Hơn một lần ta thấy Chúa Giêsu đã từng chê trách và bài trừ lối cầu nguyện của Biệt Phái, có khuynh hướng vụ hình thức, thích đứng giữa ngã ba đường mà cầu nguyện, cốt cho người ta trông thấy, để kheo khoang mình đạo đức. Cả lối cầu nguyện của người ngoại nữa:họ cầu nguyện lải nhải, họ tưởng cần phải lặp đi lặp lại nhiều lần một lời kinh, mới được Thiên Chúa nhận lời. Còn các môn đệ của Chúa Giêsu thì khiêm tốn và chânthành xin Chúa dạy cho họ biết cầu nguyện, và cầu nguyện thế nào là cầu nguyện đích thực? Chúa Giêsu dạy cho các ông cầu nguyện theo mẫu kinh lạy Cha. Chúng ta suy niệm, học hỏi mẫu cầu nguyện ấy, để chúng ta cầu nguyện đẹp ý Chúa.
Cầu nguyện luôn luôn là một việc không thể thiếu của người Ki-tô hữu. Cầu nguyện sẽ giúp mỗi người chúng ta nâng tâm hồn lên gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe lời Người. Để từ đó, ta có thể biết được thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời ta và sống đúng phẩm giá làm con của Ngài. Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách cầu nguyện, không phải ai cũng có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, chính Chúa Giê-su đã dạy chúng ta cầu nguyện. Ngài dạy chúng ta phải có tâm tình cầu nguyện thế nào cho phải, cho đúng.
Cầu nguyện trước tiên là một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta đích thân đến gặp Ngài. Chúng ta hồi tâm đặt mình trước Thiên Chúa trong chính lòng mình nhờ đức tin. Nếu không,chúng ta sẽ không có được việc cầu nguyện đích thực. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện theo mẫu kinh lạy Cha, và khi cầu nguyện chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha: “ Lạy Cha”.
Ta thấy người môn đệ đã tự động đến xin thầy Giê-su chỉ cho mình cách cầu nguyện, cách để gặp gỡ Thiên Chúa Cha. Như thế, anh ta không hề đến với một thái độ bị động hay do ai đó ép buộc, nhưng anh đến với Thầy bằng cả con người và tâm hồn anh ta. Tự trong thâm tâm, người môn đệ cảm thấy một sự thúc đẩy phải cầu nguyện. Anh ta từ từ bước tới thầy Giê-su với niềm mong mỏi được Thầy hướng dẫn cầu nguyện. Và rồi, lòng khao khát của anh đã được đáp trả khi Chúa Giê-su dạy anh cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha”. Cũng vậy, mỗi người chúng ta hãy đến với Thiên Chúa với cả tâm hồn, con tim và lý trí của chúng ta. Bởi vì, chỉ khi chúng ta đến với Chúa với cả tấm lòng thành, chúng ta mới mong nhận được những ơn lành mà Chúa hứa ban cho mỗi chúng ta.
Lời này gợi lên một tâm tình thân thương, thân mật, gần gũi với Thiên Chúa, lòng chúng ta thật vui sướng hạnh phúc, tin tưởng, lòng đầy hy vọng vào Chúa khi chúng ta cầu nguyện. Qua mẫu kinh lạy Cha, chúng ta được hiểu rằng: lời cầu nguyện đích thực cần phải được quy hướng về Thiên Chúa, và những nhu cầu của Nước Trời, trước khi chúng ta cầu xin cho những nhu cầu tinh thần, vật chất cho đời sống thường ngày của con người. Điều này chứng tỏ: cầu nguyện mang tính thờ phượng tôn vinh Thiên Chúa, chứ không phải chỉ để cầu xin ơn này ơn kia. Mỗi khi đọc kinh lạy Cha, chúng ta ý thức Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con, chúng ta phải hiếu thảo với Chúa trong việc thờ phượng và vâng phục ý Chúa ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi việc, và mở rộng lòng đón nhận tất cả những ai làm con cái Thiên Chúa, là anh chị em của chúng ta nữa.
Lời nguyện thứ nhất Chúa Giêsu dạy : “ xin làm cho Danh Thánh Cha vinh hiển”, chúng ta ướcnguyện Chúa tỏ mình ra cho nhân loại, để mọi người nhận biết Chúa mà tôn vinh Ngài chính trong lòng, trong cuộc sống, ở mọithời và mọi nơi. Kế đến Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện cho “ triều đại Cha mau đến”, chúng ta mang tâm tình ước mong cho Nước Chúa được hiển trị khắp nơi, để lập nên một thế giới mới, ở đó mọi người được cứu độ.
Một lời nguyện khác mà Chúa Giêsu dạy chúng ta cần phải cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con ngày nào có đủ lương thực ngày ấy”, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin các nhu cầu trong đời sống thường nhật như cơm áo, Chúa dạy chúng ta cầu xin đủ, không cầu cho dư dật.
Lời cầu xin này tác động nơi tâm hồn chúng tamột tâm tình cậy trông và phó thác vào Chúa, nên không quá bận tâm lo lắng về vật chất cho ngày mai, để thong dong lo cho linh hồn mình, “ Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn mọi sự khác Ngài sẽ ban cho sau” (Mt 6,33), lời cầu này cũng dạy chúng ta cầu xin lương thực thiêng liêng như đức tin, Lời Chúa và Thánh Thể Chúa. Chúng ta còn phải cầu xin Chúa: “ xin tha tội cho chúng con vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”, sự tha thứ cho anh em là điều kiện tiên quyết để chúng ta được Thiên Chúa thứ tha, Thiên Chúa căn cứ vào lượng từ bi mà chúng ta tỏ ra cho kẻ khác để xét xử ta. Sau hết chúng ta xin Chúa “ xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.
Cám dỗ có thể là sự thử thách của Thiên Chúa để thanh luyện đức tin của chúng ta: Chúa đã thử thách Abraham, thử thách Gióp và nhiều vị thánh, chúng ta xin Chúa đừng để chúng ta gặp cơn thử thách quá sức chúng ta, xin Chúa ban thêm sức, ban đức tin vững mạnh, để vượt qua các cơn thử thách. Cơn thử thách có thể do những thế lực thù địch của Chúa gây nên, làm chúng ta có nguy cơ đánh mất niềm tin vào Chúa, chúng ta xin Chúa cho chúng ta tránh khỏi những thử thách đó, hay xin Chúa đừng để chúng ta lún sâu vào cơn cám dỗ mà không rút ra được.
Ta hãy tập có thói quen đến với Chúa, hướng về Chúa, gặp gỡ Chúa. Tuy chúng ta đã cầu nguyện nhiều lần, nhưng phải khiêm tốn và chân thành nhận thật là chúng ta chưa cầu nguyện đúng ý Chúa, chúng ta hãy xin Chúa dạy chúng ta biết cầu nguyện, và biết cầu nguyện theo tâm tình và nội dung của mẫu kinh lạy Cha, và việc cầu nguyện có tinh thần thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa.
Lời cầu xin của chúng ta phải tuân theo ý Chúa chứ không theo ý riêng và sở thích của mình, vì Chúa quyền năng, khôn ngoan và yêu thương, Ngài biết điều gì ích lợi hay tốt đẹp cho chúng ta thì Ngài ban. Chúng ta siêng năng đọc kinh lạy Cha để nhắc nhở rằng Cha chúng ta là Thiên Chúa, ta là con của Ngài, phải sống hiếu thảo với Thiên Chúa và hiếu để với anh chị em của chúng ta, năng đọc kinh lạy Cha để nhắc nhở chúng ta sống theo kinh lạy Cha, ý thức chúng ta yếu đuối bất lực rất cần ơn Chúa, nhất là trước cơn thử thách và cám dỗ, tăng thêm cho chúng ta lòng tin tưởng cậy trông vào Chúa và được an tâm, vì tin chúng ta được Chúa phù trợ: “ơn phù trợ chúng ta ở nơi danh Chúa”.
Ta không chỉ cầu nguyện cho mình nhưng còn phải hướng dẫn người khác cầu nguyện, chỉ cho họ con đường gặp gỡ Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể dẫn họ đến với Chúa khi chính bản thân ta đã có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa rồi. Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy, chính Chúa Giê-su chỉ cho người môn đệ cách cầu nguyện khi Người vừa kết thúc cuộc trò chuyện thân tình với Thiên Chúa Cha. Như thế, kinh nghiệm gặp Chúa là một điều hết sức quan trọng mà mỗi người Ki-tô hữu chúng ta phải thủ đắc được cho mình, trước khi nghĩ tới chuyện dẫn người khác đến với Đức Giê-su.
Kinh lạy Cha còn giúp chúng ta sống yêu thương giúp đỡ mọi tín hữu khác vì chúng ta là anh em với nhau, con cùng Cha trên trời. Kinh lạy Cha là một lời cầu nguyện đẹp ý Chúa và yêu mến Chúa hơn nữa.
Huệ Minh