Đứng giữa đám đông, chị không hé một lời. Chị không biết nói gì, phần vì xấu hổ, phần vì biết rằng chẳng thể nào thoát được cái chết kinh khủng đang chờ mình. Thầy Giêsu là một con người ngay chính. Hẳn là Thầy cũng ưa chuộng điều thiện và kinh tởm điều ác. Hầu chắc là Thầy cũng sẽ tuân theo những gì luật chỉ dạy và đồng ý với bản án định sẵn kia. Một cảm giác mặc cảm tội lỗi trồi lên. Cái khoảnh khắc tủi nhục vì bị phát hiện phạm tội đã rõ ràng rồi, nay lại phải trở thành con mồi để “nhử” người khác càng làm cho chị nhận thấy thân phận thấp bé và nhỏ mọn của mình.
Đang trong cơn tuyệt vọng, sự im lặng của Giêsu càng khiến chị kinh hãi hơn. Vị thầy này sẽ trả lời thế nào trước câu hỏi chất vấn đầy nghiệt ngã kia? Ngài sẽ có thái độ nào trước những cay cú và phản ứng dữ dội của đám dân đang khát máu kia? Sự tuyệt vọng của chị bỗng dưng bắt gặp được một tia sáng. Chị và cả đám dân không thể tin được vào những gì vừa nghe từ nơi Thầy. Đám đông từ từ bỏ đi hết. Nhưng chị không dám đi. Chị vẫn đứng đó, trong cái tĩnh mịch của tâm hồn và chờ đợi. Chị vẫn chưa thôi bất ngờ với bao cảm xúc lẫn lộn chẳng rõ tên. Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản của Giêsu đã cứu sống chị. Chị vẫn chưa thôi bàng hoàng vì vừa được đưa về từ cõi chết. Chị không thể nhấc nỗi đôi bàn chân để bước đi như bao người khác. Chị đứng đó, có lẽ cũng thầm cảm tạ Thầy Giêsu, nhưng chắc là cũng để chờ một lời phán quyết nào đó. Chị không dám mở lời, không dám nói gì cho đến khi Giêsu lên tiếng hỏi. Một cuộc đối thoại vô cùng ngắn ngủi nhưng lại một lần nữa như nhấc bổng chị đến tận Thiên Cung. “Tôi cũng không trách chị đâu. Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.”
Chúng ta cũng thấy một chuyện tương tự như thế xảy ra trên đồi Canvê một buổi chiều nọ. Giữa trăm ngàn lời cay độc đang đổ dồn về Giêsu, có một tiếng nói yếu ớt vọng đến, xin Ngài hãy nhớ đến mình khi vào Thiên Quốc. Bị kết án tử, hẳn là anh này đã phạm phải một tội ác tày đình nào đó đến độ chẳng thể dung tha. Anh bị tất cả mọi người ruồng rẫy, bị cả xã hội loại trừ. Họ còn muốn anh phải lãnh lấy một cái chết thật đau đớn nữa. Vậy mà đến phút cuối đời, khi chỉ còn lại vài hơi thở mong manh, anh trao dâng cho Giêsu con người mình một tâm tình phó thác. Nhờ đó, anh không những được xóa sạch khỏi mọi tội lỗi mà còn được đón nhận trọn vẹn tình thương yêu ấm nồng của Thiên Chúa toàn năng.
Chỉ đơn giản thế thôi sao! Tội lỗi mà người phụ nữ kia và tên tử tội này phạm được cho là chỉ có cái chết mới xứng đáng bù đắp. Vậy mà giờ đây, chị được cứu thoát khỏi cái chết, được mọi người bỏ qua, mà chính chị cũng chẳng phải chịu một chút đền bù nào. Bao tủi nhục, bao hổ thẹn… giờ đây bỗng dưng vụt tan trong chớp nhoáng. Còn anh chàng kia thì được tha thứ tội lỗi cả một đời và ngay hôm ấy được vui hưởng phúc Trời cao. Đáng lẽ Giêsu phải la rầy họ, phải làm cho họ thật bẽ mặt, phải khiến họ phải chịu đau khổ thật nhiều chứ. Tại sao Giêsu có thể dễ dàng bỏ qua cho họ tất cả như vậy?
Chúng ta thường sợ đi xưng tội, vì khi ấy ta phải đối diện với chính những lầm lỗi của mình. Ta ngại ngùng khi phải thú nhận những điều xấu xa ta phạm trước vị linh mục đại diện Chúa. Ta xấu hổ cho chính mình, ta day dứt trong tim. Có những tội ta đã quyết tâm rất nhiều, nhưng không sao chừa được. Cứ xưng đi xưng lại tội ấy đôi khi khiến ta mệt mỏi, chán chường và buồn phiền cho chính bản thân. Đôi khi ta không thể tha thứ cho chính mình và ta nghĩ rằng chắc là Chúa cũng khó có thể tha thứ cho ta. Nhưng trái với những gì ta nghĩ, một phép xá giải mà vị linh mục ban cho ta nhân danh Chúa, đã giải gở ta khỏi mọi vết nhơ ta vướng phải. Những tội nặng ta phạm cũng được tẩy sạch trơn. Ta chỉ phải làm một vài việc đền tội nho nhỏ. Chỉ đơn giản thế thôi sao?
Nhiều người hay thắc mắc rằng có tội với Chúa thì xin lỗi Chúa, chứ mắc gì xưng tội với vị linh mục. Thế nhưng, họ quên rằng Chúa là Đấng vô hình, và mình không thể gặp gỡ và đụng chạm trực tiếp được. Người công giáo đi xưng tội, không phải là đi xin lỗi vị linh mục nghe giải tội, vì mình chẳng có làm gì lỗi phạm với vị ấy cả, nhưng là đến gặp Chúa ngang qua đại diện của Ngài là vị linh mục. Vị linh mục sẽ thay mặt Chúa lắng nghe, an ủi và trao gửi đến ta những tâm tình cũng như những lời khuyên cần thiết. Năng quyền giải tội mà vị linh mục có là nhận được từ Chúa ngang qua Giáo Hội.
Dĩ nhiên, bí tích Giải tội cũng không phải là nơi “chạy tội” của những người lợi dụng lòng tốt và tình yêu của Chúa. Người ta không thể ăn cắp, gian lận … rồi đến xưng tội là xong. Để việc xá tội được thành, người đi xưng tội phải có một lòng thành khẩn và còn phải làm việc đền tội theo những gì cha giải tội đưa ra. Họ phải trả lại những gì đã lấy của người khác một cách bất chính, phải dừng ngay những hành vi sai trái… Bởi thế, nơi lòng thương xót của toà giải tội cũng có đòi hỏi của đức công bình, và có tính giáo dục rất cao. Làm tổn thương anh em thì chính là xúc phạm đến Chúa. Xin lỗi Chúa nơi toà giải tội không loại trừ việc người ấy cũng phải cố gắng làm hoà với anh em mình.
Chính Đức Giêsu đã đền thay mọi sự cho ta, đã gánh lấy tất cả mọi hậu quả do tội ta gây ra. Buổi sáng định mệnh của người phụ nữ ngoại tình hay buổi chiều tang tóc của tên trộm lành đã đưa tới buổi tối đau thương của Ngài trên thập giá. Gánh trên vai mà Ngài vác lấy không chỉ là hai con người này nhưng là của tất cả mọi loài trong trời đất. Nhưng chưa bao giờ Ngài quở trách ta, chưa bao giờ Ngài bỏ mặc ta. Có thể Ngài đã buồn nhiều lắm vì sự yếu đuối của con người, nhưng nơi môi miệng Ngài bao giờ cũng là lời trao ban an ủi, lời khơi dậy niềm tin, lời mang đến hy vọng. Ngài chẳng mắng chửi ai, nhưng chỉ là “hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” Ngài chẳng nguyền rủa ai, nhưng là “hôm nay anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi.” Giêsu luôn như thế: một mục tử rất mực nhân lành.
(Pr. Lê Hoàng Nam, SJ, Dongten.net 24.03.2017)