Trang Tin Mừng hôm nay chia làm hai phần rõ rệt, phần đầu chỉ gồm hai câu vắn gọn, Thánh sử Matthêu nêu bật nội dung tiên báo về cuộc thương khó lần thứ hai của Chúa Giêsu, phần cuối gồm bốn câu Chúa Giêsu hé mở một chút về danh phận thiên tính của Ngài qua việc nộp sưu thuế cho đền thờ theo luật Do Thái.
Đề tài chung trong hai phân đoạn của trình thuật Tin Mừng hôm nay đều diễn tả đặc nét của Tự Do. Thật vậy, trong phân đoạn thứ nhất, Đức Giêsu sẵn sàng đón nhận những khổ ải sắp xảy đến và chủ động cho các môn đệ biết. Còn trong phân đoạn kế tiếp, xem ra Đức Giêsu không dám sử dụng quyền tự do của con cái, nhưng thực ra, Ngài ý thức rất rõ điều Ngài làm: sử dụng tự do trong tình liên đới với tha nhân và trong trách nhiệm đối với công ích.
Có lẽ cũng cần lưu ý vài chi tiết nhỏ nữa liên quan đến tự do. Trước hết, là cách mà các môn đệ đón nhận lời báo thương khó của Chúa Giêsu, họ buồn phiền lắm. Chắc chắn, tâm trạng buồn phiền này báo hiệu sự thiếu vắng tự do nơi các ông. Tiếp nữa, là cách sử dụng tự do: không phải chuyện nọ công kia mà người này được ưu tiên hơn ; và nếu ủng hộ cho quan niệm rằng tự do là muốn làm gì thì làm, lại càng nguy hiểm hơn.
Ta vẫn thấy bình thường trong đời sống xã hội, ai cũng thích nghe và thích loan báo tin vui, tin thành công, tin chiến thắng, cho những người thân tín của mình. Nhưng với Chúa Giêsu thì đoạn Tin Mừng Mt 17, 22-23 này lại đi ngược cái lẽ thường tình ấy.
Ở đây, ta thấy một lần nữa Ngài lại loan báo về cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Ngài cho các môn đệ, khi họ sum họp. Ngài tiên báo thời điểm đã gần kề “ Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Đối tượng là người đời, là người thuộc ve trần gian, về thế giới của bóng đêm, tội lỗi và sự dữ. Người đời sẽ làm gìNgài? “ Họ sẽ giết chết Người”. Đấy là cách con người đối xử với một người mà họ thọ ơn. Người đến chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỉ, cho người chết sống lại… nhưng họ lại biết ơn bằng cách “ giết chết”. Đọc đến đây chúng ta không thể hiểu mầu nhiệm của Tình Yêu Thiên Chúa. Một Tình Yêu vượt trên mọi hiểu biết, một Tình Yêu có kích thước dài, rộng, cao, sâu (Ep 3,18-19) “ ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy”.
Đây chính là tiền Tin Mừng Phục Sinh, qua đây Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng Phục Sinh ngay khi Ngài vẫn sống trong kiếp con người. Chúng ta thấy thái độ các môn đệ rất buồn phiền khi nghe hung tin này. Đó là lẽ thường tình, không ai muốn thua thiệt, thất bại hay chết chóc. Nhưng Con Thiên Chúa đã chọn Thập giá làm đường dẫn tới vinh quang.
Ca-phac-na-um là một thành miền Ga-li-lê. Khi Đức Giêsu và các môn đệ đến thành này thìgặp những người thu thuế cho đền thờ. Đây là thuế hàng năm mà mỗi người Do thái đến tuổi, phải đóng thuế cho việc chi tiêu trong Đền thờ. Mỗi người sẽ phải nộp hai quan. Lúc này, Chúa Giêsu là người có danh tiếng và uy thế trong vùng, nên người Do Thái quan tâm và để ý xem Ngài có nộp thuế cho đền thờ không ? có chống lại những qui tắc của đền thờ không ?.
Người ta hỏi ông Phêrô “Thầy các ông không nộp thuế sao? (c .24). Ông Phêrô đáp ngay: Có chứ. Điều này Phêrô khẳng định và xác định mạnh mẽ về danh phận con người của Đức Giêsu. Ngài là người Do Thái, tuân giữ luật Môsê và nộp thuế đó là chuyện đương nhiên. Phêrô cho rằng ý nghĩ của mình đúng, nên ông trả lời chắc chắn như vậy. Ông không hỏi Chúa Giêsu xem ý Ngài thế nào và ông cũng không trả lời với những người đã hỏi ông : vì sao họ không hỏi trực tiếp Chúa Giêsu. Ông tin vào trực giác, vào cảm nhận của mình về Thầy mình.
Đó là một con người sống trong đất nước Do Thái, sinh trưởng trong phong tục, văn hoá và mang trong mình dòng máu Do Thái, thìắt hẳn chuyện nộp thuế là chắc chắn rồi. Nhưng khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi đón ông. Ngài cất lời gợi mở cho ông về thiên tính của Ngài “Anh nghĩ sao ? Vua chúa trần gian bắt ai nộp thuế ? Con cái hay người ngoài ?. Một câu hỏi chỉ là để xác định cho rõ. Một câu hỏi mà ta thấy ai có trí khôn cũng có thể trả lời được. Và Phêrô thưa chỉ có người ngoài nộp thuế mà thôi. Chúa Giêsu nhấn mạnh làm cho rõ hơn : Vậy con cái được miễn (c.26). Ở đây Chúa Giêsu giới thiệu mình là Con Thiên Chúa, không cần phải nộp thuế cho đền thờ, nơi Thiên Chúa ngự trị, nơi con người dâng lễ vật lên Thiên Chúa.
Và Đức Giêsu nói tiếp: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ…”. Nếu Đức Giêsu không nộp thuế theo lập luận Ngài là Con Thiên Chúa, thìngười Do Thái sẽ cho Ngài là nói phạm thượng khi tự cho mình là Thiên Chúa. Đây chưa phải là lúc, là giờ mà Ngài bày tỏ chân tính của mình như Ngài ở trước toà Philatô. Lúc ấy Ngài nhận và tự xưng là Đấng Mêsia, là Vua (Lc 23, 3) hoặc Ngài đã tuyên xưng mình là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa khi vị Thượng tế hỏi Ngài, đến độ ông ta phải xé áo mình ra vì cho rằng đó là lời nói phạm thượng ( Mc 14,61-64). Vì chưa đến giờ Ngài về cùng Cha , nên Ngài nói tiếp… Anh ra biển thả câu… bắt cá… lấy bốn quan nộp thuế cho phần Thầy và phần anh. Tình tiết này khiến chúng ta thấy lý thú khi đọc.
Vừa biểu tỏ vinh quang và uy quyền Thiên Chúa qua cuộc biến hình và trừ quỷ (Mt 17, 1-8.1-20), Đức Giêsu về với phận làm con trong kiếp nhân sinh. Ngài bình thản báo cho môn đệ biết con đường phía trước. Ngài chủ động đi trên con đường này bằng tất cả tự do của người con thảo hiếu với Chúa Cha mặc dù Ngài có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống mình (Ga 10, 18).
Là con người, là công dân, Đức Giêsu sử dụng tự do với ý thức vì, với và cho người khác. Ngài dùng tự do của mình để đón nhận quy luật trần gian và tuân thủ việc đóng thuế nhằm tránh gây cớ vấp phạm cho người khác. Cho hay, tự do của Chúa Giêsu là tự do của một người con luôn hướng về Cha mình với tất cả lòng thảo hiếu và vâng phục, sẵn sàng làm tất cả để tỏ lộ tình yêu dành cho Cha, để làm vui lòng Cha.
Vì sao Chúa Giêsu không lấy tiền trong túi để nộp thuế ? Tại sao con cá có đồng tiền quan lại là con cá câu trước nhất? Qua những vấn đề được đặt ra chúng ta thấy Chúa Giêsu đang tỏ lộ dần thiên tính của Ngài. Ngài như biết trước vận mệnh, những điều xảy ra trong tương lai. Ngài chứng tỏ mình có khả năng trên mọi vật, mọi sự kiện. Tất cả như đang tiến hành theo kế hoạch của Ngài. Ngài là Đấng điều khiển dòng lịch sử này. Ngài là chủ thế giớimuôn loài, là chủ lịch sử.
Con người ngày hôm nay đang loại dần Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ. Đã có đôi lần ta thầm trách người Do Thái sao kém lòng tin, nghi ngờ về quyền năng và Tình Yêu của Chúa. Nhưng, có khi bây giờ ta lại bước trên những lối đi ấy. Ta đang chối từ, đang gạt Thiên Chúa ra khỏi đời của ta, ra khỏi quỉ đạo vũ trụ vì cho rằng con người đang làm chủ thời gian bằng chất dược liệu trường sinh bất tử; con người đang làm chủ vũ trụ bằng cách thay trời làm mưa, làm nắng. Con người đang muốn thống trị thiên nhiên, thống trị địa cầu. Nhưng chính những lúc khoa học tiến bộ lên tới đỉnh cao thì con người lại cảm thấy hụt hẫng, trống vắng và cô đơn lạ lùng. Xin cho mỗi người chúng tai biết nhận ra một điều : Chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy những khao khát về chân, thiện, mỹ mà thôi.
Huệ Minh