Chọn phần tốt nhất

….mọi hoạt động của đời tông đồ nơi chúng ta phải được đời sống nội tâm thúc đẩy. Qua đời sống nội tâm, chúng ta suy niệm về cuộc đời, ý định và sứ vụ của Đức Kitô, rồi đến lượt chúng ta, chúng ta cũng chia sẻ và loan báo về một Đức Kitô đã được mặc khải trong Thánh Kinh …


Một hôm, Đức Giê-su vào một làng kia.
Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà.
Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. 
Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 
Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ.
Cô tiến lại mà nói : ‘Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !
’Chúa đáp : ‘Mác-ta! Mác-ta ơi!
Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá !
Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. 
Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi’ “

Câu chuyện hai chị em gia đình Bê-ta-ni-a đón tiếp Đức Giê-su đến thăm đã được thánh sử Lu-ca phác họa một cách ngắn ngủi nhưng sinh động và ẩn chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt. Điều khiến cho chúng ta vừa thắc mắc vừa kinh ngạc khi khám phá ra sự khác biệt về thái độ và tâm trạng của hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a trong cùng một sự kiện, đó là việc đón tiếp Chúa ở nhà mình. Cũng với lòng yêu mến Chúa như nhau, nhưng Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ bên ngoài, trong khi Ma-ri-a thì cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy. Còn Chúa thì Ngài phản ứng thế nào? Chắc chắn Chúa cũng thương mến cả hai chị em như nhau, nhưng Ngài đã nghiêng về sự lựa chọn của Ma-ri-a, “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10, 41-42).

“Chỉ có một chuyện cần thiết và Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất”. Đó là lời khẳng định dứt khoát của Chúa và lời ấy đã vén mở cho ta về cách sống đạo đẹp lòng Chúa nhất. Khác hẳn với Mác-ta, Ma-ri-a đã coi việc ngồi bên chân Chúa, nghe lời Ngài dạy là chuyện cần thiết và ưu tiên hơn là lăng xăng lo phục vụ cơm nước bên ngoài. Ma-ri-a cũng không phải là người vô cảm, vô trách nhiệm nhưng cô đã nghe theo tiếng nói của trái tim, của lòng mến, của niềm tin để chọn phần tốt nhất.

Có thể nói, Ma-ri-a trong câu chuyện này của Lu-ca đã trở thành hình mẫu người Ki-tô hữu đẹp lòng Chúa hơn cả. Bởi vì, “Để làm môn đệ Chúa Giê-su, điều quan trọng trước hết và trên hết phải là sự gắn bó với chính Thầy Giê-su, cho nên phải dành thời gian để lắng nghe Người (Lc 10, 39), gặp gỡ Người. Nếu không, ta sẽ dễ rơi vào mối nguy hiểm là lao vào đủ thứ công việc được gọi là yêu thương và phục vụ, nhưng thật ra chỉ làm theo ý mình chứ không phải ý Chúa, chỉ đi tìm bản thân mình chứ không kiếm tìm lợi ích thật sự cho người khác”. [1]

Ở đây ta có thể thấy Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất, tức là đã thể hiện lòng mến Chúa một cách trọn vẹn và đầy ý nghĩa. Đối với Ma-ri-a, yêu mến là hiện  diện bên Chúa, là lắng nghe Chúa nói và là thực thi ý muốn Ngài.

* YÊU MẾN LÀ HIỆN DIỆN

Các đôi lứa yêu nhau họ thường tìm đến nhau để có thể ở với nhau, ở bên nhau. Sự hiện diện của họ với nhau là cần thiết hơn tất cả những lời nói, những hành động lúc xa nhau. Sự hiện diện trong im lặng và trong sâu thẳm của tình yêu luôn là sức mạnh nối kết hai con người, hai trái tim một cách không thể tách rời được.

Lòng mến của Ma-ri-a không cho phép cô rời xa Chúa, ngay cả khi bà chị Mác-ta lên tiếng phàn nàn về sự thờ ơ của cô em mình. Ma-ri-a đã chọn Chúa, thay vì dấn thân vào những việc phục vụ Chúa. Thực vậy, “Chúng ta cũng dễ say mê làm việc của Chúa, đến nỗi quên cả việc gặp Chúa. Có khi chúng ta coi trọng hiệu quả của công việc ta làm cho Chúa mà quên dành giờ cho Chúa. Cầu nguyện là ở với Chúa, nghỉ ngơi bên Chúa, sống tình bạn với Chúa như hai người ngồi bên nhau. Đức cố HY Phx Nguyễn văn Thuận nhắc ta đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa”. [2]

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, đặt Chúa lên trên và lên trước mọi việc khác là một chọn lựa không dễ dàng.

Trong đời sống đạo của mình, chúng ta dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng. Đó là chúng ta quá say mê làm những việc-của-Chúa, việc-của-cộng đoàn, việc-của-đoàn thể mà bỏ qua đời sống nội tâm, kết hiệp với Chúa.

Thử hồi tâm xem chúng ta đã sống đạo thế nào. Đạo của chúng ta là Đạo-Chúa, Đạo-Tin-Mừng hay là Đạo-sinh-hoạt, Đạo-đoàn-thể, Đạo-lễ-nghi… Một linh mục đã chia sẻ như sau:

“Nhiều người Kitô hữu và một số chức sắc ngoại quốc đã từng trầm trồ về nét sinh hoạt sầm uất của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Cho tới hiện nay, bước vào thiên niên kỷ thứ III, chúng ta vẫn tương đối an tâm khi nhìn vào các nhà thờ trong giờ lễ, khi nhìn thấy đông đảo tín hữu, nhất là giới trẻ, trong các dịp tĩnh tâm; chúng ta cũng ngạc nhiên khi thấy vẫn còn, và ra như càng ngày càng nhiều hơn, những chuỗi người xếp hàng dài chờ xưng tội…

“Tuy nhiên, trong lòng những tổ chức và sinh hoạt ấy, đời sống đức Tin có tính chất cá vị hình như lại khá yếu kém. Các nhà thờ của chúng ta thường đông người trong những giờ có tổ chức sinh hoạt phụng vụ, nhưng lại vắng hoe khi không có tổ chức nào. Ta thấy rất ít những người đến với Chúa một cách hoàn toàn tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu đức Tin trong cuộc đời. Người ta chỉ đến với Chúa vì lề luật, vì sinh hoạt hoặc để xin vài ơn cụ thể nào đó.

“Tổ chức giáo xứ của chúng ta có những ban bệ khá vững chắc, nhưng lại không thể hiện được bao nhiêu cách sống thấm nhuần Tin Mừng. Nhiều giáo xứ, nhất là những giáo xứ lâu năm không có linh mục, vẫn tổ chức các sinh hoạt đạo sầm uất : làm hang đá, rước kiệu, táng xác Chúa, cờ xí, chuông trống, áo xống, ngắm nguyện…Thế nhưng, ngay trong chính những sinh hoạt đạo ấy, người ta lại có thể đấu đá nhau sát ván bằng những phương thức không có một chút men Tin Mừng nào, ngay cả bằng những phương thức xã hội đen!…

“Nhiều người sinh hoạt lâu năm trong hội đoàn, nhiều em sinh hoạt một thời gian dài trong nhóm giúp lễ, nhưng khi hết hội đoàn, rời bỏ nhóm, thì tâm hồn cũng chẳng còn một chút gì là giá trị đạo. Nhiều trường hợp các em lại còn hư hỏng thêm do ‘gần chùa gọi bụt bằng anh’, hoặc do việc kết bè kết nhóm khi sinh hoạt hội đoàn. Nguyên do cũng chỉ vì sinh hoạt trở thành “đạo”, thành nguyên lý; và hết sinh hoạt, thì đạo cũng hết”. [3]

Hiện diện trong yêu mến luôn luôn là món quà làm Chúa hài lòng nhất.

* YÊU MẾN LÀ LẮNG NGHE

Trong giao tiếp, lắng nghe là cách tốt nhất để bầy tỏ lòng yêu mến và trân trọng người đối thoại. Ma-ri-a đón tiếp Chúa qua việc ngồi dưới chân Ngài và nghe Ngài tâm sự. Chúng ta có thể hình dung ra sự hài lòng của Chúa về người tín hũu bé nhỏ này. Đồng thời ta cũng nhận ra thái độ chăm chú của cô trong việc nghe Chúa nói và dạy dỗ.

Thực vậy, “Chúng ta cần chiêm ngắm cuộc chia sẻ của Đức Giêsu với chị Maria. Chị ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Người (Lc 10, 39). Đức Giêsu là người nói và chị Maria là người nghe. Ngài có thể đã chia sẻ với chị  về đời sống nội tâm và việc tông đồ của ngài. Được chia sẻ và có người nghe mình chia sẻ là một hạnh phúc. Còn chị Maria thì sung sướng được ngồi nghe trong tư thế của một môn đệ. Người ta có cảm tưởng chị có thái độ thụ động khi nghe. Thật ra để lắng nghe cần tích cực mở tai và mở lòng”[4].

Phải có lòng mến Chúa thật sự, chúng ta mới có thể lắng nghe Ngài được. Vì nghe thì hời hợt, lơ đãng, mất tập trung, còn lắng nghe thì phải chăm chú, phải đặt để tâm trí và trái tim vào người đối diện, phải chú ý đến câu chuyện, nhất là làm sao có được mối tương giao sâu thẳm giữa người nói và người nghe.

Hàng ngày, Chúa đến với chúng ta và chúng ta được gặp Chúa nhiều cách. Chúng ta không gặp Chúa bằng xương bằng thịt như Ma-ri-a, nhưng được gặp và nghe Chúa Ki-tô Phục sinh nói với ta qua thánh lễ Mi-sa, qua các bí tích, qua Thánh Kinh, qua những lời giảng dạy của bề trên, của các mục tử coi sóc, qua gặp gỡ tiếp xúc trong cộng đoàn hay ngoài xã hội, qua các biến cố vui buồn trong cuộc sống vv… Tuy nhiên để việc gặp Chúa và nghe Chúa nói đạt hiệu quả, chúng ta phải biết lắng nghe nghĩa là lắng đọng tâm tồn, phải tịnh tâm và trút bỏ mọi lo toan cuộc sống.

Ngoài ra, lòng yêu mến đòi buộc chúng ta chẳng những phải lắng nghe Chúa mà còn quyết tâm đem thực hành các giáo huấn của Ngài.

“Phúc thay kẻ lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28). “Giữ Lời Thiên Chúa” có nghĩa là lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Đối với người Ki-tô hữu chân chính, thì việc lắng nghe Lời Chúa luôn kèm theo việc thi hành Lời Chúa. Đây cũng là điều được Đức Giêsu rất quan tâm. Ngài nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). Không thực hành Lời Chúa thì tất cả chỉ là ảo tưởng, là xây nhà trên cát. Thậm chí không thể nói là đã yêu mến Chúa, hiểu Lời Chúa.

Thực vậy, “Qua hình ảnh, thái độ của Maria, và nhất là được nghe lời chúc phúc của Đức Giêsu cho cô, mỗi người chúng ta hãy yêu mến Lời Chúa, chăm chỉ đọc Thánh Kinh, và nhất là đem Lời Chúa ra thực hành. Đây chính là điều cao trọng nhất để ta thể hiện lòng yêu mến Chúa trọn vẹn. Yêu mến Chúa mà không giữ Lời Chúa thì là người nói dối; giữ Lời Chúa như một luật lệ cứng ngắc, thậm chí chỉ giữ trong nhà thờ mà thôi thì ta sẽ bị rơi vào tình trạng giữ đạo hình thức, hời hợt bên ngoài. Nếu đời sống đạo của chúng ta đúng như vậy, thì chẳng khác gì người mang danh và đeo cái mác Công Giáo, chứ thực ra không phải là người mang Đạo trong mình. Làm thế nào để vừa giữ được những yếu tố bên ngoài mà vẫn có chiều sâu bên trong.

“Nói cách khác, mọi hoạt động của đời tông đồ nơi chúng ta phải được đời sống nội tâm thúc đẩy. Qua đời sống nội tâm, chúng ta suy niệm về cuộc đời, ý định và sứ vụ của Đức Kitô, rồi đến lượt chúng ta, chúng ta cũng chia sẻ và loan báo về một Đức Kitô đã được mặc khải trong Thánh Kinh và nhờ đời sống nội tâm sâu xa bên trong. Như vậy, chúng ta sẽ tránh được tình trạng “cho cái chúng ta không có”. [5]

Aug. Trần Cao Khải

Exit mobile version