đổ của Israel. Và thời kỳ thứ ba từ sau cuộc lưu đày Bbabyon đến Chúa Giêsu cho thấy sự phục hưng của dân tộc Israel.
Thiên Chúa đã chọn tổ phụ Abraham là mẫu gương cho những ai tin Ngài và Abraham được gọi là cha các kẻ tin. Ðức tin là điều kiện tiên quyết khi chúng ta gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo. Chính khi bắt đầu gia nhập vào Giáo Hội, Linh Mục hỏi: “Con xin gì cùng Hội Thánh”. Chúng ta thưa: “Thưa, con xin đức tin”.
Khi Thiên Chúa gọi Abraham ra đi để làm cha các dân tộc dù ông đang ở tuổi già. Thường ở lứa tuổi này ít ai dám mạo hiểm xông pha để khám phá những nơi rừng núi nguy hiểm đang đón chờ mà trí óc già cả lẩm cẩm không thể dễ dàng suy tính nhanh nhẹn, xoay sở, ứng biến y như hồi còn trẻ được. Thiên thần với hình dáng của một người qua đường đến báo với ông rằng bà Sara, vợ ông mặc dù đã già nhưng vào thời kỳ này qua năm bà sẽ sinh con, và Sara cười có vẻ mỉa mai vì không tin, nhưng ông, ông vẫn tin tưởng việc Chúa làm.
Rồi khi sinh được đứa con trai duy nhất là Isaac, Thiên Chúa lại muốn thử thách lòng tin của ông một lần nữa, Ngài truyền đem Isaac lên núi để hiến tế. Dù rất đau lòng vì tình phụ tử dạt dào nhất trong cảnh cha già con muộn, Abraham vẫn lẳng lặng cúi đầu, cặm cụi mò mẫm lê tấm thân già nua cùng với đứa con leo lên núi cao để sát tế con độc nhất của mình dâng cho Thiên Chúa. Từ lòng tin kiên vững và sâu xa đó, Abraham đã được hưởng lời Chúa hứa: “Abraham là cha các dân tộc đông đúc như sao trên trời, như cát dưới biển”. Dòng họ này kế tiếp dòng họ kia, từ Abraham đến vua David có mười bốn đời, từ vua David đến thời kỳ lưu đày ở Babylon gồm có mười bốn đời. Tổng cộng từ Abraham đến Chúa Giêsu là đời thứ bốn mươi hai.
Ðiểm thứ hai trong trang Tin Mừng hôm nay gợi lên một cái nhìn chân xác: “Xem quả thì biết cây”. Cây tốt sinh trái tốt. Không thể tìm hoa hồng nơi bụi cỏ gai rậm rạp được. Chúng ta cũng thường nghe nói: “Hổ Phụ Sinh Hổ Tử”, cha mẹ hiền lành chắc hẳn con cái không hung dữ được, hoặc “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.
Trong gia phả của Chúa Giêsu, ta thấy nơi đây có nhiều thành phần: có những con người đạo đức thánh thiện nhưng cũng có cả những con người tội lỗi, ngoại giáo nữa. Chúa Giêsu đã chấp nhận tất cả vì Ngài muốn trở nên “ruột thịt” với hết mọi người, nhất là những người tội lỗi, nghèo khó và bị bỏ rơi. Chúa làm người để nâng con người lên địa vị cao sang, làm con Chúa. Con Thiên Chúa làm người để con người trở nên con Thiên Chúa, để chúng ta được tham dự thực sự và trọn vẹn vào hạnh phúc sung mãn của Thiên Chúa.
Nhìn lại gia phả của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, chúng ta học được nhiều bài học: Tổ tiên của Chúa Giêsu gồm cả người thánh thiện (các Tổ phụ Abraham, Isaac, và Jacob) và kẻ tội lỗi (Bà Tamar giả làm gái điếm để được có con với Judah, Vua David ngọai tình với Bà Bathsheba); cả những người thờ phượng Thiên Chúa và người thờ nhiều thần (Bà Ruth); cả những người Do Thái và Dân Ngọai. Ta thấy dù có những lúc cực thịnh (triều đại của David và Solomon) và những lúc cực suy (thời Lưu Đày), lời hứa của Thiên Chúa và lời chúc lành của Tổ phụ Jacob vẫn tiếp tục ứng nghiệm. Ngài vẽ đường thẳng của Kế Họach Cứu Độ trên những đường cong của lịch sử Do Thái. Thiên Chúa là Đấng Trung Thành: những gì Ngài đã hứa, Ngài sẽ thực hiện.
Đây quả là một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa vượt quá sự mong ước của con người. Vì thế, chúng ta hãy biết quí trọng và gìn giữ ơn được làm con cái Chúa, làm anh em với Chúa Giêsu trong đời sống ân sủng và tình yêu. Đừng để mình bị nô lệ bởi tội lỗi và những đam mê chóng qua ở trần thế này, nhưng biết giữ mình sao cho thanh thoát để luôn được nên một với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.
Là người Kitô hữu thì tất cả mọi người đều là anh em với nhau, có Thiên Chúa là Cha, Ngài là Ðấng nhân từ, khoan dung, yêu thương và đầy lòng tha thứ. Chúng ta học theo tính tình người Cha, bắt chước Cha để trở nên khoan dung độ lượng, yêu thương và tha thứ.
Thiên Chúa cứu độ nhân loại khởi đi từ việc chính Ngài đến và kêu mời con người cộng tác vào kế hoạch của Ngài, dù con người bất toàn và yếu đuối. Vì thế, người Kitô hữu đừng mặc cảm về những yếu kém của mình, nhưng hãy tin tưởng, phó thác vào tình yêu của Chúa và mau mắn chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến.
Tin Mừng đang mời gọi chúng ta đến với cảnh cửa của lời Fiat. Đó là lời mời gọi của Tin Mừng, là cánh tay dẫn đưa của hồng ân, cánh tay mà Thiên Chúa đang đối diện với chúng ta cũng đang nắm vào, trong giây phút thánh này.
Huệ Minh