Chúa Giêsu chạnh lòng thương chữa lành và tha thứ

Ba bài đọc Lời Chúa hôm nay nói về một chủ đề: quan niệm về sự thanh sạch và ô uế, sâu xa hơn, tình trạng thánh thiện và tội lỗi. Bài trích sách Lêvi cho thấy bệnh phong hủi làm cho người ta ra ô uế. Họ đau đớn trong thân xác, tâm hồn lại càng đớn đau hơn vì bệnh nhân phong hủi bị coi là chịu hình phạt do tội lỗi gây nên, họ bị cộng đồng xa lánh. Trong đoạn thư 1 Cr 10, 31… này, Thánh Phaolô chỉ cho thấy làm thế nào sự tự do của người giáo hữu vượt lên trên vấn nạn thanh sạch và ô uế về những luật lệ cấm đoán đồ ăn thức uống. Đặc biệt bài Tin Mừng cho chúng ta thấy được tấm lòng yêu thương của Đức Giêsu đối với một người bệnh phong cùi. Ngài chạnh lòng thương và chữa lành anh ta. Đức Giêsu còn hành động hơn thế đối với các tội nhân, vì bệnh phong hủi linh hồn chính là tội lỗi. Ngài tha thứ và chữa lành chúng ta khỏi tội lỗi.

1. Chúa Giêsu chạnh lòng thương

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người phong hủi, bày tỏ trái tim yêu thương nhân ái của Ngài chữa lành người bệnh, giải thoát mọi người khỏi đau khổ, tội lỗi.

“Có người bị phong hủi đến gặp gỡ Đức Giêsu”, Đức Giêsu là chính Thiên Chúa đến gặp gỡ con người. Nhưng con người, cũng phải đến gặp gỡ Thiên Chúa để được cứu chữa. “Nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho con được sạch”.

Chúa giêsu chữa lành người bệnh phong hủi

Và đây Chúa Giêsu “đầy lòng thương xót”: Bị người phong cùi làm cho chạnh lòng, đến lượt Người lại chạnh lòng chữa lành anh ta. Trước một con người bị xem là ô uế và bị khai trừ khỏi cộng đồng, không ai dám đến gần, Chúa Giêsu đã “động lòng thương”. Đây là một diễn ngữ Tân Ước được dùng để diễn tả sự đồng cảm sâu sắc dâng lên tận đáy lòng trước một con người đáng thương. Nhiều lần Chúa Giêsu để lộ nỗi chạnh lòng đối với những người đau khổ, bệnh tật. Hôm nay, Ngài cúi xuống người bệnh đang quỳ mọp cầu xin… Một vị Thiên Chúa từ trời cao đang cúi xuống, cúi xuống thật gần nhân loại khổ đau, đáng thương, tội lỗi. Mầu nhiệm Nhập Thể của Thiên Chúa thật là “hiện thực”, hạ mình đón nhận tất cả nỗi nhân sinh của kiếp người. Điều quan trọng nhất là mỗi người chúng ta phải để cho đôi bàn tay yêu thương của Thiên Chúa ôm chặt mình vào sát trái tim của Ngài. Ở đây, thái độ khiêm tốn phủ phục của người phong hủi biểu lộ lòng tin của anh nơi Đức Giêsu. Đúng vậy, có những tình huống mà cách cầu cứu duy nhất là “kêu xin” Thiên Chúa, Đấng làm chủ tất cả, ngay cả những gì con người không thể thực hiện được. “Đức Giêsu giơ tay đụng vào anh ta… Người bảo: Tôi muốn anh được khỏi bệnh”. Chúa Giêsu đã chữa lành người bệnh phong hủi. Ngài không chỉ đem lại cho anh ta sức khỏe thể xác mà còn cả phẩm giá về xã hội và tôn giáo nữa. Ngài đã thực sự chữa anh ta khỏi sự trói buộc của Luật Do Thái: người phong hủi bị cách ly khỏi đời sống xã hội và tôn giáo. Chúa Giêsu vượt qua Lề luật, Ngài giơ tay chạm đến người phong hủi. Chúa Giêsu biết và Ngài sẽ nói trắng ra rằng điều làm cho con người ra ô uế không đến từ bên ngoài, nhưng từ những tư tưởng gian tà ở trong lòng của con người. Đó mới thật sự làm cho con người ra ô uế, đó là tội lỗi. Vào thời Chúa Giêsu, bệnh phong hủi vẫn còn là một thứ bệnh không thể chữa trị được. Việc chữa lành người phong hủi là một thứ kỳ công giống như việc phục sinh một người chết. Đó là một trong những “dấu chỉ” của thời Thiên sai.

2. Tội lỗi: bệnh phong hủi của tâm hồn

Chúa Giêsu cư xử với người phong hủi đáng thương như thế nào, thì Ngài cũng cư xử với những tội nhân khác như vậy. Ngài đi đến gặp gỡ họ. Nhiều người “khó chịu” khi thấy Chúa Giêsu tiếp xúc, đồng bàn với những người thu thuế, gái điếm và những kẻ tội lỗi. Như vậy, Chúa Giêsu muốn bảo đảm với chúng ta: Ngài không ghê tởm tội lỗi của chúng ta, Ngài không muốn khu trừ chúng ta, Ngài muốn gặp gỡ chúng ta là những tội nhân để chữa lành, vì Ngài đầy lòng thương xót. Hôm nay, Chúa nhật cuối năm Giáp Ngọ, chúng ta cần xét mình.

Chúa Giêsu an ủi những kẻ cô độc và bệnh tật

Chúng ta có nhìn thấy bệnh phong hủi nội tại và tâm linh của chính mình, nó đã làm đen tối linh hồn chúng ta, nó giam giữ chúng ta trong tính ích kỷ và kiêu ngạo, nó làm chúng ta xa cách kẻ khác và mất đi sự thân tình với Thiên Chúa? Chúng ta hãy nhìn thẳng vào tình trạng linh hồn một cách khiêm tốn, thấy cho được sự ô uế, sa đọa của tội lỗi, nhưng không vì thế mà bi quan tự kết án mình. Nhưng hãy đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu, và van xin Ngài: “Lạy Chúa, xin thanh tẩy con, xin chữa lành con. Xin cứu con khỏi những cái lưới giăng xung quanh con để giữ con lại. Xin ban lại cho con sự thánh thiện trong sáng nguyên thủy của con cái Thiên Chúa. Chớ gì bệnh tật của con được dùng làm sáng danh Chúa”. Chúng ta hãy dám kêu lên tiếng kêu đó, để được cứu, trong năm mới Ất Mùi hứa hẹn này.

Lm. Micae Hy Lê Ngọc Bửu, ISPCJ. Huế

Exit mobile version