Cầu nguyện luôn – Đừng ngã lòng

Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn về một vị thẩm phán không liêm khiết khi có một bà góa đến xin ông xử việc cho mình. Kết luận của dụ ngôn là nếu vị thẩm phán bất lương đã không quan tâm gì đến bổn phận, không kính sợ Thiên Chúa và cũng chẳng sợ ai, nhưng sau cùng phải xét xử cho bà góa để khỏi bị quấy rầy nhiều lần. Chỉ có Chúa là Đấng thánh và công bình, chắc chắn Ngài sẽ nghe lời cầu xin thiết tha của con cái mình.

Khi Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện trong kinh Lạy Cha, Ngài dành phần thứ nhất gồm lời cầu xin cho Thiên Chúa: “Nguyện cho danh Cha được hiển vinh, nước Chúa được lan rộng và thánh ý Ngài được tuân theo”. Sang phần thứ hai dành cho chúng ta, lời cầu xin có tính cách vật chất và tinh thần như xin cơm bánh hằng ngày để nuôi thể xác và xin bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể để nuôi linh hồn. Còn tất cả những lời cầu xin khác đều thuộc phạm vi thiêng liêng như xin tha thứ các tội nhân, xin ơn trung thành trong các cơn thử thách và cám dỗ, nhất là trong giờ sau hết. Sau cùng là xin ơn chiến thắng sự dữ và tà thần.

Cầu nguyện theo lời Chúa dạy không những có ích mà còn cần thiết nữa, bởi vì lời cầu nguyện như vậy là của nuôi linh hồn, bồi bổ đức tin và thánh hóa trần thế. Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyện Chúa Giêsu đã thực hành và dạy lại cho mỗi người chúng ta. Lời cầu nguyện này phát xuất bởi đức tin sống động được bày tỏ ra bên ngoài bằng các việc lành, đồng thời nuôi sống đức tin bên trong. Tất cả đời sống đức tin của người Kitô hữu phải là một việc cầu nguyện không ngừng. Vì thế, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng: “Hãy cầu nguyện luôn, đừng bao giờ nhàm chán”.

Đức Giêsu nói với các môn đệ và với chúng ta hôm nay “Hãy cầu nguyện không ngừng và không bao giờ nên nản chí”. Một số người không nhận thấy giá trị của việc cầu nguyện thường xuyên. Họ nghĩ rằng chỉ cần cầu nguyện khi họ cảm thấy hứng thú.

Đức Giêsu khuyên chúng ta cầu nguyện luôn và không nản chí. Nếu chúng ta ngưng cầu nguyện, chúng ta hầu như mất nhiệt tình và bỏ cuộc. Nếu chúng ta cầu nguyện liên tục, chúng ta sẽ không bao giờ mất nhiệt tình. Cầu nguyện có nghĩa là đặt chính mình và số phận của mình trong đôi tay của Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện có nghĩa là chúng ta trông cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa chứ không phải sức mạnh của chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện một thứ quyền lực khác trở thành có hiệu lực đối với chúng ta.

Có hai lý do thúc đẩy chúng ta phải cầu nguyện luôn: Thứ nhất, vì chúng ta luôn thiếu thốn và cần mọi sự. Tự bản chất con người ta bất toàn, thiếu thốn. Hầu hết các động vật khác, vừa sinh ra đã có đủ điều kiện sinh sống, còn con người sinh ra trong tình trạng thiếu thốn mọi sự. Về tâm hồn cũng thế. Những gì bất toàn đòi phải được kiện toàn, những gì thiếu thốn đều đòi phải được đầy đủ. Thế nên, muốn kiện toàn những bất toàn, muốn lấp đầy những thiếu thốn, muốn thỏa mãn những ước vọng chính đáng thì phải cầu nguyện luôn.

Thứ hai, chúng ta phải cầu nguyện luôn bởi vì tự sức riêng chúng ta không thể làm gì được. Nói cách khác, chúng ta hoàn toàn bất lực trong việc kiện toàn những khiếm khuyết, trong việc lấp đầy những thiếu thốn, nhất là đối với những bất toàn và thiếu thốn siêu nhiên. Những thứ đó vượt hẳn khả năng của con người, chúng ta không thể tự làm cho mình có được, như Chúa Kitô đã nói: “Không có Thầy, các con không thể làm gì được”. Tuy nhiên, lòng tự ái đã ngăn cản người ta không chấp nhận mình thiếu thốn, khuyết điểm và bất lực. Cần phải có một tâm hồn đơn sơ khiêm tốn mới tự công nhận mình như thế. Có công nhận mới tín nhiệm chạy đến cầu nguyện với Chúa.

Một lời cầu nguyện được đáp lại, không phải khi chúng ta có được điều chúng ta cầu xin, nhưng khi chúng ta được ban cho cảm thức về sự cận kề của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của một bệnh nhân được đáp lại không phải bởi bì bệnh của người ấy biến mất, nhưng bởi vì người ấy có được một cảm thức về sự kề cận của Thiên Chúa, sự bảo đảm rằng căn bệnh của người ấy không phải là một hình phạt của Thiên Chúa và Thiên Chúa không bỏ rơi người ấy. Cầu nguyện có thể không làm thay đổi thế giới cho chúng ta, nhưng nó có thể cho chúng ta lòng can đảm đối diện với thế giới.

Qua việc cầu nguyện liên lỉ này, chúng ta tiếp tục hiệp thông với nguồn mạch sự sống. Chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong các khó khăn, chán nản, cô đơn, thất vọng, miễn sao chúng ta cứ tin tưởng vững chắc vào Ngài.

Con người kiêu ngạo thì không thể sống cầu nguyện đích thực được. Như người đàn bà góa, mỗi người chúng ta có thể đã và còn đang sống trong tình trạng bị thiệt thòi trên bình diện cứu rỗi, thiếu ơn Chúa. Tình trạng không bình thường vì bị làm nô lệ cho những tật xấu của mình, và như người đàn bà góa chúng ta cần ý thức về những khuyết điểm và qua lời cầu nguyện mà chạy đến với Chúa để xin Ngài trợ giúp, phục hồi chúng ta lại trong trật tự ân sủng và trong tình yêu của Ngài.

Ơn khiêm nhường, mà Chúa ban cho kẻ cậy trông nài van Chúa, sẽ đặt ta dưới cái nhìn thánh thiện của Chúa. Nhờ đó ta sẽ nhận ra Chúa nơi người khác và ta là kẻ tội lỗi, bất xứng, mọi sự Chúa ban cho ta đều do tình xót thương nhưng không của Chúa. Càng được ơn khiêm nhường, ta càng hiểu thấm thiá lời thánh Giacôbê: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gc 4,6). Và chúng ta cũng sẽ càng thấy rõ thói quen tìm đắc thắng, phô trương, trịch thượng, bất bao dung trong truyền giáo không những đang trở nên quá lỗi thời, mà còn gây nhiều thiệt hại cho Hội Thánh. Bởi vì đó là những điều rất trái nghịch với thánh ý Chúa.

Lời cầu “xin” là thái độ của người nghèo, của tạo vật cần Thiên Chúa. Đây là thái độ đúng đắn diễn tả thân phận con người, nên đẹp lòng Thiên Chúa. Lời cầu nguyện không chỉ là xin ơn, nhưng còn là lời cảm tạ và ca khen Thiên Chúa. Tuy vậy, thái độ “cần” Thiên Chúa, được diễn tả qua lời cầu “xin”, là nền tảng của lời cầu nguyện.

Huệ Minh

Exit mobile version