Mở đầu
Người tĩnh tâm nói ít nghe nhiều:
Nghe sách,
Nghe giảng,
Nghe lương tâm,
Nghe Chúa.
Nghe không để làm giàu kiến thức,
Nhưng để cải tạo bản thân.
Chủ yếu không phải là tiếp thu trung thực, nhưng là dùng lời nghe đặt thành vấn đề cho chính mình.
Nghe như thế đòi nhiều suy nghĩ.
Ai suy nghĩ với tinh thần khiêm tốn, cầu nguyện và khát khao gặp Chúa sẽ thấy mình nên mới hơn.
Vì hy vọng đó nên đã ghi lại những bài giảng này. Tất cả chủ đề đều trong Phúc Âm thánh Matthêu, đoạn 10.
Chẳng có gì mới, nhưng là một sự chia sẻ chân thành trong tình anh em linh mục.
“Chúa Giêsu sai các tông đồ đi”
Thế nào là người tông đồ?
Rất nhiều người hiểu tông đồ là kẻ làm việc đạo. Nơi phần đông, hình ảnh người tông đồ thường được tô đậm ở nét hoạt động. Là tông đồ có nghĩa là làm tông đồ, mà làm tông đồ là phải làm, làm nhiều.
Hiểu tông đồ như thế không đúng với ý nghĩa nguyên thuỷ của Tin Mừng. Theo ý nghĩa Tin Mừng thì tông đồ (apostolus) có nghĩa là kẻ được sai đi.
Tông đồ là kẻ được sai đi
Ý nghĩa đó nói lên ngay một điều hiển nhiên, đó là sự kẻ được sai đi phải lệ thuộc vào kẻ sai mình. Bản chất của tông đồ là được sai đi, nên mọi lựa chọn, mọi ý hướng, mọi sức mạnh vận dụng của tông đồ phải lệ thuộc vào kẻ sai mình.
Một khi hiểu tông đồ là kẻ được sai đi và kẻ được sai đi phải lệ thuộc vào kẻ sai mình, thì ta thấy người tông đồ phải có hai đặc điểm sau đây:
Đặc điểm thứ nhất của tông đồ là phải nhất trí với Đấng sai mình
Điều đó quá dễ hiểu, kẻ được sai đi thì phải nhất trí với kẻ sai mình, nhất trí về nhiệm vụ, nhất trí về hành động, nhất trí về mục đích, nhất trí về đường lối.
Mọi công phúc của tông đồ hệ tại ở sự nhất trí đó, chứ không hệ tại ở hoạt động nhiều hay ít, thành công hay thất bại.
Gương mẫu của kẻ được sai đi là chính Chúa Kitô. Chúa Kitô đã được Thiên Chúa Cha sai đến với loài người. Để làm gì?
Ngài trả lời câu hỏi đó cho Thiên Chúa Cha trong thưthánh Phaolô gởi tín hữu Hipri: “Này Con đến để thi hành ý muốn Cha” (Hipri 10,9).
Và Ngài trả lời câu hỏi đó cho loài người trong Tin Mừng thánh Gioan: “Ta đã từ trời xuống, không phải để làm theo ý Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta” (Ga 6,38).
Chúa Kitô nhất trí hoàn toàn với Đức Chúa Cha đến nỗi Người coi việc nhất trí đó là chính lương thực của Ngài. Trên bờ giếng Giacóp, Ngài đã quả quyết với các tông đồ: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Người” (Ga 4,32).
Sự nhất trí của Chúa Kitô với Đức Chúa Cha là một sự nhất trí thường xuyên. Ngài nói: “Con không thể làm điều gì tự mình, nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Chúa làm” (Ga 5,19). Ngài nhìn mọi sự trong Chúa Cha và hành động đúng thánh ý Chúa Cha. Ngài khẳng định: “Ta không tìm kiếm ý của Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta” (Ga 5,30).
Sự nhất trí của Chúa Kitô với Đức Chúa Cha được nổi bật nhất trong những lựa chọn căng thẳng của Ngài.
Ngài đã lựa chọn ý Chúa Cha hơn mọi liên hệ gia đình thân thuộc. Ngài nói điều đó với chính Đức Mẹ và thánh Giuse: “Ba mẹ tìm con làm gì? Ba mẹ không biết con phải lo các việc của Cha con sao?” (Lc 2,49). Và lần khác Ngài nói: “Bất cứ ai thi hành ý của Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta” (Mc 3,35).
Ngài đã chọn lựa thân phận người tôi tớ khổ đau mà tiên tri Isaia đã loan báo hơn là đứng trong những loại người mà xã hội và tôn giáo lúc đó đang trông chờ.
Ngài đã lựa chọn cái chết bi đát tủi nhục hơn là trốn tránh. Vì: “Xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Chúa được thành sự” (Lc 22,42).
Ngài sống và hành động đúng một kẻ được sai đi, nên thái độ của Ngài rất mực khiêm tốn. Ngài bảo các tông đồ: “Khi đã làm xong mọi sự truyền dạy các con, các con hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, không làm gì hơn là phận sự phải làm” (Lc 17,10). Ngài bảo tông đồ, thì chắc Ngài đã làm trước.
Cũng vì ý thức mình là kẻ được sai đi, nên Ngài rất mực phó thác. Ngài lấy kinh nghiệm bản thân mà khuyên môn đệ: “Đừng băn khoăn về ngày mai, ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Khổ ngày nào đủ cho ngày ấy” (Mt 6,34). Ngài dạy tông đồ tin tưởng ở Cha trên trời là Đấng biết rõ những gì họ tìm kiếm.
Thánh Phaolô đã coi sự nhất trí của Chúa Kitô với Đức Chúa Cha là chính lý do làm Chúa Kitô được vinh quang. “Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài, và ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu” (Phil 2,8-9).
Nhìn Chúa Kitô, ta thấy gương nhất trí của kẻ được sai đi phải là như thế với Đấng sai mình. Còn ta thì sao? Ta có thực sự nhất trí với Giáo Hội ta và với Chúa của ta không? Ta đòi cấp dưới nhất trí với ta. Nhưng chính ta có nhất trí với Bề trên ta không?
Đặc điểm thứ hai của tông đồ là phải nhiệt tình với Đấng sai mình
Nếu để ý nhận diện các tông đồ, ta thấy họ đã được chọn không phải vì có học, cũng không hẳn vì có nhiều nhân đức, mà trước hết vì họ là những kẻ nhiệt tình. Hai môn đệ được Chúa trao trách nhiệm lớn nhất, thánh Phêrô và thánh Phaolô, chính là hai người nổi nang nhất vì lòng nhiệt thành.
Nhiệt tình với một lòng yêu mến không tính toán. Chúa gọi là đi theo, chẳng biết để làm gì, chẳng biết sau này ra sao. Rồi khi biết tương lai đầy đe doạ, họ vẫn trung thành theo Chúa, không so đo, không mặc cả.
Nhiệt tình với một lòng tin tưởng tuyệt đối. Giáo lý Chúa dạy, có điều họ hiểu, có điều họ không hiểu. Nhưng dù hiểu dù không, họ đều tin hết. Đời họ đầy lao lung thử thách, họ vẫn tin vào Chúa.
Nhiệt tình với một sự hăng say hiến thân quên mình tột độ. Họ là thiểu số. Bị chống đối tư bề. Của cải không có. Ăn thì ăn nhờ. Ở cũng ở nhờ. Nay đây mai đó. Bị đàn áp đủ cách. Thế nhưng họ vẫn thản nhiên loan báo Tin Mừng bằng lời giảng, bằng bác ái và bằng chính mạng sống hy sinh.
Trên bình diện tâm lý, sự nhiệt tình tông đồ được sống và cảm nghiệm như một sự bận tâm ưu tiên cho Nước Trời. Cũng gọi là một sự băn khoăn đam mê vận dụng tất cả tài năng trong mình và chiếm đoạt tất cả thời khắc.
Sự bận tâm ưu tiên này như dòng thác không ngừng tìm lối tràn lan. Nó khởi đi từ nguồn mến Chúa thiết tha và thương người như Chúa thương ta. Nghĩa là người tông đồ chỉ băn khoăn do tình thương và cho tình thương. Nhiệt tình của họ không có tính cách tranh giành quyền lợi với ai. Bận tâm của họ không nhằm mục đích tìm vinh quang trần thế. Họ băn khoăn góp phần vào việc đưa hạnh phúc thực sự đến cho mọi người, một thứ hạnh phúc bao trùm cả xác lẫn hồn, cả đời này lẫn đời sau. Chúa Kitô không đến để kết án nhưng để cứu độ, thì kẻ được Chúa sai đi cũng chỉ nỗ lực cởi gỡ con người khỏi mọi hình thức sự dữ và đem họ về sự thiện. Nhiệt tình như thế là một thứ lửa luôn linh động và bầng bầng bốc cháy. Trong bất cứ hoàn cảnh nào nó vẫn hiên ngang, tin tưởng và lạc quan. Ta có lửa nhiệt tình đó trong lòng không?
Khi đối chiếu bản thân ta với hình ảnh tông đồ lý tưởng vừa phác hoạ trên đây, có hai trường hợp sẽ xảy ra:
Một là ta thấy mình có nhất trí và có nhiệt tình với Đấng sai ta.
Hai là ta thấy mình thiếu nhất trí và thiếu nhiệt tình với Đấng sai ta.
Dù trường hợp thứ nhất, dù trường hợp thứ hai, ta cũng đều phải lo. Nếu là trường hợp thứ nhất ta nên lo nhiều lắm. Bởi vì biết đâu sự nhất trí và nhiệt tình ta tưởng có, thực ra chỉ là một sự nhất trí và nhiệt tình giả tạo. Anna Caipha lên án giết Chúa Giêsu mà tưởng mình làm một điều nhất trí với Kinh Thánh! Thánh Phêrô chém đứt tai người đầy tớ thầy cả mà tưởng mình nhiệt tình với Thầy chí thánh. Bảo thủ cực đoan như cựu Tổng Giám Mục Marcel Lefèvre hiện nay đang chống đối Toà Thánh và Công Đồng Vatican II cũng vẫn cho rằng mình trung thành với Phúc Âm và nhiệt tình với Giáo Hội. Những ảo tưởng như thế không phải là hiếm. Ta nên e sợ cho chính mình.
Nếu là trường hợp thứ hai, ta càng phải lo nhiều hơn. Bởi vì có được nhất trí và nhiệt tình thực sự với Đấng sai ta là một điều khó. Khó ở chỗ nhất trí và nhiệt tình không phải chỉ trên những nguyên tắc, mà còn phải ở sự áp dụng những nguyên tắc đó vào thực tế hằng ngày trong hoàn cảnh hôm nay. Rồi khó ở chỗ nhất trí và nhiệt tình không phải chỉ trong ý thức, mà còn phải thấm nhập vào tất cả con người của ta, cho đến tận vô thức và các phản xạ.
Để giải đáp chung cho cả hai cái lo trong hai trường hợp, ta thấy có một cách rất tốt, đó là quyết tâm trở lại cuộc sống lệ thuộc vào Chúa. Chúa đã nói rõ: “Hãy ở lại trong Ta và Ta trong các con. Cũng như nhánh nho không thể sinh trái tự mình mà không ở lại thân nho, thì các con cũng vậy, nếu không ở lại trong Ta. Cây nho, chính là Ta, các con là nhánh. Ai ở lại trong Ta và Ta trong kẻ ấy, thì sẽ sinh được nhiều trái. Vì ngoài Ta, các con không thể làm gì” (Ga 15,4-5). Sự lệ thuộc nói đây là một sự tăng thêm hiệu lực và giá trị cho ta. Vì đây là sự ta được hiệp thông vào tinh thần và sức sống của chính Thiên Chúa. Nhờ đó, ta cảm nghĩ, phán đoán, nói năng, hành động hoàn toàn nhất trí với Chúa trong một cuộc sống đầy nhiệt tình với Đấng sai ta.
Thực hiện sự lệ thuộc đó, chính là thực hiện điều ta hằng ngày đọc trong thánh lễ: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng cùng với Chúa Thánh Thần muôn đời. Amen”.
(còn tiếp)
+ GM Bùi Tuần