Cầu Nguyện “Vô Thức” Bằng Kinh Mân Côi?

Lts: Phần lớn bài viết này được viết khi còn học tại Đại Chủng Viện, được Cha giáo Linh đạo đánh giá cao. Và bài viết này cũng là nguồn gợi hứng cho truyện ngắn “Phép lạ kinh Mân côi” đã đoạt giải nhất thể loại văn xuôi trong cuộc thi “Văn – Thơ – Nhạc – Họa Đức Mẹ Tàpao lần I, 2009”.

1.Dẫn Nhập

Bao giờ cho đến tháng mười

Người người liên lỉ dâng lời Mân côi

Là người kitô hữu công Giáo Lamã trưởng thành, ắt hẳn mỗi chúng ta đều quen thuộc và gần gũi với kinh Mân côi biết bao. Đó là hình thức cầu nguyện truyền thống tồn tại hàng trăm năm trong lòng Giáo hội. Tuy nhiên, một thực trạng đang diễn ra hiện nay là đa số thanh thiếu niên, người trí thức trẻ, người giàu có thành đạt … thì ít yêu mến, ít đọc, hoặc không thích, không bao giờ đọc kinh Mân côi. Đôi khi họ đọc vì phải đọc do sự bắt buộc của sinh hoạt cộng đoàn hay lề luật chung. Bởi họ cho rằng: đây là lời kinh nhay đi nhay lại, đơn điệu, đọc theo thói quen, đọc cách vô hồn, vô cảm, vô ý thức …. Ngược lại đại đa số giáo dân lớn tuổi, bình dân, quê mùa … hay những tu sĩ, linh mục cao niên… thì đọc kinh Mân côi cách sốt sắng, đọc liên tục, đọc mọi lúc mọi nơi. Đọc ở nhà thờ, đọc khi làm việc, đọc trước khi ngủ, đọc khi đi dạo…. Đọc chẳng cần ý thức, chẳng cần phải suy nghĩ, suy niệm, suy tưởng, tưởng nhớ, hình dung…. Mà dường như họ có một sự xác tín, một ơn thiêng ngọt ngào nuôi dưỡng khiến họ không bao giờ chán nản, nghi nan.

Như thế, có chăng một hình thức“cầu nguyện vô thức bằng kinh Mân côi”? Bài viết này như một tiếp nối suy tư của cha Anthony De Mello khi nói về kinh Mân côi trong tác phẩm “Tiếp Xúc Với Thiên Chúa”, với ước mong lý giải vấn đề “cầu nguyện vô thức bằng kinh Mân côi” hầu giải toả được cái nhìn phiến diện “duy lý” của đa phần người trẻ hiện nay. Để thực hiện điều này, trước tiên chúng ta phải tìm hiểu về những suy tư của cha Mello.

2. Những Suy Tư Của Cha Anthony De Mello[1]

Trong tác phẩm “Tiếp Xúc Với Thiên Chúa”, cha Mello chỉ dành hơn hai trang sách, chưa tới 700 chữ để nói về cách cầu nguyện bằng kinh Mân côi. Như một tiếp diễn những suy tư của cha về “kinh nguyện Chúa Giêsu” được viết hơn 28 trang sách thật đặc sắc. Những tư tưởng này được gợi hứng từ cuốn “Các Câu Chuyện Kể Của Người Lữ Hành Nga”[2] là tác phẩm kinh điển trình bày kinh nguyện Chúa Giêsu của Giáo hội Công giáo Đông phương qua kinh nghiệm của các Giáo phụ. Theo chân cha Mello, người viết đã ngấu nghiến 2 đêm hết 2 tập của cuốn “Các Câu Chuyện Kể Của Người Lữ Hành Nga”, và thấu hiểu phần nào những suy tư và những cảm nghiệm thiêng liêng ngọt ngào của cha Mello. Nhờ đó, người viết cũng đã thực hành và yêu mến hình thức cầu nguyện này cách đặc biệt.

Trong phần viết về kinh nguyện Chúa Giêsu, cha Mello trình bày bốn phần: Phần 1 là lời giới thiệu về kinh nguyện Chúa Giêsu qua tác phẩm “Các Câu Chuyện Kể Của Người Lữ Hành Nga” chính là lời nguyện tắt: “Lạy Chúa Giêsu, Thánh tử Thiên Chúa / xin thương xót con, tội nhân khốn cùng”. Đọc lời nguyện tắt này cách liên lỉ (không suy nghĩ) hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn… lần trong ngày. Đọc mọi lúc mọi nơi, đọc kết hợp với hơi thở, với nhịp đập con tim cho đến khi con tim ghi khắc lời nguyện ấy, và nó tự đọc lấy cách liên lỉ không ngừng. Không chỉ cứng nhắc đọc đúng lời nguyện trên, mà có thể linh động chọn một câu thích hợp với mỗi người, miễn là có danh thánh “Giêsu” như: “Lạy Chúa Giêsu con yêu mến Chúa”, “Lạy Chúa Giêsu xin dủ thương con”, “Lạy Chúa Giêsu xinh nhớ đến con”… Phần 2 là phần nghiên cứu của cha về thần lực và sức mạnh của kinh nguyện Chúa Giêsu có nguồn gốc từ Kinh Thánh, ngài cũng đối chiếu với “kinh Thánh Danh” của Ấn Giáo với chứng từ sống động là Mahatma Gandhi. Phần 3 là sự tìm tòi suy tư độc đáo về những nguyên nhân tâm lý tiềm ẩn sau lời kinh nguyện Chúa Giêsu và ngài đã kết luận: “Một số người có thể khó chịu khi thấy các qui luật của hành vi tự ám thị hoạt động trong trường hợp kinh nguyện Chúa Giêsu? Nhưng tại sao lại không nhỉ? Tại sao chúng ta lại không được tận dụng sức mạnh của hành vi tự ám thị để trở nên một con người có tinh thần cầu nguyện hơn và đến gần Thiên Chúa hơn, giống như chúng ta vẫn lợi dụng sức mạnh của tâm trí, óc tưởng tượng và cảm xúc của chúng ta.”

Đến phần nói về kinh Mân côi, cha chỉ trình bày trào lưu nhạo cười kinh Mân côi bằng não trạng “duy lý” ngược lại với những hoa trái thiêng liêng ngọt ngào mà các thánh và những bà cụ lành thánh tại các làng quê Ấn Độ có được từ kinh Mân côi. Và ngài đã nhấn mạnh “Một lần nữa chúng ta lại quay về với điều mà tôi gọi là việc thánh hoá tiềm thức bằng cách đọc đi đọc lại một công thức kinh nguyện mà bề ngoài có vẻ máy móc”.

Như thế, “việc thánh hoá tiềm thức” là chìa khóa giúp chúng ta làm sáng tỏ vấn đề “cầu nguyện vô thức bằng kinh Mân côi”. Để làm được điều này thiết nghĩ chúng ta cùng tìm hiểu về kinh Mân côi, đồng thời đặt “cầu nguyện vô thức” dưới nhãn quan của ngành Tâm lý học hiện đại, của Kinh Thánh và của Thần học về Linh đạo của Giáo hội.

3. Tìm Hiểu Đôi Nét Về Kinh Mân Côi

Lịch sử kinh Mân côi thật phức tạp vì ảnh hưởng nhiều yếu tố của các hình thức tôn sùng Đức Mẹ thời Trung Cổ. Có nhiều giả thiết và lý giải khác nhau, nhưng “Từ điển Đức Mẹ” [3] cho ta những nét khá vững chắc.

Thế kỷ XII đã xuất hiện hình thức lần chuổi kinh Mân côi liên kết với năm niềm vui của Đức Mẹ là Truyền tin, Sinh nhật, Phục sinh, Thăng thiên, Mông triệu. Sau đó các tín hữu liên kết với bảy niềm vui, rồi dần hồi trở thành mười lăm niềm vui tương ứng với một trăm năm mươi Thánh vịnh.

Thế kỷ XIII và XIV các tu sĩ dòng Phanxicô và dòng Tôi Tớ Đức Mẹ cổ động lòng tôn sùng năm niềm đau, rồi bảy niềm đau của Đức Mẹ. Trong thời gian này, do ảnh hưởng của trào lưu chống lại khuynh hướng lịch sử toàn diện nên dẫn đến hình thức tôn sùng bảy niềm vui thiên đàng của Đức Mẹ.

Sau cùng, đến thế kỷ XV, xuất hiện hai hình thức chuổi Mân côi mà ngày nay vẫn còn sử dụng. Thứ nhất là chuổi Mân côi của tu sĩ Đôminicô dòng Thusian năm 1410, gồm 150 kinh Mân côi, kèm theo nhiều câu suy niệm biến cố cuộc đời Chúa Kitô và Đức Trinh nữ Maria. Thứ hai là “Tân Thánh Vịnh Đức Thánh Trinh Nữ” do Chân phước Alanô Đờ Rốc dòng Đaminh khởi sự truyền bá tại Đu-ai (Douai) năm 1464. Hình thức chuỗi Mân côi ba mùa Vui – Thương – Mừng tương ứng với các mầu nhiệm Nhập thể, Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô. Hình thức này phổ biến nhanh chóng nhờ các hội Mân côi do các tu sĩ dòng Đaminh thành lập, trước tiên tại Cologne năm 1475. Nhờ có phát minh ra máy in mà thứ tự mười lăm mầu nhiệm được chuẩn hoá cố định từ năm 1480 – 1500.

Ngày 16.10.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông thư Rosarium Virginis Mariae đã thêm “các mầu nhiệm Sáng” vào kinh Mân côi [4].

Như vậy, hiện nay kinh Mân côi gồm bốn mùa Vui – Sáng – Thương – Mừng tương ứng với các mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Mỗi mùa được suy niệm 5 mầu nhiệm của Chúa Giêsu tương ứng với 5 lời nguyện tắt, cùng 5 kinh Lạy Cha, 50 kinh Kính Mừng, 5 kinh Sáng Danh. Do đó, toàn thể kinh Mân côi sẽ suy niệm 20 mầu nhiệm của Chúa Giêsu tương ứng với 20 lời nguyện tắt, cùng 20 kinh Lạy Cha, 200 kinh Kính Mừng, và 20 kinh Sáng Danh.

4. Cầu Nguyện Vô Thức Bằng Kinh Mân Côi

a.Dưới nhãn quan tâm lý học hiện đại

Khi nói đến vô thức hay ý thức, người ta thường nhắc đến hai học thuyết Phân tâm nổi tiếng của Sigmund Freud và Carl Gustv Jung.

Theo Freud, “Kinh nghiệm nhận thức chỉ là phần đỉnh của tảng băng trôi, giống như khối băng đồ sộ đang trôi chưa nhìn thấy, vật liệu phát ra tín hiệu từ chú lùn tiềm thức là thông tin chúng ta đang nhận biết. Phần lớn hành vi trong đời sống hàng ngày của con người được xem là các tác động tiềm thức kích thích nhưng chúng ta không biết nhiều. Do đó muốn hiểu đầy đủ, nhất thiết phải giải thích và phô bày những gì có trong tiềm thức.” [5]

“Cõi vô thức là tối thượng và mọi hoạt động ý thức chỉ có một vị trí phụ thuộc. Nếu hiểu được cái thầm kín sâu xa của cõi vô thức ắt chúng ta hiểu được bản chất nội tại của con người. Freud tuyên bố là chúng ta thường suy nghĩ cách vô thức và thỉnh thoảng suy tư của chúng ta mới có tính chất ý thức … Freud phân loại hoạt động tinh thần của mỗi con người được thể hiện ra thành ba cấp độ được ông gọi là “ngã” (id, soi), bản ngã” (ego, moi), và siêu ngã (superego).” [6]

Để minh chứng cho sự hiện hữu của tiềm thức, Freud đã dùng đến những giấc mơ và thuật thôi miên. Cha Anthony de Melo đã chỉ ra những nét độc đáo của tiềm thức[7]. Dường như chúng ta có thể bắt tiềm thức tin và làm một điều gì đó, một điều có thể trở thành hiện thực cho chúng ta. Trong thời gian đương sự bị thôi miên, tiềm thức dường như mở ngỏ cho sự ám thị. Sau đây là một ví dụ: Người thôi miên nói với đương sự, “Mời các anh hút thuốc lá!” Thế rồi, thay vì một điếu thuốc lá, người thôi miên đưa cho đương sự một cục phấn, nhưng đương sự vẫn cầm lấy và hút ngon lành! Rồi người thôi miên đột nhiên nói: “Này ngón tay của anh bị bỏng rồi kìa!” Đương sự giật nẩy mình và vội vã quăng “điếu thuốc” kia đi. Thật lạ lùng, một vết bỏng xuất hiện trên ngón tay của đương sự, các thớ thịt có dấu hiệu bị tổn hại rõ ràng! Thế thì năng lực kì lạ của hành vi ám thị mà chúng ta có bên trong con người chúng ta là gì? Có phương thế nào để thánh hoá “tiềm thức” không? Đa phần các phương pháp nên thánh của chúng ta đều nhắm đến sự ý thức. Thế thì còn phần chìm (90%) của tảng băng to lớn tiềm thức thì sao? Thánh hoá được nó là thánh hoá được động lực hoạt động và nguồn mạch phần lớn sức mạnh của chúng ta tự căn bản. Có cách nào để chúng ta tiếp xúc với tiềm thức, tác động lên nó và tận dụng nó để đem lại lợi ích cho chúng ta hay không? Emile Coue cho rằng có. Đó là hành vi “tự kỷ ám thị”. Việc lặp đi lặp lại hàng chục, hàng trăm lần kinh Kính Mừng trong vô thức (không suy nghĩ gì) để rồi dần dần tiềm thức của chúng ta sẽ nắm được và trở nên một “tiềm thức biết cầu nguyện”. Nếu hành vi “tự kỷ ám thị” có hữu ích như thế, tại sao chúng ta lại không biết tận dụng chứ?

Con đường dẫn đến “tiềm thức biết cầu nguyện” cũng chính là con đường “thức tỉnh” để tiếp cận với tự ngã của Jung. “Tự ngã là tầng vô thức sâu nhất trong vô thức, được gọi là hạt nhân của tâm thức. Với tự ngã ta không còn có thể dùng giác quan hay ý thức để quan sát và nhận thức nữa, nhưng phải dùng đến chính ngôn ngữ của vô thức. Để thức tỉnh, chú tâm đến tự ngã, ta sẽ sống như thường lệ với những thực tại và sự kiện xảy ra trong ta và ngoài ta giữa xã hội, nhưng đồng thời vẫn tỉnh thức chăm chú, và với con mắt tâm linh nhìn được tự ngã tỏ hiện và nhắn nhủ ta. Thái độ tỉnh thức và chăm chú này được thực hiện một cách bình thản, không căng thẳng mà cũng không thờ ơ trễ nải, giống như chuyện minh triết Á Châu nói về con mèo tỉnh thức, chăm chú, nhưng một cách tự nhiên và bình thản nhìn hang chuột và chờ đợi. Nếu ta mỗi ngày cứ thế thực tập, tất sẽ có lúc hoa được kết trái; và khi thời điểm đến, thì giống như trái đào chín rơi vào bàn tay, một cái gì đó sẽ xảy ra và nó sẽ châm ngòi cho sự bừng tỉnh của nội tâm. Và lúc đó đương sự sẽ giống như người uống trà, chỉ một mình anh ta biết được hương vị của trà. Mọi ngờ vực lâu nay bỗng tan biến và anh ta sẽ cảm thấy vui thỏa, giống như kẻ gặp được bố mẹ mình ngay giữa ngã ba đường ở một nơi xa lạ. Kẻ sống tỉnh thức thì dầu ở giữa cuộc sống thường nhật, vẫn có thể bỗng nhiên thấy mình ở trong một cuộc phiêu lưu tâm linh vô cùng sâu xa và kì diệu”. [8]Cách trình bày con đường tỉnh thức của Jung có khác nào hình ảnh những cụ ông cụ bà an nhiên, bình thản, tự tại cầm tràng chuổi Mân côi cầu nguyện liên lỉ mỗi ngày. Ắt sẽ đến lúc hoa được kết trái, họ được cảm nếm hương vị ngọt ngào thiêng liêng, vui mừng được gặp, được nghe tiếng Chúa.

Ngoài ra, Jung cho rằng: “Ý thức là trạng thái tỉnh thức, cũng là quan năng nhận định và định hướng với bốn chức năng: cảm nhận, suy tư, đánh giá và trực kiến. Thông qua môi giới của chủ thể tôi và dựa vào nguyên ảnh cũng như biểu tượng, con người tiếp cận được những nội dung của vô thức được diễn tả qua bóng âm, linh âm, và linh dương. Qua những linh ảnh này, con người đón nhận được những thông tin và sứ điệp mà vô thức muốn nhắn gởi để thể hiện quân bình cuộc sống và phát triển cao độ tâm thức của mình”[9]. Như vậy, theo Jung, ý thức chính là khi ta làm chủ được vô thức. Đó mới là ý thức đích thực. Chính điều này đã bác bỏ một số ý kiến cho rằng “tự kỷ ám thị” chỉ là hành vi nhân sinh vì không có ý thức. Tuy nhiên, theo kết luận của Jung thì ta khẳng định “tự kỷ ám thị” đưa đến một tiềm thức biết cầu nguyện là một hành vi nhân linh, vì có “ý thức đích thực” làm chủ cả vô thức. Không thể đánh đồng hành vi này với những hành vi lộn xộn, cẩu thả, rời rạc một cách vô ý thức; làm lấy có.

b.Dưới Nhãn Quan Kinh Thánh

Theo Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh (ĐNTHTK) thì “từ thượng cổ coi chiêm bao là một phương tiện để con người giao tiếp với thế giới siêu nhiên; còn với khoa học thì đó lại là một biểu lộ cõi thâm sâu con người. Hai quan điểm này thực ra không trái nghịch nhau. Vì nếu Thiên Chúa hành động trên con người thì chính là hành động nơi chốn thâm sâu nhất của con người.” [10]

Quả vậy, không nơi nào thâm sâu nhất nơi con người cho bằng siêu ngã (theo Freud) và tự ngã (theo Jung), tức là nơi thẳm sâu của tầng nền vô thức. Chính nơi ấy Thiên Chúa đã gặp gỡ và mạc khải cho con người, được Kinh Thánh chép lại cách rõ ràng.

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã soi sáng cho các tổ phụ trong vô thức qua nhhững giấc chiêm bao (St 15,21-21; 20,3-6; 28, 11-22; 37,5-11; 46,2-4). Soi sáng cho Gêđêôn (Tl 6,25t), Samuen (1Sm 3), Nathan (2Sm 7), Salômôn (1V 3), Dacaria (Dcr 1-6), Đanien (Đn 2,7), Gioen (Ge 3,1). Thiên Chúa cũng soi sáng cho dân thường (G 4,12-21; Hc 34,6), cho lương dân (St 40-41; Đn 4).

Chiêm bao cũng không vắng bóng trong Tân Ước: trong dịp lễ Ngũ tuần, thánh Phêrô loan báo sự hoàn tất của lời Ngôn sứ Gioen (Cv 3,1). Trong đó chiêm bao xuất hiện như xuất hiện của Thánh Linh vào ngày sau hết (Cv 2,17). Ngài cũng có và thị kiến ban đêm (Cv 16,9t; 18,9; 23,11; 27,23). Thánh Mátthêu cũng kể lại vài chiêm bao tương tự như những chiêm bao trong Cựu Ước để mang mạc khải đến cho lương dân (Mt 2,12; 27,19) hoặc để hướng dẫn thánh Giuse trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu (Mt1,20; 2,13.19.20).

Ngoài ra, Tân Ước cũng lặp đi lặp lại nhiều lần lời dạy “cầu nguyện liên lỉ”, “cầu nguyện không ngừng”, “cầu nguyện luôn”: Lc 18,1; 1Tx 1,2; 2,13; 5,17; Rm 1,10; 12,12; Ep 6, 18; Pl 1,3-4; Cl 1,3; 4,2; 2Tx 1,11; 1Tm 2,8; 5,5; 2Tm 1,3. Nhưng làm sao có thể cầu nguyện liên lỉ không ngừng nếu không là sự cầu nguyện của “tiềm thức”, tức cầu nguyện bằng “cả tầng nền vô thức” ?

c. Dưới Nhãn Quan Thần Học Về Linh Đạo Của Giáo Hội

Trong cuốn “Thần Học Linh Đạo Cầu Nguyện” của linh mục Nguyễn Hữu Tấn đã hệ thống cho chúng ta những định nghĩa về cầu nguyện qua các thời đại của các thánh nhân[11]. “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa” (Gioan Damasccênô). “Cầu nguyện là linh hồn chuyện vãn với Chúa” (Augustinô). “Cầu nguyện là cuộc tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, trong đó, linh hồn được đối thoại song phương với Ngài và không ngừng biểu lộ lòng mến đối với Ngài là Đấng mà linh hồn thâm tín rằng Ngài đang yêu mình.” (Têrêxa Avila) …

Ngoài ra, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) thì lại dùng lại lời của thánh Gioan Đamascênô để định nghĩa: “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa, hoặc xin Chúa ban cho mình những phúc lợi thích hợp”[12]. Trong cuốn “Mở Ra Với Thiên Chúa” của Thomas H. Green thì định nghĩa: “Cầu nguyện như là ‘mở rộng tâm hồn và trí khôn’ tới Chúa”[13]. Còn linh mục Giuse Nguyễn Trọng Sơn thì viết: “Cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ – đối thoại giữa Thiên Chúa với con người”.[14]

Như thế, qua những định nghĩa trên chúng ta không nhận thấy một sự đối nghịch nào giữa Thần học về Linh đạo của Giáo hội với hành vi cầu nguyện của tầng nền vô thức, của tiềm thức. Những từ “tâm hồn”, “linh hồn” trong định nghĩa về cầu nguyện của các thánh trên như một sự ủng hộ cho hành vi cầu nguyện vô thức trong tiềm thức. Bởi vì, “tâm hồn”, “linh hồn” đã vượt qua khỏi khả giác và ý thức lý trí của chúng ta. Còn những định nghĩa xem cầu nguyện là “mở rộng tâm hồn và trí khôn”, “cuộc gặp gỡ – đối thoại” với Chúa thì chính Kinh Thánh đã chứng minh có thể xảy ra những điều ấy trong vô thức (mà ta đã tìm hiểu ở trên).

Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Thư Rosarium Virginis Mariae cũng đã so sánh sự giống nhau của kinh Mân côi và kinh nguyện Chúa Giêsu của Giáo hội Công giáo Đông phương (số 5; 27). Đồng thời ngài cũng khẳng định: “Việc lặp đi lặp lại (kinh Kính Mừng) được khơi dậy bởi khát vọng muốn ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng cách hoàn hảo hơn với Đức Kitô ngày một sát hơn, cho đến khi ta đạt được tột đỉnh của sự thánh thiện” (số 26). Phải chăng đó là lời mời gọi mỗi kitô hữu chúng ta thánh hóa “tiềm thức”, làm nên “một tiềm thức biết cầu nguyện”, cũng chính là “cầu nguyện vô thức bằng kinh Mân côi” ?

5. Kết Luận

Những trình bày trên là một ước muốn khẳng định lại giá trị vô song và cần thiết của kinh Mân côi trong đời sống của người kitô hữu, không chỉ đọc cách ý thức (bằng lý trí) theo lối đọc suy niệm truyền thống của Giáo hội[15]; mà bằng cả thói quen đọc cách vô thức nhưng phải đọc cách liên lỉ không ngừng. Đó là hiện tượng “cầu nguyện vô thức bằng kinh Mân côi”. Tuy họ không ý thức bằng lý trí, nhưng chính hành vi lặp lại “liên lỉ không ngừng” mà dần đưa họ vào “ý thức bằng cả tiềm thức”, “ý thức bằng tầng nền vô thức” của mình. Họ chỉ làm được điều này bằng “tình yêu thức tỉnh”. Họ đi vào mối tương giao gặp gỡ, đối thoại với Thiên Chúa bằng 90% hệ tâm thức, bằng linh hồn, bằng con tim cháy bỏng khát vọng.

Đây là sự nên thánh bằng vô thức của “tầng nền vô thức” và “tiềm thức” khác với lý trí và cảm giác ta quen dùng. Có thể nói, đây là sự huyền nhiệm của kinh Mân côi mà chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phải thốt lên: “Một lời kinh diệu kì! Diệu kì trong cách đơn sơ và trong cả chiều sâu của nó … một lời kinh dễ như thế lại phong phú như thế đáng được cộng đồng kitô hữu khám phá lại”[16].

…………………………………….
[1]x. ANTHONY DE MELLO, Tiếp Xúc Với Thiên Chúa, (bản dịch của Matthias M. Ngọc Đính, CMC), 2004, trg. 163 -192.

[2]VÔ DANH, Các Câu Chuyện Kể Của Người Lữ Hành Nga (Recités d’un Pèlerin Russe),bản dịch của Lâm Nguyễn, nxb Seuil, Antôn & Đuốc Sáng Sandiego – Montréal.

[3]x. AN-PHONG-SÔ BỐT-SA, Từ Điển Đức Mẹ, (Matthia M. Ngọc Đính, CMC. Chuyển ngữ), 1998, mục từ “Chuổi Mân Côi”

[4]x. ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, số 21

[5]x. ROBERT S. FELDMAN, Những Điều Trọng Yếu Trong Tâm Lý Học, nxb. Thống Kê, 2003, trg. 472

[6]SIGMUND FREUD, Phân Tâm Học Nhập Môn, bản dịch của Nguyễn Xuân Hiến, trích công trình nghiên cứu của Jostein Gaarder, nxb. Đại Học Quốc Gia Hà Nội, trg. 9-11

[7]x. ANTHONY DE MELO, Tiếp Xúc Với Thiên Chúa, (bản dịch của Matthias M. Ngọc Đính, CMC), 2004, trg.188-190

[8]x. LƯU HỒNG KHANH, Tâm Lý Chuyên Sâu Ý Thức Và Những Tầng Sâu Vô Thức, nxb. Trẻ, 2006, trg 151- 152

[9]x. LƯU HỒNG KHANH, Tâm Lý Chuyên Sâu Ý Thức Và Những Tầng Sâu Vô Thức, nxb. Trẻ, 2006, trg. 254

[10]PHÂN KHOA THẦN HỌC GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN PIÔ X, ĐNTHTK, quyển I, mục từ “Chiêm Bao”, trg. 43

[11]x. FX. NGUYỄN HỮU TẤN, Thần Học Linh Đạo Cầu Nguyện, ĐCV. Thánh Giuse, 2006, trg. 21-22

[12]GLHTCG, số 2559

[13]Sđd. THOMAS H. GREEN, Mở Ra Với Thiên Chúa, (Opening To God), (bản dịch của NT. Têrêsa Nguyễn Thị Phú, OP.), 2004, trg 36

[14]LM. GIUSE NGUYỄN TRỌNG SƠN, Cầu Nguyện Trong Đời Sống Kitô Hữu Và Linh Mục Giáo Phận, ĐCV. Thánh Giuse, 2007, trg. 13

[15]x. ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, ngày 16.10.2002.

x. ĐGH. PHAOLÔ VI, Tông Huấn Marialis Cultus, ngày 02.02.1974.

[16]ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông Thư Rosarium Virginis Mariae, số 2; 43.

Thomas Nguyễn Văn Hiệp

Exit mobile version