Chúa Thánh Thần, sức sống của Hội Thánh

Lm. Micae Hy  Lê Ngọc Bửu, ISPCJ – Huế

Căn phòng tiệc ly đóng kín cửa, Đức Maria và các tông đồ cầu nguyện, đợi chờ… Rồi một trận cuồng phong, những lưỡi lửa hồng trên đầu mỗi người, những người nói tiếng lạ. Đây là các sự kiện của biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngày lễ khai sinh của Hội Thánh.

Hai ngàn năm sau, còn lại những gì nơi khởi điểm này? Gió lặng, lửa tắt, hiếm hoi có hiện tượng tiếng nói lạ. Vậy thì chúng ta mừng gì trong lễ Hiện Xuống, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016? Mừng sự hiện diện sống động của Chúa Thánh Thần, đối với Hội Thánh, ngài là nguồn mạch sức mạnh, đa dạng và thán phục, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nói: “Hội Thánh hiện diện không để kết án con người, nhưng để mang lại sự gặp gỡ với tình yêu sâu thẳm là lòng thương xót của Thiên Chúa. Bởi vì, tôi thường lập đi lập lại là cần phải có điều này, đó là Hội Thánh nhất thiết phải ra đi. Đi ra khỏi nhà thờ và khỏi giáo xứ, đi ra và đi đến để tìm kiếm con người, nơi mà họ sống, nơi họ đau khổ, nơi họ hy vọng”.


Ngày lễ Hiện Xuống, phép lạ về ngôn ngữ diễn tả tính cách phổ quát của Hội Thánh. Các tông đồ nói với một đám đông không cùng ngôn ngữ, vì Chúa Thánh Thần khơi dậy tính đa dạng nơi các ngài, khiến dân chúng hiểu được lời các ngài nói. Thánh Augustinô giải thích “phép lạ thường xuyên” này: “Chúng ta còn được ơn nói tất cả những thứ tiếng bởi vì chúng ta là chi thể của một thân mình trong đó người ta nói đủ thứ tiếng”.Các tông đồ ở trong nhà, khóa cửa lại để tự bảo vệ mình khỏi những kẻ bên ngoài. Họ sợ hãi. Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ đi ra ngoài đối diện với đám đông, lòng đầy tràn can đảm. Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô luôn luôn có sức mạnh của Thánh Thần. Đức cha Tutu bênh vực phẩm giá của người da màu. Mẹ Têrêsa Calcutta đi đến với những người bị bỏ rơi, nghèo khổ. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bảo vệ phẩm giá cao quý của con người… Và biết bao Kitô hữu vô danh đã sống âm thầm nhưng diễn tả đức tin của mình trong những môi trường chống đối hoặc thờ ơ với Thiên Chúa.

Hôm nay, Hội Thánh mang sứ điệp cứu độ của Chúa Kitô đến với tất cả mọi người, vượt lên trên những rào cản, chủng tộc, văn hóa : “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi mang Tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tấm lòng sầu muộn, loan báo sự giải thoát cho kẻ bị tù đày và mở cửa ngục tù, công bố Năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19). Trong lòng Dân Chúa, Chúa Thánh Thần ban phát vô vàn ơn khác nhau để cho thân mình Chúa Kitô là Hội Thánh được sống (ơn khôn ngoan, thông minh, lo liệu, can đảm, hiểu biết, đạo đức, kính sợ Thiên Chúa). Từ chối tính đa dạng trong sự duy nhất, tức là bóp nghẹt sự sống và cản lối Chúa Thánh Thần.

Trên khắp thế giới, Hội Thánh của Chúa Kitô không ngớt loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Chúa Thánh Thần vẫn sống động và hoạt động trong Hội Thánh, gia tăng sức mạnh của đức tin, của lòng thương xót để Hội Thánh đi ra khỏi chính mình, đón nhận mọi người, mọi dân tộc, văn hóa, tôn giáo trong tính đa dạng của họ, để loan báo những kỳ công của Thiên Chúa.

Cử hành lễ Hiện Xuống thúc giục chúng ta kiểm tra một cách rất chân thành những mối tương quan cá nhân của mình với Chúa Thánh Thần. Xem quả thì biết cây. 12 hoa trái của Chúa Thánh Thần đã đơm hoa kết trái chưa (bác ái, hoan lạc, bình an, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, khiết tịnh)? Có lẽ chúng ta giống như các tông đồ trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúng ta cần một lễ Hiện Xuống mới để Chúa Thánh Thần biểu dương sức mạnh của Ngài, để khi chúng ta thiếu can đảm, khóa cửa nhà và cửa lòng lại, sợ những sự khác biệt…, Thánh Thần sẽ làm cho lòng ta biến đổi, đi ra và đến với mọi người. Nghe theo Ngài trong năm Thánh Lòng Thương Xót này, chúng ta sẽ cảm nhận Chúa Giêsu như đang thổi hơi và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Lm. Micae Hy  Lê Ngọc Bửu, ISPCJ – Huế

Exit mobile version