Chú rể trong tiệc cưới Cana có thể là một trong mười hai Tông

Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã dự tiệc cưới Cana và biến nước thành rượu ngon. Chúng ta biết rằng Mẹ của Người và các anh em họ cũng tham dự tiệc cưới đó. Tin Mừng Gioan không cho biết ai là người làm đám cưới, nhưng việc Mẹ Con Chúa Giêsu đều tham dự đám cưới cho thấy đó ắt là một người bà con gần.

chu re trong tiec cuoi cana co the la mot trong muoi hai tong 600x300 - Chú rể trong tiệc cưới Cana có thể là một trong mười hai Tông
Chú rể trong tiệc cưới Cana có thể là một trong mười hai Tông

Theo một học giả Hy Lạp của Giáo Hội, Nicephorus Callistus, chú rể trong đám cưới Cana chính là Thánh Giuđa Tađêô Tông Đồ. Tác phẩm của Callistus dựa trên một tài liệu cổ mà ngày nay đã thất lạc, và là tuyên bố duy nhất trong lịch sử về vấn đề này. Như vậy, chúng ta vẫn “chẳng chắc lắm”, nhưng cũng có nhiều điều thú vị để nghĩ.

Thánh Kinh cho biết Giuđa Tađêô là một “người anh em” của Chúa (Mt 13,55) và là một trong nhóm Mười Hai. Quyển áp cuối trong Kinh Thánh là thư của Thánh Giuđa Tông Đồ. Ngài là người được nhắc đến đích danh trong đoạn Tin Mừng Gioan: “Ông Giuđa, không phải Giuđa Ítcariốt, nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14,22-23).

Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Giuđa Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng ở miền Giuđêa. Khoảng năm 37, ngài hiện diện ở Irắc để củng cố một Giáo đoàn Mesopotamia mà Thánh Tôma đã thành lập trước đó. Thánh Giuđa cũng đã giúp thành công Giáo Hội Armenia, và giảng Phúc Âm ở Libya, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư (Iran ngày nay). Sau đó, Thánh Simon Tông Đồ nhập đoàn với Thánh Giuđa ở Irắc, đi cùng nhau trên hành trình rao giảng và cuối cùng cùng tử đạo ở Libăng khoảng năm 65. Hài cốt của các ngài đã được cải táng về Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Vatican.

Thánh Giuđa nổi tiếng là một vị bảo trợ cho những vụ nan giải. Truyền thuyết cho rằng, thời trung cổ, người ta kiêng kỵ gọi tên “Giuđa” vì trùng với tên của Giuđa Ítcariốt, kẻ phản bội. Về sau, một số người tuyệt vọng quá đã bắt đầu kêu cầu Thánh Giuđa Tađêô Tông Đồ, và Thánh Giuđa vốn giữ rất nhiều ơn do lâu ngày không ai kêu cầu, đã phù hộ người cầu xin vượt qua mọi khó khăn.

Thánh Giuđa có lẽ là một với một người tên là Giuđa Edessa, cũng gọi là Addai, trong thuyền thống Kitô Giáo Trung Đông. Giuđa Edessa là một người trụ cột trong Giáo Hội Irắc cổ. Thánh Addai, hay Giuđa Edessa có vai trò quan trọng nổi bật trong Giáo Hội Công Giáo Canđê và Giáo Hội Chính Thống Assyria Phương Đông. Nghi thức Thánh lễ cổ truyền do chính Thánh Addai thiết lập vẫn còn được sử dụng đến nay ở vùng Canđê.

Thánh Giuđa, Đấng bảo trợ những vụ khó khăn, xin cầu cho chúng con.

Theo Aleteia
Gioakim Nguyễn chuyển dịch

Exit mobile version