Chúa quan phòng

Mỗi khi gặp phải những khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống, Ki-tô hữu chúng ta thường tự nhủ: “Đó là ý Chúa định”. Khi đến thăm viếng người quá cố, chúng ta cũng có thói quen an ủi tang quyến, “Đây là biến cố Chúa định, xin chia buồn…”. Và đặc biệt mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta đều cầu nguyện: “Xin ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” để biểu lộ sự vâng phục, phó thác của chúng ta đối với thánh ý Chúa…

Vậy có phải mọi biến cố xảy đến trong cuộc sống này là do ý Chúa định không? Mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa có ý nghĩa gì và vì sao chúng ta tin tưởng vào việc Thiên Chúa quan phòng?

* CHÚA QUAN PHÒNG LÀ GÌ?

Về những gì liên quan đến việc Thiên Chúa thực hiện ý định của Người, tức sự quan phòng, Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG) đã khẳng định:

– GLHTCG số 302 viết: “Công trình sáng tạo có sự tốt lành và hoàn hảo riêng, nhưng chưa hoàn tất khi được dựng nên. Vạn vật đang ở trong một ‘tiến trình’ hướng đến sự trọn hảo tối hậu do Thiên Chúa định sẵn. Sự quan phòng của Thiên Chúa chính là những đường lối Người xếp đặt để đưa vạn vật tới sự trọn hảo đó”.

– GLHTCG số 323 viết: “Thiên Chúa quan phòng cũng hành động qua hành động của các thụ tạo. Thiên Chúa cho con người được tự do cộng tác vào các kế hoạch của Người ”.

– GLHTCG số 324 viết: “Việc Thiên Chúa cho phép có sự dữ thể lý và sự dữ luân lý là một huyền nhiệm mà Thiên Chúa soi sáng nhờ Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại để chiến thắng sự dữ. Đức tin giúp chúng ta xác tín rằng, Thiên Chúa sẽ không cho phép có sự dữ xảy ra nếu Người không rút được sự lành từ chính sự dữ, bằng những con đường mà chúng ta chỉ biết được trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu”.

– GLHTCG số 1037 dạy: “Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục. Ai tự ý lìa bỏ Thiên Chúa bằng một tội trọng và chai lì đến cùng, sẽ phải xuống hỏa ngục. Trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của tín hữu, Hội thánh khẩn cầu Thiên Chúa từ bi, Ðấng ‘không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn hối cải’ (2 Pr 3, 9)”.

* KI-TÔ HỮU VÀ MẦU NHIỆM CHÚA QUAN PHÒNG

Mỗi khi chúng ta đọc kinh “Lạy Cha”, một trong những điều mà chúng ta cầu xin Thiên Chúa quan tâm chăm sóc chúng ta, đó là “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, đồng thời chúng ta cũng không quên phó thác cuộc sống đời này cho sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa qua lời nguyện xin, “Xin Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Chúa Giê-su, trong thời gian tại thế, cũng đã nhắc nhở các môn đệ nhiều về việc quan phòng của Thiên Chúa. Ngài đã nhấn mạnh: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho. Thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được, dù chỉ một gang không ? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em. Ôi những kẻ kém tin!” (Mt 6, 26 – 30).

Vì lẽ đó, Đức Giê-su kêu gọi chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng: “Vì thế anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha em em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 31-33).

Ki-tô hữu chúng ta luôn xác tín vào lời mạc khải của Chúa Giê-su và giáo huấn của Hội thánh để có thể tin tưởng hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

* Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan và quyền năng, Người thấu suốt mọi sự.

Thực vậy, “Vũ trụ này được Thiên Chúa tạo dựng và gìn giữ, nên tất cả những gì xảy ra trong vũ trụ này đều hiện diện trước mặt Ngài. Ngài thấu suốt mọi sự: Ngài biết rõ những chuyện đã xảy ra trong quá khứ; Ngài thấy rõ những chuyện xảy ra trong hiện tại và Ngài biết cả những chuyện sẽ xảy ra trong tương lai. Chúa biết tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời của con người, của từng người, cả những ý nghĩ sâu kín nhất trong tâm hồn chúng ta. Vì thế, khi chúng ta thiếu thốn, khi chúng ta lo âu, khi chúng ta gặp rủi ro hoạn nạn, ốm đau bệnh tật thì Chúa đều biết hết. Có nhiều lúc chúng ta gặp oan ức, đau khổ trong tâm hồn mà người khác không biết nhưng có Chúa biết. Chúa biết, nhưng có khi Chúa vẫn để nó xảy đến với chúng ta vì Chúa muốn chúng ta chạy đến kêu cầu Ngài thì Ngài mới cứu giúp. Ngài làm như thế là để tôn trọng tự do của chúng ta, đồng thời để chúng ta khiêm tốn hơn trước mặt Ngài” (LM. Anthony Trung Thành, bài “Thiên Chúa quan phòng”, nguồn conggiao.info).

Thiên Chúa khôn ngoan lại đầy quyền năng cho nên trong việc quan phòng của Người, Người hành động một cách kỳ diệu, lạ lùng mà trí khôn ta không thể thấu suốt được. “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi” (Is 55,8).

Vì thế đối với những việc xảy ra cho mình, dù tốt hay xấu, người tín hữu cũng vẫn một lòng tin tưởng và phó thác vào Chúa quan phòng. Thánh Phao-lô đã nhắn nhủ các tín hữu: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định ” (Rm 8, 28).

* Thiên Chúa quyền phép nhưng lại là người một người Cha nhân ái, giàu lòng thương xót.

Sự quan phòng kỳ diệu của Người luôn nhắc nhở chúng ta về dung mạo của một Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1Ga 4,16).

Thực vậy, “Trong Thánh Kinh, khuôn mặt Thiên Chúa là khuôn mặt của một người Cha, Ngài chăm sóc tạo vật và cung cấp cho chúng tùy theo nhu cầu: Chúa ban thực phẩm đúng lúc cho tất cả (Tv 145, 15t; 104, 27t), cho súc vật cũng như cho loài người (Tv 36, 7; 147, 9). Đó chính là khía cạnh mà từ ngữ quan phòng gợi lên” (Từ mục “Quan phòng”, Điển ngữ Thần học Thánh Kinh HV Pi-ô X Đàlat).

Vì là một người Cha nhân ái, quyền năng, nên tất cả những ý định và hành động của Người đều tốt lành. Chúa Giê-su đã mạc khải rất nhiều về điều này (x. Mt 6, 25-34; 10, 28-31; Lc 6,34; 12, 22-32; 21,18). Do đó trong tâm tình và thân phận làm con, chúng ta phải biết cúi đầu tạ ơn, như thánh Phao-lô đã khuyên bảo: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1Tx 5, 18).

Trong đời sống thường ngày, chúng ta dễ dàng chao đảo, mất đức tin. Chúng ta lìa bỏ Thiên Chúa để tin theo số phận, tin vào bói toán, tin vào những thần này thần kia. Chúng ta tin vào sự may rủi hơn là tin vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã nhắc bảo các môn đệ: “Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Lc 12, 7), và “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc; vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc…Phần anh em, đừng lo tìm cho có gì để ăn, có gì để uống, và đừng băn khoăn. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Lc 12, 22-31).

* Thiên Chúa là đấng công minh chính trực.

Mặc dù Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, nhưng Người cũng tỏ ra là một Đấng công minh chính trực. Người là một người Cha nhân hậu nhưng cũng là một Đấng phán xét chí công. Chúng ta không thể trông chờ vào tình thương của Thiên Chúa để rồi tự do phạm tội, cư xử hành động trái thánh ý của Người. Tiên tri Ê-dê-ki-en đã nhắc bảo: Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết; con không mang lấy tội của cha; cha cũng không mang lấy tội của con. Sự công chính của người công chính ở với người công chính. Còn điều dữ của kẻ gian ác ở với kẻ gian ác” (Ed 18, 20).

Trong khi đó, thánh Phao-lô cũng khẳng định: “Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm” (Rm 2, 6). Và ngài cũng nhấn mạnh: “Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu , thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt , thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời” (Gl 6,8).

Sự quan phòng của Thiên Chúa không cho phép ta được ỷ lại vào “phép lạ” nào đó theo kiểu “Há miệng chờ sung rung”, khiến chúng ta hoàn toàn thụ động, ươn lười. Trái lại, trong mầu nhiệm quan phòng, Thiên Chúa không tước đi quyền tự do của chúng ta. Người mời gọi chúng ta cộng tác, đồng thời luôn ban những ơn huệ cần thiết để chúng ta chu toàn thánh ý Người. Đặc biệt, trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa cho chúng ta, Người luôn tôn trọng tự do của ta và đòi hỏi ta phải tích cực cộng tác với Người. Như thánh Au-gus-ti-nô đã nói: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Người cần đến sự cộng tác của con người”./.

Aug. Trần Cao Khải

Exit mobile version