Cha Roberto Sardelli, “linh mục của khu ổ chuột”

RobertoSardelli - Cha Roberto Sardelli, "linh mục của khu ổ chuột"

Cuộc đời của cha Roberto Sardelli, một linh mục dấn thân, sống và thi thành sứ vụ cho người di dân trong khu ổ chuột; hơn thế nữa còn là người can đảm tố cáo bất bình đẳng và bất công, được kể lại từ những người cũng đang theo mẫu gương dấn thân vì những người bé nhỏ của cha. Đó là cha Andrea La Regina, người đứng đầu các dự án vĩ mô và các trường hợp khẩn cấp quốc gia của Caritas Italiana, ông Massimiliano Fiorucci, giám đốc Khoa Khoa học Giáo dục của Đại học Roma Tre, và cựu học sinh Angelo Celidonio.

Theo lời chứng của cha phụ trách Caritsa Italia thì cha Roberto Sardelli là một vị mục tử đích thức, người đã chọn phục vụ những người rốt hết như một sự chia sẻ. Cha muốn đánh bại cách sống đạo đức giả ngăn cản người nghèo không được coi là người. Roberto, “linh mục của cư dân ổ chuột” ở khu vực hệ thống dẫn nước cổ Felice dấn thân tích cực cho việc truyền giáo và là người có niềm tin vào văn hóa như một phương tiện cứu chuộc cho những người bị loại trừ. Người có một phong cách sống luôn luôn đối thoại và gặp gỡ.

Người chăn chiên có mùi chiên

Một người gốc Pontecorvo, ở Bassa Ciociaria, cha Roberto Sardelli đã được phong chức linh mục vào năm 1965, ở tuổi 30. Trong khi nghiên cứu triết học và thần học, cha đã gặp cha Lorenzo Milani ở Barbiana của Mugello. Một thời gian dài, cha ở Lyon, Pháp, nơi cha đào sâu kiến thức của các linh mục thợ và các nghiên cứu của nhà thần học Dòng Tên Teilhard de Chardin.

Năm 1968, cha được bổ nhiệm làm cộng tác tại giáo xứ San Policarpo, nơi cha bắt đầu tích cực dấn thân cho những người di dân, đặc biệt là những người đến từ các vùng miền nam nước Italia, sống trong các lán gỗ ngay phía sau nhà thờ, trong các mái vòm của hệ thống dẫn nước cổ Felice. Năm 1969, cha mua một trong những túp lều của một cô gái mãi dâm và chuyển đến khu định cư, nơi cha thành lập “Trường 725” nổi tiếng. Điều này mang lại cơ hội cho những người bị gạt ra khỏi trường lớp, cho phép họ tiếp tục học và tìm hiểu về các tác phẩm và tác giả như Gandhi hoặc Malcolm.

Từ công việc này xuất hiện “Thư gửi thị trưởng” và cuốn sách “Đừng im lặng” nổi tiếng, tiếng nói của những người bé nhỏ, khốn cùng. Ngay sau khi khu nhà ổ chuột bị sơ tán trong năm 1973, cha Roberto Sardelli đã tận tâm hợp tác báo chí với Paese Sera, Thống nhất và Tự do, cũng như với các tạp chí của thế giới Công giáo. Năm 1982, cha thành lập Studio Flamenco, để tiếp cận thế giới Roma thông qua vũ điệu; trong khi từ năm 1989 đến 1998, cha thường xuyên theo dõi quan tâm đến bệnh nhân AIDS trong bệnh viện. Cha Andrea La Regina nhấn mạnh: “Cha Roberto, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, là người có mùi chiên: cha không bao giờ nghĩ mình có thể tách mình khỏi những người khốn cùng mà cha đã được sai đến, cha luôn sẵn sàng với họ”.

Cha Roberto Sardelli nói: “Tại Felice, chúng tôi đã học cách cởi bộ quần áo mà họ đã mặc cho chúng tôi để mang đến cho những người thiếu thốn”.

Sức mạnh của lời

Vào tháng 11 năm 2018, đại học Roma Tre trao cho cha Roberto Sardelli bằng “honoris causa” về khoa học sư phạm vì đã thực hiện trong chín mét vuông của “Trường 725″ một trong những sáng kiến đặc biệt về sư phạm phổ biến ở Italia sau Thế chiến II”. Ông Massimiliano Fiorucci, giám đốc Khoa Khoa học Giáo dục tại Đại học Roma Tre tuyên bố: “Tôi tin rằng cha Roberto là một trong những nhân vật đặc biệt của cuối thế kỷ XX. Công việc giáo dục của cha Robero gần như là duy nhất, đặc biệt là sự can đảm và lựa chọn triệt để sống với khu ổ chuột, xác định giáo dục là công cụ giải phóng cho những người yếu nhất”. Trong buổi lễ, linh mục, đã 83 tuổi, không thể tham gia. Hai cựu sinh viên, Emilio Bianchi và Angelo Celidonio, đã đại diện nhận danh dự cho cha. Hai cựu sinh viên này là những người trong thập niên 60 sống dưới những tấm tôn được ghép lại ở vùng ngoại ô của Roma, không có ánh sáng, nước và cống rãnh.

Trao ban niềm hy vọng

Angelo Celidonio, một học trò cũ của cha Roberto nhớ lại. “Đối với chúng tôi, cha là một người trong gia đình, là một người hướng dẫn thiêng liêng, một người hướng dẫn văn hóa, một người hướng dẫn con người. Khi còn là những đứa trẻ cha biến chúng tôi thành người lớn với lương tâm biết phân định, với khả năng lắng nghe người khác. Cha làm cho chúng tôi hiểu quyền của chúng tôi là gì và cho chúng tôi thấy những khả năng của chúng tôi có thể là gì. Cha Roberto là một người đặc biệt, cha đã dạy chúng tôi cách sống cho tự do và phát triển”.

Ngọc Yến

(VaticanNews 15.03.2019)

Exit mobile version