Chúa Ba Ngôi

DHY Thuan - Chúa Ba Ngôi
Mt 28, 16-20; Đnl 4, 32-34.39-40; Rm 8, 14-17

Ở Roma, có rất nhiều Hang Toại Đạo (Catacombe). Đó là những nghĩa trang đầu tiên của người tín hữu, nhưng cũng là nơi họ hội họp cầu nguyện trong ba thế kỷ đầu tiên bị Đế Quốc Roma bách hại. Trong số đó có một hang rất nổi tiếng mang tên Đức Giáo Hoàng Calisto. Hầu như khách hành hương nào muốn viếng thăm hang toại đạo cũng đều được dẫn đến đấy tham quan. Hang này nằm sâu trong lòng đất ở ngoài thành Roma. Bên dưới của hang này có một vòm rất rộng, trong đó một bàn thờ đá được dựng lên để dâng lễ và bên cạnh có tượng Bà Thánh Cêcilia. Chuyện kể lại rằng: bà Cêcilia bị giết chết vì đạo khi còn rất trẻ. Lý hình cắt cổ bà để lại một khía lớn ở cổ. Bà chết trong tư thế nằm nghiêng. Nhưng trước khi tắt thở, để bày tỏ đức tin của mình, bà đã giơ hai bàn tay ra: một bàn tay chỉ đưa ra một ngón và tay kia ba ngón. Nghệ sĩ nổi tiếng Maderna đã tạc tượng bà với đầy đủ chi tiết này để diễn tả cho thấy đức tin kiên vững của Thánh Nữ Cêcilia vào Thiên Chúa. Đó là đức tin Một Chúa-Ba Ngôi.

Một Chúa Ba Ngôi nghĩa là gì? Có phải do con người bày đặt ra không? Nếu do một người bày đặt ra thì chúng ta không tin. Nhưng đây lại là điều chính Chúa Giêsu đã mạc khải. Và điều gì đã mạc khải thì con người không thể thấu hiểu một cách tường tận, nhưng phải chấp nhận bằng đức tin. Mặc dầu thế, chúng ta cũng có thể dựa vào mấy điểm sau đây để khám phá mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi:

– Chúa dạy cầu nguyện: Lạy Cha chúng con ở trên trời. Nghĩa là tất cả chúng ta chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Như vậy, chúng ta biết có Ngôi Cha.

– Khi sắp về trời và thấy các Tông Đồ lo lắng, Chúa bảo các ông: Thầy sẽ sai Chúa Thánh Thần xuống để dạy dỗ và an ủi chúng con. Như vậy, chúng ta biết có Ngôi Thánh Thần.


Thiên Chúa là Một nhưng lại là Ba Ngôi. Vậy đâu là những công việc của mỗi Ngôi? Ngôi Cha đã tạo dựng nên chúng ta, yêu thương chúng ta, muốn nhận chúng ta làm con cái và sẵn sàng tha thứ nếu chúng ta thống hối. Chúng ta thấy rằng, không có một tôn giáo nào dám gọi “Thượng Đế” là Cha. Họ luôn sợ hãi trước tượng thần của họ. Còn chúng ta đã được chính Chúa Giêsu dạy cho biết chúng ta có một người Cha ngự ở trên trời. Ngài yêu thương chúng ta và cho phép chúng ta được gọi Ngài là Cha, nên chúng ta dám xưng mình là con cái của Ngài mà không phải sợ sệt vì xúc phạm gì cả.


Ngôi Con đã đến trong thế gian để cứu chuộc thế gian. Đem con người về sống lại trong tình nghĩa cha con với Thiên Chúa, và Ngài tiếp tục ở với con người cho đến tận thế.


Ngôi Ba là Đấng An Ủi, đến thế gian như lời Chúa Giêsu hứa để canh tân mọi sự.

Chúa Ba Ngôi có một ảnh hưởng rất lớn trên đời sống chúng ta. Từ khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta được gia nhập vào Hội Thánh, nhân danh Chúa Ba Ngôi, và trở nên đền thờ Chúa ngự. Rồi với các Bí Tích khác, chúng ta cũng lãnh nhận nhân danh Chúa Ba Ngôi. Cuối cùng đến khi lìa trần, chúng ta còn được đọc những lời nguyện này: xin cho linh hồn này được về bên Chúa, vì trước đây người này đã được ghi dấu Thánh Giá nhân danh Chúa Ba Ngôi.

Như thế, chúng ta phải sống mầu nhiệm này thế nào?


Chúa Ba Ngôi phải là cùng đích, lý tưởng của cuộc đời chúng ta. Thử hỏi mỗi lần chúng ta đưa tay làm dấu Thánh Giá, chúng ta có ý thức về Chúa Ba Ngôi, hay chỉ làm một cách máy móc, theo thói quen? Hãy tập cho mình biết làm dấu Thánh Giá một cách ý thức trong tâm tình ngợi khen, chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa Chúa Ba Ngôi, và cầu xin Chúa Ba Ngôi thánh hóa cuộc đời của mình. Ba Ngôi đã đến trong thế gian như lời Chúa Giêsu đã phán: chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy. Điều này có nghĩa Thiên Chúa Ba Ngôi không những đến trong thế gian, nhưng còn ở lại trong tâm hồn của những ai biết yêu kính các Ngài.

Khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được mời phát biểu tại một đại hội ở Đức (Ngài đứng đầu Bộ Đức Tin và là nhà thần học nổi tiếng), Ngài nói: “Ở đây, tôi nhận thấy một xã hội nói nhiều mà làm ít, còn ở bên kia có một xã hội yên lặng, âm thầm mà làm nhiều. Anh chị em thân mến của tôi, hãy sống yên lặng mà làm nhiều. Hãy ra đi mà rao giảng, giảng về Chúa Ba Ngôi“.


Cũng vậy, chúng con cũng hãy ra đi như lời Chúa dạy trong bài Phúc Âm hôm nay, để làm chứng về một Thiên Chúa Ba Ngôi luôn yêu thương, tha thứ và sẵn sàng ban ơn. Amen.

ĐHY F.X Nguyễn Văn Thuận

Exit mobile version