Chúng ta vừa thảo luận theo nhóm về câu chuyện ơn gọi Mt 19,16-22:
Có thể tóm tắt thành ba câu hỏi:
– Có ơn gọi / tiếng gọi thật không? Tiếng gọi thể hiện thế nào?
– Có những ơn gọi / bậc sống nào trong Giáo Hội?
– Làm sao biết được ơn gọi của tôi?
Câu hỏi 1: Có “tiếng gọi” thật không? Tiếng gọi xảy ra thế nào?
– Trong đời thường: “tiếng gọi” ám chỉ một cuốn hút, thúc bách, xu hướng, lôi kéo một cá nhân, đến độ không cưỡng lại được, đến với một điều gì đó (chẳng hạn 1 NGHỀ), đến độ cá nhân không thể chọn khác được.
– Trong tình yêu: đó là “tiếng sét ái tình”, khiến một người bị hoàn toàn cuốn hút bởi người kia.
– Trong Kinh Thánh: Thiên Chúa gọi/cuốn hút Môsê (Xh 3,1-6); Samuen (1Sm 3,10); Mẹ Maria (Lc 1,26-38); 4 môn đệ đầu tiên, Lêvi,Phaolô trên đường đi Đamát (Cv 9,1-19).
– Dù thuộc lãnh vực đời thường, lãnh vực tình yêu hay Kinh Thánh, mọi tiếng gọi đều có chung các thành tố sau:
Khởi đầu từ một tiếp xúc / gặp gỡ bên ngoài.
Cá nhân cảm thấy sự cuốn hút mạnh mẽ từ bên trong .
Cơ hội tiếp cận / ngỏ lời với “tiếng gọi”.
Cá nhân đáp lời và nhận ra sự tương hợp giữa 2 phía.
Đương sự cảm thấy sung mãn khi đáp ứng được tiếng gọi ấy.
– Minh họa 5 yếu tố ấy trong Ga 1,35-39 và Lc 5,1-11:
Đương sự gặp gỡ Chúa Giêsu.
Cảm thấy sự cuốn hút mạnh mẽ, sâu thẳm từ Chúa.
Chúa ngỏ lời mời gọi đầu tiên.
Cá nhân đáp ứng & kinh nghiệm Chúa lớn lao / mình thật nhỏ bé.
Cá nhân đáp lại tiếng gọi của Chúa và đạt sự sung mãn.
Câu hỏi 2: Có những ơn gọi nào trong Giáo Hội?
1) Ơn gọi căn bản là ơn gọi Kitô-hữu, trở nên môn đệ Chúa Kitô. Các bậc sống chỉ là thêm vào ơn gọi căn bản ấy.
– Ơn gọi của mọi môn đệ cốt ở đi tìm tôn vinh Thiên Chúa ngay trong bậc sống của mình để cứu độ linh hồn mình. Người tu thì tôn vinh Chúa và tìm phần rỗi đời mình trong đời tu; người sống bậc hôn nhân thì tìm kiếm hai điều ấy trong đời sống gia đình. Nếu bậc sống tôi đang theo đuổi không bảo đảm hai điều ấy thì chắc chắn đấy không là ơn gọi của tôi. Hãy tìm bậc khác.
2) Vậy có những bậc sống nào của người môn đệ?
– Hãy nhìn vào số những người theo Chúa Kitô: Nhóm 12; Nhóm 72; các phụ nữ; theo Chúa “tại gia” như Giakêu; gia đình Bêtania…
– Giáo hội hôm nay cũng có những người tương tự
– Nhóm 12: giáo sĩ, tu sĩ, tu đoàn tông đồ, giáo dân dấn thân trọn đời.
– Nhóm 72: thành viên các nhóm truyền giáo giáo dân hay các ban phục vụ: HĐGX, GLV, Ca đoàn.
– Nhóm tại gia: các gia đình kitô-giáo đạo đức
3) Nhóm giáo sĩ, tu sĩ và tu đoàn tông đồ
– Riêng nhóm giáo sĩ, tu sĩ và tu đoàn tông đồ là những người theo sát Chúa nhất và chia sẻ những trực tiếp nhất với công việc của Giáo Hội và được chuẩn nhận bởi Giáo Hội.
* Giáo sĩ: có chức thánh (phó tế, linh mục, giám mục).
* Tu sĩ: có lời khấn công theo Hiến pháp của một hội dòng (khấn tạm và vĩnh khấn). Phân loại:
Dòng thuộc Tòa Thánh / dòng thuộc giáo phận
Dòng chiêm niệm / Dòng hoạt động (truyền giáo, giáo dục, xã hội)
Dòng giáo sĩ (nam) / Dòng giáo dân (nữ; Sư huynh Lasan)
Tu Dòng (có đời sống cộng đoàn) / Tu hội đời (sống tại thế)
* Tu sĩ mỗi Dòng được huấn luyện, sống và làm tông đồ theo tôn chỉ của Hiến Pháp riêng của Dòng đã được Tòa Thánh phê chuẩn.
* Tu đoàn tông đồ: là những hiệp hội giáo sĩ hay giáo dân cùng dấn thân làm tông đồ với tư cách cộng đoàn. Khác với Dòng tu hay tu hội đời có lời khấn công, tu đoàn tông đồ chỉ có lời khấn tư, nhưng Hiến pháp của Tu đoàn cũng phải được Tòa Thánh phê chuẩn.
* Bản chất của một lời khấn là “công” hay “tư” tùy thuộc vào Hiến Pháp được Tòa Thánh phê chuẩn. “Công”: có nghĩa được Giáo hội nhìn nhận; “tư”: có nghĩa chỉ riêng của cá nhân khấn với Chúa.
4) Lịch sử phát sinh các dòng tu trong Giáo hội
Thế kỷ I: Đời sống khổ hạnh tại gia (các trinh nữ dâng hiến)
Thế kỷ III: Lối sống ẩn tu (thánh Antôn tu rừng).
Thế kỷ VI: Lối sống đan tu (thánh Biển đức)
Thế kỷ XII- XIII: Các dòng hiệp sĩ, cứu tế (y tế, hành hương).
Thế kỷ XIII: Lối sống khất thực (Đaminh, Phanxicô).
Thế kỷ XVI: Khởi đầu các dòng giáo sĩ và truyền giáo (Dòng Tên)
Từ thế kỷ XVII: Các dòng trợ thế mới chuyên giáo dục, y tế, xã hội.
Thế kỷ XX: Các tu hội đời được thiết định.
Câu hỏi 3: Làm sao nhận biết ơn gọi của tôi?
1) Đặt khung cảnh cho mọi chọn lựa: Đích nhắm chung của mọi chọn lựa của người KTH: chọn bậc sống nào giúp tôi phụng thờ Thiên Chúa, cứu rỗi hồn mình, phục vụ tha nhân. Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì? (Mt 16,26)
– Sau đó phải đi “shopping” ơn gọi để tìm hiểu những bậc sống khác nhau và chọn lựa. Đâu là bậc sống đem lại ý nghĩa cho đời tôi?
2) Ba tiêu chuẩn nhận định ơn gọi: Thiên thời / nhân hòa / địa lợi
a) Thiên thời: Chúa gieo vào lòng mỗi người trẻ một ước muốn về bậc sống đem lại ý nghĩa cho cuộc đời của người trẻ ấy (bậc sống, nghề nghiệp, định hướng tương lai).
– Dấu chỉ sơ khởi của ơn gọi: Tôi bị cuốn hút về bậc sống nào trong Giáo hội: giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ, lập gia đình, sống độc thân phục vụ… Bậc nào mang đến ý nghĩa và sức mạnh nhất cho đời tôi. Nếu tôi không chọn bậc ấy, có vẻ như đời tôi không toàn vẹn.
– Tuy nhiên, để chọn lựa được khách quan và chuẩn xác, bạn phải có cơ hội tiếp xúc, hiểu biết nhiều ơn gọi khác nhau thì mới rõ. Nhiều người phải đi tu “thử” rồi mới biết mình không có ơn gọi tu trì; có người khác đã hứa hôn, nhưng sau một biến cố thiêng liêng nào đó (tĩnh tâm, cuộc lễ, người thân qua đời…), lại nhận ra ơn gọi của mình là sống đời dâng hiến.
– Vì thế các buổi tĩnh tâm, giới thiệu ơn gọi, tạo điều kiện cho bạn mở ra hơn so với ơn gọi “độc đạo” là hôn nhân.
– Yếu tố thiên thời của đời tu phải là động cơ dấn thân trong suốt: khao khát hiến thân phụng sự Chúa và nhân loại, chứ không phải đi tìm cơ hội tiến thân hay cơ hội học hành.
b) Nhân hòa: Thiên Chúa ban cho người trẻ những năng lực cần thiết cho bậc sống thích hợp với người ấy.
1. Bậc sống giáo dân và hôn nhân gần gũi với đa số người.
2. Nếu là bậc sống giáo sĩ và tu sĩ đòi những điều kiện khác: từ sức khỏe, học vấn, ước muốn và khả năng hiến thân phụng sự Thiên Chúa và Giáo hội, khả năng sống 3 lời khuyên phúc âm, khả năng sống cộng đoàn
c) Địa lợi: Nếu là bậc sống giáo sĩ và tu sĩ, thì từ tuổi thơ cho đến lúc lớn, Chúa ban cho cá nhân ấy mọi hoàn cảnh thuận lợi (gia đình, giáo dục, xã hội…) để hướng tới ơn gọi tu trì. Và nhất là phải được sự chuẩn nhận của giáo quyền hay bề trên (nhận vào Chủng Viện hay Nhà Tập; chấp nhận cho khấn hay chịu chức…)
Tóm lại: Chỉ khi một cá nhân được Chúa ban đủ cả ba điều kiện trên thì ơn gọi mới thành sự và sung mãn. Thiếu một trong ba, một ơn gọi sẽ không thành sự, hoặc nếu thành sự thì cá nhân người đi tu không triển nở, không hạnh phúc, không sinh hoa kết quả.
3) Các dấu chỉ của một lựa chọn ơn gọi đúng hay sai:
a) ĐÚNG:
– Nội tâm: Cá nhân bình an, hạnh phúc, thấy đời mình có ý nghĩa, ơn gọi ấy vừa sức với cá nhân.
– Bên ngoài: Cá nhân được Chúa ban những hoàn cảnh thuận lợi và bước đường ơn gọi xuôi chảy.
b) SAI
– Nội tâm: Bất an, uể oải, vượt sức, chán chường.
– Bên ngoài: Trắc trở, không được nhận.
Bắc Ninh ngày 3/5/2009
Lm Micae Trương Thanh Tùng SJ