“Nhiều người không biết tại sao vị Giám Mục Rô-ma lại muốn được gọi là Phan-xi-cô”.
Từ đầu ngài đã có vẻ thích dùng danh xưng “Giám Mục Rô-ma”. Những nghi thức lâu đời của “Giáo Triều Rô-ma” làm cho Đức Thánh Cha thành “Giáo Hoàng” (ông vua của Đạo) trên ngai cao với tất cả các nghi thức mang tính cung đình: các Hồng Y, Giám Mục khi tiếp kiến Đức Giáo Hoàng cũng phải quỳ gối… Ngay khi ra mắt trên bao lơn Đền Thánh Phê-rô, ngài đã gợi lại điều căn bản của thần học về vai trò của vị Giám Mục Rô-ma, người kế vị thánh Phê-rô và là “chủ tọa trong đức ái” hết thẩy các giáo phận trong Giáo Hội hoàn vũ. Công Đồng Va-ti-can II đã khẳng định lại vai trò của Giám Mục trong mỗi giáo phận, và tính “Đồng Đoàn Giám Mục” (collegialitas) giữa họ, tuy nhiên việc thực thi điều ấy đến nay vẫn còn nhiều điều phải làm. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô dường như đã hé lộ cho thấy ngài sẽ tiếp tục tìm lại tương quan đúng hơn giữa vị Giám Mục Rôma, người chủ tọa, với các vị Giám Mục của các giáo phận trong Hội Thánh hoàn vũ cũng như “tính đồng đoàn” trong hàng Giám Mục.
Ngay phần mở đầu của diễn từ trước giới truyền thông hôm 17-3, ĐTC Phan-xi-cô đã nhấn mạnh: “Chúa Ki-tô mới là trung tâm của Hội Thánh chứ không phải người kế vị thánh Phê-rô… Chúa Ki-tô mới là trung tâm, là điểm quy chiếu nền tảng, là trái tim của Hội Thánh”.
Để trả lời thắc mắc về danh hiệu Phan-xi-cô, ngài không giải thích trực tiếp, nhưng kể lại hồi niệm về những khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc bầu cử, về chính khoảnh khắc cái tên Phan-xi-cô nảy sinh trong lòng ngài.
“Trong cuộc bầu cử, người ngồi bên cạnh tôi là Đức Hồng Y Claudio Hummes, “một người bạn lớn, một người bạn lớn” (1) , khi tình hình đã trở nên hơi nguy hiểm, ngài trấn an tôi. Rồi khi số phiếu đã lên tới hai phần ba, tràng pháo tay thường lệ đã trổi lên vì Mật Nghị đã bầu được Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Hummes ôm lấy tôi, hôn tôi và nói: “Đừng quên người nghèo”. Và hai chữ “người nghèo” đã nhập cuộc ở đây. Rồi bỗng nhiên sự liên hệ tới người nghèo làm tôi nghĩ tới thánh Phan-xi-cô At-xi-di. Rồi tôi nghĩ tới chiến tranh, trong khi việc kiểm phiếu vẫn đang tiếp tục cho tới hết các phiếu. Và Phan-xi-cô là người của hòa bình. Và như thế cái tên Phan-xi-cô đã đi vào lòng tôi: Phan-xi-cô At-xi-di. Đối với tôi, ngài là người của khó nghèo, người của hòa bình, người yêu mến và giữ gìn thọ tạo; ngày nay chúng ta cũng đang có mối tương quan không tốt lắm với thọ tạo phải không? Phan-xi-cô là vị thánh gợi nhắc cho chúng ta cái tinh thần của hòa bình, của khó nghèo… Ôi, tôi mong muốn biết bao có được một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo…
Sau đó mấy vị khác đã khôi hài và nói rằng: “Nhưng ngài phải lấy tên là Adriano, vì Adriano VI là người cải cách, cần phải cải cách…” Một vị khác lại nói với tôi: “Không, không, tên ngài phải là Clê-men-tê XV: như thế ngài có thể trả thù Clê-men-tê XIV là người đã giải thể Dòng Tên”. Đó là những câu khôi hài.
Trước hết chúng ta nhận thấy ngài rất thanh thản, lúc thấy mình đã được bầu làm Giám Mục Rô-ma, làm Giáo Hoàng,ngài vẫn thản nhiên thả hồn theo lời nhắc nhớ của người bạn thân tín: “Đừng quên người nghèo”. (2)
Tại sao lúc ấy Hồng Y Claudio Hummes lại nhắc có một câu đó thôi? Nhìn thoáng tiểu sử của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô và bối cảnh của châu Mỹ La-tinh cũng như mối quan tâm của cả Hội Thánh ở Mỹ La-tinh, cho chúng ta hiểu được rằng Đức Hồng Y Hummes nhắc lại cả mối quan tâm chung của các Giám Mục Mỹ La-tinh và cả quá trình phục vụ người nghèo của Đức Hồng Y Bergoglio.
Câu nói “đừng quên người nghèo”, không chỉ nối kết ngài với quá khứ của ngài hay với mối quan tâm nổi bật của Giáo Hội Mỹ La-tinh, nhưng nó còn nối kết ngài thẳng với Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô. Thánh Phao-lô kể về cuộc gặp gỡ giữa ngài với ba vị: Gia-cô-bê, Kê-pha (Phê-rô) và Gio-an tại Giê-ru-sa-lem:
“Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Ba-na-ba để tỏ dấu hiệp thông; chúng tôi thì lo cho dân ngọai, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì. Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm.” (Gl 2,9-10).
Thực ra thì từ thời Cựu Ước Thiên Chúa đã truyền cho dân của Giao Ước Xi-nai phải quan tâm tới người nghèo và ban nhiều điều luật để bảo vệ người nghèo, bảo vệ tài sản của người nghèo và dạy người ta biết chia sẻ cho người nghèo, tiêu biểu là bà góa con côi và kẻ ngụ cư.
Cộng đoàn Hội Thánh của Giao Ước Mới thời ban đầu hiệp một lòng một ý trong đức tin và lòng mến, nên để mọi sự làm của chung, phân phát theo nhu cầu. Sư phát triển nhanh chóng của cộng đoàn và sự thành lập các cộng đoàn khắp nơi đã dẫn tới hình thức chia sẻ giữa các cộng đoàn như chúng ta thấy trong sách Công Vụ Tông Đồ và trong các thư của thánh Phao-lô Tông Đồ: bao nhiêu cuộc quyên góp để giúp cộng đoàn Giê-ru-sa-lem bị đói kém (x. I Cor 9,1-15; CVTĐ 11,27-30)
Trong giây phút mà số phiếu đã cho thấy ngài thành Giáo Hoàng rồi, ngài vẫn ung dung tự tại, thả hồn theo hai chữ “người nghèo”, liên tưởng tới “người nghèo thành At-xi-di”, thánh Phan-xi-cô. Tràng pháo tay nổi lên cũng không cắt đứt được luồng tư tưởng ấy của ngài. Trong lúc cuộc kiểm phiếu tiếp tục thì ngài bận tâm về chiến tranh. Phan-xi-cô, người nghèo và người của hòa bình. “Cái tên Phan-xi-cô đã đi vào lòng tôi”! Thật là tuyệt vời. Kiểm chưa hết phiếu thì ngài đã chọn xong danh hiệu.
Sự tự do thanh thản trong tâm hồn của ngài thật tuyệt vời, được bầu làm Giáo Hoàng mà vẫn cứ thản nhiên. Nhưng cũng có thể nói người nghèo cuốn hút ngài đến nỗi trong giây phút cực kỳ trang trọng như thế mà lòng trí ngài cũng chỉ nghĩ về người nghèo.
Tràng pháo tay thì ngài nói là “như thường lệ”, “thông thường” vì đã Mật Nghị đã bầu được Giáo Hoàng, Mật Nghị đã xong nhiệm vụ, chứ không phải vì cá nhân ngài đắc cử. Tư tưởng ngài tiếp tục nối kết Phan-xi-cô –người nghèo – hòa bình –thọ tạo. Và cái tên Phan-xi-cô đã chiếm ngự lòng ngài.
Các phóng viên bên ngoài dự đoán xem ngài sẽ lấy danh hiệu nào, để dựa vào đó mà dự đoán đường lối, chương trình hành động của ngài trong tương lai.
Bây giờ thì rõ rồi đó, họ khỏi phải đoán mò nữa: Phan-xi-cô, người nghèo, hòa bình, bảo tồn thọ tạo. Và ngài nhắc khéo: “chúng ta đang có mối quan hệ không tốt lắm với thọ tạo phải không?”
Rồi ngài thốt lên nỗi lòng của mình về Hội Thánh: “Ôi, tôi mong ước biết bao có được một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”. Ngài đã diễn tả chương trình hành động của mình bằng cách nói lên một ước mong. Thật là khiêm tốn và cũng thật là mãnh liệt: chương trình hành động thoát ra tự đáy lòng chứ không phải từ cái đầu tính toán. Lời này gợi cho tôi nhớ lời Chúa Giê-su: “Thầy đã mang lửa đến thế gian và không ước mong gì hơn là thấy lửa ấy bừng lên” (Lc 12,49).
Vâng, thưa Đức Thánh Cha, Hội Thánh cũng mong đợi như thế từ hai mươi thế kỷ, từ khi Đức Giê-su Kitô công bố: “Phúc cho anh em là những người nghèo, vì Nước Trời là của anh em” (Lc 6,20). Đức Thánh Cha cứ dẫn đường, chúng con sẽ theo hết lòng, và bằng cả hai tay hai chân…
Đàng Sau Những Câu Nói Đùa Đề Nghị Danh Hiệu Cho Giáo Hoàng
Trước hết, sự kiện có những câu nói đùa trong giây phút trang trọng mang tính lịch sử ấy, bộc lộ trước hết là bầu không khí trong phòng họp, ngài đã có thái độ đơn sơ, giản dị thế nào khi công bố danh hiệu của mình vừa chọn để đi vào lịch sử, khiến các vị Hồng Y có thể nói đùa được với ngài, mà lại nói đùa về chính cái danh hiệu của ngài.
Hai danh hiệu được ngài kể lại là Adriano và Clê-men-tê XV.
Adrianô VI (9-1-1522 – 14-9-1523) là vị Giáo Hoàng cải cách, đắc cử khi ngài đang ở Tây Ban Nha, không có mặt tại Rô-ma. Vị Hồng Y đùa đề nghị cái tên này như biểu tượng tỏ ra là ngài muốn cải cách. Câu nói đùa này để lộ ra một bí mật: trong các buổi thảo luận, các Hồng Y đã nói nhiều về cải cách, và có lẽ chính Đức Hồng Y Bergoglio cũng đã nói nhiều về cải cách, nên mới có câu nói đùa hóm hỉnh, xúi chọn cái tên để mọi người thấy lập trường cải cách của mình.
Nhưng ngài đã có một biểu tượng cải cách khác: Phan-xi-cô, người nghèo thành At-xi-di mới thật là người cải cách, người cách mạng và đúng là nghèo, nghèo đến nỗi không có cả cái tên là cách mạng, là cải cách. Cái nghèo của “người nghèo thành At-xi-di” là cuộc cải cách để trở lại đúng con đường của “người nghèo làng Nazareth”: sinh ra không có chỗ để sinh, sống lang thang trên đường, chết bên lề đường, không có chỗ gối đầu, chết treo thập giá, trần truồng trước mắt mọi người; chết rồi cũng không có được một chỗ để chôn, phải nằm nhờ trong mộ của một người khác… “Một Giáo Hội nghèo và vì người nghèo” như Phan-xi-cô, để thật sự là môn đệ của Đức Giê-su Nazareth.
Câu nói đùa về cái tên Clêmêntê XV, với cái ý trả thù Giáo Hoàng Clêmentê XIV (15-8-1769–22-9-1774)người đã ký lệnh giải thể Dòng Tên ngày 16-8-1773, hiển nhiên là đùa trên căn cước Dòng Tên của ngài. Nói đùa ấy mà!
Nhưng ngài đã xuất trình căn cước Dòng Tên ngay khi xuất hiện trên bao lơn Đền Thánh Phê-rô: không mặc đầy đủ phẩm phục trang trọng như các vị Giáo Hoàng trước, và cũng chẳng theo nghi thức nào, ngay sau lời chào là xin cầu nguyện cho Đức Giám Mục nghỉ hưu của Rô-ma, Benedict XVI. Rồi cúi đầu xin mọi người cầu nguyện cho ngài trước khi ngài ban phép lành đầu tiên cho hết thẩy mọi người thành Rô-ma và cho toàn thế giới.
Bài giảng đầu tiên cũng lại xuất trình căn cước Dòng Tên: Đức Ki-tô chịu đóng đinh, đối nghịch với thế gian, với Xa-tan. Đó là bài linh thao Hai Cờ Hiệu. Chúa Giê-su sai các môn đệ đi rao giảng, căn dặn họ dùng ba phương thế: khó nghèo, ước ao chịu sỉ nhục cùng bị khinh chê, và lòng khiêm nhường để phá ba xiềng xích của Xa-tan: giàu sang, danh vọng và kiêu ngạo. Cầu xin ơn được nhận vào với Chúa Giê-su, dưới cờ thánh giá.
Chính chương trình ba điểm: người nghèo, hòa bình, bảo vệ môi sinh cũng là chương trình hành động của Dòng Tên do Tổng Hội 35 (2008) xác định: hòa giải con người với Thiên Chúa, với nhau và với thọ tạo; thăng tiến công bình. Và cái thái độ thanh thản, sẵn sàng ngay cả khi nghe tên mình đắc cử làm Giáo Hoàng, cũng thể hiện tinh thần của người Dòng Tên: sẵn sàng để được sai đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ nhiệm vụ gì vì lợi ích của Chúa Ki-tô và Hội Thánh… Với ngài thì sẵn sàng … kể cả làm Giáo Hoàng!
Và mới nhất, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin “Angelus Domini” đầu tiên, chính ngài lại nói đùa về Đại Học Gregoriana khi kể chuyện bà cụ 80 xin xưng tội… Sau khi nghe bà trả lời thật thông thái, “Tôi định hỏi : “Bà có học ở đại học Gregoriana không vậy?” Chỉ có một người Dòng Tên mới có thể nói đùa trước bàn dân thiên hạ về một đại học ở Rô-ma đã được vị tiền nhiệm lâu đời của ngài giao cho Dòng Tên ngay từ thời thánh I-nha-xi-ô.
L.m. Nguyễn Công Đoan, S.J.
(1) Khó dịch cho hết ý nghĩa của chữ “lớn” ở đây: người bạn rất thân, rất đáng tin cậy, có thể chia sẻ, soi sáng, làm cố vấn cho tôi.
(2) Khi cha Adolfo Nicolás đắc cử làm Bề Trên Cả Dòng Tên thì cũng có một anh em nói với ngài: “Đừng quên người nghèo”. Ngài cũng nhắc lại chuyện này trong bài giảng đầu tiên.