Câu chuyện đêm Giáng Sinh

Nhân Mùa Giáng Sinh, có thính giả gửi email hỏi Nguyễn Phương: Tại sao sân khấu cải lương trình diễn những vở tuồng về Tiên, về Phật, những tuồng về chuyện Liêu Trai ma quái mà lại chẳng có tuồng đề cập đến đạo Chúa, đến Lễ Giáng Sinh. Ông lại hỏi trong ngày Lễ Giáng Sinh, có nghệ sĩ nào hay đoàn hát nào tổ chức cho nghệ sĩ đi nhà thờ xem lễ hay tổ chức tiệc nửa đêm mừng Thiên Chúa giáng sinh không.

Theo tôi nghĩ, nghệ sĩ cải lương, công nhân sân khấu, soạn giả hay bầu gánh hát đều là những người thờ ông Tổ cải lương, theo đạo thờ cúng tổ tiên ông bà và đạo phật. Soạn giả cải lương không biết rành về đạo Thiên Chúa nên không dám viết tuồng để nói đến những điều mà mình không biết. Trong đêm Noel, đoàn hát cũng phải hát và vì nghệ sĩ không có đạo Chúa nên không có nghệ sĩ nào đi nhà thờ xem lễ hoặc tổ chức tiệc nửa đêm.

Nhưng từ năm 1962 trở về sau, mỗi lần Noel, nữ nghệ sĩ Thanh Nga tổ chức tiệc nữa đêm mừng Chúa Giáng Sinh ngay tại nhà cô, mời nhiều nghệ sĩ trong đoàn và đặc biệt cho hai em Mộc và Mão cùng tham dự. Hai em Mộc và Mão tuy là người giúp việc cho đoàn hát nhưng lại là hai nhân vật chính trong câu chuyện thương tâm xảy ra trong dịp Noel làm cho cô Thanh Nga và nhiều nghệ sĩ rất xúc động thương cảm. Sau đó, cô Thanh Nga tuy thờ tổ nghiệp nhưng cô cũng tin có Chúa ở trên trời, mỗi năm Thanh Nga đến nhà thờ một lần vào dịp Noel và tổ chức tiệc nửa đêm để cho hai em Mão và Mộc chung vui, đồng thời gợi nhớ một kỷ niệm rất đẹp của các nghệ sĩ đoàn Thanh Minh Thanh Nga trong dịp Noel năm 1962.

Câu chuyện như sau: Năm 1962, đoàn Thanh Minh Thanh Nga hát ở rạp Biên Hùng, tỉnh Biên Hoà. Vì đoàn hát thường diễn tuồng xã hội cận đại, trang trí những cảnh nhà giàu có bộ salon đẹp, tủ thờ hoặc tủ trưng bày đồ mỹ nghệ. Bà bầu Thơ nhờ tôi và hoạ sĩ Phan Phan đi đến các xưởng mộc đóng bàn ghế ở Hố Nai, Gia Kiệm để lựa mua. Cô Thanh Nga muốn mua một cái tủ bàn phấn bằng gỗ cây nu nên cô cùng đi với chúng tôi. Anh Năm Địa, tài xế của bà bầu Thơ lái xe đưa chúng tôi đi, anh đến gần Nhà thờ Gia Kiệm để có chỗ đậu xe. Tôi và hoạ sĩ Phan Phan định đi lựa mua bộ salon ở gần đó, nhưng cô Thanh Nga thấy trong sân nhà thờ có trưng bày hang Bethlehem rất đẹp nên cô kêu chúng tôi cùng vào xem.

Lần đầu tiên Thanh Nga thấy được hang Bethlehem, cô ngắm nhìn tượng nhỏ rất đẹp của Chúa Hài Đồng, tượng Đức Mẹ Maria, ông Thánh Giuse, hình Thiên thần, hình Ba Vua, mục đồng, dê, cừu, bò… Thanh Nga thích lắm nên đứng ngắm nghía hoài không muốn đi nơi khác. Một bà Sơ biết Thanh Nga là người ngoại đạo vì cô vô nhà thờ mà không biết làm Dấu Thánh Giá, bà Sơ đi bên cạnh Thanh Nga giảng giải sự tích Chúa Giáng Sinh. Tôi và hoạ sĩ Phan Phan cũng đi theo nghe bà Sơ kể chuyện.

Một cô gái độ 14 tuổi, mặc áo rách vai, ốm yếu, nước da trắng xanh, đi theo sau lưng Thanh Nga. Cô bé cầm một tấm bìa carton quạt quạt cho Thanh Nga. Cô Thanh Nga cảm thấy mất tự nhiên vì giữa nơi công cộng mà có người đi theo sau lưng quạt như trong tuồng hát trên sân khấu nên Thanh Nga quay lại nói: “Cám ơn em, em đừng quạt cho chị nữa. Chị không nực đâu”.

Cô bé nói: “Mồ hôi của cô thấm áo sau lưng kìa… trên trán cũng lấm tấm giọt mồ hôi…”.

Thanh Nga lấy khăn lau mồ hôi rồi nói: “Vậy thì em cho chị mượn tấm carton đó, chị tự quạt được rồi. Em đâu biết chị là ai đâu, sao tốt với chị quá vậy?”.

Cô bé buộc miệng nói mau: “Cô đẹp như thiên thần…”.

Sao lại nói thế!…”, bà Sơ không bằng lòng khi nghe cô bé ví Thanh Nga đẹp như thiên thần. Cô bé nghe bà Sơ nhắc nhở, em trao tấm carton cho Thanh Nga rồi vội vàng chạy đi nơi khác.

Bà Sơ cho biết em bé tên Mão, cha mẹ em mất sau một năm đến định cư tại Gia Kiệm. Mão sống với anh ruột, tên Mộc, 17 tuổi. Anh trai của bé Mão giúp việc cho trại thợ mộc gần đó, còn Mão thì đi bán khoai lang luộc và tới quét dọn nhà thờ mỗi sáng và những ngày lễ, thầy Cả và các Sơ thường cho gạo, bắp hoặc một ít tiền để hai anh em sống qua ngày. Hai anh em không nhà, họ che một tấm tôn làm mái sát sau vách nhà thờ để tạm trú, che mưa tránh nắng.

Cô Thanh Nga nghe chuyện của bé Mão, cô rất xúc động. Sự gặp gỡ của Thanh Nga và bé Mão tuy là ngẫu nhiên nhưng phải nói là có duyên với nhau. Vì sau đó khi Thanh Nga ra đến bờ lộ thì thấy bé Mão đứng chờ kế bên xe của Thanh Nga. Thanh Nga mở bóp lấy 20 đồng cho em. Bé Mão không nhận tiền và nói: “Em thích cô nên ra đây để được nhìn cô, em không xin tiền…”.

Thanh Nga cũng nhét tiền vào tay cô bé rồi nói: “Chị cũng thích em nên cho tiền để em mua quà, em không nhận, chị giận đó!

Mão nói: “Nếu cô thích em thì cô cho em theo giúp việc cho cô đi. Em không biết nấu ăn nhưng em giặt giũ, quét dọn hoặc làm những việc khuân vác nặng nhọc được. Em không lãnh lương, chỉ xin cô cho em cơm ăn, áo mặc và ngủ trong nhà xe hay ở dưới bếp cũng được. Em mồ côi, anh của em đi làm không đủ tiền để tự lo cho ảnh nên em cũng phải tự lo cho em”. Cô bé nói tới đó rồi bỗng ôm mặt khóc.

Thanh Nga nói: “Chị cũng phải xin phép má của chị, nếu má hổng đồng ý thì chị cũng không biết làm sao mà giúp em. Tối nay em với anh của em tới rạp hát, vô hậu trường nói chị Thanh Nga biểu tới…”.

Đêm đó, hai anh em Mộc và Mão tới rạp hát Biên Hùng. Anh Mười Âm Phi cần một người phụ giúp anh kéo dây micro trong mỗi đêm hát nên anh xin bà bầu thu nhận em Mộc vô ban âm thanh của anh. Thanh Nga cũng xin mẹ nhận cho em Mão theo giúp việc để lo tủ làm tuồng cho cô. Cô bé Mão mừng quá, rối rít cám ơn Thanh Nga rồi quay về hướng nhà thờ, làm dấu Thánh, lẩm bẩm đọc kinh cám ơn Chúa.

Hai anh em Mộc và Mão không có hành lý hay nhà cửa gì để thu xếp, hai người chỉ có mỗi người một bộ y phục dính da nên hai anh em theo đoàn hát luôn đêm đó. Đây là đêm đầu tiên trong đời, hai anh em Mộc và Mão được cô Thanh Nga cho tiền, ra quán cơm bên hông rạp hát, ăn một bữa thật ngon và thật no lòng. Đêm đó hai anh em được ngủ trên sân khấu, có mùng mền của bà Sáu đồ hội cho mượn. Hôm sau bà bầu Thơ đưa tiền cho bà Sáu đi chợ Biên Hoà mua mùng mền, hai bộ quần áo và áo lạnh cho hai anh em Mộc và Mão vì đoàn hát sẽ đi diễn bán dàn ở Đà Lạt.

Đến Dà Lạt, bà bầu Thơ, Thanh Nga, Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Kim Giác, Út Bạch Lan, Thành Được, Hữu Phước, Phan Phan và soạn giả mướn phòng ở khách sạn Palace, bé Mão và cô Liễu Thuận, hai người giúp việc cho Thanh Nga, cũng được ở một phòng nhỏ gần phòng của cô Thanh Nga. Một số đào kép khác với các anh dàn cảnh, chuyên viên ánh sáng và âm thanh chia nhau chỗ ngủ trong rạp Hoà Bình. Em Mộc ở chung một chỗ với anh Mười Âm-pli.

Buổi chiều ngày 24-12, Hữu Phước nhớ là ngày Chúa Giáng Sinh, anh mua một băng nhạc Giáng Sinh, đưa cho anh Mười Âm-pli nhờ hát phát loa trước rạp hát. Chúng tôi uống cà phê phin trong quán bên kia đường, ngồi lắng nghe. Nhạc mở đầu là hồi chuông giáo đường đổ, ngân dài trong không gian se lạnh. Tiếng ca nghe trầm ấm, lan toả trên không trung của một thành phố đầy hoa và đèn ngôi sao lấp lánh:

Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời,
Nằm trong hang đá nơi máng lừa.
Trong hang Bê Lem, ánh sáng toả lan tưng bừng
Nghe trên không trung, tiếng hát thiên thần vang lừng
Đàn hát (réo rắt tiếng hát), xướng ca (dư âm vang xa)
Đây Chúa Thiên Toà giáng sinh vì ta,
Người hỡi! (hãy kíp bước tới)
Đến xem (nơi hang Bê Lem)
Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn…


Nghệ sĩ Hoàng Giang đi chơi về, nghe loa phát thanh bài hát Đêm Thánh Vô Cùng, anh phát la lên: “Trời đất! Bộ muốn mạt hay sao mà rạp hát lại hát bài Đêm Đông lạnh lẽo… Lạnh lẽo là vắng khách đó, mấy cha! Thay bài hát quảng cáo khác đi…”. Vậy là Hữu Phước và Hoàng Giang cãi nhau về cái vụ nên tin hay không tin dị đoan qua bài hát quảng cáo. Tôi và Phan Phan quan tâm đến một chuyện khác: Chúng tôi thấy cô bé Mão đứng tựa cửa rạp hát, lắng nghe “Đêm đông lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời” một cách say sưa thành kính. Cô bé chấp tay như khấn nguyện…

Cô Liễu Thuận từ trong rạp ra, thấy vậy, nhảy tới hù một tiếng lớn. Bé Mão giật mình, la: “Giời ơi! Chết tôi rồi!” Cô bé khóc liền sau đó. Tôi đến nói với Mão: “Chị em giỡn với nhau như vậy, có gì mà mày khóc”.

Con đang cầu nguyện Chúa, con bị hù, giật mình, cầu nguyện chưa xong…

Thì mày cầu nguyện lại, Chúa còn ở trên trời… chớ có đi đâu đâu mà mày sợ Chúa không nghe…Mà mày cầu xin Chúa điều gì… Nếu muốn thành đào hát thì thắp nhang lạy ông Tổ nghiệp trong rạp hát kìa… Còn cầu xin Chúa thì… tao không hiểu mày muốn xin Chúa điều gì…

Con muốn đến giáo đường rước lễ, muốn đọc kinh Kính Mừng vào giờ Chúa giáng sinh…

Tôi nói: “Tao mà còn không biết nhà thờ trên Đà Lạt này ở đâu, gánh hát mới tới đây, mày đừng có đi ẩu, lạc đường rồi bị chết lạnh đó, nghe không. Với lại mày giúp việc cho cô Thanh Nga, muốn đi đâu phải xin phép cô Nga, biết chưa”.

Đêm đó khách sạn Palace tổ chức tiệc nửa đêm ở khách sạn, bà bầu Thơ đóng tiền dự tiệc cho tất cả chúng tôi. Chuông nhà thờ vọng lại, âm vang… xa vắng. Ông chủ khách sạn mời bà bầu Thơ và tất cả khách dự tiệc cùng nâng ly rượu chúc mừng Giáng Sinh. Cuộc tiệc mới bắt đầu mà đã ồn ào náo nhiệt. Tiệc có rượu chat, gà lôi quay, pâté, thịt nguội, bánh mì, bơ, fromage và những nụ cười, những tiếng nói thân tình. Các nghệ sĩ chuốc rượu cho nhau, những tiếng hô “Vô Vô” cổ vũ cho cuộc thi uống rượu khiến cho bầu không khí trong khách sạn như được hâm nóng bừng lên.

Tôi nhìn quanh không thấy cô bé Mão, liền hỏi Thanh Nga sao không cho cô bé đó cùng dự tiệc. Thanh Nga tưởng là cô bé đi ngủ sớm rồi, bà bầu Thơ bảo cô Liễu Thuận đi gọi bé Mão thức dậy, ra ăn tiệc với mọi người cho vui và đỡ nhớ nhà. Tiệc rượu càng lúc càng ồn ào náo nhiệt thì Liễu Thuận hơ hãi chạy đến la lên: Con Mão mất tích… Con Mão mất tích rồi… Liễu Thuận đã về phòng của cô và Mão ở, không có Mão ở đó, mà kiếm khắp các phòng của bà bầu, của Thanh Nga và các nghệ sĩ, không tìm thấy cô bé Mão ở đâu cả.

Cuộc tiệc đang ồn ào náo nhiệt, cái tin bé Mão bị mất tích như thùng nước lạnh xối tắt đóm lửa vừa nhen nhúm lên. Tôi nói: Hồi chiều cháu Mão muốn đi nhà thờ để rước lễ, tôi không biết nhà thờ ở đâu, nếu có người dẫn đường, có thể kiếm được bé Mão. Bà bầu Thơ nói: “Phải cho người đi kiếm con Mão về. Mình nhận con của người ta theo đoàn hát, không thể để cho nó đi đâu mất được. Ông chủ khách sạn cho người bồi phòng dẫn tôi đi đến Nhà thờ Domaine de Marie hay Nhà thờ Con Gà để tìm, Phan Phan và Kiên Giang cùng đi với tôi.

Anh Hoàng Giang đề nghị tổ chức thêm 4 toán, đi 4 ngã đường để tìm con Mão. Hoàng Giang cầm đầu một toán, Hữu Phước một toán, Kim Quang và Minh Điển đi thành hai toán nữa. Trước khi đi, Hoàng Giang dặn ông chủ khách sạn khoan dẹp bàn tiệc vì khi kiếm được con Mão về, anh em sẽ ăn nhậu tiếp cho đến sáng.

Khách đi lễ nửa đêm đã vắng trên đường, ba chúng tôi và anh bồi phòng như 4 kẻ lạc loài giữa chốn hoang vu. Kiên Giang bỗng cao hứng, ngâm mấy câu thơ:

Đêm hiện dần lên những chấm sao,
Lòng trời đương thấp, bỗng nhiên cao,
Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh
Ai biết cầu Ô ở chỗ nào.


Tôi nói: Câu thơ thứ tư phải đổi lại như vầy: Con Mão giờ đây lạc bến nào. (rồi tôi ngâm lại 4 câu):

Đêm hiện dần lên những chấm sao,
Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao,
Sông Ngân Đã tỏ đôi bờ lạnh,
Con Mão giờ đây lạc bến nào.


Phan Phan cười hề hề: Lạnh thấy mẹ mà thơ thẩn gì nổi… bỗng anh la lớn: Kìa kìa, phải con Mão đó không… một đống nằm lù lù bên đường kìa…

Tôi chạy lại, đỡ lên, tôi la: Đúng là con Mão nè… Nó lạnh cúm, muốn xỉu nè…

Tiếng Mão nói run run, thật yếu: Ông ơi, cứu con, con lạnh quá… Cứu con.

Tôi cởi chiếc áo mưa hai lớp mà tôi đang mặc để chống lạnh, trùm cho nó, cho nó ngậm một viên kẹp ho để cho ấm lại. Anh bồi phòng vác nó lên vai, chạy thật nhanh về khách sạn. Ba đứa chúng tôi chạy theo sau, vừa chạy vừa la: Kiếm được con Mão rồi, kiếm được con Mão rồi…Về đến khách sạn, con Mão được để gần lò sưởi, ông chủ khách sạn cho nó uống một chút nước súp nóng. Da mặt của nó trở lại hồng hào. Bà Bầu Thơ không có ngủ, biết kiếm được Mão bà bèn xuống xem nó ra sao. Nhiều nghệ sĩ về đến. Con Mão tỉnh lại, nó thấy Bà Bầu và Thanh Nga, nó sợ quá, lúc đó em Mộc, anh của Mão cũng vừa đến, hai anh em ôm nhau mà khóc.

Em Mộc đến trước bà Bầu, khoanh tay lại nói: Thưa bà, thưa các bác các chú, em con muốn đến nhà thờ để cầu nguyện cho mẹ… Con đã đi nhà thờ cầu nguyện cho mẹ con mà không dẫn em đi vì em con giúp việc cho cô Ba, con không muốn em nó bê trễ phận sự. Mẹ con mất vào ngày 24-12, ngày Lễ Chúa Giáng Sinh. Hồi đó mẹ con đau nặng, mẹ muốn đến hang Bê Lem, nhìn tượng Chúa Hài Đồng và Đức Mẹ Đồng Trinh để cầu nguyện… Con và em con dìu mẹ đi đến hang đá của giáo đường, nhưng đi gần tới thì mẹ quỵ xuống, mẹ đã về Nước Chúa mà không thực hiện được nguyện vọng cuối cùng… Mẹ muốn nguyện cầu trước tượng Chúa Hài Đồng mà không được. Em con muốn thay mẹ đọc kinh Kính Mừng…

Nghe Mộc nói đến đây, con Mão oà khóc lớn. Hai anh em nó ôm nhau mà khóc.

Thanh Nga nói: Muốn cầu nguyện cho mẹ thì ở đây cũng có hang đá, có tượng Chúa Hài Đồng, tượng Đức Mẹ Maria, sao không ở đây cầu nguyện?…

– Dạ, vì ở đây sang trọng quá, nhiều cô bác, ông bà, em không dám. Khi đi nhà thờ, em đi chưa tới nhưng lạnh quá, cóng tay, cóng chân, đi không nổi nữa, em khuỵu xuống, tưởng chừng giống như mẹ đã về Nước Chúa khi đi chưa tới hang Bê Lem… Em sợ quá, muốn kêu cứu mà kêu không được. Nếu các ông không tới kịp thì có lẽ em đã về Nước Chúa theo mẹ rồi…

Nó càng nói càng khóc, bà bầu Thơ lắc đầu, gạt nước mắt, đi chậm chậm trở về phòng của Bà. Cuộc tiệc tưởng sẽ được tiếp tục nhưng một nỗi buồn lây lan đến với mọi người, anh em lặng lẽ trở về phòng mình.

Đó vì chuyện của Mão mà hằng năm Thanh Nga tổ chức tiệc nửa đêm, lắng nghe những bài thánh ca, hồi tưởng lại một thời đẹp đẽ giữa tình nghệ sĩ đối với nhau trong hoàn cảnh sống xa nhà.

Ngày nay ở xứ người, mỗi dịp Noel, nghe tiếng chuông giáo đường ngân vang, nghe nhạc khúc Đêm Thánh Vô Cùng, tôi bồi hồi nhớ lại chuyện cũ năm xưa. Hồi đó sao mà người nghệ sĩ lại có thể thương mến nhau một cách rất chân tình như vậy.

Nguyễn Phương
Chủ Nhật 25-12-2011
Kỷ niệm Giáng Sinh với nghệ sĩ đoàn Thanh Minh Thanh Nga

Exit mobile version