Chúa dựng nên ma quỷ hồi nào?

Trước khi đi thẳng vào các câu hỏi vừa nêu, thiết tưởng chúng ta nên lưu ý về từ ngữ và hình thù của ma quỷ. Chúng ta mang trong đầu nhiều bức tranh vẽ ma quỷ như là một con thú đen đủi, có cánh có đuôi, thè cái lưỡi đỏ lòm, thấy mà tởm! Nhưng mà trong tiếng Việt, có lẽ ma quỷ không có xấu xí dữ dằn như vậy đâu. Nếu tôi không lầm “ma” chỉ có nghĩa là hồn của người chết (cái thây ma). Từ đó chúng ta đi đưa đám ma. Còn tiếng “quỷ” có lẽ chỉ muốn nói tới tính cách nhanh nhảu, ranh mãnh; nó có ý nghĩa xấu khi đi kèm với “quyệt” (quỷ quyệt). Dù sao, có lẽ cổ nhân không sợ hãi ma quỷ cho lắm. Chúng nó chỉ nghịch ngợm phá phách chơi, chứ không làm hại ai cả: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Đó là bàn về từ ngữ ở trong Việt ngữ, và tôi xin thú nhận là không được rành cho lắm. Bây giờ bước sang từ ngữ trong Kinh thánh. Trong tiếng Do thái của Cựu ước, Satan chỉ có nghĩa là người “tố cáo”, “đối thủ” (theo nghĩa chính trị hay quân sự). Khi dịch sang tiếng Hy-lạp, từ Satan được chuyển nghĩa là diabolos, có nghĩa là thù địch, người tố cáo, hay là người quyến rũ, phân ly. Chúng ta nên lưu ý là trong Kinh thánh, không phải lúc nào Satan cũng có nghĩa xấu. Như vừa mới nói, Satan chỉ có nghĩa là người tố cáo hay là đối phương. Trong những bản văn cổ điển của Cựu ước, Satan không phải là đối thủ của Thiên Chúa mà chỉ là đối thủ của loài người. Thậm chí, có thể nói được là hắn đóng vai trò công an mật vụ, đi dò xét công ăn việc làm của người thế để về bá cáo với Thiên Chúa như chúng ta đọc thấy trong sách của ông Gióp (chương 1, câu 6-12; chương 3 câu 17), hay là sách Dakaria (chương 3, câu 1-3).

Ma quỷ cũng mang tên là Luxipher nữa, phải không?

Chúng ta phải phân biệt: Luxipher là một tên có trong Kinh thánh, nhưng mà không phải ám chỉ ma quỷ. Trong tiếng La-tinh, Lucipher có nghĩa là “người mang ánh sáng”, và được dùng để dịch tiếng “Sao Mai” áp dụng cho vua Babylon, dựa theo sách Isaia (chương 14 câu 12). Về sau, các giáo phụ áp dụng cho tướng quỷ, khi giải thích sự sa ngã của nó, đó là vì thấy mình sáng láng (Lucifer: mang ánh sáng) cho nên đâm ra kiêu ngạo.

Bây giờ, xin cha đi thẳng vào câu hỏi: Chúa dựng nên Satan hồi nào vậy?

Xin lỗi chị, tôi chưa thể trả lời ngay được, bởi vì cần phải bổ túc thêm về vấn đề từ ngữ đã. Như đã nói, Satan tự nó chỉ có nghĩa là “đối thủ”. Trong những tác phẩm cổ điển của Cựu ước, Satan chỉ có nghĩa là đối thủ của con người. Vào những thế kỷ cuối của thời Cựu ước và bước sang Tân ước thì Satan ám chỉ đối thủ của Thiên Chúa, và như vậy mang nghĩa xấu. Hắn cám dỗ con người phạm tội, chống lại Thiên Chúa. Satan trở thành biểu tượng của Sự Dữ. Và Đức Kitô đã đến đương đầu với nó, đập tan những ảnh hưởng ác ôn của nó, đặc biệt là tội lỗi và sự chết. Nhờ Thập giá và Phục sinh, Đức Kitô đã giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết, nghĩa là đã đập tan thế lực của Satan. Như vậy, khi muốn tìm hiểu nguồn gốc của Satan, cần phải xác định: chúng ta hiểu Satan theo nghĩa nào? Hiểu theo nghĩa là đối thủ của con người, hay là theo nghĩa đối thủ của cả Thiên Chúa nữa?

Nếu chỉ hiểu Satan theo nghĩa là đối thủ của con người, thì nó được tạo dựng từ hồi nào?

Chúng ta nên biết rằng Kinh thánh không phải là một pho bách khoa từ điển, trong đó chúng ta có thể lục lọi tìm thấy tất cả các chi tiết liên can tới mọi sự trên trời dưới đất này. Có thể ví Kinh thánh như là một cuốn chuyện tình, mối tình giữa Thiên Chúa và nhân loại. Trọng tâm của Kinh thánh là mối tình đó; còn những chuyện khác thì không đếm xỉa tới. Vì thế, ai tò mò đi lật Kinh thánh để tra cứu xem Thiên Chúa dựng lên Hỏa tinh lúc nào, và có loài sinh vật nào trên đó hay không, thì họ sẽ tốn thời giờ uổng công.

Từ tiền đề đó, chúng ta phải thú nhận rằng không thể biết được Satan đã được tạo dựng vào lúc nào, cũng như chúng ta không biết được các thiên thần đã được tạo dựng vào lúc nào. Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng các tác giả Cựu ước có một quan niệm về Thiên Chúa hơi khác với chúng ta ngày nay. Thời xưa, bất cứ cái gì dù tốt dù xấu cũng là do Chúa làm hết: giặc giã, bệnh tật, dịch tễ, tất cả đều do Chúa gửi đến, để phạt con người. Vi thế không lạ gì mà kể cả Satan cũng do Chúa sai đến để mà thử thách dò xét con người, để xem chúng trung thành với Chúa đến đâu.

Còn nếu hiểu Satan theo nghĩa là đối thủ của chính Thiên Chúa, thì hắn được dựng nên vào lúc nào?

Câu hỏi này vừa dễ vừa khó trả lời. Nó dễ trả lời theo nghĩa là Thiên Chúa không thể nào dựng lên một đối thủ của mình được. Thiên Chúa là sự Thiện tuyệt đối. Thiên Chúa không thể nào dựng lên sự Ác được. Nếu mà Thiên Chúa tốt lành mà lại dựng nên sự Ác thì chẳng khác nào tự hủy diệt mình. Nhưng mà đến đây, chúng ta lại thấy câu trả lời trở nên khó khăn. Nếu Satan không do Chúa tạo dựng thì do ai dựng lên? Lịch sử thần học đã ghi nhận ba câu trả lời khác nhau.

1/ Câu trả lời thứ nhất của phái nhị nguyên. Nhị nguyên có nghĩa là hai nguyên ủy. Ngay từ muôn thuở, đã có hai nguyên ủy Thiện với Ác đối lập với nhau. Ta gọi Thiên Chúa là nguyên ủy của sự Thiện; còn Satan là nguyên ủy của Sự Ác. Hai nguyên ủy ấy là đầu mối của mọi sự Thiện và Ác ở trên đời này. Loài người chúng ta là nạn nhân của cuộc giao tranh giữa hai lực lượng đó, và như tục ngữ đã nói: “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Thuyết nhị nguyên bắt đầu từ Ba tư, và đã ảnh hưởng trên các thuyết Manikê thời các giáo phụ, thuyết Albigensê thời Trung cổ.

2/ Câu trả lời thứ hai thì chối phăng sự hiện hữu của Ma quỷ. Theo họ, ma quỷ chỉ là hình ảnh biểu tượng của sự dữ. Sự dữ không phải là một thực thể hiện hữu, nhưng nó nằm ở trong chính lòng dạ của con người. Chính con người phạm tội, và là đầu mối của mọi sự gian ác trên đời này: bóc lột, hận thù, chiến tranh, vv. Con người cần phải lãnh trách nhiệm của mình chứ không nên đổ tội cho ma quỷ, bởi chẳng có quỷ ma nào hết. Phải nhận rằng, thuyết này có phần đúng của nó, và các nhà chú giải Kinh thánh cũng gặp khó khăn khi đứng trước một vài đoạn Kinh thánh. Một thí dụ cụ thể là quyển sách ông Gióp. Ngày nay các nhà chú giải xếp nó vào loại sách Khôn ngoan, chứ không phải vào loại sách lịch sử. Nói khác đi, ông Gióp không phải là một nhân vật lịch sử, nhưng chỉ là một nhân vật điển hình suy tư về nguồn gốc của đau khổ trên đời này. Tác phẩm không thuộc thể văn lịch sử, vì vậy mà vai trò của Satan xuất hiện ở những chương đầu cuốn sách cũng chỉ là nhân vật văn chương mà thôi.

3/ Học thuyết thứ ba cho rằng Thiên Chúa không dựng nên ma quỷ. Thiên Chúa chỉ dựng nên các thiên thần tốt lành. Nhưng do sự sa ngã, các thiên thần đã trở thành ma quỷ. Đây là giáo huấn của Hội thánh, được định tín tại công đồng Lateranô IV (năm 1215), chống lại thuyết nhị nguyên của nhóm Albigensê. Công đồng không đi xa hơn. Thế nhưng, các nhà thần học cũng như nhân dân ưa tò mò, muốn biết thêm các thiên thần đã phạm tội gì vậy. Thời các giáo phụ, đã có người cho rằng họ phạm tội dâm dục, ra như đây là tội nàykhủng khiếp nhất trên đời này. Tuy nhiên, từ thế kỷ IV trở đi, các giáo phụ đều nhất trí rằng họ đã phạm tội kiêu ngạo. Nhưng mà kiêu ngạo như thế nào? Đến đây, các nhà thần học lại đưa ra nhiều ý kiến. Có người cho rằng Lucifer thấy mình sáng láng quá cho nên đâm ra kiêu ngạo, không chịu phục tùng Thiên Chúa, và đã lôi kéo một số đồng nghiệp theo mình. Trên đây, tôi đã nói với chị là tên Lucifer được dùng trong Cựu ước để ám chỉ vua Babylon, chứ chẳng phải là tướng quỷ nào hết. Một ý kiến nữa thì cho rằng khi Thiên Chúa ngỏ ý cho Ngôi Hai xuống thế làm người, thì một số thiên thần đã nổi lên phản đối, bởi vì như vậy họ phải phụng thờ một con người, thuộc hàng thấp kém hơn họ.

Thực ra, như chị có thể đoán được, tất cả đều là giả thuyết, chứ không dựa trên bằng cớ nào hết, và Giáo hội cũng chẳng tuyên bố gì về điều này. Thiết tưởng, có một điều đáng cho chúng ta phải suy nghĩ hơn, đó là: tại sao các thiên thần lại có thể sa ngã phạm tội được? Loài người chúng ta phạm tội là tại vì u mê dốt nát, không biết đâu là đường ngay nẻo chính, vì thế mà đâm ra làm bậy. Còn các thiên thần thông minh sáng suốt, đã biết rõ đâu là sự thực, đâu là hạnh phúc chân chính, thế mà còn phạm tội được thì qủa thực là lạ! Dù sao, đây là cả một mầu nhiệm của tự do, mà Thiên Chúa đã muốn tôn trọng. Ngài tôn trọng ý chí tự do của thiên thần, cũng như Ngài tôn trọng ý chí tự do của con người, kể cả tự do khước từ Đấng đã dựng nên mình.

Tóm lại, Thiên Chúa không dựng nên ma quỷ, nhưng Ngài chỉ dựng nên thiên thần, và vì tội lỗi, họ trở thành ma quỷ. Nhưng chúng ta không thể nào biết được Thiên Chúa đã dựng nên các thiên thần lúc nào. Mặt khác, chúng ta cũng đừng trút tất cả trách nhiệm cho ma quỷ; đừng đổ tội cho ma quỷ về những hành vi xấu xa mà chúng ta đã làm. Không phải trăm tội tại qủy đâu. Tội bắt nguồn ngay từ thâm tâm ích kỷ của chúng ta.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành

Exit mobile version