Dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để trình bày giáo lý của Ngài cho dân chúng được các nhà chú giải xếp thành hai loại: tỷ dụ và dụ ngôn. Loại tỷ dụ là thể văn mà toàn bộ những chi tiết đều mang ý nghĩa nòng cốt, còn các chi tiết phụ chỉ làm cho câu truyện thêm thú vị và khiến người đọc quan tâm chú ý đến ý chính mà thôi.
“Dụ ngôn” là một thể loại văn chương rất xác đáng mà người ta không thể đọc bằng bất cứ cách nào cũng được. Trong một dụ ngôn, khác với lối văn phúng dụ, mọi chi tiết cụ thể không chứa đựng bài học: Phải tìm kiếm cao điểm của câu chuyện, ý nghĩa trung tâm của nó. Những chi tiết còn lại chỉ để tạo ra sự mạch lạc trong câu chuyện, tô điểm cho câu chuyện thêm thú vị đôi khi với sự hóm hỉnh khiến người ta phải chú ý, quan tâm.
Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” nầy khép lại một loạt những dụ ngôn về Nước Trời trong giáo huấn của Đức Giê-su ở miền Ga-li-lê. Một lần nữa Đức Giê-su cố gắng làm cho hiểu rằng điều xảy ra trong Nước Trời không giống chút nào với cách hành xử của con người. Đức Giê-su có chủ ý chọn những ví dụ cực đoan để gây chú ý ngõ hầu truyền đạt một sứ điệp khó khăn. Các dụ ngôn rất thuận tiện cho việc sử dụng lối ngoa ngữ, nhưng luôn luôn được sắp xếp hướng theo chủ điểm của dụ ngôn, để rồi từ đó rút ra một bài học.
Câu truyện về những người thợ vào làm vườn nho của chủ là một dụ ngôn. Chủ đề chính của dụ ngôn là mối liên hệ của con người với Thiên Chúa trên bình diện ân sủng.
Trong lúc các Rabbi Do thái thường tính toán phần thưởng Thiên Chúa ban cho mọi việc lành, thì cách tính toán sòng phẳng theo công bình giao hoán này hoàn toàn bị dụ ngôn làm đảo lộn, vì nếu chúng ta tính với Chúa, Ngài sẽ tính với chúng ta, và chắc chắn số tội của chúng ta sẽ nhiều hơn công phúc và chúng ta sẽ là kẻ thiệt thòi.
Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để cảnh cáo người Do thái không nên so đo, phân bì với người tội lỗi hay người ngoại giáo được ơn Chúa trở lại và thừa hưởng Nước Trời, bởi vì Nước Trời là phần thưởng nhưng không do lòng quảng đại của Chúa, chứ không do lòng đạo đức hay công nghiệp của con người. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho những kẻ phàn nàn kêu trách nêu bật lòng quảng đại của Thiên Chúa: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao; cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn, tôi không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao?”.
Thiên Chúa đối xử tốt với mọi người, Ngài ban ơn cho mọi người chỉ vì lòng thương của Ngài mà thôi. Còn con người thì dễ bị cám dỗ, ghen tỵ, hẹp hòi, muốn giới hạn hành động yêu thương của Thiên Chúa.
Nếu tính ra giờ hôm nay ông chủ đi ra tìm thợ từ sáng sớm, rồi lúc 9 giờ sáng lúc giữa trưa, lúc 3 giờ và lúc 5 giờ chiều. Vì thế chúng ta phải đoán ra rằng đây không phải là một ông chủ bình thường: không ai lại đi thuê thợ làm vườn trước lúc nghỉ việc chỉ có một giờ! Đây là một “ông chủ” quan tâm sâu sắc đến bi kịch của những kẻ thất nghiệp ấy: “Tại sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?”. Câu chuyện mà Đức Giêsu kể lại nhắc chúng ta rằng vấn đề thất nghiệp trầm trọng, than ôi, không chỉ là vấn đề của ngày hôm nay. Và nếu chúng ta dừng lại ở phần đầu của dụ ngôn này không để cho các thiên biến của ý thức hệ chi phối, thì chúng ta thấy Đức Giêsu mô tả một người đã nhân từ một cách tuyệt vời rồi: năm lần trong một ngày, ông không mệt mỏi, lo lắng đem lại việc làm, đồng lương, nhân phẩm, cho những người nghèo bị rơi vào cảnh khốn cùng.
Nếu tác giả (Đức Giêsu) muốn cống hiến một bài học về công bình xã hội, thì hẳn là Người đã thất bại, bởi vì câu truyện không hề tôn trọng các luật lệ sơ đẳng nhất về sự bình đẳng. Thật ra tác giả không có ý giới thiệu mộtông chủ thông thường, ban thưởng theo những đóng góp đã bỏ ra, nhưng là một ông chủ đặc biệt, có lối xử sự vượt quá kiểu tương quan bình đẳng. Giống như nhân vật chính của bài dụ ngôn, Thiên Chúa xử sự như thế trong tương quan với loài người, và theo đường lối Ngài, Đức Kitô cũng xử sự như thế khi ban ơn cứu độ cho loài người.
Thiên Chúa gọi mọi người đi vào vườn nho của Ngài, vào các thời điểm khác nhau. Những người Do Thái được gọi trước, nhưng rồi mọi người đều được chiếu cố, dù có lúc đã tưởng mình bị bỏ quên (“Vì không ai mướn chúng tôi”, c. 7). Dụ ngôn không nhấn mạnh đến sự quý chuộng riêng ông chủ tỏ ra với mộtai, nhưng nhấn trên những quyền bình đẳng mà mọi người đều có trước lời mời và trước phần lương được ban. Nếu trước đây ông chủ đã hoặc có thể tỏ ra thiên vị, thì từ nay không còn như thế nữa.
Những người thợ được thuê từ sáng sớm bị quở trách vì thiếu tấm lòng nhân ái: “Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghét tức?”. Không loại trừ rằng dụ ngôn có một hậu cảnh bút chiến nhắm đến nhóm Biệt Phái. Những người nầy tự hào tự phụ là mình được gọi làm vườn nho cho Thiên Chúa trước tiên. Họ đã vất vã nhiều trong việc tuân giữ Lề Luật một cách nghiêm nhặt đến từng chấm từng phết nên khỉnh bỉ những kẻ thu thuế và phường tội lỗi, những người mà Đức Giê-su quan tâm đặc biệt.
Nhân loại tự tách mình ra thành hai loại khác biệt tùy theo quan niệm mà người ta có về công bình. Đối với những người nầy, công bình là một thế cân bằng, một sự thỏa hiệp. Còn những người khác, nó như một sự thăng hoa, một sự đăng quang vinh hiển của lòng nhân ái.
Chúng ta không được so đo về các ân huệ của Thiên Chúa và than trách Ngài vì tưởng rằng chúng ta được nhận ít. Chúng ta phải chu toàn nhiệm vụ và đón nhận với lòng biết ơn những gì Ngài ban cho chúng ta. Chúng ta phải tôn trọng tự do và lòng nhân lành của Ngài, và vui mừng khi thấy bất cứ dấu chỉ nào cho thấy lòng nhân lành của Ngài, cho dù không liên hệ đến chúng ta mà liên hệ đến người thân cận.
Ông chủ không ban phát đồng quan cách ngẫu hứng, cho ai nhiều ai ít tùy hứng. Ông ban cho mọi người điều họ cần, và ông ban phát rộng rãi tùy theo nhu cầu của người ta. Ông không gây thiệt hại cho ai cả, nhưng lòng tốt thúc bách ông ban tặng điều cần thiết để sống, cho cả người không được may mắn. Bài học của dụ ngôn vẫn tiếp diễn trong lòng cộng đoàn các môn đệ Đức Kitô, trong đó vẫn vang lên lời kêu gọi sống khiêm nhường, sống tế nhị, quảng đại, như Đức Giêsu đã nhiều lần ngỏ với các môn đệ Người (x. 18,1tt; 20,22).
Quả thế, thường thì câu kết luận của dụ ngôn là chìa khóa để hiểu dụ ngôn. Chữ “ghen tương”, nếu dịch cho sát sẽ là: “mắt ác cảm”, “mắt dữ tợn”, một thành ngữ cổ xưa của Kinh Thánh thường xuất hiện trong Châm ngôn và Huấn ca, để diễn tả, như ở đây, cơn tức giận và ghen tương của cả con người. Nếu đặt thành ngữ “mắt dữ tợn” vào lại trong nguyên bản, thì sự tương phản giữa các hạn từ mới nổi bật, và bài học của dụ ngôn trở nên rõ ràng hơn: “Hay mắt bạn dữ lợn vì tôi tốt lành?”. Cách cư xử của gia chủ chẳng phải là hậu quả của một tính khí chướng kỳ, một bất công hữu ý, nhưng chỉ là kết quả của tâm địa tốt lành nơi ông: chính đó mới quan trọng. ông không muốn gây thiệt hại cho người này, ông chỉ muốn làm điều thiện cho người kia.
Trước giọng phàn nàn ấy, gia chủ đã đưa ra câu trả lời duy nhất thích hợp: “Này bạn, tôi đâu xử bất công với bạn, bạn đã chẳng thuận giá một quan với tôi sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi. Còn việc cho người cuối hết này bằng bạn, tôi muốn thế. Há tôi lại không được phép làm như tôi muốn về của cải tôi sao?”. Tất cả ý nghĩa của dụ ngôn đều nằm nơi câu nói ấy của ông chủ vườn nho. Thế mà trong đó chẳng có vấn đề ngôi thứ, mà chỉ là sự bình đẳng trong đồng lương. Các chữ dứt khoát thật rõ ràng: “Này bạn, tôi đâu xử bất công với bạn…Việc cho người cuối hết này bằng bạn, tôi muốn thế… Há tôi lại không được phép…. sao?”
Những người thợ được thuê làm vườn nho vào những giờ khác nhau, đó là hình ảnh những người được mời vào Giáo hội qua Bí Tích Rửa Tội vào những tuổi đời khác nhau. Sống trong Giáo hội, mọi người đều là con cái của Chúa, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Ai cũng được Thiên Chúa yêu thương. Đã là yêu thương thì không còn đứng trong ranh giới công bình.Thiên Chúa thưởng công cho ai là tùy lòng tốt của Ngài. Cùng nhau làm việc Tông Đồ Truyền Giáo là bổn phận mỗi người Kitô hữu. Phần thưởng là do lòng tốt Chúa ban. Như thế chúng ta sẽ xây dựng được Nước Trời giữa trần gian.
Huệ Minh