Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành

MucVu 2019 - Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành

Các vị chủ chăn của chúng ta hướng dẫn: “Chúa Giêsu một đàng đưa ra lí tưởng rất cao cả về đời sống hôn nhân và gia đình; đàng khác, Người chạnh lòng thương những người đau khổ trong đời sống hôn nhân, như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria hoặc người nữ phạm tội ngoại tình. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chăm sóc mục vụ cho các gia đình, nhất là những gia đình gặp khó khăn.” (HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2018, 2).

Mục vụ Đồng hành là trung tâm

Chúng ta đừng quan niệm cách hạn hẹp mục vụ như một thứ “dịch vụ” để chờ người ta tìm đến xin Hội thánh cung ứng những đề nghị, hay nghe rao giảng trong thánh lễ và gặp gỡ các nhóm hội đoàn trong giáo xứ, mà không biết cùng bước đi với con người trên cuộc hành trình lâu dài đòi hỏi kiên trì. Mục vụ đồng hành không có tham vọng đem lại những giải đáp tức thời cho nhiều vấn đề. Thực ra, tìm cung ứng những giải đáp mục vụ có thể giúp giải quyết mọi sự, trừ điểm trọng tâm là chúng ta tiếp tục không đồng hành với con người! Như thế là giản lược lòng thương xót chỉ còn là một sự uyển chuyển thích nghi luật lệ được cho là cứng rắn, và cách thế đó cũng là “duy luật”.

Đồng hành là cùng bước đi với ai đó trên một lộ trình qua đó giúp họ nhận ra một ánh sáng mới khả dĩ xây dựng cuộc sống. Cách thức đồng hành với các gia đình tương tự như con đường dự tòng của Hội thánh sơ khai: phải đồng hành trong một thời gian dài nhiều hay ít. Thực tế những người dự tòng đã phải chuyển từ một cuộc sống ngoại đạo rất xa Tin mừng để bước vào giao ước Thanh tẩy của Đức Kitô. Đức thánh cha Phanxicô xác định Đồng hành là một tiêu chuẩn trung tâm của mục vụ gia đình.

Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành

Trước hết, chúng ta không được hiểu Đồng hành như là một chiến lược giao tiếp với thế giới. Ngược lại, đó là phương pháp chính Đức Giêsu đã chọn để gặp gỡ chúng ta gần như tình cờ và tỏ cho chúng ta thấy con đường đi của Chúa Cha. Chính Người, là vị Thầy dạy chúng ta nghệ thuật “đồng hành” mà mọi môn đệ cần phải học. Chúng ta nhớ lại, chẳng hạn, sau khi sống lại Chúa Giêsu đồng hành với các môn đệ đi về Emmau (Lc 24,13-33) Người chỉ cho chúng ta những tham chiếu cho mọi lộ trình chung: Lời Chúa và bí tích, là tất cả sự hiệp thông của Giáo hội, tiêu biểu là Bữa ăn Thánh Thể từ đó hai môn đệ đã quay trở lại Giêrusalem trong đêm. Chúa Kitô Phục sinh “đi trước” các Tông đồ mở ra cho họ các con đường trên đó họ gặp gỡ mọi người. Nước của Người là ở những mối quan hệ cá nhân vốn luôn khởi đầu âm thầm nhưng hàm chứa một sức sống bên trong khả dĩ làm biến đổi thế giới.

Như thế, Đồng hành là một cách thức đặc biệt để loan báo Tin mừng, có nối kết nội tại với việc bước theo Đức Kitô, vị Tôn sư. Thánh Giáo hoàng Gioan-Pholô II nói rằng: “nối bước theo Chúa Kitô là nền tảng thiết yếu và nguyên thủy của nền luân lí Kitô giáo: tựa như dân Israel xưa cất bước theo Chúa và đã được Chúa dẫn dắt qua hoang địa tiến về Đất Hứa (x. Xh 13,21), người môn đệ cũng phải nối bước theo Đức Giêsu và được Chúa Cha lôi kéo để đến với Người (x. Ga 6,44)” [1]. Vấn đề ở đây là đời sống gắn bó với một con người, là Giêsu Kitô, từ đó mà người ta hiểu ý nghĩa của lề luật và tư tưởng. Đồng hành phải bắt đầu từ cái nhìn của Chúa Giêsu. Người “đã nhìn những người nam và người nữ mà Người gặp gỡ, với tình yêu và sự dịu dàng, đồng hành với những bước đi của họ bằng sự thật, lòng kiên nhẫn và tình thương xót, trong khi loan báo những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa” (AL 60). Chúa Giêsu nhìn “thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, “như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Mọi bận tâm mục vụ của Hội thánh trước hết phải bắt nguồn từ ánh mắt nhìn này.

… với một tình yêu đích thật

Nguyên lí của Đồng hành Kitô giáo được Đức Thánh cha Phanxicô nhắc lại lời của Đức Bênêđictô XVI: “Khởi đầu của cuộc đời Kitô hữu không phải là một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đó đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (EG 7; DCE 1). Từ cuộc gặp gỡ đó toát lên “vẻ đẹp của tình yêu cứu độ biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô chết và phục sinh” (EG 36), một tình yêu thật Đức Kitô hiến trao cho chúng ta với lí lẽ của nó: một khi đã gặp gỡ xin cùng bước đi trên lối đường cuộc đời. Đồng hành để dần nhận ra sự thật về một tình yêu, để tình yêu đó tăng trưởng đến mức trưởng thành, và đáp lại tình yêu của Đấng Mục tử nhân lành: “Tôi đến để chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

“Điều quan trọng là đón nhận và đồng hành với họ bằng sự kiên nhẫn và tế nhị. Đó là điều mà Đức Giêsu đã làm với người phụ nữ Samaria (Ga 4,1-26): Người đề cập đến khát vọng tình yêu đích thật của chị, để giải thoát chị khỏi những gì làm u tối cuộc đời chị và đưa chị đến niềm vui trọn vẹn của Tin mừng” (AL 299). Bắt đầu từ lòng khát khao một tình yêu đích thật, và khát khao đó là sự thật ghi dấu suốt cuộc hành trình và phải dựa trên đó mà vượt qua những cản ngại để đạt đến viên mãn. Cần nhớ ba nguyên tắc rất quan trọng cho mục vụ mà Đức Giáo hoàng Phanxicô yêu cầu.

1. Tình yêu đích thật (cf. chương 4 AL 89-164) là sợi chỉ đỏ dẫn dắt mọi cuộc Đồng hành. Tình yêu biết “kiên nhẫn, nhân hậu,…, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (cf. 1Cr 13,4-7).

2. Hành trình này gắn liền với khát vọng đặc biệt của con tim đầy tình cảm. Khát vọng của con tim ấy cần được giáo dục khởi đi từ ánh sáng của tình yêu thật. Tiến trình này là quá trình huấn luyện để trưởng thành tình cảm, rất quan trọng cho chọn lựa tự do bậc song.

3. Đồng hành gắn liền với đời sống bí tích, nguồn ân sủng hoạt động bởi Đức Giêsu Kitô. Bí tích Rửa tội khởi đầu biểu lộ một chi thể ‘thuộc về’ Thân Mình Chúa Kitô yêu cầu được đồng hành; hiệp thông trong bí tích Thánh Thể kết thúc mọi hành động và biểu lộ sự viên mãn thuộc vể Hội Thánh. Hoán cải đời sống nhằm thoát khỏi hoàn cảnh tội tình khốn khổ là kết quả mong muốn của mục vụ Đồng hành.

Đức Giêsu đã bắt đầu đồng hành với chị phụ nữ Samaria bằng việc nhắc đến “tánh bản thiện” vốn khát mong một tình yêu đích thật Thiên Chúa đã gieo mầm trong tâm hồn mọi người nam và nữ. Từ chỗ khơi dậy lòng khát khao này, Đức Giêsu đã dẫn chị đi đến chỗ nhận ra sự dữ của những điều chị đã làm và của hoàn cảnh lầm lạc của chị, từ đó mở ra cho chị con đường giải thoát, con đường hoán cải. Trong tình cảnh hiện tại của chị, quả thật, không có những nhân tố thiện hảo dẫn lối đến với Tin mừng, vẫn còn những cản trở lớn ngăn chặn chị đạt đến cuộc sống viên mãn. “Nhận thức về tội được thức tỉnh trước tình yêu nhưng không của Đức Giêsu” (AL 64).

Câu hỏi để giúp suy tư và thảo luận

1. Anh chị hãy thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa với hai môn đệ trên đường về Emmau, và rút ra ý nghĩa chủ chốt của việc Đồng hành.

2. Anh chị có nhận thấy các nguyên tắc mục vụ Đồng hành trong câu chuyện Chúa Giêsu gặp gỡ chị phụ nữ Samaria thể hiện như thế nào không, để từ đó cộng đoàn Hội thánh là hình ảnh bí tích của Chúa tiếp tục đồng hành với các cá nhân hay gia đình trong hoàn cảnh khó khăn ?

3. Anh chị có nghe chăng tiếng kêu của những con người, giống như của anh mù ở Giêrikô (Lc 18,35-42), bị thương tích trong các gia đình quanh mình “Lạy Chúa, xin thương xót tôi!” và đáp lại như thế nào?

Ủy ban Mục vụ Gia Đình
(WHĐ 01.12.2018)

[1] Gioan-Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor, 19.

Exit mobile version