Cv 1,1-11
Tv 46
Ep 1,17-23
Mc 16,15-20
Hôm ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một, 15 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi lòai thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
19Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
Suy niệm
Nhờ Mạc Khải, chúng ta biết Thiên Chúa muốn hoàn tất cách tốt đẹp công trình tạo dựng vạn vật hữu hình và vô hình trong khắp hoàn vũ, và gìn giữ nó vững bền trong Chúa Giêsu Phục Sinh, đó là cách Thiên Chúa thiết lập Nước của Ngài (x Ga 1,3.10 ; Ep 1,10 ; Cl 1,16.19-20). Vì thế, Đức Giêsu đã trả lời cho người Pharisêu muốn biết bao giờ Nước Thiên Chúa đến. Ngài nói : “Nước Thiên Chúa không đến cách hiển nhiên có thể quan sát được, và người ta sẽ không nói : “Ở đây hay ở kia”, vì này Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,20-21).
Muốn thấy được Nước Thiên Chúa ở giữa loài người, thì phải thi hành Lệnh Chúa Giêsu truyền : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15 : Tin Mừng).
Chúa Giêsu không bảo chúng ta đi truyền giảng Tin Mừng cho mọi người, mà “rao giảng cho mọi loài thụ tạo”. Nghĩa là loan truyền Tin Mừng nhằm hai mục đích :
1- Mục đích thứ I : Làm cho mọi thụ tạo được cùng với con người tôn vinh Thiên Chúa.
Chương trình Thiên Chúa cứu độ, thánh Phaolô tóm tắt bằng một câu : “Mọi sự thuộc về anh em, anh em thuộc về Chúa Kitô, Chúa Kitô thuộc về Chúa Cha” (1Cr 3,22-23). Có nghĩa là chính nhờ Lời Chúa do Hội Thánh rao giảng, mà con người biết sử dụng muôn vật Chúa ban làm cho mình được sống vinh hiển đúng ý Chúa. Thí dụ, tôi thấy một đống phân nằm giữa đường đi, nếu tôi cứ để nó nằm đó, chắc chắn có nhiều người đạp lên, thì thật là khổ! Và Chúa không muốn cho ai phải bực mình vì phân, nên tôi có trách nhiệm hót nó đổ vào gốc cây cho cây thêm xanh tốt, làm vui lòng mọi người. Như thế, Tin Mừng dạy tôi biết làm cho cả vật hèn mọn nhất như đống phân, nó cũng góp phần tôn vinh Thiên Chúa. Nhất là dùng của cải vật chất để chia sẻ cho đồng loại, làm cho người anh em hướng về và được kết hợp với Chúa Giêsu Kitô, mới tôn vinh Thiên Chúa. Vì vậy, thánh Phaolô nói : “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Ngài. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng vì Thiên Chúa bắt chịu vậy ; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,19-21).
Ngược lại nếu ta dùng của cải vật chất gây tác hại cho nhiều người, tệ nhất là đẩy người anh em vào con đường tội lỗi, hoặc trở nên rào cản bưng mắt đồng loại không nhận biết Chúa, thì ta sẽ lãnh án!
2– Mục đích thứ II : Làm cho đồng loại thoát ra khỏi kiếp sinh vật trở nên con Thiên Chúa trong Chúa Giêsu.
Thánh Phaolô nhắc lại lời tác giả sách Sáng Thế chương 2, câu 7 : “Con người đầu tiên là Ađam, được dựng nên là một sinh vật” (1Cr 15,45 : Bản dịch PVGK). Sách Giảng viên còn nói : “Con người và thú vật đều cùng chung một số phận : bên này chết, bên kia cũng chết ; đôi bên đều có sinh khí như nhau. Con người chẳng có gì hơn thú vật, bởi vì mọi sự chỉ là phù vân” (Gv 3,19). Như thế, ai chưa được tái sinh trong Chúa Giêsu Phục Sinh, họ chỉlà sinh vật cao cấp nhất trong các loài thụ tạo. Vì kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa “trong Đức Giêsu Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để ta trở nên thánh thiện, vô tì tích, trước Thánh Nhan Người trong tình yêu. Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử của Người, nhờ Đức Giêsu Kitô, để nên lời ngợi khen vinh quang ân sủng của Người”(Ep 1,4-6). “Vì muôn vật trên trời dưới đất được tạo dựng nhờ Người và cho Người, để Người là đầu của thân thể, nghĩa là đầu Hội Thánh, vì Người đứng hàng đầu trong số những người từ cõi chết sống lại” (Cl 1,15-20).
Kẻ nào chủ trương sống vô thần, không chấp nhận Tin Mừng Hội Thánh rao giảng để lãnh Bí tích Thánh Tẩy gia nhập Hội Thánh, thì còn độc ác hơn thú vật. Đan cử :
– Ngày 9/5, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin hải quan Hàn Quốc phát hiện và tịch thu hàng nghìn viên sản phẩm “thuốc thịt người”. Theo hải quan Hàn Quốc, thi thể những đứa bé đã chết bị sấy khô trên lò trước khi bị nghiền thành bột.
– Ngày 17-05-2012, Cảnh sát Thái Lan bắt giữ một người Anh gốc Đài Loan, tên Chow Hok Kuen tại Bankok. Trong hành lý của Hok Kuen có chứa 6 bào thai sấy khô, quấn vàng lá theo nghi thức tà thuật. Những bào thai này khoảng 2-8 tháng tuổi. Vụ bắt giữ được tiến hành sau khi cảnh sát nhận được thông tin rằng xác bào thai được giới nhà giàu săn mua trên một trang web chuyên các dịch vụ tà thuật.Chow Hok Kuen khai rằng đã mua các bào thai nhiều ngày trước với giá 200.000 baht (6.500USD) và dự kiến sẽ bán chúng sang Đài Loan với giá gấp 6 lần. Nguồn gốc bào thai hiện chưa được rõ. Anh ta cho biết định bán cho những người tin rằng sở hữu các bào thai sẽ làm họ may mắn và giàu có” – tướng Wiwat Kamchamnan, cảnh sát Bangkok cho biết. Nếu bị kết án, hình phạt dành cho Chow sẽ là 1 năm ngồi tù và tiền phạt 2.000 baht.
Vậy ai tin vào Tin Mừng do Hội Thánh rao giảng mà lãnh nhận Bí tích Khai Tâm, thì người ấy được đồng hóa với Chúa Giêsu (x Gl 2,20), để lên đường loan báo Tin Mừng, Chúa sẽ cho làm nhiều dấu lạ : “Nhân danh Chúa Giêsu sẽ trừ quỷ, sẽ nói được tiếng mới lạ, dù có cầm rắn trong tay hoặc uống nhằm thuốc độc cũng chẳng sao, nếu đặt tay trên bệnh nhân thì người ấy được mạnh khỏe!” (Mc 16,17-18 : Tin Mừng).
– “Nhân danh Thầy mà trừ quỷ” : Cụ thể là ai nhân danh Chúa ban Bí tích Thánh Tẩy cho đồng loại, thì cứu người đó thoát tay Satan. Đặc biệt mỗi khi Hội Thánh cử hành Bí tích Thánh Thể, người Công Giáo đến hiệp dâng thì được giải thoát khỏi tội lỗi, có chết cũng được sống lại vinh quang ! Cả khi ta tham dự Phụng vụ, mà cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện tội, thì tội họ cũng được thanh tẩy.
– “Nói tiếng mới lạ” : Đan cử lúc ông Phêrô đại diện Hội Thánh dùng tiếng Do Thái loan báo Tin Mừng, thế mà muôn dân dù nói các thứ tiếng đều hiểu giáo lý của ông Phêrô giảng, và xin chịu Thánh Tẩy. Chính những người này cũng lại nói tiếng lạ (loan báo Tin Mừng) như ông Phêrô cho người khác được cứu! (x Cv 2)
– “Cầm rắn trong tay, hay uống nhằm thuốc độc cũng chẳng sao” :Có lần ông Phaolô bị rắn độc quấn vào tay, ai cũng tin chắc ông sẽ chết trong tích tắc vì bị chất độc phát tán! Thế mà người ta thấy ông Phaolô vẫn bình tĩnh đưa tay giũ con rắn độc vào đống lửa ! (x Cv 28,3-6).
Nhưng đúng hơn, Đức Giêsu hứa cho ai đã thuộc trọn về Ngài, thì không sự dữ nào cướp họ khỏi tay quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa được. Chân lý này đã được báo trước ngay từ đầu đời công khai của Đức Giêsu : “Thánh Thần xua Đức Giêsu vào sa mạc, và Ngài ở trong sa mạc bốn mươi ngày chịu Satan cám dỗ. Ngài ở giữa dã thú (sự ác), và các thiên thần hầu hạ Ngài!” (Mc 1,12-13). Và như vậy, ai sống trong Chúa Giêsu thì người ấy biết sống hòa hợp với mọi người, dù là kẻ gian ác, như ngôn sứ Isaia đã báo trước về thời đại Thiên Chúa cứu độ loài người : “Sói sống chung với chiên con, beo nằm bên bê nhỏ, bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé (Chúa Giêsu) chăn dắt chúng, bò cái kết thân với gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cùng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú, giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa, thọc tay vào ổ rắn hổ mang, sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Chúa, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập mặt đất này, cũng như nước lắng xuống lòng biển!” (Is 11,6-9).
Vậy ai không tin giáo lý Hội Thánh rao giảng, không lãnh Bí tích Thánh Tẩy, để gia nhập Hội Thánh, thì chắc chắn bị kết án! (x Mc 16,16b). Giáo huấn của Công Đồng Vat.II, trong Hiến Chế Hội Thánh số14 dạy : “Những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờChúa Giêsu Kitô như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập, hoặc không muốn kiên trì sống trong Hội Thánh, thì không thể được cứu độ”. Họkhông được cứu độ, vì không được Chúa biến dữ ra lành, tội ra ơn, chết ra sống. Đây là chân lý xác thực và quan trọng nên ông Luca khi viết Tin Mừng và sách Tông Đồ Công Vụ, ông đã long trọng đề gởi cho ông Thêôphilô (x Lc 1,1-4 ; Cv 1,1). Theo quan niệm cổ Hy Lạp và La Tinh, trong các tác phẩm văn chương, tác giả thường đề tặng một nhân vật quan trọng nào đó,hoặc là một nhân vật tưởng tượng. Khi tác phẩm có hai cuốn, thường ở đầu phần hai, tác giả lặp lại đề tặng. Thánh Luca cũng theo thông lệ ấy. Ông Thêôphilô là ai? Không biết chắc chắn về ông, người ta coi ông là một tín hữu, hoặc là một người có lòng yêu mến Thiên Chúa.
Điều quan trọng trong hai tác phẩm ông Luca viết là Chúa truyền cho các Tông Đồ : “Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân. Này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19a.20b : Tung Hô Tin Mừng).
Thực vậy, “Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. “Điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là : Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu Phép Rửa trong Thánh Thần. Nghe thế, các Tông Đồ chỉ để ngoài tai, vì không hợp với khát vọng của các ông, nên các ông lên tiếng hỏi : “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quyền Israel không?” Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông : “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thần Khí khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari, và cho đến tận cùng trái đất”.
Nói xong, Người được cất lên ngay trước mặt các ông, và đang lúc còn đăm đăm nhìn lên Trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói : “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên Trời, cũng sẽ đến y như các ông đã thấy Người lên Trời” (Cv 1,1-11).
Hai người mặc áo trắng từ Trời đến nói với các Tông Đồ như thế, có nghĩa là các ông muốn theo Chúa về Trời, thì hãy nhìn xuống trái đất, chịu trách nhiệm về phần rỗi mọi người, nên phải tích cực đi loan báo Tin Mừng, gặp khó khăn chấp nhận liều mạng, nhằm thu họp nhiều người vào Hội Thánh để cùng xin Thiên Chúa “ban cho Thần Khí khôn ngoan để nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí thấy rõ,đâu là niềm hy vọng đã nhận được nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho những tín hữu, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh ;mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1,17-23 : Bài đọc II). Hầu cùng cất lời tung hô rằng : “Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo, Chúa ngự lên vang dội tiếng tù và” (Tv 47/46,6 : Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Khi con người còn trung thành tuân giữ Lời Chúa dạy, thì môi trường họ sống là VƯỜN ĐỊA ĐÀNG (Thiên Đàng trên đất) ; Nhưng khi loài người lấy ý mình, nghe lời Satan hơn nghe Lời Chúa dạy, thì cũng môi trường ấy trở nên ĐỊA NGỤC : Người đổ lỗi quanh cho nhau, quy tội cho cả Thiên Chúa, họ loại trừ nhau! Đó chính là gai góc mọc lên cho họ ! (x St 3).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH