Cho người trẻ hôm nay

Trong người trẻ, phải có một sức sống vươn lên như mỗi ngày đang tới. Trong người trẻ, phải có một thao thức kiếm tìm chân lý như kho báu mở ra. Trong người trẻ, phải có một năng lực đi tìm sự hòa nhập với vũ trụ. Không thể tan biến trong cái tập thể, mà cá nhân người trẻ phải khẳng định vị trí và giá trị của mình để hòa nhập trong đó. Họ có thể làm và phải làm tất cả trong tầm tay. Họ cần một cuộc biến đổi. Đó là sự biến đổi trong chính họ.

Lịch sử cho thấy các thể chế chính trị, muốn tạo sự thay đổi về bất cứ lãnh vực nào, phải gợi hứng từ trong những người trẻ. Và họ đã thành công trong việc biến đổi thế giới. Nhưng sẽ mất căn bản, nếu người trẻ chỉ lo biến đổi mọi sự, mà quên nhìn vào để thay đổi ngay chính con người nội tại của mình. Tất cả mọi cuộc biến đổi đều cần đi từ bên trong. Ngay trong con người cũng vậy. Và như vậy, người trẻ phải trở lại chính gốc rễ là cõi thâm sâu đời mình để đào luyện trước, rồi mới có thể thay đổi thế giới theo chiều hướng tích cực được.

Hỡi bạn trẻ! Điều đầu tiên bạn phải thay đổi chính là con người bạn. Một con người tổng thể với đầy đủ bản chất người của nó. Bạn là một con người được sinh ra để làm một con người: một con người có lý trí, ý chí và tự do để sống.

Trước tiên, tôi là một con người. Thế nên, những gì được xem là đúng bản chất một con người, tôi phải nhận ra nơi mình để mà phô diễn. Con người là một hữu thể cá vị và cộng đồng. Sẽ không có ai trong thế giới này giống như tôi, là tôi, có những điều kiện sống như tôi. Nét độc đáo của tôi làm cho tôi là người hơn khi sống với những con người khác. Nhưng cũng chính trong cộng đồng con người đó, tôi mới tìm thấy mình cách trọn vẹn hơn. Tôi là người khi thấy bao hữu thể khác cũng là người. Tôi là người khi thấy họ giống tôi và tôi giống họ ở những đặc điểm tâm sinh lý nào đó. Tôi là người khi được người khác nhìn nhận mình cũng là người. Không ai ngớ ngẩn đến nỗi nhìn một con khỉ và cho rằng nó là người. Đi sâu hơn, tôi sẽ thấy tận trong suy tư của tôi, tôi thấy mình là người. Cái con người thật của tôi sẽ được tỏ rõ ràng trong thinh lặng nội tâm, nơi mà không ai có thể xâm phạm vào. Phải ý thức cái con người mà tôi đang đó là một ân ban huyền nhiệm. Con người huyền nhiệm dạy tôi tôn trọng sự sống của chính tôi và của bao hữu thể khác. Tận thâm sâu lòng mình, không người nào, dù tồi tệ đến đâu, đau khổ đến đâu, chán chường đến đâu, lại chối bỏ bản chất người nơi mình. Người ta lên án một tên cướp của giết người khét tiếng và phi nhân tính, chứ họ không thể không công nhận đó là một con người. Bởi là người nên mới bị xét xử vì chưa sống cho xứng bậc con người. Bởi là người nên không thể giết chóc người đồng loại mình cách bạo tàn và ác độc như thế. Và chính tên cướp đó, nếu được hỏi rằng có phải là người không, cũng không thể chối bỏ cái thực tại người là nó.

Cho nên, con người là một huyền nhiệm trong và cho chính nó. Đó là một ân ban. Không phải mua bán gì cả để được công nhận là người. Cũng khỏi cần dí dao vào cổ người khác để bắt người ta công nhận mình là người. Con người là chính nó khi nhận ra nó là con người. Nhưng vấn đề là chúng ta có sống xứng với bậc sống một con người?

Và rồi, chúng ta không thể dừng lại trong cái cõi thâm sâu mà theo hết người này đến người khác, cách rất u ám và mù mờ, nhưng phải tiến đi lên trong thực tại đời mình. Quả thậy, con người không thể xem là đủ khi chỉ nhận ra nó là người. Mà, nó còn phải xét đến hành động quy nhân của chính nó. Từ cái nền tảng con người tự thức, hữu thể bắt đầu xét đến những hành động mang tính chất người của nó. Nó bắt đầu phân chia cái con người-nhân-vị và con người phi-nhân-tính. Một bên là những hành động đáng là người. Một bên là hành động của những hữu thể người chưa là người. Vậy, từ ý thức về sự hữu con người, tôi phải xét đến những hành động của tôi xem nó có xứng đáng là hành động của một con người không. Ở đây, hành động đó được xét đến cách chủ thể và đối thể. Một hành động được tôi nhận ra là quy nhân chính là chủ thể quy định cho nó. Còn hành động được con người khác ngoài tôi cho là quy nhân thì là hành động do đối thể quy định. Trong trường hợp cả hai tương hợp thì có thể dễ dàng hiểu được. Ngược lại, với trường hợp có mâu thuẫn giữa nhận thức cá nhân và cộng đồng, thì phải xét đến lý trí biệt lập của con người chủ thể hành động.

Có thể nói lý trí con người là một trong những đặc điểm phân biệt nó với mọi sinh vật và thể thức thụ sinh (phi-sinh-vật) khác. Con người sẽ không bao giờ dừng lại trong những suy tư của mình. Trong khung trời tri thức, ta thấy được rằng nó rất mênh mông, đa diện và càng ngày càng đi sâu vào thực tại hiện hữu. Người trẻ, với khả năng đạt đến chân lý, có thể tìm thấy chân lý hữu hạn ngay trong lý trí của cá nhân mình. Nét đặc biệt của lý trí là tính biện chứng của nó. Trong thực tế tri thức ngày nay, bằng lý trí suy luận, bằng khả năng biện biệt và nhu cầu vươn lên chân lý, con người cải biến tri thức đến chiều rộng không thể kiểm soát của nó. Biết bao nhiêu chủ thuyết được khơi lên, phát triển và áp dụng vào thực tại cuộc sống từ xưa đến nay. Và con người, với sức trẻ của nó, phải biết chọn cho mình một khung trời lý trí khả dĩ phù hợp với khả năng và mức độ lý trí nơi chính mình. Đòi hỏi này là một điều có thể thực hiện. Nếu tôi không tự nhìn thấy hướng đi cho chính mình, thì tôi không biết đi về đâu. Nhìn vào đà tri thức đa nguyên ngày nay, con người thấy choáng ngợp những thứ “chủ nghĩa”. Giới trẻ càng ngày càng có nhiều chọn lựa phong cách sống cho riêng mình. Và nếu không chịu trở về nền tảng căn bản nội tại con người mình, người trẻ có thể sẽ thấy sao mà tương lai mình mờ mịt đến thế! Nó không biết tìm đâu một điểm tựa cho chính cuộc sống mình. Một mặt, lý trí thôi thúc nó phải chọn lựa. Mặt khác, biết bao khuynh hướng thời đại như đang giằng xé, lôi kéo nó. Và rồi nó bị bao vây bởi những cái gọi là “chủ nghĩa”, những phong cách sống “mốt” (à la mode), những chọn lựa kiểu “mì ăn liền”, và cả những trào lưu “bất cần đời” ngày nay.

Đừng vội vàng! Lý trí đòi buộc phải chọn lựa hướng đi phù hợp với thực tại đời người. Thế nên, đừng vội vàng trong chọn lựa. Nhìn cách tích cực hơn thì chọn lựa nào cũng có giá trị của nó. Nhưng chọn lựa một phong cách sống phù hợp cho khả năng lý trí mình lại là một điều khác. Điểm dừng ở đây là phải biết mình là ai, mình cần gì và mình phải hướng về đâu? Nghĩa là, tôi phải đi về tận căn nguồn gốc nội tại lý trí mình để chọn lựa. Chọn lựa căn bản nhất vẫn là chọn lựa sống là người ngày một hơn. Vì, tôi không thể chối bỏ bản chất người nơi mình, nên việc chọn sống là người trở nên rất quan trọng. Cái nhìn nội quan sẽ cho ta thấy trong hành động của mình, ta có hướng về bản chất người nơi chính mình không. Và khi đó, đòi hỏi căn bản là phải thanh lọc ý hướng để hành động của tôi đáng là người hơn. Lý trí bảo tôi rằng chính trong con người tôi vẫn còn đâu đó những tình cảm quy ngã. Đó là những ích kỷ, nhỏ nhen, những hành động vì tư lợi, những ham thích sự sống rất riêng tư, và nhất là những đòi hỏi để đạt tới lý trí độc tôn. Mà hơn thế nữa, đâu đó trong những đòi hỏi này, người ta còn muốn mình được sống mãi với thời gian có vẻ vô tận. Thực tế thì kiếp người chóng qua, mà sức người có hạn. Trong khi đó, người trẻ thường muốn nắm bắt và phô diễn mọi khía cạnh của đời sống nơi chính nó. Điều này có thể làm con người thất vọng. Bởi lẽ, trong thực tại hữu hạn, con người không thể sống mãi với thời gian. Và lẽ, trong thực tại hữu hạn đó, nó không thể nắm lấy mọi sự trong chính nó, huống hồ là nắm bắt những gì ở ngoài nó, hay ngoài tầm tay bé nhỏ của nó. Lý trí con người vẫn muốn nó được sống mãi trong thời gian, bằng những thành công được minh chứng trên đường đời, với gia đình hạnh phúc, có chồng – có vợ – có con cái nối dõi tông đường, với những thành tựu mà ngay lúc nó sống, nó thấy sẽ tồn tại mãi với thời gian (nhưng hỡi ôi! Chỉ là có vẻ tồn tại mãi!)… Và có vẻ, người trẻ làm được điều đó trong mức độ khả năng lý trí của nó.

Nhưng nhìn rõ hơn thì thấy rằng thái độ quy ngã không sớm thì muộn cũng tan đi trong thực tại mà thôi. Và lý trí đòi buộc con người phải vươn lên từng ngày, phải mở ra trong từng phút giây cuộc sống với tha nhân, với vạn vật. Để rồi, nó không chỉ sống cho riêng mình, mà còn sống cho mọi thực tại hữu hạn xung quanh cuộc đời hữu hạn của chính nó. Đây là điều mà E. Kant đã đòi hỏi trong thực hành đạo đức của một con người. Chính khi ta sống trong và cho thực tại, thì giá trị đời ta mới có thể tồn tại kéo dài trong vũ trụ, dù ta có tan biến đi trong cuộc sống với cái chết có vẻ như chấm hết cho hữu thể người. Mà con người, hơn bất cứ sinh vật nào, khao khát tồn tại mãi, ít là trong chiều sâu lý trí của nó. Dầu vậy, các tác phẩm của nó, hay cụ thể hơn là những hành động của nó khi được phô diễn trong kiếp sống, dù có tồn tại, thì chỉ trong thời gian. Hữu thể người đòi những sản phẩm từ lý trí của nó phải vươn đến sự tồn tại siêu thời gian. Cho nên, nó luôn tìm mọi cách để vượt lên thời gian hầu hướng về vô tận. Thêm một lần và nhiều lần nữa, con người muốn níu kéo cái thực tại hữu hạn lên đến vô cùng. Và biết bao thành tựu cho đến ngày nay cũng chưa thể là điểm dừng cuối cùng cho người trẻ. Tiến bộ xã hội phần nào đó biểu lộ một khát vọng trường cửu nơi con người hữu hạn.

Điều tiếp theo phải xét đến là ý chí con người. Tận thâm sâu con người luôn có một động lực vươn lên. Đó là thể hiện của ý chí con người. Dù sống bao lâu, con người vẫn luôn muốn sống. Nó không muốn dừng lại ở bất cứ khoảnh khắc và không gian nào. Dù có dừng lại đôi chút, đó chẳng qua chỉ là muốn hướng đến sự phát triển tròn đầy hơn trong ý chí vươn lên. Và hơn thế, nó còn tác động vào chính thực tại để xác minh cho hiện hữu rằng nó muốn vươn lên. Ý chí con người là vô tận xét theo sự trường cửu của sự sống hiện sinh. Nhưng chính trong con người hữu hạn mà ý chí cũng có giới hạn. Đến một lúc nào đó, con người không thể vượt lên chính mình nữa, vượt qua chính mình nữa. Nó chết. Và dường như ý chí của nó cũng tan biến theo sự chấm hết cho cuộc sống riêng nó. Nhưng không! Bởi vì sự sống thực hữu là tồn tại phi-thời-không, nên ý chí con người phải được hiểu là vươn lên không giới hạn, dù cho thể xác nó được những người khác coi là “chết”. Bởi vì vậy mà có nhiều tác phẩm được người ta gọi là “tồn tại mãi với thời gian”. Đây là điều mà người trẻ cần nhận ra, để tôi luyện ý chí mình sao cho vững vàng, để đừng vì những điều vụn vặt trong đời sống, mà làm cho ý chí mình cùn lụt đi, không còn tha thiết vươn lên mỗi ngày nữa.

Ngược lại, hãy rèn luyện để luôn đặt ý chí trong mối quan hệ với lý trí vốn có, để luôn biết tra vấn mình rằng mình còn chút lửa nào của ý chí hay không. Phải còn một chút gì đó trong những đau khổ thực tại, dù rất nhỏ, nhưng đủ nhóm lên một ngọn lửa ý chí, có khả năng nuốt trọn tất cả những suy tư lý trí cần được hiện thực hóa. Đến đây, ta thấy mối quan hệ song đối giữa lý trí và ý chí. Nếu lý trí là một sự nhận ra nào đó đối với khả năng của chính mình, thì ý chí sẽ giúp người trẻ phát huy tối đa cái khả năng đó (dĩ nhiên là trong giới hạn con người). Có thể bạn trẻ nhận ra mình ít khả năng, nhưng ý chí bạn sẽ giúp tác động mỗi ngày một chút, thay đổi một chút, tiến lên một chút, để rồi khả năng của bạn mỗi ngày một tiến lên… Đừng vội đặt dấu chấm hết cho bất cứ khả năng nào nơi chính bạn. Người ta nói rằng con người đang chỉ mới sử dụng 1 đến 3% não bộ của mình. Các vĩ nhân thì 30%, còn hầu hết chúng ta chỉ sử dụng một phần rất nhỏ não bộ mình.

Vậy thì ta phải biết giới hạn hiện nay của lý trí ta là ở mức độ nào. Ta có sử dụng được bao nhiêu phần trăm não bộ của ta? Và với ý chí vươn lên, người trẻ cần thay đổi tiệm tiến, để sử dụng lý trí cách tối đa có thể được. Và nếu mỗi ngày ta thay đổi một ít, tiến thêm một ít, thì đến gần cuối đường đời, có lẽ ta sẽ tiến được rất xa trong thực tại đời mình. Và khi đó, ít là ta đang sử dụng, như các vĩ nhân, 30% não bộ của mình cho sự phát triển xã hội.

Điều thứ ba mà chúng ta bàn đến là tự do con người. Một tự do thực tại là tự do trong trách nhiệm. Chúng ta thấy rõ ràng rằng không có chọn lựa nào kiểu “tình cho không biếu không” cả! Quả thực, khi tôi chấp nhận một hướng sống nào đó, là tôi, cách minh nhiên hay mặc nhiên, chấp nhận những kết quả của chọn lựa đó. Thực tế thì con người đang chọn lựa mà không cần xét đến hậu quả tất yếu của bất cứ chọn lựa nào. Họ đòi tự do mà không biết sử dụng tự do. Họ đấu tranh cho tự do mà không biết tự do để làm gì. Họ hô hào lối sống tự do mà không nhận ra mình cần phải có trách nhiệm với chính lối sống tự do của mình. Có thể nói con người đang tự do đi đến chỗ chết. Mà sự chọn lựa tự do kiểu này chẳng ai ham hố cả. Bản chất con người là luôn hướng đến sự sống. Hơn thế, nó khao khát sống mãi với thời gian. Vậy mà ngày nay con người đang chết ngay trong những chọn lựa đầu tiên của nó: Chọn sống.

Vậy phải hiểu thế nào về tự do con người? Rõ ràng, con người được sinh ra là không có tự do. Con người có vẻ bị người ta ép buộc đi vào sự sống của cõi nhân sinh. Và tự do mà con người đang sống là một tự do kiểu “tại”, “bị”… Con người “bị rơi vào tự do”, cho nên nó đau khổ trong chọn lựa. Phải chi nó chỉ là “cây thông đứng giữa trời mà reo” để khỏi phải chọn lựa! Mà thực sự nó cũng đang giống như cây thông trong chọn lựa của chính nó. Nhưng như vậy là con người bị một lực đẩy tàn nhẫn nào đó đẩy nó vào trong tự do quá tiêu cực của chính nó…

Đừng hiểu tự do cách tiêu cực như vậy! Tự do mà con người được phú bẩm đó là một thực tại rất đáng trân trọng. Cách tự nhiên thôi, cứ nhìn vào vạn vật khác con người, chúng ta sẽ thấy tự do của con người là một nét độc đáo của chính nó. Cây cối không có tự do như con người. Loài vật cũng vậy. Duy chỉ con người được trao ban một tự do trong giới hạn một con người. Chúng ta không thể đòi hỏi để có được một sự tự do toàn hảo, bởi lẽ con người giới hạn của chúng ta không thể thủ đắc thứ tự do vượt xa khả năng nắm bắt của mình.

Tự do là khả năng chọn lựa của con người trong trách nhiệm cá nhân nó.

Chúng ta sẽ đào sâu trách nhiệm con người trong một hướng viết khác. Điều cuối cùng tôi muốn nói với người trẻ là: Bạn đang sống sự sống của chính bạn. Nghĩa là, người trẻ chấp nhận khả năng lý trí, ý chí và tự do nơi chính mình. Có thể trong phút chốc nào đó của cuộc sống, ta không thể nhận ra mình đang sống trong thực tại. Nhưng, cũng trong thời gian đang sống đó, ta nhận ra mình có những nét độc đáo của riêng mình. Dòng đời cứ trôi, và con người cứ đi vào quỹ đạo tự nhiên của kiếp người. Hãy ý thức mình cần vươn lên mỗi ngày, để với quyết tâm trong chính nội tại đời mình, con người nắm bắt được chắc chắn những mức độ tự do cá nhân mình. Và tương lai tươi sáng đang tới cho từng người chúng ta.

Saigon, 12/2/2015

Minh Triết
(linh mục Vincent Đoàn Minh Phúc)

Exit mobile version