I.HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG : Ga 6,1-15.
(1) Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển hồ Ti-bê-ri-a. (2) Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. (3) Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. (4) Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do thái. (5) Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-lip-phê : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” (6) Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. (7) Ông Phi-lip-phê đáp : “Thưa, có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. (8) Một trong các môn đệ là ông An-rê, anh ông Simon Phêrô, thưa với Người : (9) “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu ?”. (10) Đức Giê-su nói : “Anh em cứ bảo người ta nằm ngả xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta nằm ngả xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. (11) Vậy Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. (12) Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” (13) Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. (14) Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói : “Hẳn ông này là vị Ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !” (15) Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
2. Ý CHÍNH : Đức Giê-su chứng tỏ mình là Mô-sê Mới khi làm phép lạ nhân năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều để nuôi dân chúng ăn no, giống như trong thời kỳ Xụất hành, Mô-sê đã làm phép lạ nuôi dân Ít-ra-en trong sa mạc bằng Man-na từ trời rơi xuống. Phép lạ nhân bánh ra nhiều là hình bóng của bí tích Thánh Thể mà Đức Giê-su sắp thiết lập trong bữa Tiệc Ly Vượt Qua sau này.
3. CHÚ THÍCH :
– C 1-4 :+ Biển hồ Ga-li-lê : Gọi là Ga-li-lê vì Biển Hồ này nằm ở xứ Ga-li-lê, miền Bắc nước Pa-lét-ti-na. Cũng gọi là Biển hồ Ti-bê-ri-a (x. Ga 6,1), vì vào năm 26 vua Hê-rô-đê An-ti-pa đã cho xây thành phố Ti-bê-ri-a ở gần Biển Hồ này, rồi người ta dùng tên thành đó để gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Ngoài ra, Biển Hồ còn có tên là Ghen-nê-xa-ret (x. Lc 5,1). + Sắp đến lễ Vượt Qua là dại lễ của người Do thái : Lễ Vượt Qua kỷ niệm việc dân Do thái được thóat khỏi ách nô lệ cho dân Ai Cập, và được trở về miền Hứa Địa là xứ Ca-na-an (x. Xh 3,17), nơi Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ phụ Áp-ra-ham và dòng dõi đến muôn đời (x. St 12,1).
-C 5-7 : + Người hỏi ông Phi-lip-phê : Sở dĩ Phi-lip-phê được Đức Giê-su hòi ý kiến vì ông là người dân địa phương này. + Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ? : Qua câu này, ta thấy Đức Giê-su cũng quan tâm cả đến nhu cầu thể xác của đám đông dân chúng và tìm cách đáp ứng nhu cầu chính đáng ấy. + Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi : Thời kỳ Xuất hành, Đức Chúa đã nhiều lần thử thách sự trung thành của dân Ít-ra-en, xem họ phản ứng ra sao khi gặp hoàn cảnh khó khăn. (x. Xh 16,4;17,1-7). Trong bài Tin Mừng hôm nay, hỏi Phi-lip-phê kiếm đâu ra bánh cho đám đông là Đức Giê-su muốn thử xem ông có tin vào quyền năng của Người có thể giải quyết sự khó khăn này không ? Còn Người thì đã dự tính sẽ phải làm gì rồi. + “Có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” : 200 đồng là một số tiền lớn, tương đương với 200 ngày công, vì lương công nhật của thợ lành nghề lúc bấy giờ là một đồng (x. Mt 20,2.9).
-C 8-9 : + An-rê anh ông Si-mon Phê-rô thưa với Người : An-rê là người đã dẫn em mình là Si-mon đến giới thiệu với Đức Giê-su (x. Ga 1,42). Lần này ông cũng đã phát hiện ra một em bé trai có mang thực phẩm theo và dẫn em đến giới thiệu với Đức Giê-su. + “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá : Bánh lúa mạch là loại bánh mì rẻ tiền, làm bằng lúa mạch, là thức ăn dành cho gia súc. Đây là bánh của những người thật nghèo. Cá của em nhỏ này là loại cá nhỏ ướp muối. Vì thời đó người ta chưa có phương tiện bảo quản cá tươi lâu được. Cá muối là món ăn bình dân của dân chài lưới ven Biển Hồ. + “Nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” : Câu này cho thấy sự bất lực của các tông đồ trước nhu cầu lớn lao của dân chúng bị đói đang cần được ăn no.
-C 10-11 : + Anh em cứ bảo người ta nằm ngả xuống đi : Nằm ngả xuống hay ngồi xuống cách thoải mái là tập tục nằm nghiêng khi ăn uống của vùng Cận Đông. Theo Mác-cô, việc người ta ngồi thành từng nhóm một trăm hay năm mươi (x Mc 6,40), không những tiện lợi cho việc phân phát bánh theo thể thức Mô-sê đã làm trong cuộc Xuất Hành (x. Xh 18,21.25), mà còn nói lên tinh thần hiệp thông khi tham dự bữa tiệc Thánh Thể sau này (x. 1 Cr 11,18-21). + Chỗ ấy có nhiều cỏ : Đất có nhiều cỏ cho thấy lúc này đang trong mùa xuân, là thời gian mừng lễ Vượt Qua của dân Do thái. Cây cỏ xanh tươi gợi lên hình ảnh Đức Giê-su là vị Mục tử nhân lành (x. Ga 10,11). Người dẫn đàn chiên Ít-ra-en Mới đi đến cánh đồng cỏ xanh tươi, để họ được ăn uống no nê và được sống dồi dào (x. Tv 23,1-3; Ga 10,10). + Vậy Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho nhữngngười ngồi đó : Trong Tin Mừng Nhất Lãm (gồm 3 Tin Mừng của Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca), Đức Giê-su trao bánh và cá cho môn đệ để họ đi chia cho dân chúng (x. Mt 14, 19; Mc 6,41; Lc 9,16). Còn trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su tự phân phát bánh đã được nhân ra nhiều cho dân chúng. Việc Cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát là những cử chỉ Người sẽ làm trong bữa Tiệc Ly Vượt Qua để thiết lập bí tích Thánh Thể (x Mt 26, 26). Như vậy, phép lạ nhân bánh ra nhiều này là hình bóng của bí tích Thánh Thể do Đức Giê-su sẽ thiết lập sau này.
-C 12-13 :+ No nê : Theo Hy ngữ cổ, từ “no nê” chỉ việc cho súc vật ăn rơm. Khi dùng cho người thì có nghĩa là ăn no đến phát ngán !+ “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi” : Tạo sao có nhiều miếng bánh thừa như vậy ? Theo phong tục Do thái, khi ăn tiệc người ta có thói quen để lại chút gì cho các người giúp việc ăn sau đó. Số bánh thừa gồm mười hai giỏ đầy do mười hai tông đồ đi thu lượm lại.
-C 14-15 :+ Hẳn ông này là vị Ngôn sứ : Vị Ngôn sứ nói đây đã được Mô-sê đề cập đến như sau : “Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi rằng : “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một Ngôn sứ giống như ngươi, để giúp chúng. Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy “ (Đnl 18,17-18). + Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Ngườilại lánh mặt, đi lên núi một mình : Dân Do thái đang bị quân Rô-ma cai trị và họ trông mong Đấng Thiên Sai mau đến làm Vua của họ và cầm quân để giải phóng họ khỏi ách đô hộ của người Rô-ma. Dân Do thái đã nhiều lần khởi nghĩa và đều bị quân Rô-ma đàn áp thẳng tay. Đức Giê-su ý thức sứ mạng của Người không phải để làm ông Vua trần tục như dân Do thái đang trông mong, nên Người đã lánh mặt lên núi một mình.
4.CÂU HỎI :
1) Vào thời Xuất Hành, trong suốt thời gian 40 năm dẫn dân Ít-ra-en đi trong sa mạc về Đất Hứa, Mô-sê đã xin Đức Chúa ban Man-na từ trời rơi xuống cho họ ăn, thì nay Đức Giê-su làm gì để nuôi Hội Thánh là dân Ít-ra-en Mới trên đường về Nước Trời?
2) Tại sao Biển Hồ còn được gọi là Ga-li-lê hay Ti-bê-ri-a ?
3) Lễ Vượt Qua là lễ của đạo Do thái hay đạo Công giáo ? Lễ này kỷ niệm biến cố nào xảy ra trong lịch sử dân Ít-ra-en ?
4) Tại sao Đức Giê-su hỏi Phi-lip-phê chỗ mua bánh cho dân chúng ? Đức Giê-su hỏi Phi-lip-phê nhằm mục đích gì ?
II. SỐNG LỜI CHÚA :
1.LỜI CHÚA : Người hỏi Phi-lip-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”(Ga 6,5).
2.CÂU CHUYỆN :
1) ĐỨC BÁC ÁI PHẢI THIẾT THỰC CỤ THỂ :
Năm 1634, Thánh Vinh Sơn họp một số các bà đạo đức để cùng nhau sống đức bác ái theo Lời Chúa dạy. Các bà ngồi lại với nhau bàn cãi để tìm phương cách họat động. Tuy nhiên, sau nhiều buổi họp bàn sôi nổi mà kết quả chẳng đi đến đâu. Một hôm, trong lúc họ đang bàn cãi, thì thánh Vinh Sơn từ bên ngoài bước vào phòng họp, trên tay mang theo một vật được gói trong tấm khăn vải. Ngài đặt chiếc gói xuống giữa bàn họp. Thì ra đó là một bé gái mới sinh được khỏang ba ngày, bị bỏ lại bên cạnh đống rác mà ngài mới lượm được. Thánh nhân nói : “Các bà muốn làm việc bác ái thì đừng nói nhiều nữa mà hãy làm những việc cụ thể. Các bà hãy bắt tay làm việc nuôi trẻ bị bỏ rơi này ngay đi !”. Dòng Bác Ái Vinh Sơn ra đời từ ngày đó.
2) QUẢNG ĐẠI CHIA SẺ TẤM BÁNH TÌNH NGƯỜI :
Có hai anh em nhà kia áo quần rách nát đang dùng cây sắt bới móc đống rác ở bãi rác trung chuyển cạnh một con đường nhỏ. Bỗng mắt hai đứa sáng lên khi thấy một miếng bánh kem từ trong chiếc xe hơi đậu gần đó vất xuống lề đường. Thằng anh vội chạy đến nhặt lên, nhưng chiếc bánh đã bị lấm đất không thể ăn được. Đứa em gái nuốt nước miếng nói với anh: “Anh phải thổi cho cát bẩn bay đi đã, rồi anh em mình mới có thể ăn được”. Thằng anh liền phùng má thổi mạnh vào chiếc bánh cho đất cát bay ra. Nhưng cát bẩn đã dính sâu vào bánh, thổi thế nào chúng cũng không chịu văng ra. Con em sốt ruột cũng ghé miệng thổi và lỡ tay đụng vào tay của anh khiến chiếc bánh bị rơi tòm xuống chiếc rãnh hôi hám ven đường. Thằng anh tiếc rẻ trách em gái: “Tại em đó. Em đã đụng vào tay anh làm cho chiếc bánh bị rơi xuống cống rồi. Bây giờ lấy gì ăn đây ?”. Nhưng rồi khi thấy vẻ mặt buồn bã của em, nó liền an ủi: “Ừ, lỗi tại anh! Nhưng may là kem vẫn còn dính vào tay anh nè. Cho em mút kem trong ba ngón, còn anh chỉ mút hai ngón còn lại thôi!”
Câu chuyện nói trên không biết thực hư ra sao, nhưng cũng cho thấy giữa đời thường vẫn có những người giàu có hoamg phí vất bỏ đồ ăn đi, đang khi nhiều kẻ nghèo lại phải bòn nhặt từng miếng bánh bị bỏ đi ấy. Là tín hữu của Đức Giê-su, chúng ta cần làm gì để giúp đỡ cụ thể những người nghèo đói bất hạnh trong xã hội hôm nay?
3) ĐỪNG BỎ LỠ CƠ HỘI LÀM VIỆC THIỆN :
vào một đêm đông gió tuyết se lạnh. Một ông lão đến gõ cửa nhà một người giàu có trong xóm. Ông nhà giàu ngồi trong nhà nhìn ra thấy lão ăn xin trong chiếc áo rách mỏng manh đang đứng rét run ngoài cổng. Dù biết lão ăn xin đang bị lạnh, nhưng ông ta nghĩ không nên để lão già ăn xin hôi hám kia vào nhà, nên sai gia nhân ra cổng cho vài đồng xu để lão ta đi.
Mấy ngày sau, một thi thể đã được người ta phát hiện nằm chết cóng dưới một đụm tuyết ở đầu làng. Nghe tin này, ông nhà giàu biết chắc đó là lão già ăn xin mấy hôm trước, nên cũng cảm thấy ân hận vì đã không tận tình giúp đỡ lão ta.
Bỏ lỡ cơ hội làm việc thiện để người ta bị chết cũng chính là một tội ác nghiêm trọng: Tội thiếu sót bổn phận khi ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau của tha nhân đang cần được trợ giúp.
4) CỨ LÀM HẾT SỨC MÌNH ĐI RỒI CHÚA SẼ TRỢ GIÚP :
Ngày nọ, một phụ nữ trung niên đã đến thăm một khu nhà ổ chuột trong thành phố. Nhìn thấy tình trạng bi đát của những người nghèo không nhà cửa, không cơm ăn áo mặc… bà đã tự nhủ: “Ta phải làm gì giúp họ đây ?”. Thế rồi bà dồn tất cả sớ tiền trong túi được 4 đồng bạc Ấn đi thuê một căn nhà tồi tàn trong xóm gần đó. Hôm sau, bà đã đi đến các đường phố lân cận gặp gỡ các trẻ em lang thang bụi đời và đưa chúng về căn nhà mới thuê. Bà ngăn căn nhà thành hai phòng là phòng học và phòng ngủ. Căn phòng học không bàn ghế bảng viết. Bà đã viết lên trên nền nhà lau sạch dạy lũ trẻ học. Hằng ngày bà gặp gỡ nhiều người để xin ủng hộ gạo rau thịt cá để nấu ăn cho chúng. Đó là cách mà bà đã dùng để chiến đấu với sự nghèo đói và dốt nát chỉ với những gì trong tầm tay của mình.
Nhờ ơn Chúa giúp và sự nhiệt thành cộng tác của nhiều người mà đến hôm nay bà đã xây dựng được 80 trường học trang bị học cụ đầy đủ, 300 nhà phát chẩn lưu động theo phong cách hiện đại, 70 bệnh viện miễn phí chuyên chăm sóc chữa trị người cùi, 30 viện chăm sóc cho những bệnh nhân sắp chết bị người thân bỏ rơi, 30 viện chăm sóc các trẻ em bụi dời cùng 40.000 nhân viên thiện nguyện cộng tác trên khắp thế giới. Người phụ nữ đó không ai khác hơn là Mẹ Têrêxa thành Calcutta, vị sáng lập Dòng Thừa Sai Bác Ái.
3. THẢO LUẬN : Ngày nay vẫn còn nhiều người đang bị đói khát cơm áo thuốc men… và đói nghe Lời Chúa và Bánh Thánh Thể. Vậy chúng ta cần làm gì để giúp họ ?
4. SUY NIỆM :
Giống như Mô-sê xưa đã được Đức Chúa ban cho Man-na để nuôi dân It-ra-en trong cuộc lữ hành vượt qua sa mạc 40 năm để về tới miền Đất Hứa, Tin Mừng hôm nay cũng trình bày Đức Giê-su như một Mô-sê Mới thời Tân Ước. Người cũng nhân bánh ra nhiều, bánh Man-na Mới tượng trưng bí tích Thánh Thể, để làm lương thực nuôi dưỡng đức tin của dân It-ra-en Mới là Hội Thánh, đang trên đường lữ hành vượt qua sa mạc trần gian về Đất Hứa Nước Trời đời sau. Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn chúng ta thực hành đức bác ái cụ thể như sau:
1) “Ta mua đâu bánh cho họ ăn đây?” :
Nhìn thấy đám đông đi theo mình, Đức Giê-su chạnh lòng thương, vì họ đang bị đói khát, bệnh tật và bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt. Họ khao khát đi tìm Chúa để mong được nghe giảng Tin Mừng Nước Trời và được chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giê-su đã ban cho họ một bữa ăn để đáp ứng cơn đói sau ba ngày theo Người nơi hoang địa. “Ta mua đâu bánh cho họ ăn đây?” Nói câu này, Người muốn các môn đệ chia sẻ mối bận tâm của Người và cộng tác với Người trong phép lạ mà Người sắp thực hiện.
2) “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”:
Trước nhu cầu lớn lao của đám đông, các môn đệ đã đề nghị với Thầy giải pháp dễ nhất qua câu nói: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn” (Mt 14,15). Giải pháp này xem ra hợp lý và nhẹ nhàng nhất: Ai nấy tự mua thức ăn để phục vụ mình. Nhưng giải pháp này lại không được Đức Giê-su chấp nhận. Người muốn các ông phải có trách nhiệm lo cho đám đông: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn đi”.
Tin Mừng Gio-an cho thấy thiện chí góp phần của các môn đệ như sau: An-rê nói: “Ở đây có một em bé có 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!”. Tuy nhiên Đức Giê-su đã quá rõ sự bất lực của các môn đệ. Người chỉ cần các ông góp phần tối thiểu mà thôi. Người ý thức việc Người sắp làm nên đã cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, hướng nhìn về trời cao, đọc lời chúc tụng… Lập tức những bế tắc của các môn đệ đã được hóa giải và đám đông dân chúng được ăn một bữa no nê.
3) Bài học từ phép lạ nhân bánh ra nhiều:
Đức Giê-su không biến bánh và cá thành một khối thức ăn to lớn, rồi để cho mỗi người tự đến lấy phần ăn cho mình. Người đã cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho họ bằng cách trao bánh và cá cho các môn đệ, rồi các ông này lại mang đến trao cho từng người trong đám đông. Rồi bánh và cá lại từ người này được bẻ ra trao cho người bên cạnh. Đó là bài học bác ái chia sẻ mà Chúa muốn dạy chúng ta trong Tin Mừng hôm nay. Thực vậy, khi mọi người biết quan tâm đến nhau, quảng đại chia sẻ thì Chúa sẽ nhân ra nhiều để mọi người được ăn no.
4) “Anh em hãy thu lấy những miếng thừa kẻo phí đi”:
Con số 5000 người không kể đàn bà con trẻ là cả một rừng người. Đã có hằng ngàn chiếc bánh và cá hôm đó đã được chia sẻ để mọi người ăn no mà còn dư. Đức Giê-su đã truyền cho các môn đệ đi thu lại được mười hai thúng bánh và cá người ta ăn còn thừa đó.
Đức Giê-su quý trọng những mẫu bánh và cá vụn vì chúng là hiện thân tình thương cứu độ của Người. Ngày nay, cũng có những tấm bánh tiếp tục được bẻ ra trong thánh lễ dâng tại các nhà thờ, tuy tấm bánh nhỏ bé mỏng manh nhưng sau khi truyền phép đã biến thành Thân Mình của Chúa Giê-su, tái diễn bữa Tiệc Ly và lễ Hy sinh Thánh giá của Người khi xưa hầu ban ơn cứu độ cho muôn người.
Ngoài ra, qua việc dạy môn đệ đi thu lại những miếng bánh vụn, Đức Giê-su muốn dạy chúng ta bài học phải tránh lãng phí các ơn lành Chúa ban như : Sức khoẻ, tài năng, trí tuệ, thời giờ… Vì chúng đều là những hồng ân của Chúa và cần được bảo quản để chia sẻ cho nhiều người.
5.LỜI CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU.Xin cho chúng con biết quảng đại, biết mở rộng con tim để góp phần giải quyết những đói nghèo của nhân loại. Phần đóng góp nhỏ bé của chúng con hôm nay có thể chỉ là một nụ cười cảm thông với người đang đau khổ, một ly nước lã hay một chén cơm manh áo cho người đói khát nghèo khó, một lời động viên an ủi những người đang bị hiểu lầm và đối xử bất công; một sự khoan dung tha thứ cho những kẻ đang thù ghét làm hại chúng con…
Xin cho chúng con quyết tâm mỗi ngày làm ít là một việc thiện, mỗi ngày sẽ làm vui lòng một người… để chúng con trở thành những tông đồ giáo dân nhiệt thành làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Xin cho chúng con thành tâm cộng tác với Chúa trong việc cứu rỗi bản thân chúng con và nhiều người như lời thánh Au-gút-ti-nô nói : “Thiên Chúa dựng nên bạn không cần hỏi ý bạn, nhưng Ngài không thể cứu rỗi bạn, nếu bạn không cộng tác với Ngài”.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.