Bài đọc: Xp 3:14-18a (Rm 12:9-16); Lc 1:39-56.
Luôn luôn có một sự tương phản giữa con người và Thiên Chúa: Con người yêu thích quyền cao, chức trọng; Thiên Chúa yêu mến kẻ hèn kém, khiêm nhường. Con người thích được mọi người phục vụ; Thiên Chúa yêu mến kẻ phục vụ mọi người. Con người trốn tránh đau khổ; Thiên Chúa yêu mến những người đau khổ… Một cách cụ thể, Thiên Chúa chọn cha sở xứ Ars, một người ít học, quê mùa làm quan thầy hàng giáo sĩ; Ngài chọn Mẹ Têrêxa phục vụ kẻ nghèo để đưa bao nhiêu người vào Giáo Hội. Ngài chọn một y tá Martinô để chữa bệnh biết bao người, ngay cả tại Việt Nam.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật công trình kỳ diệu của Thiên Chúa nơi những người vâng phục nghèo hèn. Trong bài đọc I, ngôn sứ Sophonia tiên báo Chúa sẽ đưa con cái Israel và Judah còn lại từ khắp nơi trở về để xây dựng lại quê hương và Đền Thờ trong vui mừng, giữa lúc không còn tia hy vọng nào nữa. Trong Phúc Âm, bà Elisabeth nhận ra ngay lý do Maria được tôn phong làm Mẹ Thiên Chúa vì Maria tin những gì Chúa phán sẽ được thực hiện. Mẹ Maria cũng nhận ra quyền năng của Thiên Chúa thực hiện nơi Mẹ, một thôn nữ nghèo hèn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.
1.1/ Bất tuân lệnh Thiên Chúa là lý do của hai cuộc lưu đày: Hai lý do khơi dậy sự tức giận của Thiên Chúa khiến Ngài để mặc dân Do-thái cho kẻ thù phương Bắc Assyria và Babylon giày xéo và mang đi lưu đày:
(1) Rời bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại bang: Khi con người trở nên giàu có, họ có khuynh hướng xa lìa Thiên Chúa như câu tục ngữ Việt Nam “no cơm rửng mỡ.” Đọc các Sách Ngôn Sứ, chúng ta thấy Thiên Chúa không ngừng gởi các ngôn sứ tới để kêu gọi dân ăn năn trở lại; nhưng họ đã không thèm nghe, lại còn bắt bớ, xỉ nhục và bỏ tù nữa.
(2) Sống bất công với người nghèo khổ: Lý do chính con người trở nên giàu có không phải vì chăm chỉ làm ăn, mà là đối xử bất công với người nghèo khổ. Những kẻ quyền thế lợi dụng quyền hành để chiếm đất đai của dân nghèo hay trả lương không đủ để họ có thể sống. Khi tiếng dân nghèo kêu kên Thiên Chúa, Ngài sẽ lắng nghe họ.
1.2/ Tin tưởng nơi tình thương Thiên Chúa: Thiên Chúa phải ra tay sửa phạt dân không phải vì Ngài ghét bỏ họ; nhưng để họ nhận ra những lỗi lầm mà ăn năn trở lại. Trong khi dân chúng phải sống cực khổ nơi lưu đày, Thiên Chúa vẫn không ngừng gởi các ngôn sứ tới để cung cấp niềm hy vọng cho dân: Nếu họ biết ăn năn trở lại, Ngài sẽ ra tay cứu thoát họ.
Tiên tri Sophonia là một trong các tiên tri sống trong nơi lưu đày với dân. Sứ điệp của tiên tri gởi đến cho dân là “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi!
Hỡi thiếu nữ Jerusalem, hãy nức lòng phấn khởi. Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.”
Nhiều người sẽ nản lòng và không tin, nếu họ nghĩ xưa kia còn vua và binh lính mà còn chưa giữ được quốc gia; phương chi bây giờ phải chịu khốn khổ nơi lưu đày, lấy binh lính và khí giói đâu mà chống lại quân thù? Những người hiểu như thế là chưa biết uy quyền và sự quan phòng của Thiên Chúa. Lịch sử chứng minh Thiên Chúa đưa dân về mà không cần đến lực lượng quân sự. Ngài thay dạ đổi lòng vua Dân Ngoại Persia để vua này không những ra chiếu chỉ cho dân hồi hương mà còn cấp tiền của để dân kiến thiết lại xứ sở và Đền Thờ.
2/ Phúc Âm: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?
2.1/ Elisabeth nhận ra chức vụ “Mẹ Thiên Chúa” của Maria: Có hai điều kỳ lạ xảy ra cho Elisabeth trong cuộc gặp gỡ này.
+ Điều lạ thứ nhất: Maria chưa hề hé môi nói cho Elisabeth biết những gì Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi mình; nhưng chỉ cần sự hiện diện của Maria, Elisabeth đã biết tất cả. Bà biết là do sự hiện diện của Thánh Thần bao trùm cả hai mẹ con như lời bà thú nhận: “vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên vui sướng, và bà được đầy tràn Thánh Thần.” Ngài là Thần Chân Lý, vì thế, không lạ gì Elisabeth biết: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.”
+ Điều lạ thứ hai: Elisabeth biết rõ Maria được Thiên Chúa tôn phong là thân mẫu của Chúa Giêsu vì Maria “tin Lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện.”
2.2/ Maria nhận ra ý thích và quyền năng thực hiện của Thiên Chúa.
Nhiều học giả cho bài ngợi ca “Magnigicat” không phải của thánh sử Lucas, cũng không phải của Maria; nhưng đã có trong truyền thống và được đặt vào đây để nói lên tâm trạng biết ơn của Maria dành cho Thiên Chúa. Điều này cũng dễ hiểu, vì các tín hữu thường thuộc lòng những bài ca quen thuộc và hát lên để tạ ơn Thiên Chúa khi cơ hội tới như bài “Tán tụng hồng ân” mà nhiều người chúng ta hát trong các dịp để tạ ơn. Tuy nhiên, chúng ta đừng đánh giá thấp sự linh hứng của Thánh Thần trong Mẹ Maria, Ngài có thể giúp Mẹ làm chuyện này.
Hai điều quan trọng chúng ta học được trong bài “Ngợi Ca” hôm nay:
(1) Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường và ghét người kiêu căng: Trước tiên, Mẹ nhận ra những điều Chúa làm cho Mẹ là hoàn toàn do ý định và uy quyền của Ngài. Mẹ chỉ là phận nữ tỳ hèn mọn, không đáng nhận những ơn lành này. Mẹ ngợi ca tình yêu của Thiên Chúa và ước mong cho mọi người biết những việc Ngài làm.
Tại sao Thiên Chúa không thích người kiêu căng? Thứ nhất, người kiêu căng ăn cắp công ơn của Thiên Chúa đã làm cho họ. Hiểu cho tới ngọn nguồn, chẳng có sự gì con người có được mà không đến từ Thiên Chúa: quyền thế, danh vọng, của cải, tài năng, thời gian… Thứ hai, kiêu căng làm con người kiêu căng nghĩ mình không cần Thiên Chúa. Nếu họ nghĩ mình có thể làm mọi sự, họ sẽ không cần chạy đến với Ngài. Sau cùng, kiêu căng làm con người khinh thường tha nhân, vì không được như họ.
(2) Chúa trông đến kẻ khó nghèo: “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” Đây cũng là phúc đầu tiên trong Bát Phúc. Khó nghèo không chỉ hiểu là nghèo khó về phương diện vật chất, nhưng giầu có khó vào Nước Trời vì nó làm cho con người xa Thiên Chúa, như trường hợp của chàng thanh niên giàu có. Nghèo khó hiểu cho đúng phải bao gồm mọi khía cạnh của đời sống. Con người phải ý thức mình cần Thiên Chúa trong mọi sự và không thể sống thiếu ơn lành của Thiên Chúa: sự hiện hữu, tình yêu, sự thật, ơn thánh…
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải tin tưởng và tuân giữ những gì Thiên Chúa truyền nếu muốn được Thiên Chúa bảo vệ và chúc lành. Cãi lệnh Thiên Chúa chỉ chuốc lấy thiệt hại vào thân.
– Làm theo thánh ý Thiên Chúa là điều kiện để được Ngài chúc phúc. Chúng ta đừng kiêu căng đánh cắp công ơn của Ngài đã đổ xuống trên chúng ta.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.