|
Trả lời:
Trước hết, xin giải thích cầu nguyện là gì.
Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa là Cha cực tốt cực lành, là Nguồn ban phát mọi ơn phúc mà chúng ta cần đến để sống thân phận con người cách sung mãn trong trần thế và nhất là được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô để sống hạnh phúc Nước Trời mai sau trên cõi vĩnh hằng với Thiên Chúa nhân lành, “là Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” ( 1Tim 2:4).
Vì thế, cầu nguyện là nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống đức tin của mỗi người tín hữu chúng ta nói riêng, và của cả Giáo Hội nói chung.Có thể nói : cầu nguyện là hơi thở của tâm hồn mọi người chúng ta tin có Chúa là Cha nhân từ đang lắng nghe và rất vui mừng được nghe ta cầu nguyện với Người.
Khi nguyện, chúng ta nâng tâm hồn lên với Chúa để tâm sự hay nói chuyện với Chúa trong thân tình Cha con khi vui cũng như lúc buồn, khi gặp gian nan khốn khó, cũng như lúc được những điều vui thỏa vừa ý.
Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu đã nói về cầu nguyện như sau:
“Đối với tôi, cầu nguyện là một sự hướng lòng lên, một cái nhìn đơn sơ hướng lên trời. Đó là tiếng kêu của lòng tri ân và của tình yêu trong cơn thử thách cũng như trong lúc hưởng niềm vui.” (St Therese of Licieux, Autobiography ..p 25)
Như thế cầu nguyện là tâm tình thân mật với Chúa trong niềm tin có Chúa là Cha nhân từ luôn lắng nghe mọi lời cầu nguyện, cầu xin của con cái loài người và hằng rộng tay ban muôn ơn lành cho chúng ta, những người có đức tin và ngay cả cho những người chưa có đức tin, chưa biết Chúa và yêu mến Người, căn cứ vào chính lời Chúa Giêsu đã nói với các mộn đệ xưa như sau:
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5 :44- 45)
Vậy chúng ta phải cầu nguyện cách nào cho đẹp lòng Chúa?
Căn cứ vào kinh Lậy Cha mà Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ xưa, chúng ta có thể rút ra được những chỉ dẫn sau đây:
Trước hết, Chúa nói cho chúng ta biết:
1- Chúng ta có một CHA ở trên trời.
2- Vì thế, chúng ta phải nguyện xin trước hết cho danh CHA cả sáng, cho Vương Quốc của Cha được lan rộng và nhất là cho thánh Ý Cha được thực hiện dưới đât cũng như trên trời.
3- Sau cùng, chúng ta xin CHA ban cho những nhu cầu cần thiết như cơm ăn áo mặc, để sống hạnh phúc ở đời này.
Như vậy, cầu xin cho được an vui, mạnh khỏe, có công ăn việc làm và khỏi bệnh tật là điều đẹp lòng Chúa, vì là con người, chúng ta phải cần những nhu cầu ấy bao lâu còn sống trên trần thế này.
Trong tinh thần cầu nguyện trên đây, chúng ta đọc thấy nhan nhản trong Kinh Thánh những lời cầu nguyện có nội dung ca ngợi, cảm ta và cầu xin Chúa thương cứu giúp như sau:.
a- Cầu xin Ca ngợi (prayer of praises):
“Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa
Câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi
Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa
Xin các bạn nghèo hãy nghe tôi nói mà vui lên
Hãy cùng tôi ngượi khen ĐỨC CHÚA
Ta đồng thanh tán tụng danh Người..” ( Tv 34 :2-4)
b-Cầu nguyện tạ ơn (Prayer of Thanksgivíng)
“Chúc tụng Chúa vì Người nghe tiếng tôi khẩn nguyện
Chúa là sức mạnh, là khiên mộc chở che tôi ở che tôi
Lòng tôi đặt tin tưởng nơi Người
Tôi đã được Người thương trợ giúp
Nên lòng tôi vui mừng hoan hỉ, cất cao tiếng hát tạ ơn Người” ( Tv 28:6-7)
c- Cầu nguyện xin ơn (prayer of petitions)
“Lậy Chúa, xin đoái thương, này con đang kiệt sức
Chữa lành cho con, vì gân cốt rã rời
Tan thân con rã rời quá đỗi
Mà lậy Chúa, Chúa còn trì hoãn đến bao giờ?
Lậy Chúa, xin trở lại mà giải thóat con
Cứu độ con, vì Ngài nhân hậu.” ( Tv 6:2-5)
Trong khi đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa Giêsu cũng đã chữa lành cho biết bao người bệnh tật như đui, mù, què, câm điếc, phong cùi, cũng như làm phép lạ biến bánh ra nhiều để cho hàng ngàn người đói ăn no nê. Điều này cho thấy, Chúa đã quan tâm đến nhu cầu thể lý của con người, ngoài nhu cầu thiêng liêng là cần được cứu rỗi. Vầ để thỏa mãn những nhu cầu đó, Chúa Giếsu đã dạy các Tông Đồ phải cầu xin với Chúa Cha nhân danh Người (Chúa Con.) như sau:
“ Thật, Thầy bảo thật anh em
Anh em mà xin Chúa Cha điều gì ,
thì Người sẽ ban cho anh em
Vì danh Thầy´
(Ga 16:23)
Phải cầu xin Chúa CHA vỉ Người là nguồn ban phát mọi ơn lành và phúc lộc tối cần cho con người sống vui và hạnh phúc ở đời này và nhất là được cứu rỗi để sống đời đời trên Thiên Quốc. mai sau.
Như thế, cầu nguyện là một nhu cầu tối cần thiết cho những ai có niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng giầu tình thương và vô cùng nhân hậu. Phải cầu xin Người vì chúng ta thiều thốn mọi sự, và nhất là không có đủ sức để đứng vững trước mọi thù địch đe dọa niềm tin có Thiên Chúa và hy vọng được sống hạnh phúc với Người, ngay từ đời này trước khi được thực sự chiêm ngưỡng Thánh Nhan Người trên Nước Trời mai sau. Cầu nguyện ví được như hơi thở của thân xác. Không có hơi thở thì không thân xác nào có thể sống được. Đó là lý do vì sao Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5)
Không có Thầy .nghĩa là không có ơn Chúa phù giúp thì ta không thể đứng vững và thăng tiến trong đời sống tin, cậy, mến, cũng như được an vui, mạnh khỏe và may lành trong trần thế. này.Chúa Cha ban tất cả những ơn này cho ai cầu xin Người nhân danh Chúa Kitô, và cậy nhờ Mẹ Maria,Thánh Cả Giuse và các Thánh nam nữ nguyện giúp cầu thay cho chúng ta trước Tòa Chúa.
Nhưng khi Chúa nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24), chúng ta phải hiểu thế nào?
Trước hết, nói đến thập giá là nói đến sự đau khổ mà bản chất con người không ai muốn chấp nhận. Nhưng đau khổ thập giá lại là phuơng tiện cứu độ hữu hiệu nhất mà Chúa Giêsu đã vui lòng chấp nhận để đền tội thay cho cả nhân loại trong chương trình cứu chuộc loài người của Thiên Chúa. Vì thế, muốn dự phần vinh quang phục sinh với Chúa Kitô, tức là được sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Thiên Quốc thì chúng ta cũng phải chia sẻ phần nào sự đau khổ của Người.
Tuy nhiên, nói chia sẻ đau khổ với Chúa, hay vác thập giá theo Người không có nghĩa là phải xin Chúa trao cho thập giá để vác, nhiều khốn khó để chịu, mà chủ yếu là phải vui lòng chấp nhận những thánh giá mà Chúa muốn gửi đến hay tha phép cho xảy ra trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Nói rõ hơn, khi gặp phải những gian nan khốn khó mà mình không mong muốn, nhưng không tránh được như bệnh tật, nghèo khó, thất nghiệp, bất công… v.v thi phải coi đó như những khổ giá mà Chúa Kitô muốn chia sẻ để cho ta được dự phần đau khổ với Chúa hầu được thông phần vinh quang với Người. Nhưng cầu xin Chúa giúp cho có sức chịu đựng và vượt qua những khó khăn, đau khổ này lại là điều phải lẽ và đẹp lòng Chúa vì Người nhân nhậu và vui thích đuợc ban ơn cho ta. Nghĩa là, Chúa không cấm chúng ta cầu xin Chúa cho mình hay cho người thân được khòi bênh tật, được có công ăn việc làm tốt, đươc thành đạt trong học hành…v.v. Mặt khác, Chúa cũng không mong muốn chúng ta “anh hùng” xin Người gửi những đau khổ tinh thần và thể xác cho ta chịu để lập công.
Chính Chúa Giêsu cũng không tự nguyện vác thập giá xưa kia. Khi đối diện với đau khổ này trong đêm Người bị nộp vì Giuđa phẩn bội, Chúa Giêsu đã thống thiết cầu xin cùng Chúa Cha như sau: “Lậy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo Ý Cha” (Lc 22:42)
Lời cầu nguyện trên đây của Chúa Giêsu chính là khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta bắt chước mỗi khi chúng ta muốn xin Chúa bất cứ ơn gì cho mình và cho người khác. Và cách cầu nguyên này chắc chắn đẹp lòng Chúa nhất vì chúng ta không xin theo ý riêng mình mà xin theo ý CHA trên trời như Chúa Giêsu đã xin.
Tóm lại, cầu xin Chúa ban cho những nhu cầu cần thiết như cơm ăn, áo mặc, sức khóe và bình an là điều tự nhiên không có gì sai trái, hay thiếu đạo đức. Điều quan trọng là phải xin cho được vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự mà thôi.
Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.
Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn