Chúa Kitô có thực sự Phục Sinh hay chăng?

jesus - Chúa Kitô có thực sự Phục Sinh hay chăng?

Bởi vì, nếu Chúa Kitô không sống lại thì tất cả mọi sự chẳng còn gì là thần linh, chẳng còn gì là mạc khải từ trời, chẳng còn gì là thánh kinh, chẳng còn gì là đức tin cứu độ nữa (xem 1Corinto 15:13-14). Bấy giờ, nhân vật lịch sử mang tên Giêsu Nazarét chỉ thuần là một phàm nhân, chẳng khác gì và chẳng hơn gì các vị giáo tổ khác, mà còn là một tay ma đầu nhất thế giới, bởi dám quả quyết rằng mình sống lại nhưng bất khả, nhưng không bao giờ xẩy ra, và vì thế đã thực sự không thể nào cứu được mình, không thể nào xuống khỏi thập tự giá bị chính quyền đế quốc Rôma đóng đanh vào đó.

Thế nhưng, mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô sẽ chẳng còn ý nghĩa hay giá trị gì nữa, nếu thiếu mất Biến Cố Hiện Ra của Người sau khi Người từ trong kẻ chết sống lại, một biến cố, theo tính chất khẩn thiết bất khả thiếu, cũng quan trọng không kém như thậm chí ở một khía cạnh nào đó còn mầu nhiệm phục sinh là mầu nhiệm bất khả phân ly với biến cố hiện ra của Người. Bởi nếu Người không hiện ra sau khi sống lại thì kể như, đối với riêng các tông đồ và chung dân Do Thái, lịch sử nhân loại vẫn không có một vị Thiên Chúa đã hóa thân làm người và đã cứu chuộc nhân loại bằng Cuộc Vượt Qua của Ngài nơi Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu Kitô bởi thế không thể nào không hiện ra sau khi Người sống lại, mục đích duy nhất và chính yếu đó là để làm sao chứng thực được rằng Người quả thực chẳng những là Đấng Thiên Sai, Đấng đã được sai đến để cứu Dân Người nói riêng và nhân loại nói chung khỏi tội lỗi và sự chết, mà Người còn là Thiên Chúa thật, Đấng hằng sống, không ai có thể tiêu diệt Người, trái lại, Người đã chiến thắng sự dữ nơi con người và của con người là thành phần đã cùng nhau (cả Dân Do Thái lẫn Dân Ngoại đại diện cho toàn thể nhân loại) tàn ác sát hại Người.


Trong Tuần Bát Nhật Phúc Sinh, Giáo Hội chọn đọc các bài Phúc Âm liên quan tới những lần hiện ra của Chúa Kitô Phục Sinh:


Thứ Hai, Phúc Âm Thánh Mathêu 28:8-15 thuật lại lần Chúa Giêsu hiện ra với các phụ nữ đến thăm mộ của Người từ tảng sáng trong khi các bà chạy đi báo tin cho các tông đồ về những gì các bà nghe thấy thiên thần nói với các bà về Đấng các bà tìm đã sống lại;

Thứ Ba, Phúc Âm Thánh Gioan 20:11-18 thuật lại lần Chúa Giêsu hiện ra với Chị Mai Đệ Liên trong khi chị đang tìm xác của Người ở ngoài mồ, tức là ngay sau bài Phúc Âm Chúa Nhật (Jn 20:1-9) thuật lại việc chị ra mồ, thấy xác Thày không còn thì chạy về báo tin cho tông đồ Phêrô và Gioan hay, rồi sau đó tiếp tục ở lại mồ khi hai vị tông đồ này đã ra mồ và trở về;

Thứ Tư, Phúc Âm Thánh Luca 24:13-35 thuật lại lần Chúa Giêsu hiện ra với 2 môn đệ đang đi về làng Emmau vào buổi chiều, để rồi sau khi nhận ra Người, hai vị chạy về báo tin cho các tông đồ;


Thứ Năm, Phúc Âm Thánh Luca 24:35-48 thuật lại lần Chúa Giêsu hiện ra với 11 tông đồ vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần, (ngay sau đoạn Người hiện ra với 2 môn đệ đi Emmau), đoạn trình thuật này cũng được Phúc Âm Thánh Gioan nhắc đến (x. Jn 20:19-23), nhưng ở hai khía cạnh khác nhau liên quan đến sứ vụ làm chứng của các tông đồ (theo Phúc Âm Thánh Luca) và thừa tác vụ thánh hóa (theo Phúc Âm Thánh Gioan);

Thứ Sáu, Phúc Âm Thánh Gioan 21:1-14 thuật lại lần Chúa Giêsu hiện ra với 7 tông đồ vào tảng sáng ở bờ hồ Tibêria để tỏ mình ra cho các vị qua mẻ cá lạ các vị bắt được vị nghe theo lời Người chỉ dẫn sau cả đêm thất bại, và “đó là lần thứ ba” được Phúc Âm Thánh Gioan thuật lại;


Thứ Bảy, Phúc Âm Thánh Marcô 16:9-15 thuật lại thứ tự 3 lần Chúa Giêsu hiện ra vào ngày thứ nhất trong tuần: trước hết với Chị Mai Đệ Liên, sau đó với 2 môn đệ trên đường về làng Emmau, và sau hết với 11 tông đồ.


Về các lần hiện ra của Chúa Kitô sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết, có thể căn cứ vào Phúc Âm Thánh Marcô, như Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô trong Tuần Thánh được căn cứ chính yếu vào bố cục của đoạn trình thuật về biến cố này theo Phúc Âm Thánh Gioan.


Thật vậy, Thánh Ký Marcô (16:9-14), như bài Phúc Âm cho Thứ Bảy trong tuần Bát Nhật Phục Sinh cho thấy, đã thuật lại thứ tự 3 lần Chúa Giêsu hiện ra vào ngày thứ nhất trong tuần: trước hết với Chị Mai Đệ Liên, sau đó với 2 môn đệ trên đường về làng Emmau, và sau hết với 11 tông đồ.


Thánh Ký Gioan còn thuật lại thêm 2 lần sau đó nữa, một lần với 11 tông đồ vào 8 ngày sau (x Jn 20:26-29), và một lần với 7 tông đồ ở bờ hồ Tibêria (x Jn 21:1-14).

Cuối cùng, Thánh Ký Mathêu thuật lại lần hiện ra sau hết ở Galilêa vào lúc Người thăng thiên về trời cùng Cha (x Mt 28:16-20).


Như thế, các Phúc Âm thuật lại 6 lần Chúa Giêsu hiện ra sau khi Người phục sinh, 3 trong 4 lần có đầy đủ 11 vị tông đồ: lần nhất vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần (x Lk 24:36; Jn 20:19), lần thứ hai vào buổi tối 8 ngày sau đó (x Jn 20:26), và lần thứ ba ở Galilêa khi Người thăng thiên về trời cùng Cha (x Mt 28:16-17).


Tuy nhiên, theo thứ tự 3 lần hiện ra của Chúa Giêsu trong ngày thứ nhất trong tuần được Thánh Ký Marcô thuật lại thì không thấy lần Chúa Giêsu hiện ra với các phụ nữ trên đường các bà chạy về báo tin cho các tông đồ, như Thánh Mathêu thuật lại trong bài Phúc Âm cho ngày Thứ Hai trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh.

Về trường hợp của các người phụ nữ ra thăm mồ Chúa ngay từ tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần này, Phúc Âm Nhất Lãm cho biết những chi tiết khác nhau nhưng ăn khớp với nhau như sau:


1- tảng đá lớn lấp cửa mộ của Chúa đã được một vị thiên thần, xuất hiện qua một trận động đất, lăn ra khỏi cửa mồ (x Mt 28:2);

2- các bà được thiên thần báo tin Đấng các bà tìm kiếm đã sống lại rồi và các bà cần phải về báo tin cho các tông đồ (x Mt 28:5-7; Mk 16:6-7; Lk 24:4-7 – riêng Thánh Luca ở đây không thuật lại lời thiên thần bảo các bà về báo tin cho các tông đồ);


3- các bà đang chạy về báo tin cho các tông đồ thì Chúa Giêsu hiện ra với các bà (x Mt 28:8-10), trong khi đó Thánh Marcô thuật lại là các bà sợ quá nên không nói với ai (x Mk 16:8), nhưng Thánh Ký Luca lại cho biết rằng các bà đã về báo cho các tông đồ biết song các vị không tin, tuy nhiên tông đồ Phêrô chạy ra mồ xem sao và tỏ ra bỡ ngỡ (x Lk 24:11-12).


Vấn đề ở đây liên quan tới lần hiện ra thứ nhất của Chúa Kitô Phục Sinh. Căn cứ vào Phúc Âm Nhất Lãm (và cả Phúc Âm Thánh Gioan), thì lần hiện ra thứ nhất này Chúa Giêsu chỉ hiện ra với riêng Chị Mai Đệ Liên, đúng như Thánh Marcô thuật lại, chứ không hiện ra với chung “các bà” hay “các phụ nữ”. Lý do có thể được suy diễn như sau:

1- Cụm từ “các bà” hay “các phụ nữ” ở đây bao gồm con số nữ giới và thành phần nữ giới ra viếng mồ của Chúa vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, nhưng không nói rõ bao nhiêu người, ngoài tên tuổi rõ ràng của 2-3 người, trong đó tên Mai Đệ Liên được liệt kê đầu tiên (x Mt 28:1; Mk 16:1; Lk 24:10), nhất là không nói rõ các bà này ra làm mấy đợt hay chỉ có một đợt duy nhất chung với nhau mà thôi.


2- Đó là lý do, về thời điểm, trong khi có bà (là Chị Mai Đệ Liên) ra từ khi “trời còn tối” (x Jn 20:1) thì lại có mấy bà lại ra vào “ngay lúc mặt trời vừa lên” (x Mk 16:2) hay “từ tảng sáng” (x. Mt 28:1), và về thị kiến, trong khi Chị Mai Đệ Liên thấy 2 thiên thần (x Jn 20:11-12) thì các bà khác lại thấy 1 thiên thần (x Mk 16:5 và cả Mt 28:2).


3- Riêng chuyện loan báo cho các tông đồ, hình như chỉ có Chị Mai Đệ Liên trong số “các bà”, vì là người sốt sắng nhất đã ra mồ trước, từ khi trời còn tối chứ chưa sáng như các bà khác, đã chạy về báo cho tông đồ Phêrô và Gioan (x Jn 20:2), nên Phúc Âm Thánh Marcô cho biết là các bà sau khi thấy và nghe vị thiên thần “sợ quá không dám nói với ai” (16:8), tức là không có bà nào về báo cho các tông đồ hết, ngoại trừ Mai Đệ Liên ra trước, và kết quả của việc thông báo này được Phúc Âm Thánh Luca cho biết rằng các vị tỏ ra không tin (x Lk 24:11), chỉ trừ tông đồ Phêrô có chạy ra mồ (x Lk 24:12), một sự kiện được Thánh Ký Gioan thuật lại có cả tông đồ Gioan sau khi được Chị Mai Đệ Liên báo cho biết tảng đá đã bị lăn ra khỏi cửa mồ (x Jn 20:2).

4- Nếu theo Thánh Marcô không có bà nào về báo cho các tông đồ, ngoại trừ Chị Mai Đệ Liên thực hiện việc loan báo này như Thánh Gioan cho biết, thì sự kiện Chúa Giêsu hiện ra với các bà được Thánh Mathêu thuật lại (x 28:9) chỉ xẩy ra cho Chị Mai Đệ Liên mà thôi, nhưng không phải là trên đường chị chạy về báo cho các tông đồ (x Mt 28:9-10), mà ở ngay gần ngôi mộ của Chúa, dưới hình thù như một người canh vườn (x Jn 20:14-15).


Cử chỉ của Chị Mai Đệ Liên lúc bấy giờ là cử chỉ cố hữu của chị đối với Chúa Giêsu khi Người còn sống cũng chứng tỏ sự kiện Người hiện ra bấy giờ là Người hiện ra với chị chứ không phải với các phụ nữ ra mộ sau chị. Cử chỉ đó là cử chỉ chị muốn đụng chạm tới Chúa, “ôm chân Người”, một cử chỉ chẳng những được Thánh Mathêu trực tiếp ghi nhận (x Mt 28:9) mà còn được Thánh Gioan gián tiếp cho thấy nơi chính lời Chúa Giêsu nói với chị: “Đừng chạm đến Thày…” (Jn 20:17).


Riêng về nhân vật nữ giới được diễm phúc thấy Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra trước nhất này, trước cả thành phần tông đồ môn đệ chính thức của Người, bởi thế, chị mới được tặng danh hiệu là “tông đồ của các tông đồ”, vì nhân vật nữ giới này đã được lệnh của Chúa loan truyền Tin Mừng Phục Sinh của Người cho chính các tông đồ, không phải như một nhân viên đưa thư, chẳng biết nội dung của bức thư như thế nào, mà là như một tông đồ, vì đã thực sự thấy Chúa Kitô Phục Sinh và loan truyền Người sống lại.

Tuy nhiên, dầu sao, thẩm quyền vẫn thuộc về các tông đồ nói chung và Tông Đồ Phêrô nói riêng. Bởi thế, nhân vật nữ giới này vẫn phải trình báo với các vị về Tin Mừng Phục Sinh để chính các vị kiểm chứng, vì chỉ các vị mới có sứ mệnh chính thức trong sứ vụ “tuyển mộ môn đồ nơi tất cả mọi dân nước. Rửa tội cho họ… Rồi chỉ dạy cho họ những điều Thày đã tuyền cho các con” (Mathêu 28:19).

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Người không hiện ra với tất cả mọi người mà chỉ riêng với thành phần môn đệ của Người mà thôi, một chọn lựa bề ngoài có vẻ bất khôn, vì trần gian, một khi không đích thân tận mắt thấy Người đã sống lại, có thể sẽ cho rằng biến cố Người sống lại như là một tin đồn do phe môn đệ của Người tung ra chứ hoàn toàn không có thật, như vẫn được loan truyền trong dân gian Do Thái tới nay (xem Mathêu 28:11-15)?


Đúng vậy, khi Chúa Kitô phục sinh, vào giây phút nào và như thế nào, không một ai trên thế gian này đã tận mắt chứng kiến thấy. Hai sự kiện liên quan đến biến cố phục sinh của Chúa Kitô đó là ngôi mộ trống (xem Luca 24:22-23) cùng với các thứ khăn vải liệm xác của Người được xếp lại đàng hoàng (xem Gioan 20:7).


Tuy là hai bằng chứng cụ thể có thể minh chứng rằng Người đã sống lại, bằng không thì tại sao có vệ binh của Hội Đồng Do Thái canh mồ đàng hoàng (xem Mathêu 27:62-66) mà trong mồ lại chẳng có thi thể của Người? Và nếu các môn đệ có tài khéo đến đâu chăng nữa để có thể qua mặt bọn vệ binh Do Thái mà vội vàng cướp mất thi thể của Người mà mang đi thì không thể nào lại có vấn đề các khăn vải liệm xác của Người được gọn gàng xếp gấp đâu vào đó một cách đàng hoàng như thế, trong khi ở trường hợp Lazarô hồi sinh lại cần phải được người sống tháo cởi các thứ ràng buộc thi thể của anh ta (xem Gioan 11:44).


Chính vì hai chứng cớ cụ thể về sự kiện phục sinh bí mật của Người là một hang mộ trống cùng với các thứ khăn vải liệm xác được xếp lại đâu vào đó như thế vẫn chưa đủ chứng thực biến cố phục sinh của Chúa Kitô, vô cùng quan trọng và khẩn thiết, liên quan đến phần rỗi của loài người như thế, mới thực sự cần đến việc Người buộc lòng phải hiện ra với đặc biệt thành phần môn đệ của Người, hơn là với chung cho cả dân Do Thái ở Giêrusalem bấy giờ cũng như Dân Ngoại là lực lượng đế quốc Rôma ở đấy.


Bởi vì, Người có hiện ra với mọi người thì cũng chẳng có ai tin, thay vào đó, họ còn tưởng Người là ma quái nữa là đàng khác, như chính thành phần môn đệ của Người đã ở với Người 3 năm và được Người báo trước về biến cố Vượt Qua của Người mà vẫn còn chưa tin Người sống lại khi Người hiện ra với họ vào lần đầu tiên, trái lại, Người còn phải hết sức chứng thực là Người chứ không phải là ma, chẳng những bằng các dấu bề ngoài (cho các vị xem dấu tử giá trên chân tay của Người và ăn uống trước mặt các vị – xem 24:38-43) mà còn bằng ơn soi động bề trong nữa (chẳng những dẫn chứng những lời Thánh Kinh được ứng nghiệm nơi Người mà còn phải trực tiếp mở tâm trí của các vị ra cho các vị thấu hiểu và dễ dàng chấp nhận những gì đã được báo trước về Người – Luca 24:44-45).


Như thế, chứng cớ về sự thật phục sinh của Chúa Kitô chính là bản thân các vị tông đồ môn đệ của Người, cho dù các vị không đích thân mục kích thấy Chúa Kitô Thày của các vị sống lại vào lúc nào và như thế nào. Nhưng đối với các vị thì quả thực Người đã sống lại đúng như lời Người đã phán hứa với các vị khi còn sống, và cũng chỉ có các vị là thành phần duy nhất (bao gồm cả các phụ nữ theo Người nữa) đã sống với Người ngay từ ban đầu mới nhận ra Người mà thôi. Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra trước mắt các vị tông đồ sau khi Người sống lại từ trong cõi chết chính là bằng chứng đích thực nhất, sống động nhất và hùng hồn nhất về sự thật Người đã sống lại.

Các tông đồ thực sự là “chứng nhân”, theo đúng nghĩa đen của danh từ hay danh xưng “tông đồ” nơi tiếng Hy Lạp. Bản chất của những vị được gọi làm tông đồ của Chúa Kitô chính là chứng nhân và để làm chứng nhân.


Đó là lý do, sau khi các vị đã nhận biết quả thực “con ma” đột nhiên sừng sững hiện ra ngay trước mặt họ trong “căn phòng khóa chặt” (xem Gioan 20:19) trước đó chính là Thày của các vị đã thật sự sống lại, thì các vị liền nhận được lệnh truyền của Người: “Các con là chứng nhân của Thày về tất cả những điều ấy” (Luca 24:48). Về sứ vụ chứng nhân của các vị tông đồ và lý do tại sao chỉ có các môn đệ của Chúa Kitô mới được Người hiện ra đã được gói ghém trong bài đọc Thứ Nhất cho Lễ Phục Sinh ban ngày, như Thánh ký Luca đã ghi lại lời của Tông Đồ Phêrô trong Sách Tông Vụ (10:37-43) như sau:


“Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng. Quý vị biết rõ: Ðức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Ði tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Dothái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Ðấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội”. (bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Phụng Vụ Các Giờ Kinh).


Chúa Nhật Phục Sinh 20/4/2014

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Exit mobile version