Trước khi về trời, Chúa Giêsu căn dặn các Tông Đồ: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng tin mừng cho mọi tạo vật”. Chúa còn hứa sẽ ở cùng các môn đệ cho tới tận thế. Và trước đó, Chúa cũng đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho các môn đệ: “Lạy Cha, con không cầu xin Cha đưa chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha hãy gìn giữ chúng”. Vấn đề được đặt ra: Tại sao Chúa lại xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ ở thế gian. Vậy thế gian là gì mà phải lo gìn giữ?
Thế gian có hai mặt. Trước hết, thế gian được diễn tả trong sách Sáng Thế khi Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn vật, là một thế gian tốt đẹp. Lời Kinh Thánh ghi lại: “Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp”. Thế gian chỉ xấu khi tội lỗi đột nhập vào. Nhưng với máu cứu chuộc của Ngôi Hai xuống thế làm người, thế gian trở thành tạo vật mới và càng tốt đẹp hơn. Điều đáng buồn là cũng vì tội lỗi, con người lại làm cho thế gian trở nên xấu. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã cầu xin cho các môn đệ ở giữa thế gian nhưng lại không thuộc về thế gian. Và Chúa giao trách nhiệm cho các ông ở lại thế gian để làm chứng nhân cho Ngài và thánh hóa thế gian.
Cách đây vừa tròn mười năm, ngày 13 tháng 5 năm 1981, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã bị ám sát suýt chết tại Quảng Trường Thánh Phêrô trong buổi gặp gỡ giáo dân hàng tuần. Trời nắng nhẹ, Ngài đứng trên một chiếc xe loại Jeep màu trắng không có mui che, chạy quanh quảng trường để mọi người có thể trông thấy Ngài. Đi được một lúc, Ngài biểu xe dừng lại bên cạnh một bà mẹ với em bé. Ngài bế em bé và đưa cao lên. Mọi người hoan hô vui mừng. Ngài trao em bé lại cho bà mẹ. Xe tiếp tục chạy thêm một đoạn ngắn. Bỗng có tiếng súng nổ. Đức Thánh Cha gục xuống. Ngài đã bị trúng đạn của kẻ sát nhân. Xe vội dừng lại. Những người hộ tống đi bộ chung quanh nhảy lên xe đỡ lấy Ngài và xe đi thẳng vào Vatican. Ngài được đưa vào bệnh viện Gemelli. Máu mất quá nhiều và ruột bị thủng 6 lỗ lớn. Các bác sĩ đã tận dụng hết mọi khả năng để phẫu thuật ca mổ vá ruột. Trong khi ấy, Tổng Thống Ý luôn ngồi trực ở ngoài, theo dõi từng phút về tin tức ca mổ của Đức Thánh Cha. Sau 6 tiếng liền, ca mổ đã thành công, và lời đầu tiên Đức Thánh Cha sau khi tỉnh dậy được phát lên đài là: “Xin tha cho người anh em của tôi”. Ít lâu sau, khi khá hồi phục, Ngài đã xin chính quyền Ý gặp hung thủ ám sát Ngài. Anh đang bị giam trong một nhà tù ở Roma. Ngài đã vào tận phòng giam của anh ta và một mình nói chuyện với anh một cách thân tình. Anh là người Thổ Nhĩ Kỳ. Trong buổi nói chuyện, anh ta thú nhận đã ba lần đến quảng trường Thánh Phêrô để theo dõi và nghiên cứu hiện trường. Và hôm thực hiện kế hoạch ám sát, anh cũng cho biết nếu mọi sự êm xuôi, anh sẽ tẩu thoát bằng một chiếc xe mang biển số ngoại giao đang chờ sẵn gần quảng trường.
Hai con người với hai chiếc xe, nhưng tư tưởng lại khác xa nhau. Chiếc xe nào cũng có máy, có dầu, nhưng mục đích được dùng thì lại khác. Đức Thánh Cha trên xe Jeep trắng, là ngườimang bình an cho mọi người, là chứng nhân của Chúa Kitô hiền lành và khiêm nhượng, trong khi chiếc xe mang biển số ngoại giao kia lại được dùng để làm điều tội lỗi… Thật ra, người hung thủ Thổ Nhĩ Kỳ này chỉ là một tay sai được thuê mướn để thực hiện âm mưu tiêu diệt Đức Thánh Cha của các thế lực quốc tế. Trong hơn hai năm cai quản Giáo Hội, Đức Thánh Cha đã nhiều lần nói thẳng, nói thật về những chủ nghĩa phi nhân đang chà đạp nhân phẩm con người. Nên những thế lực này quyết tìm cách triệt hạ Ngài. Có thể nói, vì Ngài là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, nên bị thế gian ghét bỏ. Đức Thánh Cha cũng biết rằng mình có thể bị ám sát. Nhưng Ngài không sợ. Ngài tin tưởng hoàn toàn vào Chúa và tiếp tục nói lên sự thật.
Thủ phạm vụ ám sát Đức Thánh Cha còn kể tiếp: Lẽ ra tôi bắn Ngài vào lúc dừng xe, nhưng lại vướng đứa trẻ Ngài bế trên tay. Đến khi xe chuyển bánh, tôi được cơ hội nhắm thẳng súng vào đầu của Ngài và bóp cò. Nhưng đúng lúc ấy, một bà Sơ bên cạnh thấy vậy mới kéo tay tôi lại. Thế là viên đạn lệch xuống bụng thay vì trúng vào đầu.
Bắn xong, anh vùng chạy để tẩu thoát như dự tính. Nhưng bà Sơ bên cạnh ôm chặt anh ta và hô hoán lên. Thế là hung thủ bị bắt ngay tại hiện trường, không thể chối cãi. Tin tức lan đi khắp thế giới. Mọi người bàng hoàng về hành động bất nhân này. Hàng ngàn người tự động tập trung về Quảng Trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho Ngài suốt ngày đêm. Và Chúa đã cứu Ngài.
Chuyện đã xảy ra 10 năm nay. Ngài vẫn tiếp tục phục vụ Giáo Hội, tiếp tục nói sự thật, tiếp tục sứ mạng Chúa giao phó. Ngài tin rằng chính Đức Mẹ đã cứu Ngài thoát chết. Và lần này đi Fatima, Ngài muốn dâng viên đạn đã bắn vào Ngài cho Đức Mẹ với tất cả tâm tình tạ ơn và yêu mến. Hơn ai hết, Đức Thánh Cha là người đã kinh nghiệm được lời của Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay: “Con không xin Cha đưa chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin hãy gìn giữ chúng”. Và Ngài vẫn tiếp tục sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa không chút sợ hãi.
Noi gương Đức Thánh Cha, mỗi người chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa, và can đảm làm chứng nhân của Tin Mừng. Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha gìn giữ chúng ta khỏi những âm mưu hãm hại của thế gian, và gìn giữ chúng ta được sống mãi trong ân nghĩa với Chúa: “Tất cả những kẻ Cha đã giao cho con, con không để mất một ai”. Vì thế, chúng ta hy vọng sẽ được hạnh phúc Nước Trời như lời Chúa hứa: “Ta ở đâu thì kẻ phụng sự Ta cũng ở đó”. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng hiệp ý cầu cùng Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Fatima, ban cho Đức Thánh Cha và các Giám Mục Bồ Đào được luôn là chứng nhân trung thành của Chúa ở thế gian. Amen.
ĐHY F.X Nguyễn Văn Thuận