Cách đây mấy năm, có một thanh niên đến xưng tội với tôi. Anh cảm thấy khó khăn khi xưng tội. Anh có quan hệ với một cô và cô đó mang thai. Với rất nhiều lý do, họ không thể làm đám cưới lúc đó. Chuyện mang thai, không thể nào hủy đi được, nó làm xáo trộn cuộc sống của cả hai, chưa kể đến đời sống của đứa bé sắp sinh.
Anh là người tế nhị nên không cần phải nhắc, anh cũng biết trách nhiệm của mình. Anh không cố gắng biện minh, xin tha lỗi hay chạy tội. Anh nhận mình có tội.
Anh cũng nhận biết anh đã gây ra một tình huống không thể thay đổi được nữa và anh đã đánh mất tâm trạng vô tư và ngây thơ của anh, một số chuyện sẽ không bao giờ trở lại như cũ.
Xưng tội xong, anh buồn bã, thất vọng nói: “Chẳng có cách nào để con sống bình thường trở lại, vượt qua được chuyện này. Dù là Chúa, Chúa cũng không làm cho gương vỡ lại lành!”
Theo những gì anh nói, đối với anh, khi nào cũng có bóng ma lởn vởn trong đầu anh. Cuộc sống hàng ngày, với nhịp điệu của nó, sẽ thành khập khiễng và lỗi lầm này sẽ mãi mãi khắc ghi trong suốt cuộc đời anh.
Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới và một Giáo Hội mà sự gãy đổ và thái độ như thế đang ngày càng trở thành quy tắc hơn là một trường hợp ngoại lệ. Đối với nhiều người càng ngày càng có một cái gì hệ trọng để sống cách xa, một bóng ma lởn vởn: hôn nhân đổ vỡ, phá thai, không bền đổ, có thai ngoài hôn phối, lòng tin bị bội phản, mối quan hệ bị rạn nứt, tình cảm cay chua, lỗi lầm nghiêm trọng, hối tiếc dằn vặt; đôi lúc có ý thức về tội, đôi lúc không.
Buồn thay, điều này đang xảy ra với nhiều người, như đã xảy ra với anh thanh niên trên, đi cùng với thất vọng là tâm trạng có một cái gì đó đã xảy ra và không lấy lại được.
Có lẽ hơn bất cứ điều gì khác, những gì chúng ta cần hôm nay trong Giáo Hội, là một thần học về gãy đổ, liên quan đến lỗi lầm và tội lỗi, khá nghiêm trọng, cần phải chuộc tội. Thường thường, những gì chúng ta được dạy về chuộc tội chỉ là một cái gì đó còn nhẹ hơn luật nhân quả nghiêm ngặt: một cơ hội trong suốt cuộc đời, chuộc tội khi chúng ta làm đúng, hạnh phúc và thơ ngây chỉ có được khi không có gì để phải tha thứ.
Cuối cùng, chúng ta e sợ Thiên Chúa. Rốt cuộc chúng ta nhìn vào gương vỡ, vào lỗi lầm và tội lỗi của mình, và tin rằng mất mát ơn huệ là chuyện không cứu vãn được, rằng lỗi lầm đã chặn đường chúng ta. Một cách tận căn, chúng ta không còn tin có cơ hội thứ nhì, bỏ qua một bên bảy mươi lần bảy cơ hội, những cơ hội có thể trao tặng cho chúng ta cuộc sống như lúc ban đầu.
Tôi lớn lên trong một nền giáo lý công giáo đậm nét đạo đức. Giữ lời khấn nghiêm nhặt và gọi tội là tội. Dứt khoát, không nhân nhượng trên hầu hết các vấn đề đạo đức. Đòi hỏi mình không được phản bội, phạm tội, mắc sai lầm.
Tôi không cảm thấy hối tiếc về điều đó. Còn thực tế thì tôi cảm thấy khổ tâm vì ngày nay, nhiều người lớn lên trong chủ nghĩa tương đối về mặt đạo đức, biện minh thì nhiều mà thách đố thì ít.
Tuy nhiên, nếu nền giáo lý mà tôi lớn lên có một lỗi nào đó, thì lỗi đó, chính là nó bắt mình không được phép sai lầm. Nó đòi hỏi bạn phải làm đúng ngay lần đầu tiên. Nó nghĩ rằng bạn không cần đến cơ hội thứ nhì. Nếu bạn mắc sai lầm, bạn phải sống với nó và, như chàng thanh niên giàu có trong Phúc âm, bị buộc phải buồn, ít nhất cho đến quãng đời còn lại. Một lỗi lầm nghiêm trọng là một vết dơ vĩnh viễn, một vết hằn bạn phải mang lấy như Ca-in.
Tôi thấy vết hằn đó nơi rất nhiều người: những người ly dị, tu sĩ hoàn tục, những người bỏ đạo, phá thai, ngoại tình, có con ngoài hôn phối, những bậc cha mẹ phạm lỗi nghiêm trọng với con cái, và vô số những người mắc sai lầm nghiêm trọng khác.
Không có nhiều giúp đỡ xung quanh họ. Chúng ta cần một thần học về sự gãy đổ.
Chúng ta cần một nền thần học dạy cho chúng ta, dù gương đã vỡ, thì ơn huệ Chúa cũng làm cho chúng ta sống hạnh phúc với tâm trạng thơ ngây được làm mới lại, khác với bất cứ chiếc gương nào đã bị chúng ta làm vỡ.
Chúng ta cần một nền thần học dạy chúng ta rằng Thiên Chúa không chỉ cho chúng ta một cơ hội, nhưng khi chúng ta đóng cánh cửa này, Ngài mở ra cho chúng ta cánh cửa khác.
Chúng ta cần một nền thần học thách đố chúng ta không nên mắc lỗi lầm, phải xem tội là điều nghiêm nhặt, nhưng nó nói với chúng ta khi phạm tội, khi mắc lỗi lầm, chúng ta có cơ hội cùng đứng với những người gãy đổ, những người sống không hoàn hảo, những người tội lỗi được yêu thương, những người vì họ mà Đức Ki-tô đến trần gian này.
Chúng ta cần một nền thần học nói với chúng ta rằng cơ hội thứ hai, thứ ba, thứ tư, và thứ năm cũng có giá trị như cơ hội thứ nhất.
Chúng ta cần một nền thần học nói với chúng ta rằng lỗi lầm không phải là mãi mãi, suốt đời, rằng thời gian và ơn huệ sẽ gột sạch chúng, rằng không có gì là không thể thay đổi.
Cuối cùng chúng ta cần một nền thần học dạy cho chúng ta Thiên Chúa yêu thương chúng ta như những người tội lỗi và nhiệm vụ của giáo lý Ki-tô không phải là dạy cho chúng ta cách sống, nhưng là dạy cho chúng ta cách để sống lại, và sống lại.
Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Nguyễn Kim An dịch