CHÚA NHẬT I MỦA CHAY – NĂM C
Bài đọc 1: Đnl 26,4-10; Bài đọc 2: Rm 10,8-13; Phúc Âm: Lc 4,1-13
Bị cám dỗ là thân phận của con người. Ai cũng đã một lần hay nhiều lần bị cám dỗ trong cuộc đời. Chúa Giêsu cũng đã bị cám dỗ. Người muốn chia sẻ kiếp sống con người, muốn nên đồng số phận với con người. Và Người đã chiến thắng tất cả các cơn cám dỗ để cho con người noi gương bắt chước.
Trong Tin Mừng của thánh Luca hôm nay, chúng ta thấy Ðức Giêsu bị ma quỷ cám dỗ về cả ba nhu cầu cốt yếu, căn bản của con người.
Cám dỗ thứ nhất là cái đói. Dân Do Thái xưa trong sa mạc đã bị thử thách nặng nề về cơn đói, họ đã phàn nàn, than trách. Thiên Chúa đã ban Manna và chim Cút để nuôi sống họ. Cơn đói, cơn khát vẫn là những cám dỗ hằng ngày trong đời sống của nhân loại, của mỗi người chúng ta. Hầu như con người hằng ngày luôn lao vào việc kiếm miếng cơm, manh áo, kiếm của ăn của để, đến nỗi nhiều người quên còn có lương thực quan trọng hơn, căn bản, cốt thiết hơn, đó là Bánh trường sinh, lương thực nuôi sống con người. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” ( Lc 4,4). Bánh ăn hằng ngày là nhu cầu thiết yếu, nhưng đó mới chỉ là mức độ sơ đẳng, điều cần hơn là Lời của Chúa và Nước Thiên Chúa mà chúng ta phải đặt ưu tiên số một cho cuộc đời.
Cám dỗ thứ hai là tôn thờ ngẫu tượng. Dân Do Thái xưa bị cám dỗ thờ ngẫu tượng, bò vàng. Ðó là cám dỗ đầy tham vọng của địa vị, quyền lực thế gian. Người Do Thái luôn muốn Ðấng Cứu Thế phải là người đánh Ðông dẹp Bắc, giải phóng dân tộc họ khỏi ách nô lệ của người La Mã. Họ suy nghĩ theo kiểu trần gian, Ðức Giêsu đã nhất mực khước từ. Người muốn trở nên tôi tớ của Thiên Chúa (Ga 13,1-20 ). Con người sống ở trần gian này luôn muốn thống trị, áp đặt ý muốn của mình trên kẻ khác. Ðây là cơn cám dỗ mạnh mẽ về quyền lực, địa vị, của cải, tài trí, danh vọng, sắc đẹp. Chúa Giêsu nhắc nhở mọi người, mọi Kitô hữu muôn thời, muôn thuở: “Ngươi phải bái lạy Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người” ( Lc 4, 8).
Cám dỗ thứ ba là cám dỗ đòi chứng minh, đòi những dấu lạ, điềm thiêng, nghĩa là đòi Chúa làm phép lạ. Ðây là cơn cám dỗ tự cất nhắc mình, tự kiêu, tự mãn để làm những phép lạ ngoạn mục để chứng tỏ ta đây có uy, có quyền, có địa vị… Ðây cũng là cơn cám dỗ ngặt nghèo nhất, nặng nề nhất, cám dỗ muốn loại trừ cái chết: “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin tha cho con khỏi uống chén này”.
Chúa Giêsu đã không tự dùng quyền năng của mình để chấp nhận chiều theo những cám dỗ mà Satan đã bày ra để kéo Người vào vinh quang mau qua, chóng tàn ở thế gian này. Người đã vượt thắng mọi cám dỗ, mọi thử thách và quyết tâm, can đảm, quảng đại thuận theo thánh ý Thiên Chúa Cha, và để Thánh Thần hướng dẫn.
Ðức Giêsu đã chiến thắng tất cả mọi cám dỗ, Người vượt thắng cả cái chết, để rồi trên Thập giá Người được tôn vinh vì đã chiến thắng tử thần. Người Kitô hữu, qua Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức, đã thuộc về Chúa, nhưng họ dễ dàng sa ngã do hậu quả của tội nguyên tổ, tội riêng mình. Con người dễ hành động theo bản tính tự nhiên, thích chạy theo những ham hố, những đam mê trần tục: của ăn, tiền tài, địa vị, danh vọng, sắc đẹp và nhiều bả phù hoa khác, mà quên đi sự dẫn dắt và sự soi sáng, thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.
Mùa Chay lại về, đây là cơ hội thuận tiện, là dịp tốt để mỗi Kitô hữu đổi mới đời sống, hoán cải, canh tân, lắng nghe lời Chúa mời gọi và tuân theo, phục vụ theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Năm nay cũng là năm Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi chúng ta đồng hành với các gia đình gặp khó khăn. Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình đang gặp thách đố luôn ý thức gia đình do Chúa thiết lập, luôn phải giữ sự trong sáng và bản chất của gia đình, đồng thời luôn nhìn vào mẫu gương của gia đình Nazarét để sống đạo đức, thánh thiện hầu góp tay vào công cuộc cứu độ nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, xin sai Thánh Thần đến biến đổi chúng con, để chúng con can đảm, quảng đại bước theo con đường của Chúa.
LM Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT